Cách nào để tranh đấu hiệu quả cho tù nhân lương tâm?

  • Thân nhân của các TNLT là yếu tố chủ động

Mạch Sống, ngày 2 tháng 4, 2021

http://machsongmedia.com

Trong những năm gần đây, nhà nước Việt Nam bỏ tù ngày càng nhiều những người bảo vệ nhân quyền và kết án họ ngày càng nặng. Mục đích của chế độ là “răn đe” người dân nói chung. Để đạt mục đích, họ chọn những trường hợp lợi nhiều mà hại ít: những người hoạt động rời rẽ hoặc trong những nhóm người rời rạc; khi bị bắt thì hoạt động bị tắt ngấm và không được ai vận động sự can thiệp bền bỉ của quốc tế. Khi chọn những trường hợp này, chế độ nhắm tác động tâm lý rộng lên xã hội nhưng gây ít phiền toái cho họ trên trường quốc tế.

Cách đối phó hiệu quả là đẩy chế độ vào tình huống lợi bất cập hại.

Lợi bất cập hại

Lợi sẽ giảm khi bắt một người mà công việc của người ấy hoặc của nhóm người ấy không hề gián đoạn. Muốn thế, phải có một nhóm người hợp tác cùng nhau và mọi hoạt động được định chế hoá để không tuỳ thuộc vào một người nào duy nhất. Hễ một người bị nhỡ ngại thì lập tức có người khác điền thế. Với công nghệ tin học hiện đại, người điền thế không nhất thiết là người ở trong nước. Duy trì tính liên tục trong hoạt động là cách vô hiệu hoá tác dụng “răn đe” của chính sách bỏ tù người bảo vệ nhân quyền.

Hại sẽ tăng khi hành động bắt người lại động viên thêm nhiều người dấn thân thay vì giảm đi.  Điều này sẽ xảy ra khi thân nhân và thân hữu của người bị bắt quyết tâm lên tiếng cho người ở trong tù. Nếu bắt một người làm cho 5, 7 người có động lực và lý do để dấn thân thì rõ ràng là phản tác dụng.

Hại cũng sẽ tăng khi quốc tế lên tiếng liên tục và mạnh mẽ. Hiện nay chế độ chưa xem trọng người dân nhưng ngại quốc tế vì đang cầu cạnh các lợi ích từ thế giới tự do về viện trợ, mậu dịch, đầu tư, quốc phòng… Để gặt hái các lợi ích này, chế độ tìm mọi cách để hội nhập thế giới, bao gồm ký kết các hiệp ước mậu dịch song phương và đa phương, ứng cử vào Hội Đồng Bảo An và Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế. Càng hội nhập thì càng phải chịu ảnh hưởng của quốc tế.

Khi chính sách bỏ tù trở nên “lợi bất cập hại” thì chế độ sẽ phải xét lại chính sách ấy.

Một số điều hiểu lầm

Phần lớn người ở trong nước e ngại “hoạt động có tổ chức” và “yếu tố nước ngoài” vì cho rằng đó chúng tăng rủi ro.

Tôi không đang nói về thành lập tổ chức đối lập. Tôi đang nói về hoạt động mang tính định chế hoá, nghĩa là nhiều người phối hợp với nhau và mỗi người chuyên về một lĩnh vực hoạt động (truyền thông, báo cáo vi phạm, pháp lý, tiếp xúc quốc tế, đối phó tình huống, tương thân tương trợ, tư vấn tâm lý…) và sẵn sàng bổ trợ hoặc điền thế cho nhau. Thiếu định chế hoá thì không thể có tính liên tục. Và chỉ khi đạt được tính liên tục thì mới vô hiệu hoá công dụng “răn đe” của chính sách bắt và bỏ tù người bảo vệ nhân quyền.

Tôi cũng không đang nói về “yếu tố nước ngoài”, hiểu là các tổ chức hoăc đảng phái chính trị của người Việt ở nước ngoài. Tôi đang nói đến các thực thể quốc tế, bao hàm các cơ quan LHQ; các chính quyền dân chủ như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Úc, Pháp, Canada…; các toà đại sứ Phương Tây ở Hà Nội; các định chế nhân quyền khu vực hoặc liên quốc gia; và các tổ chức nhân quyền quốc tế có bề thế và uy tín. Chính các thực thể quốc tế này mới tạo được sức ép lên chế độ ở Việt Nam.

Những cơ hội vận động quốc tế

Cơ hội để vận động quốc tế cho các tù nhân lương tâm là rất nhiều, nhiều hơn khả năng khai thác của chúng tôi. Dưới đây là một số cơ hội điển hình:

  • Bản lên tiếng của Tổ Công Tác của LHQ về Giam Giữ Tuỳ Tiện
  • Công văn của các Báo Cáo Viên Đặc Biệt
  • Báo cáo về đe doạ và trả thù của Tổng Thư Ký LHQ
  • Danh sách TNLT liên quan đến tôn giáo của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF)
  • Các chương trình bảo trợ TNLT ở Quốc Hội Hoa Kỳ, Quốc Hội Đức, và USCIRF
  • Các báo cáo nhân quyền và các buổi đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam của Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Liên Âu…

Đó là chưa kể cơ hội tiếp xúc với các Toà Đại Sứ Phương Tây hoặc các phái đoàn quốc tế thăm viếng Việt Nam.

Như một ví dụ, tháng 3 vừa qua 5 tổ chức đã phối hợp với nhau để cung cấp 4 bản báo cáo kèm với danh sách TNLT với án tù từ 10 năm trở lên theo yêu cầu của Báo Cáo Viên Đặc Biệt về tình trạng của các người bảo vệ nhân quyền:

Chắt lọc từ các báo cáo này, một danh sách TNLT sẽ được trình bày trước Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào tháng 9 tới đây.

Đây chỉ là một ví dụ về một cơ hội. Phải có thêm nhiều tổ chức ở trong và ngoài nước cùng nhau khai thác mọi cơ hội quốc tế vận cho các TNLT thì mới duy trì được áp lực liên tục và tăng dần lên chế độ ở Việt Nam cho đến khi họ bị đặt vào tình huống lợi bất cập hại.

Kết luận

Đối với những người cổ suý nhân quyền và dân chủ, cách giảm rủi ro bị tù đày là tăng tính định chế hoá trong hoạt động, liên kết chặt chẽ với quốc tế, và động viên thân nhân và thân hữu sẵn sàng nhập cuộc khi mình bị lâm nguy.

Đối với những người đã vào tù, thân nhân và thân hữu của họ ở bên ngoài cần đến với nhau để tương thân tương trợ trong đối phó tình huống và quốc tế vận dài lâu. Thân nhân của các TNLT có thể yếu năng lực, thiếu kinh nghiệm vận động, nhưng lại có tư thế hơn hết để lên tiếng với quốc tế và có động lực hơn hết để dấn thân trường kỳ cho người thân ở trong tù. BPSOS sẵn sàng hỗ trợ về kỹ năng định chế hoá, huấn luyện về đối phó tình huống, vá hướng dẫn về vận động quốc tế. Nhưng chính những người thân của các TNLT phải chủ động. Không thể khác hơn.

Viết một bình luận