[Khoá đào tạo 12 tháng] Tìm Giải Pháp – Vấn nạn và tầm nhìn

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Cây Vấn Đề mô tả một vấn nạn qua hình ảnh. Vấn nạn cũng có thể được mô tả qua lời văn. Lời mô tả vấn nạn không chỉ nêu lên hiện trạng mà còn phải giải thích căn nguyên và hệ quả đối với những các thành phần thuộc đối tượng phục vụ. Trong ví dụ về phụ nữ bị bạo hành gia đình, lời mô tả vấn nạn có thể là:

“Ý thức cộng đồng kém về bạo hành gia đình, thành kiến trọng nam khinh nữ, và khung luật lỏng lẻo về trừng phạt thủ phạm và bảo vệ nạn nhân dẫn đến tình trạng nhiều phụ nữ ở Huyện ABC bị bạo hành gia đình. Điều này gây thảm cảnh cho nhiều gia đình, ảnh hưởng đến việc học của các trẻ em trong gia đình, và làm cho các chương trình xã hội bị quá tải. Hậu quả dài lâu là tệ nạn xã hội sẽ kéo dài và lan rộng.”

Đấy là khởi điểm, tức điểm A, của lộ trình mà ở đây chúng ta gọi là giải pháp.

Điểm đến của giải pháp được gọi là mục đích, là điểm B. Đặc tính của mục đích là luôn luôn thể hiện sự thăng tiến về phúc lợi cho đối tượng phục vụ so với hiện trạng.

Tầm nhìn

Một vấn nạn càng phức tạp, căn nguyên càng sâu, càng phải mất nhiều thời gian để đạt mục đích. Vì thuộc về tương lai xa, mục đích thường mang tính cách khái quát, trừu tượng, khó định lượng. Nó như một hải đăng ở xa tít, giúp định hướng để chúng ta không đi lạc trên biển cả mênh mông, nhưng vì ở quá xa nên không rõ nét.  

Chính vì tính cách tầm xa, khái quát, và trừu tượng của mục đích, chúng ta cần có cách mô tả để tạo cảm hứng, tạo niềm phấn chấn cho người khác. Vì đặc tính này, nhiều khi mục đích được gọi là tầm nhìn, là viễn kiến. Tầm nhìn vẽ ra hình ảnh về trạng thái của đối tượng phục vụ khi vấn nạn đã được giải quyết.

Tầm nhìn còn là động lực, nguồn cảm hứng để những người cùng chung chí hướng có thêm quyết tâm, nghị lực để vượt lên phía trước. Ví dụ, đối với những người theo đuổi lý tưởng tự do thì tầm nhìn là một xã hội nhân văn, nơi con người được tôn trọng quyền làm người, quyền công dân, và đời con cháu mình sẽ có nhiều cơ hội vươn lên. Nhờ có tầm nhìn, họ vững tiến, chấp nhận gian nguy và không sờn lòng trước thử thách.

Mô tả tầm nhìn

Trước hết, chúng ta cần tự hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra cho đối tượng phục vụ khi vấn nạn của họ được giải quyết? Họ sẽ sống, sinh hoạt ra sao? Sau đó chúng ta viết một đoạn văn mô tả, gợi lên hình ảnh của đối tượng phục vụ khi đạt ước nguyện. Hình ảnh về một tương lai xa xăm ấy phải đủ sống động để truyền cảm hứng.

Ví dụ: Các phụ nữ bị bạo hành gia đình ở Huyện ABC sẽ được sống trong sự an toàn, được tôn trọng nhân phẩm, không còn lo bị bạo hành, không phải từ bỏ quyền giữ và chăm sóc con cái, và con cái có được đời sống ổn định và tương lai được bảo đảm.

Lưu ý:

  • Đoạn văn mô tả phải được thiết kế như sau: “Đối tượng phục vụ [hoặc một thành phần của đối tượng phục vụ] sẽ _______”
  • Các động từ trong đoạn văn phải mô tả trạng thái vì mục đích là điểm đến; tránh dùng các động từ mang tính cách hành động như thể vẫn còn đi trên hành trình, chưa đến.
  • Đối tượng phục vụ càng cụ thể thì càng dễ mô tả tầm nhìn.

Một ví dụ về tầm nhìn, rất sống động và gợi cảm hứng, có thể tìm thấy trong bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng:  

Em mơ cùng tôi nhé

Bóng ngày mai quê hương

Đường hoa khô ráo lệ…

Bao giờ tôi gặp em lần nữa

Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa.

Mấy câu thơ này mô tả một ngày mai khi không còn giặc giã, chiến chinh thì những thảm cảnh, những bi thương sẽ được thay bằng nỗi vui và niềm hạnh phúc của mọi người dân xứ Việt.

Cách thứ hai là mô tả bằng tranh vẽ hay ảnh chụp. Điển hình là cảnh thái bình trong dưới đây, mà qua đó người Tây Nguyên gửi gắm ước vọng đời sống thái bình, cuộc sống văn minh mà văn hoá cổ truyền vẫn được bảo tồn. ​Trong hình, các thiếu nữ đang múa các vũ điệu truyền thống, các trẻ em được đến trường, người đau yếu được chăm sóc, chợ búa và các sinh hoạt cộng đồng nhộn nhịp và ánh sáng của đời sống văn minh được dẫn đến từng nhà. Đất đai tổ tiên, núi rừng của họ được bảo tồn, môi sinh được gìn giữ trong lành.  

Tầm Nhìn Tây Nguyên

Hình 1. Tầm nhìn của một cộng đồng Tây Nguyên

Thêm một ví dụ

Trong ví dụ của cộng đồng người Hmong ở Tiểu Khu 179, lời mô tả vấn nạn là: “Chính sách hạn chế tự do tôn giáo đã dẫn đến việc người Hmong phải di cư từ miền Bắc vào Tây Nguyên. Nơi đây họ không được chính quyền địa phương công nhận là cư dân hợp pháp. Người dân lại yếu kém về năng lực và kiến thức để có thể tranh đấu cho quyền và lợi ích của mình. Quốc tế không biết đến họ để can thiệp. Tình trạng không giấy tờ tuỳ thân do đó đã kéo dài từ 2 thập niên qua. Hậu quả là người dân bị cô lập, các gia đình khó khăn về sinh kế, và nhiều trẻ em không được đến trường.”

Lời mô tả tầm nhìn là: “Người dân ở Tiểu Khu 179 được cấp thẻ căn cước công dân, các gia đình đều có hộ khẩu, và mọi người được hưởng đầy đủ quyền công dân. Họ được tiếp cận thế giới văn minh và có nhiều cơ hội tiến thân. Con em của họ được đến trường, nuôi mơ ước đổi đời, và sẽ đưa cả cộng đồng đi lên.”

Kết luận

Tầm nhìn, tức điểm B, là những gì mà đối tượng phục vụ mong muốn đạt được khi giải pháp được thực thi thành công.

Tầm nhìn thường không phụ thuộc điểm A, tức là không phụ thuộc vào điểm xuất phát. Nhiều người, xuất phát từ những cảnh ngộ khác nhau, vẫn có thể chia sẻ cùng một ước vọng chung. Quang Dũng đã mô tả giấc mơ chung của những người chẳng hề biết nhau, những cuộc đời chưa một lần hạnh ngộ:

Em ở thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Khi có điểm A, là hiện trạng của vấn nạn, và điểm B, là tầm nhìn, chúng ta có thể vạch ra một lộ trình để tiến từ A đến B. Lộ trình ấy, cùng với kế hoạch tiến bước, chính là giải pháp.

Có vô số những đường nối từ điểm A đến điểm B. Nghĩa là, để đi từ A đến B, người ta có thể chọn những lộ trình khác nhau. Mỗi lộ trình là một giải pháp. Chọn giải pháp nào tuỳ thuộc những yếu tố nội tại và ngoại tại của đối tượng phục vụ và của người hoặc nhóm người thực thi giải pháp.

Bài đọc thêm: Phận người sắc tộc Tây Nguyên (Phần 3): Nỗ lực vượt thoát và lối ra

Viết một bình luận