Ts. Nguyễn Đình Thắng
Nếu hiện tượng mang tính bất thường, nghĩa là chỉ xảy ra một lần, thì chỉ cần can thiệp điều chỉnh và không cần quan tâm thêm nữa. Nếu hiện tượng lập đi lập lại thì đó là dấu hiệu của vấn đề mang tính hệ thống, được gọi tắt là vấn nạn. Khi ấy cần phải tìm giải pháp. Trong trường hợp đối tượng phục vụ cùng lúc đối mặt nhiều vấn nạn, thì mỗi vấn nạn đòi hỏi một giải pháp riêng.
Khi được khảo sát hiện trạng, đối tượng phục vụ có thể nêu ra nhiều vấn đề. Các vấn đề liên quan mật thiết với nhau trong quan hệ nhân-quả phải được gom lại thành một nhóm. Bước kế tiếp là truy nguyên nhân đằng sau các hiện tượng lập đi lập lại.
“Cây Vấn Đề” (Problem Tree) là công cụ luận lý (còn gọi là lô-gíc) để truy căn nguyên của một vấn nạn bằng những chuỗi quan hệ nhân-quả.
Hình 1. Minh hoạ về Cây Vấn Đề
Thân Cây: Mô tả vấn nạn mà đối tượng phục vụ gặp phải và chúng ta muốn giúp họ giải quyết. Ví dụ: Phụ nữ ở Huyện ABC bị bạo hành gia đình.
Cành Cây: Mỗi nhánh cây là một chuỗi hệ quả tạo ra bởi vấn nạn cho từng thành phần của đối tượng phục vụ. Ví dụ: Nạn nhân của sự bạo hành bị ảnh hưởng sức khoẻ; con cái của họ bị tác động tiêu cực về học vấn; thân nhân bị thêm gánh nặng… Từ mỗi cành chính lại có thể trổ ra những cành phụ, là hệ quả tầng 2, tầng 3. Chẳng hạn, do sức khoẻ bị ảnh hưởng, nạn nhân không thể đi làm để tạo thu nhập; con cái phải bỏ học; người trong nhà gấu ó nhau vì mâu thuẫn tăng…
Ngoài ra, cành cây cũng có thể bao gồm các yếu tố tác động đến hoặc chịu ảnh hưởng của đối tượng phục vụ. Chẳng hạn, chương trình xã hội giúp nạn nhân bạo hành gia đình cũng có thể nằm trong chuỗi hệ quả. Tình trạng bạo hành gia đình tăng sẽ làm kiệt quệ nguồn lực của các chương trình xã hội, và chính nạn nhân sẽ bị ảnh hưởng dội ngượci: sự giúp đỡ mà họ nhận từ các chương trình xã hội sẽ giảm.
Rễ Cây: Mỗi rễ cây là một chuỗi nguyên nhân tạo ra vấn nạn. Nguyên nhân gần nhất, còn gọi là nguyên nhân tầng 1, là nguyên nhân tác động trực tiếp đến vấn nạn nhưng có thể không phải là nguyên nhân gốc. Nó có thể bị tác động bởi nguyên nhân sâu hơn, ở tầng 2, hoặc sâu hơn nữa. Những nguyên nhân ở tầng sâu nhất được gọi là những nguyên nhân gốc hoặc những căn nguyên.
Muốn giải quyết một vấn nạn thì phải tác động đến các căn nguyên. Nếu chỉ đối phó hệ quả thì giống như xức dầu ngoài da cho người bị nội thương. Ngay cả khi tác động đến nguyên nhân nhưng không phải nguyên nhân gốc thì sự thay đổi cũng chỉ được một thời gian, xong đâu lại vào đó vì yếu tố căn nguyên sẽ kéo tình trạng trở lại như cũ.
Dưới đây là Cây Vấn Đề cho ví dụ kể trên.
Màu nâu là ”thân cây”. Trên đó là “cành cây”. Dưới đó là “rễ cây”. Tìm giải pháp cho một vấn nạn, phần rễ cây là tối quan trọng. Nó ẩn dưới mặt đất, không dễ phát hiện nhưng lại chính là yếu tố duy trì vấn nạn và, nếu không được giải quyết, thường làm cho vấn nạn trở nên trầm trọng hơn.
Hình 2. Phần “cành cây”
Hình 3. Phần “rễ cây”
Cây Vấn Đề là chuỗi tương quan lô-gíc nhân quả từ gốc đến ngọn. Khi thiết kế Cây Vấn Đề, người sử dụng phải luôn kiểm tra mối tương quan nhân-quả từ dưới lên trên.
Có 2 cách để phối kiểm quan hệ nhân-quả:
- Qua công trình nghiên cứu: Thường chỉ khả thi đối với những vấn nạn lớn và tổ chức có nguồn lực dồi dào.
- Qua kinh nghiệm và suy luận: Đòi hỏi sử kiểm chứng và điều chỉnh các giả định về quan hệ nhân-quả trong suốt quá trình thực thi giải pháp. Chẳng hạn, khi nhân ở tầng dưới xê dịch nhưng quả ở tầng trên không thay đổi thì có nghĩa là quan hệ nhân-quả rất mong manh hoặc không có. Khi ấy Cây Vấn Đề cần được điều chỉnh.
Cách thiết kế Cây Vấn Đề
Thiết kế bằng 3 bước:
(1) Vẽ thân cây giữa trang giấy và mô tả tóm tắt vấn nạn.
(2) Dùng các mẩu giấy rời để ghi xuống tất cả những giả định về nguyên nhân.
(3) Sắp xếp các mẩu giấy này thành chuỗi quan hệ nhân-quả từ dưới lên trên; loại bỏ những nguyên nhân giả định nào không thể đặt vào chuỗi quan hệ nhân-quả.
Khi hoàn tất thì sẽ có phần nửa dưới — phần “rễ cây” — của Cây Vấn Đề. Làm y như vậy cho phần nửa trên — phần “cành cây”.
Hình 3 là quan hệ nhân-quả cho ví dụ về phụ nữ ở Huyện ABC bị bạo hành gia đình.
Theo Cây Vấn Đề này thì có 3 căn nguyên:
- Ý thức cộng đồng kém về bạo hành gia đình, cho nên có ít tổ chức ở địa phương chuyên về bài trừ nạn bạo hành gia đình hoặc giúp đỡ cho nạn nhân, dẫn đến tình trạng rất ít dịch vụ hỗ trợ để nạn nhân có thể tiếp cận. Kết quả là nạn nhân không thể nương tựa vào cộng đồng hoặc xã hội khi gặp nạn.
- Nhiều gia đình còn nặng thành kiến trọng nam khinh nữ, chồng chúa vợ tôi, cho nên không bảo bọc hoặc bênh vực nạn nhân mà nhiều khi đổ lỗi cho nạn nhân, dẫn đến tình trạng nạn nhân bị cô lập hoặc cô đơn về mọi mặt. Kết quả là nạn nhân không thể nương tựa vào gia đình, thân nhân.
- Khung luật lỏng lẻo về trừng phạt thủ phạm và bảo vệ nạn nhân bạo hành gia đình dẫn đến tâm lý vô can nơi kẻ bạo hành. Điều này đóng góp cho sự gia tăng hành vi bạo hành. Đồng thời, khung luật lỏng lẻo không bảo vệ được nạn nhân và do đó nạn nhân cũng không thể trông đợi gì nơi luật pháp.
Phần trên của cây vấn đề nêu lên những hệ luỵ của bạo hành gia đình. Mỗi cành cây cũng là một chuỗi quan hệ nhân-quả từ thấp lên cao.
Một số điểm chung của Cây Vấn Đề
Có khi Cây Vấn Đề được thiết kế một cách khá phức tạp với rễ chằng chịt và nhánh rậm rạp.
Hình 4. Một Cây Vấn Đề phúc tạp (nên tránh)
Thực ra, ít khi nào cần quá 3 nhánh rễ cây: 1 nhánh thể hiện vấn đề nội tại của đối tượng phục vụ; 1 nhánh thể hiện yếu tố gây hại; 1 nhánh thể hiện yếu tố hỗ trợ mà đối tượng phục vụ có thể huy động.
Ít khi nào cần quá 3 tầng “rễ cây”: 1 tầng tương ứng với sự tái diễn theo thời gian hoặc không gian; thêm 1 tầng tương ứng với sự tái diễn theo cả thời gian lẫn không gian; và 1 tầng “trừ hao” trong trường hợp căn nguyên nằm sâu hơn dự đoán.
Dưới đây là Cây Vấn Đề áp dụng cho ví dụ thực tế về cộng đồng người Hmong theo Đạo Tin Lành ở Tiểu Khu 179, Xã Liêng Sronh, Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng. Một vấn nạn của họ là đã sống 21 năm không giấy tờ tuỳ thân. Lưu ý là phần cành cây không nhất thiết có đúng 3 nhánh; có thể nhiều hơn hoặc ít hơn, tuỳ tình trạng thực tế của đối tượng phục vụ.
Điểm lưu ý nữa trong ví dụ này là, khi khảo sát cộng đồng, người thực hiện khảo sát có thể được người dân kể cho biết về nhiều vấn đề, nào là trẻ em không có giấy khai sinh, không được đi học; người lớn không có giấy tờ tuỳ thân nên không thể tìm việc làm; gia đình rất khó khăn và bấp bênh về sinh kế; người dân nói chung chỉ sống cho qua ngày chứ không thấy lối thoát nào cho tương lai. Thực ra, các vấn đề này đều là hệ quả của vấn nạn là không giấy tờ tuỳ thân.
Hình 5. Cây Vấn Đề cho ví dụ về vấn nạn không giấy tờ tuỳ thân của cư dân Tiểu Khu 179
Hầu như vấn nạn nào cũng đều hiện hữu một hay nhiều vòng lẩn quẩn. Vòng lẩn quẩn nảy sinh khi hệ quả tác động vòng lại đến một hay nhiều nguyên nhân. Vòng lẩn quẩn duy trì vấn nạn, hoặc làm cho nó trầm trọng hơn. Chẳng hạn, khi người lớn phải suốt ngày lo sinh kế thì họ không có thời gian để học hỏi nhằm tăng kiến thức và năng lực. Hoặc, trẻ em không được đi học thì thế hệ sau tiếp tục kém về hiểu biết và năng lực. Thêm vào đó, vì không giấy tờ tuỳ thân, người dân khó đi đây đi đó để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, càng thêm bị cô lập với quốc tế. Đấy là lý do người dân ở Tiểu Khu 179 bị trói cột trong hoàn cảnh nghiệt ngã trong suốt 2 thập niên.
Hình 6. Cây Vấn Đề ở trên với vòng lẩn quẩn
Muốn thay đổi, cần có sách lược để tác động đến các nguyên nhân gốc và bẻ gãy các vòng lẩn quẩn. Đấy sẽ là chủ đề của bài giảng kế tiếp: Đề ra sách lược, dùng Biểu Đồ Chuyển Đổi.
Bài đọc thêm:
Đòi giấy tờ tùy thân cho cư dân Tiểu Khu 179: những mốc thời gian quan trọng