- Hàng chục nghìn tín đồ Tin Lành Tây Nguyên và Hmong có nguy cơ mất quyền cử tri
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 26 tháng 4 2021
http://machsongmedia.com
Không đầy 4 tuần nữa, công dân Việt Nam sẽ bầu cử Quốc hội khoá 15 và Hội đồng nhân dân các cấp. Bộ máy nhà nước đang vận động người dân ghi danh cử tri và tham gia bỏ phiếu. Tuy nhiên, hàng chục nghìn công dân không có giấy tuỳ thân sẽ không được tham gia bầu cử hội động nhân dân cấp xã; đây là lúc những người này đòi hỏi nhà nước phải thực thi nghĩa vụ bảo đảm quyền cử tri của họ.
Theo Luật Bầu Cử năm 2015, mọi công dân đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ghi danh cử tri. Người không có sổ hộ khẩu và giấy tờ tuỳ thân vẫn được bầu cử Quốc Hội, hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện nhưng không được bầu cử hội đồng nhân dân cấp xã, là cơ cấu chính quyền ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày và về những lợi ích thiết thân của người dân.
Đầu năm 2019, BPSOS khởi xướng nỗ lực vận động cho các người Hmong và người Tây Nguyên bị từ chối hộ khẩu và giấy tuỳ thân vì không chấp nhận bỏ đạo theo lệnh của chính quyền. Cuộc vận động này đã tạo đươc sự quan tâm của quốc tế.
Bản phúc trình thường niên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF), công bố ngày 21 tháng 4, nêu tình trạng không hộ khẩu, không giấy tờ tuỳ thân của khoảng chục nghìn tín đồ Tin Lành Hmong và Tây Nguyên. Con số này thực ra chỉ là “phần đỉnh của tảng băng ngầm.” Nó dựa trên kết quả khảo sát của chúng tôi, gồm khoảng 5,000 người Hmong thuộc một chục cộng đồng mà BPSOS đã tiếp cận, và khoảng 5,000 người Tây Nguyên ở rải rác trong một số vùng sát biên giới Campuchia thuộc tỉnh Gia Lai. Con số thực có lẽ cao hơn nhiều.
Chúng tôi đã soạn 2 mẫu đơn để từng cá nhân hay cả một cộng đồng gửi đến chính quyền các cấp, yêu cầu cấp giấy tuỳ thân tạm để có thể tham gia cuộc bầu cử hội đồng nhân dân cấp xã sắp đến.
Mẫu thứ nhất để từng hộ gia đình gửi đi: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/04/Don-yeu-cau-ve-quyen-bau-cu-don-ca-nhan.docx
Mẫu thứ hai để một nhóm người hoặc một cộng đồng gửi chung: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/04/Don-yeu-cau-giai-quyet-giay-to-tuy-than-mau-chung.docx
Đến nay một số cá nhân và một số cộng đồng đã gửi đơn. BPSOS đã báo tin cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và một số toà đại sứ ở Hà Nội về việc này, để họ nhắc nhở nhà nước Việt Nam.
Khi chúng tôi phát động chiến dịch đòi quyền cử tri như trên, có người đã nhận định rằng bầu cử ở Việt Nam không tự do, cho nên tham gia bầu cử cũng chẳng mang ý nghĩa gì. Có thể là vậy. Tuy nhiên, ở đây là việc đòi quyền bầu cử của công dân. Khi có quyền rồi thì muốn bầu cho ai, bỏ phiếu trắng, hoặc không tham gia bầu cử sẽ là chọn lựa của mỗi người. Còn như không có quyền bầu cử thì cũng chẳng có sự chọn lựa.
Những ai đã gửi đơn yêu cầu đến chính quyền và muốn chúng tôi can thiệp, xin gửi bản sao của tờ đơn có chữ ký đến địa chỉ email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
Nếu yêu cầu của công dân không được giải quyết thoả đáng thì có nghĩa là nhà nước Việt Nam tự mâu thuẫn – bề ngoài ráo riết vận động công dân ghi danh cử tri và bỏ phiếu, nhưng thực chất lại không giải quyết để hàng chục nghìn công dân được quyền tham gia bầu cử. Điều này sẽ không hay họ gì khi nhà nước Việt Nam nộp đơn gia nhập Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Và lại càng không hay khi Uỷ Hội USCIRF có thêm lý do để kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern, CPC) vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng.
Chúng tôi kêu gọi đồng bào ở trong và ngoài nước phổ biến thông tin trên đây đến tất cả những ai không được cấp giấy tuỳ thân vì lý do tôn giáo.