Ts. Nguyễn Đình Thắng
Nhắc lại, bước đầu tiên của trình tự tìm giải pháp là xác định đối tượng phục vụ. Kế đến là nhận diện vấn đề cần giải quyết của đối tượng phục vụ ấy.
Vấn đề là hiện trạng mà đối tượng phục vụ mong muốn thay đổi, là động cơ tìm giải pháp.
Một đối tượng phục vụ có thể cùng lúc đối mặt nhiều vấn đề khác nhau. Đối với những vấn đề có tương quan nhân quả mật thiết với nhau, chúng ta gộp chung lại thành một. Những vấn đề không có tương quan nhân quả mật thiết thì tách riêng ra. Kết quả là có những nhóm vấn đề tách biệt. Mỗi nhóm tách biệt ấy sẽ cần một giải pháp riêng.
Hãy chọn một nhóm vấn đề để giải quyết. Nhóm vấn đề ấy, ở đây gọi tắt là vấn đề trọng tâm.
Vấn đề trọng tâm chinh là điểm A, khởi điểm cho giải pháp. Phải định hình được khởi điểm thì mới có thể tìm giải pháp. Nếu điểm đến là Hà Nội nhưng không biết khởi điểm là ở đâu thì không thể quyết định phải đi về hướng Đông, Tây, Nam hay Bắc.
Nếu muốn giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề trọng tâm thì sẽ cần nhiều giải pháp khác nhau.
Phân loại vấn đề
Trước khi tiến xa hơn trên trình tự tìm giải pháp, cần phân loại vấn đề: không hệ thống hoặc hệ thống.
Vấn đề không hệ thống: Xảy ra một lần, điều chỉnh xong thì trở lại bình thường, không phải quan tâm thêm. Đấy là trường hợp căn nguyên và hiện tượng ở cùng một chỗ; giải quyết hiện tượng thì cũng xoá bỏ căn nguyên.
Ví dụ như tai nạn xảy ra ở một ngã tư đường do người lái say xỉn gây ra; giải toả xong hiện trường thì lưu thông trở lại bình thường và tai nạn sẽ không tái diễn vì người lái say xỉn gây tai nạn đã được dời chuyển khỏi ngã tư.
Vấn đề có hệ thống: Sự thể hiện của vấn đề lập lại theo không gian, theo thời gian, hoặc cả hai. Đấy là trường hợp căn nguyên nằm ở một tầng hoặc nhiều tầng sâu hơn so với hiện tượng. Đối phó với hiện tượng, nhưng nguyên nhân vẫn còn nguyên thì hiện tượng sẽ lập lại và thường là trầm trọng hơn.
Chẳng hạn, khi căn nguyên gây tai nạn là ổ gà, thì dọn dẹp hiện trường tai nạn xong, thế nào cũng sẽ xảy ra thêm tai nạn trong tương lai; trong trường hợp này sự tái diễn là theo thời gian. Hoặc, khi ở nhiều ngã tư hệ thống đèn giao thông cùng lúc bị tắt, thì căn nguyên rõ ràng không nằm ở tại mỗi ngã tư mà có thể là ở nguồn cung cấp điện cho tất cả các ngã tư bị ảnh hưởng; trong trường hợp này sự tái diễn là theo không gian.
Khi sự tái diễn theo cả không gian lẫn thời gian thì phải truy căn nguyên ở một tầng sâu hơn nữa. Chẳng hạn, nếu tai nạn giao thông tái diễn theo thời gian và cùng lúc ở nhiều ngã tư đường thì có thể một bộ phận điện tử dùng để điều khiển hệ thống đèn giao thông đều được sản xuất bởi một nguồn cung bị lỗi.
Trước một vấn đề có hệ thống, nếu không can thiệp tận căn nguyên thì tình trạng vẫn còn nguyên và sẽ ngày thêm tồi tệ. Và tính hệ thống càng sâu thì vấn đề phải được giải quyết ở tầng càng sâu hơn.
Tình trạng chưa rõ
Trong thực tiễn, có thể xảy ra tình huống chưa thể phân định là có hệ thống hay không hệ thống. Có thể đó là sự trục trặc bất thường, chỉ cần điều chỉnh xong thì sẽ không tái diễn. Nhưng cũng có thể đó là sự thể hiện lần đầu của một vấn đề có hệ thống. Trong tình huống này, chúng ta phải theo dõi một thời gian đủ dài để xem vấn đề có tái diễn hay không. Nếu không thì đó là vấn đề không hệ thống. Còn như hiện tượng lập lại thì điều ấy báo hiệu tính hệ thống.
Ví dụ: Xe chạy tự dưng tắt máy; một người vào đồn công an bị chết; cá chết dạt vào bãi biển. Mỗi sự kiện này có thể chỉ xảy ra một lần rồi thôi, nhưng cũng có thể nó sẽ tái lập; cần theo dõi triển vọng đó là vấn đề hệ thống.
Kết luận
Chúng ta nhận biết và chẩn đoán một vấn đề qua hiện tượng thể hiện ra ngoài. Khi hiện tượng xảy ra một lần một rồi thôi thì đó là vấn đề không hệ thống. Chúng ta chỉ cần giải quyết một lần, ở tầm hiện tượng, và không phải quan tâm thêm nữa.
Khi hiện tượng lặp lại theo thời gian, theo không gian, hoặc cả hai thì đó là vấn đề hệ thống. Chúng ta phải truy tìm căn nguyên và đề ra giải pháp tương xứng.
Và cũng có những trường hợp, chúng ta cần thêm thời gian để nhận biết một hiện tượng là bất thường hoặc là sự thể hiện lần đầu của một vấn đề hệ thống.
Trong khoá giảng này, vấn đề hệ thống còn được gọi là “vấn nạn”.
Các bài giảng kế tiếp sẽ giới thiệu quy trình tìm giải pháp cho một vấn nạn. Muốn tìm giải pháp cho một vấn nạn thì trước hết phải truy nguyên nhân ở đằng sau hiện tượng, và công cụ sẽ dùng là “Cây Vấn Đề”.
Bài đọc thêm: Tử huyệt của dân tộc: Bí về đáp án