• Trong năm 2021 sẽ thực hiện 30 đơn kiến nghị
Mạch Sống, ngày 12 tháng 6, 2021
Tổ Công Tác LHQ về Giam Giữ Tuỳ Tiện (UN Working Group on Arbitrary Detention, WGAD) là một thủ tục quan trọng về nhân quyền của LHQ dành cho các tù nhân lương tâm nhưng lại ít được khai thác cho các trường hợp ở Việt Nam.
Để thay đổi tình trạng này, ngày 1 tháng 6 vừa qua BPSOS tổ chức buổi huấn luyện về biên soạn đơn kiến nghị gửi WGAD, với 25 tham dự viên thuộc nhiều sắc dân ở nhiều quốc gia: Hoa Kỳ, Việt Nam, Miến Điện, Philippines và Thái Lan. Trong đó có một số luật sư và sinh viên luật.
Huấn luyện viên là Giáo Sư Thomas Kellenberg, Giám Đốc Điều Hành của tổ chức Luật Sư Nhân Quyền Quốc Tế và cũng là Giám Đốc Điều Hành của Chương Trình Washington DC của Đại Học Notre Dame.
Sau buổi huấn luyện, 2 sinh viên luật và 4 sinh viên đại học người Mỹ đã cùng với một số luật gia người Việt đã cộng tác để biên soạn các bản kiến nghị cho tù nhân lương tâm Việt Nam. Các luật gia người Việt liên lạc với thân nhân của các tù nhân lương tâm, các sinh viên luật người Mỹ phân tích pháp lý, và các sinh viên còn lại thì truy cập các nguồn tin quốc tế.
“Mục tiêu của BPSOS là thực hiện 30 hồ sơ từ giờ đến cuối năm,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Muốn thế, chúng tôi phải đào tạo một đội ngũ nhân sự chuyên về lĩnh vực này.”
Theo Ông, việc chọn hồ sơ sẽ ưu tiên cho những tù nhân lương tâm nào mà thân nhân của họ đồng lòng vận động quốc tế theo một kế hoạch chung.
Trước đây, BPSOS đã hợp tác với một số tổ chức quốc tế để làm đơn kiến nghị gửi WGAD, nhưng chỉ 1, 2 hồ sơ mỗi năm. Nguồn nhân lực của các tổ chức này khá hạn chế mà lại phải trải mỏng ra toàn cầu. Trong khi đó, soạn đơn kiến nghị gửi WGAD công phu hơn hẳn so với làm bản báo cáo gửi các báo cáo viên đặc biệt của LHQ.
“Hồ sơ gửi WGAD tương tự như một đơn kiện mà người bị giam giữ là nguyên đơn còn nhà nước giam giữ họ là bị đơn,” Ts. Thắng giải thích. “Nội dung của đơn kiến nghị phải trích dẫn luật quốc tế và luật của quốc gia sở tại cộng với phân tích và lập luận pháp lý.”
Đối với những đơn kiến nghị đủ tiêu chuẩn, WGAD sẽ có phán quyết rằng bị đơn có vi phạm luật quốc tế về nhân quyền hay không.
“Tôi đã thấy những đơn nộp cho WGAD chỉ vỏn vẹn 1, 2 trang, rất qua loa và không có phần phân tích pháp lý,” Ts. Thắng chia sẻ. “Các đơn kiến nghị như thế không cung cấp đủ căn cứ để WGAD có thể phán quyết.”
Theo Ông, tuy WGAD không có thẩm quyền chế tài sau khi phán quyết, nhưng phán quyết của họ có giá trị để vận động các quốc gia có biện pháp chế tài.
Các học viên sẽ tiếp tục được hướng dẫn bởi Giáo Sư Kellenberg trong quá trình biên soạn các đơn kiến nghị.