Giới thiệu ADF International, tổ chức luật sư Thiên Chúa Giáo đồng hành với BPSOS

  • Về hợp tác quốc tế: Chúng ta phải khởi xướng và kéo quốc tế đi cùng

Mạch Sống, ngày 10 tháng 6, 2021

http://machsongmedia.com

Hôm nay BPSOS giới thiệu Alliance Defending Freedom (ADF) International, một tổ chức luật sư Thiên Chúa Giáo có trụ sở trung ương tại thủ đô Vienna của Áo và văn phòng đại diện ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, BPSOS giới thiệu video ngắn về hoạt động bảo vệ tự do tôn giáo của ADF International:

Trong hơn 2 năm qua, tổ chức quốc tế này hợp tác chặt chẽ với BPSOS để vận động cho các người Hmong và người Tây Nguyên bị đàn áp vì theo Đạo Tin Lành. Trong 24 tháng tới đây, ADF International sẽ cùng với BPSOS và Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam sẽ tập trung khai dụng luật Việt Nam phối hợp với luật quốc tế để thúc đẩy quyền tự do tôn giáo của các nhóm tôn giáo độc lập với nhà nước.

Năm 2018, ADF International thành lập Toán Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo Toàn Cầu. Một đề án đầu tiên của toán luật sư này là yểm trợ kế hoạch do BPSOS đề ra nhằm giải quyết tình trạng không hộ khẩu, không giấy tờ tuỳ thân của hàng chục nghìn người Hmong và người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành.

Phái đoàn đa tôn giáo Việt Nam thăm trụ sở của ADF International tại thủ đô Hoa Kỳ, ngày 13/07/2019 (ảnh BPSOS)

“Trong nhiều thập niên, nhà nước Việt Nam đã không cấp giấy tờ tuỳ thân cho nhiều người Hmong và người Tây Nguyên chỉ vì họ không chấp nhận bỏ đạo Tin Lành, hoặc không đồng ý gia nhập các hội thánh do nhà nước kiểm soát,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, giải thích.

Đầu năm 2019, BPSOS đề ra kế hoạch 10 năm để thay đổi chính sách này. Kế hoạch bao gồm vận động quốc tế, sử dụng luật pháp Việt Nam, và xây dựng nội lực cho các cộng đồng Hmong và Tây Nguyên. Trong suốt thời gian qua, ADF International đã cùng với BPSOS liên lạc từng toà đại sứ Phương Tây một ở Hà Nội để vận động họ yểm trợ kế hoạch này.

Tháng 3 vừa qua, một phái đoàn của Toà Đại Sứ Anh Quốc đã đến Đà Lạt để tiếp xúc với đại diện của nhiều cộng đồng Hmong và cộng đồng Tây Nguyên ở Lâm Đồng và những tỉnh lân cận. Sắp tới đây, một số toà đại sứ và tổng lãnh sự sẽ tiếp tục cử phái đoàn đến khu vực Tây Nguyên.

Đến nay, đã có những dấu hiệu tích cực trong chính sách của Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng đối với các cộng đồng người Hmong trong vùng. Chẳng hạn, chính quyền huyện mới đây đã nhận đơn làm căn cước công dân cho 383 trong tổng số 597 cư dân của Tiểu Khu 179 và hứa sẽ trao căn cước vào tháng 7 này.

Một số hội thánh tư gia của người Tây Nguyên cho biết sự quấy nhiễu của công an địa phương cũng giảm đi nhiều trong 12 tháng qua.

“Chúng tôi hoan nghênh sự thay đổi này, đồng thời leo thang áp lực quốc tế đối với trường hợp mà chính quyền địa phương tiếp tục sách nhiễu,” Ts. Thắng nói.

Trường hợp của Mục Sư A Đảo thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ là một ví dụ và được thể hiện nổi bật trong video của ADF International.

Bắt đầu tháng 5, 2021, ADF International sẽ cùng với BPSOS và Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam thực hiện một nỗ lực mới: dùng luật pháp Việt Nam và công ước quốc tế để thúc đẩy chính quyền Việt Nam tôn trọng và bảo vệ đúng đắn và đầy đủ quyền tự do tôn giáo của công dân.

“Khi nói về hợp tác quốc tế, chúng tôi chủ trương chính mình phải đề ra sách lược, rồi vận động các đối tác quốc tế đi cùng, sát cánh và dài lâu,” Ts. Thắng giải thích. “Còn như lâu lâu ký một lá thư chung, phát biểu trên diễn đàn chung… thì chúng tôi chưa xem đó là sự hợp tác đích thực.”

Hiện nay, khoảng 30 tổ chức quốc tế và cơ quan chính quyền quốc tế hoặc cơ quan LHQ đang hợp tác với BPSOS theo ý nghĩa trên.

Bài liên quan:

Tiểu khu 179 – mô hình đòi quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng của người sắc tộc thiểu số:

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/subdivision-179-a-model-to-demand-rights-and-freedom-of-religion-for-ethnic-minorities-04302021201637

Đại diện Đại sứ quán Anh: niềm tin và cảm thông là cơ sở cải thiện vững bền đời sống cộng đồng sắc tộc Lâm Đồng: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/british-embassy-representative-building-trust-and-understanding-critical-for-lasting-improvement-for-ethnic-minorities-in-lam-dong-06032021111404

Phận người sắc tộc Tây Nguyên (Phần 1): Bóng ma FULRO và niềm tin tôn giáo: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fate-of-ethnic-people-in-the-central-highlands-part-1-fulro-ghosts-and-religious-beliefs-04192021115638

Phận người sắc tộc Tây Nguyên (Phần 2): Chính sách hoa mỹ và thực trạng tối tăm: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fate-of-the-montagnards-feel-good-policy-somber-reality-04192021210322

Phận người sắc tộc Tây Nguyên (Phần 3): Nỗ lực vượt thoát và lối ra: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fate-of-the-montagnards-part-3-efforts-to-escape-and-overcome-04192021231736

Viết một bình luận