Khoá học 12 tháng về lãnh đạo, điều hành và quản lý trong lĩnh vực xã hội dân sự

Dẫn Nhập và Định Hướng

BPSOS, ngày 21 tháng 6, 2021

http://machsongmedia.com

Năm 2015, BPSOS bắt đầu chương trình đào tạo 12 tháng về lãnh đạo, điều hành và quản lý. Tính đến đầu năm 2021, khoảng 350 người đã theo học và đã hoàn tất các cấp khác nhau. Mục đích của chương trình là tăng nội lực cho từng cộng đồng một, để sao cho các thành viên trong cùng cộng đồng phân công và phối hợp với nhau một cách hiệu quả nhằm đạt một số mục tiêu chung. Để đáp ứng nhu cầu học hỏi hoặc tham khảo của những thành phần không thuộc đối tượng chính như kể trên, chúng tôi bắt đầu phổ biến nội dung của giáo trình đã được giản lược.

Khóa học tổng hợp những kiến thức thực dụng mà tác giả đã dày công nghiên cứu từ các bộ môn về quản trị của các trường Đại học (Mỹ), từ các chương trình đào tạo chuyên về lãnh đạo và điều hành, và từ kinh nghiệm thực tế của bản thân. Điểm khác biệt là khóa học 12 tháng này được thiết kế tương thích với tình trạng tại Việt Nam (VN). Trong bối cảnh ở Hoa Kỳ hay một số các quốc gia khác đã có sẵn nền dân chủ tương đối ổn định, xã hội đã có sẵn các định chế vững chãi và rất nhiều tổ chức ngoài chính phủ hoạt động quy củ ở quy mô từ nhỏ đến lớn, các trường đại học và các chương trình huấn luyện chủ yếu đào tạo những còn người có khả năng “ráp” được ngay vào những định chế xã hội có sẵn, như những con ốc ăn khớp với cỗ máy đang vận hành.

Ở Việt Nam, dân chủ hãy còn là một khái niệm mới mẻ, các định chế xã hội còn lỏng lẻo hay khiếm khuyết, và các bất cập về chính sách, tập quán, ý thức và cung cách hành xử chưa tạo môi trường thuận lợi để ứng dụng các kiến thức du nhập từ những xã hội phát triển. Những kiến thức và kinh nghiệm thu gom từ các xã hội ấy cần được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với thực trạng ở Việt Nam. Chúng ta không thể chỉ tinh chế các bộ phận, các con vít mà nhiều khi còn phải thiết kế và xây dựng cỗ máy từ đầu. 

Lấy một ví dụ, trong lĩnh vực doanh thương ở VN, đội ngũ nhân sự với khả năng xây dựng các định chế, với kỹ năng quản lý và vận hành đang được phát triển nhưng nhân sự với khả năng tương tự cho xã hội dân sự thì chưa có. Một hệ quả trực tiếp là người dân VN, vì thiếu khả năng hoạt động quy củ và quy mô, hiện rất yếu thế so với bộ phận chính quyền và bộ phận doanh nghiệp; quyền và lợi ích do đó thường xuyên bị vi phạm mà chính bản thân người dân không biết cách nào để đối phó hay giải quyết. 

Vì không có sẵn môi trường thuận lợi cho việc học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, và cũng không có chương trình đào tạo một cách có hệ thống, những người hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự đều là rẽ ngang, đi tắt — họ không được trang bị kiến thức, khả năng và kỹ năng phù hợp. Và vì không có sẵn những người có kinh nghiệm, việc học hỏi lẫn nhau là không có. Cũng vậy, vì không có sẵn những tổ chức hoạt động quy củ, ai may mắn thu thập được kiến thức thì vẫn thiếu môi trường thực hành. Trong khi đó, muốn cho xã hội dân sự phát triển thì rất cần những con người được đào tạo quy củ và môi trường để họ thực hành. Đấy cũng là hai yếu tố quan trọng hàng đầu của bất cứ nền dân chủ nào.

Có bột thì mới gột nên hồ. Không có sẵn đội ngũ nhân sự dày kinh nghiệm thì lấy ai để đào tạo và huấn luyện? Không có sẵn các định chế ổn định thì lấy đâu môi trường thực hành để xây dựng thêm những tổ chức dân sự mới? Đó là vòng lẩn quẩn cần phá vỡ. Để giải quyết tình trạng này, năm 2015 BPSOS khởi xướng chương trình đào tạo 12 tháng, vừa học vừa thực hành: học lý thuyết về các quy tắc phân tích và giải quyết vấn đề, điều hành và quản trị, khảo sát và đánh giá. Và ngay trong khóa học này, các học viên chia nhóm để tạo nên môi trường mô phỏng xã hội dân sự — mỗi một nhóm tương tự như một tập thể có tổ chức, và những tập thể ấy vừa xây dựng quy củ cho chính mình vừa giao thoa với nhau. Trong môi trường mô phỏng xã hội dân sự ấy, học viên có thể thực hành chính những kiến thức mà họ đang học hỏi.

Toàn bộ khoá học 12 tháng xoay quanh 2 mục tiêu: làm đúng việc, làm việc đúng cách.
* Làm đúng việc: Người xưa có câu” sai một ly đi một dặm”. Chọn sai việc thì dù có đổ công sức bao nhiêu cũng không thể đạt mục đích; không những thế, nhiều khi lại reo rắc tai hoạ hơn là không làm gì. Nếu mục đích ở hướng bắc mà lại chọn lầm hướng nam thì đi càng nhanh lại càng xa rời mục đích. Muốn đạt hiệu quả thì trước hết phải chọn đúng việc.

* Làm việc đúng cách: Chọn đúng việc rồi, còn phải làm đúng cách thì mới đi nhanh hơn, ít tốn nguồn lực hơn. Làm sai cách thì có thể đến đích nhưng đến chậm hoặc có thể “đứt gánh giữa đường” vì cạn nguồn lực. Muốn đạt hiệu năng thì phải làm đúng cách.

Làm đúng việc và đúng cách đòi hỏi hai loại tư duy: tư duy cấu trúc và tư duy chiến lược.

Thiếu tư duy cấu trúc thì chúng ta không biết căn nguyên của vấn đề nằm ở đâu, sắp xếp nhân sự như thế nào, định chế hóa các hoạt động ra sao. Còn nếu không có tư duy chiến lược thì sẽ không thể vạch ra được giải pháp, nghĩa là lộ trình dẫn từ vấn nạn đến đáp số, từ hiện trạng đến mục đích tối hậu. Tư duy cấu trúc giúp một y sĩ chẩn bịnh hoặc một kỹ sư truy tìm lỗi kỹ thuật. Tư duy chiến lược giúp y sĩ ấy vạch ra phác đồ trị liệu và viên kỹ sư đề ra phương án sửa lỗi.

Muốn tìm giải pháp, phải khởi đầu bằng tư duy cấu trúc để truy ra căn nguyên của vấn nạn. Nhìn ra hiện tượng thì dễ, còn truy căn nguyên thì phức tạp hơn. Nếu không tìm căn nguyên mà chỉ tập trung giải quyết hiện tượng thì có khi vấn nạn lại trở nên trầm trọng hơn. Hoặc trong lĩnh vực tổ chức nhân sự, phải dùng tư duy cấu trúc để sắp xếp công việc, thiết lập các cơ cấu, định chế hoá các hoạt động. Thiếu tư duy cấu trúc thì công việc sẽ chồng chéo nhau, thường xuyên nẩy sinh mâu thuẫn, lãng phí nguồn lực, không bền vững. Để phát triển tư duy cấu trúc, các bài tập trong lớp sẽ chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực: truy căn nguyên của một vấn nạn, và phân bổ chức năng trong nội bộ nhóm làm bài tập.

Định được căn nguyên nghĩa là định ra được điểm khởi hành. Để vạch ra lộ trình từ điểm khởi hành dẫn đến mục đích tối hậu thì cần tư duy chiến lược. Tư duy chiến lược giúp chúng ta phận định từng chặng đường với các mốc điểm cụ thể. Và mỗi bước đi, chúng ta phải có kế hoạch để thu hoạch thành quả, rồi đầu tư thành quả ấy cho bước kế tiếp bởi chúng ta sẽ không bao giờ có đủ nguồn lực cho suốt lộ trình. Để phát triển tư duy chiến lược, bài tập trong lớp sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực: đề ra giải pháp cho một vấn nạn và đề ra chương trình hành động để đạt những mục tiêu cụ thể.

Chương trình huấn luyện được chia thành 4 cấp, mỗi cấp 3 tháng, bao gồm các chủ đề: tìm giải pháp, tổ chức, định chế hoá, và các quy tắc của xã hội dân sự. Mỗi tuần học 2 buổi. Buổi thứ nhất tập trung vào các kiến thức và kỹ năng nhận diện vấn đề, tìm giải pháp, quản lý nguồn lực, và thực hiện một phương án. Buổi học thứ hai tập trung vào các đối phó tình huống cụ thể bằng luật Việt Nam và luật quốc tế, cũng như một số kỹ năng căn bản về truyền thông, an toàn mạng…

Khi hoàn tất một cấp, học viên sẽ đạt được một trình độ năng lực nhất định và có thể ứng dụng ngay vào đời thực. Nghĩa là, không nhất thiết hoàn tất cả 4 cấp thì mới trờ thành hữu dụng.

Đối với những người đã bắt tay vào việc, đã có kinh nghiệm ứng dụng kiến thức từ 4 cấp kể trên, chúng tôi cung ứng khoá bổ sung với chủ đề “nhân rộng mô hình” – nghĩa là cách nào để tái lập cơ cấu tổ chức, lan toả kinh nghiệm và kiến thức, hoặc nới rộng tầm hoạt dộng.

Các mục tiêu và điều kiện tham gia 

Dưới đây là các mục tiêu của khóa học:

  • Phát triển các kỹ năng về tìm giải pháp trước mọi vấn nạn, tổ chức, điều hành, truyền thông, liên kết, quản trị đề án, giải quyết xung đột, vận động quốc tế…
  • Có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực luật Việt Nam và luật quốc tế về nhân quyền
  • Am tường những định chế nhân quyền quốc tế và khu vực, liên quan đến từng lĩnh vực nhân quyền cụ thể, và cách khai dụng chúng
  • Tương tác và hoà đồng với các tôn giáo, sắc tộc và thành phần khác nhau trong xã hội
  • Làm quen với các quy tắc hành xử chuẩn mực của các xã hội dân sự phát triển trên thế giới

Điều kiện tham gia: 

Đối tượng của khoá học 12 tháng này là các cộng đồng vì chỉ khi nào một nhóm người gắn bó lâu bền và chung sức với nhau thì mới tạo được sự thay đổi tận gốc và bền vững. Còn các cá nhân đơn lẻ dù có tài giỏi đến bao nhiêu thì vẫn như những chiếc đũa rời, bẻ thì gãy, không thể tăng lực và không có tác động lớn. Bởi vậy, giáo trình được biên soạn với mục đích đào tạo và huẩn luyện cho cả một cộng đồng.

Dưới đây là chủ trương của ban tổ chức. Chúng tôi kỳ vọng mọi học viên, kể cả những người tự học, sẽ tự giác tuân thủ:

  • Không là thành viên hoặc tham gia sinh hoạt của đảng phái chính trị
  • Không chủ trương bạo lực
  • Tuyệt đối không gây nguy hại cho mình hay cho bất kỳ ai khác
  • Ứng dụng kiến thức để tạo công ích
  • Tuyệt đối tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền của người khác
  • Bảo vệ uy tín và tính công minh của khóa huấn luyện.
  • Chia sẻ kiến thức và trao truyền kinh nghiệm với những người khác.
  • Không nhân danh khóa học hay các tổ chức thực hiện khoá học cho bất kỳ mục đích nào khác

Bài liên quan:

Làm sao để tạo phong trào dân chủ?
https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1701-lam-sao-de-tao-phong-trao-dan-chu

Viết một bình luận