BPSOS: Trọng tâm nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam năm 2021 – 2022

  • 6 lĩnh vực trọng tâm cho năm 2021-2022 và các mục tiêu tương ứng cho riêng năm 2021

Ngày 12 tháng 2, 2021

http://machsongmedia.com

Nhân ngày đầu năm Tân Sửu, các nhân viên và thiện nguyện viên của BPSOS kính chúc quý đồng bào ở trong nước và quý đồng hương ở khắp thế giới một năm mới an khang và thịnh vượng.

Theo truyền thống của BPSOS từ nhiều chục năm qua, mỗi đầu năm chúng tôi đề ra các trọng tâm hoạt động và các chỉ tiêu hướng đến. Dưới đây là những trọng tâm cho chu kỳ 2 năm 2021 – 2022.

  • Trọng tâm vận động quốc tế

Quốc tế vận là hoạt động lâu năm của BPSOS, bắt đầu vào năm 1989 với mục tiêu đẩy lùi chính sách cưỡng bức hồi hương thuyền nhân. Sau khi các trại tạm dung ở Hồng Kông và Đông Nam Á đóng cửa, BPSOS dùng kinh nghiệm quốc tế vận để vận động dự luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ. Luật này được thông qua năm 1998, và BPSOS đã khai thác luật này cho đến nay.

Về tự do tôn giáo, trong năm 2021-2022 BPSOS sẽ vận động Hành Pháp Biden tiếp nối chính sách của hành pháp tiền nhiệm. Hành Pháp Trump có công dấy lên phong trào phát huy tự do tôn giáo toàn cầu. Thành quả đáng kể nhất là sự ra đời của Liên Minh Quốc Tế Cho Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin (International Religious Freedom or Belief Alliance, IRFBA) với 32 quốc gia thành viên, 5 quốc gia quan sát viên và 2 quốc gia thân hữu. Hội đồng tư vấn cho liên minh này gồm 25 chuyên gia, trong đó có một người Việt là Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS.

Đồng thời BPSOS sẽ cùng với các tổ chức thân hữu phát triển mạng lưới “bàn tròn đa tôn giáo” trên khắp thế giới. Hiện nay, khoảng 500 tổ chức nhân quyền và tổ chức tôn giáo đã tham gia 31 “bàn tròn đa tôn giáo” ở cấp quốc gia và cấp khu vực – mỗi “bàn tròn” là một mạng lưới kết nối những tổ chức và những cá nhân quan tâm đến quyền tự do tôn giáo để phối hợp hành động với nhau. Bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam là một trong ba bàn tròn đa tôn giáo hoạt động đầu tiên, bắt đầu hoạt động từ năm 2016.

Nỗ lực thứ ba của BPSOS sẽ là phối hợp hành động với mạng lưới các nghị sĩ Quốc Hội ở nhiều quốc gia để cùng thúc đẩy các đạo luật bảo vệ tự do tôn giáo và chế tài các kẻ vi phạm nhân quyền. Mạng lưới này hiện có trên 400 nghị sĩ ở hơn 90 quốc gia là thành viên.

Quyền của người lao động là lĩnh vực nhân quyền thứ hai mà BPSOS đặt làm trọng tâm. Năm 1999, BPSOS bắt đầu nỗ lực bài trừ nạn buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động của Việt Nam. Năm 2013, dưới thời của Tổng Thống Obama, BPSOS bắt đầu vận động cài đặt các điều kiện về quyền lao động vào Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong những năm gần đây BPSOS đã giảm bớt mức độ vận động cho quyền của người lao động vì Hành Pháp Trump không đặt quyền lao động như một ưu tiên.

Trong năm 2021-2022, BPSOS sẽ khởi động lại cuộc vận động cho quyền của người lao động và chống buôn lao động. Chúng tôi sẽ nương vào Hiệp ước mậu dịch tự do giữa Liên Âu và Việt Nam và sự trở lại TPP của Hành Pháp Biden.

Chúng tôi chọn lĩnh vực quyền tự do tôn giáo hay niềm tin làm trọng tâm vì đó là một gói quyền chứ không phải là một quyền đơn lẻ. Nếu không có tự do biểu đạt, tự do hội họp ôn hoà, tự do lập hội, tự do sở hữu tài sản, tự do đi lại… thì cũng không có quyền tự do tôn giáo. Vì lý do này, chúng tôi mệnh danh tự do tôn giáo là cửa ngõ dẫn sang các quyền khác. Quyền của người lao động cũng là một lĩnh vực quyền cửa ngõ.

  • Làm phép thử về tính pháp trị

Quốc tế vận là cần thiết nhưng tự nó không đủ để đem lại sự thay đổi ở Việt Nam. Qua quốc tế vận, mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy nhà nước Việt Nam cam kết tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, pháp trị, minh bạch… Để đổi lấy lợi ích về mậu dịch, viện trợ, đầu tư, quốc phòng và nhiều nữa, Việt Nam ngày càng cam kết nhiều hơn.

Cam kết thôi thì chưa đủ. Sau khi Việt Nam cam kết với quốc tế, bước kế tiếp của chúng tôi là thúc đẩy nhà nước Việt Nam nội luật hoá cam kết ấy, và rồi thực thi luật pháp của chính họ. Với mục đích ấy, cuối năm 2018, BPSOS phối hợp cùng Liên Minh Chống Tra Tân – Việt Nam để hình thành Đề Án Dân Quyền VIệt Nam. Trong năm 2019 và năm 2020, toán chuyên gia luật của đề án đã hỗ trợ tổng cộng 70 vụ việc pháp lý làm phép thử về việc tuân thủ luật, cũng có thể gọi là tính pháp trị, của thể chế hiện hành. Sự hỗ trợ pháp lý bao gồm thảo đơn yêu cầu, đơn tố giác, đơn tố cáo và đơn kiện tại toà.

Từ những hồ sơ pháp lý ấy, chúng tôi tổng hợp và phân tích các bất cập để những cơ quan LHQ hữu trách và các chính quyền quan tâm theo dõi và đôn đốc Việt Nam phải tuyệt đối tuân thủ những cam kết quốc tế.

Trong năm 2021 – 2022, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động pháp lý ở Việt Nam trong sự kết hợp chặt chẽ với vận động quốc tế.  

  • Phát triển nội lực cho các cộng đồng

Đây là trọng tâm tương đối mới, khởi đầu năm 2015, nhưng lại là quan trọng nhất. Chỉ khi nào chính người dân chủ động tự bảo về quyền và lợi ích của mình thì thể chế mới thực sự thay đổi và thay đổi một cách lâu bền. Muốn chủ động, người dân phải có nội lực.

Trong 6 năm qua 2015, BPSOS đã hỗ trợ trực tiếp cho 150 cộng đồng và gián tiếp cho 50 cộng đồng thuộc các tôn giáo và sắc tộc khác nhau phát triển nội lực. Chúng tôi đã dành 6 tháng cuối năm 2020 để xây dựng công thức mẫu về phát triển nội lực, nhằm giúp mọi cộng đồng dễ dàng áp dụng.

Trong năm 2021 – 2022, chúng tôi tiếp tục các khoá đào tạo ngắn và dài hạn. Hơn thế, BPSOS đã thiết kế hệ thống học hàm thụ trực tuyến để những người đã từng học qua có thể sử dụng để đào tạo cho các thành viên trong cộng đồng của mình. Trong năm 2021 chúng tôi sẽ phổ biến các khoá học này cho công chúng.

Ngay từ tháng 1 năm 2021, BPSOS đã triệu tập hàng loạt các diễn đàn để các cộng đồng ở trong nước lên tiếng trực tiếp với các giới chức Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội về tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ, một số toà đại sứ ở Việt Nam, một số cơ quan nhân quyền của LHQ, và các tổ chức quốc tế đang hợp tác chặt chẽ với BPSOS. Qua việc tham gia những diễn đàn này, các cộng đồng ở trong nước sẽ làm quen dần với quốc tế vận.

Năm 2021 – 2022 mở ra cơ hội để vận động cùng lúc nhiều chục quốc gia áp dụng các biện pháp chế tài theo dạng Magnitsky lên các quan chức hữu trách về đàn áp nhân quyền hay bách hại tôn giáo. Hiện nay Hoa Kỳ, Canada, Anh và 27 quốc gia thuộc khối Liên Âu đều đã có luật chế tài theo dạng này. Có triển vọng Úc sẽ thông qua luật tương tự trong năm nay.

Hành Pháp Trump đã áp dụng các biện pháp chế tài theo Luật Magtnisky Toàn Cầu một cách rộng rãi. Tuy nhiên, việc áp dụng này mang tính chính trị hơn là bảo vệ nhân quyền vì chỉ nhắm vào các chính quyền đối nghịch nhưng lại tránh né cho các chính quyền thân hữu. Đó là lý do các quan chức Việt Nam đã thoát biện pháp chế tài dù BPSOS đã để nghị nhiều hồ sơ từ 2017 đến 2020.

Chúng tôi đang cùng nhiều tổ chức nhân quyền ở Hoa Kỳ vận động Hành Pháp Biden lấy nhân quyền làm chuẩn mực để quyết định biện pháp chế tài. BPSOS cũng đã chuyển một hồ sơ chế tài đầu tiên cho chính quyền Liên Âu.

BPSOS khởi động chương trình Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam cuối năm 2012. Cách làm của chúng tôi là vận động các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và các uỷ viên của Uỷ Hội USCIRF kết nghĩa với tù nhân lương tâm ở Việt Nam, và vận động ngày càng thêm nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp dài hạn cho tù nhân lương tâm mà họ chọn. Đến nay khoảng 25 tù nhân lương tâm đã được kết nghĩa hoặc can thiệp theo công thức này. Trong những năm gần đây, mô hình kết nghĩa này đã lan toả đến một số quốc gia Âu Châu nhưng vẫn chưa thịnh hành.

Trong năm 2021 – 2022, BPSOS sẽ phát triển công thức kết nghĩa rộng rãi hơn nữa ở tại Hoa Kỳ và ở những quốc gia khác.

Bảo vệ đồng bào tị nạn là chương trình hoạt động nguyên thuỷ của BPSOS, kể từ thời kỳ thuyền nhân vượt biển tìm tự do. Hiện nay BPSOS là tổ chức của người Việt duy nhất có luật sư giúp cho đồng bào trong tiến trình chứng minh tư cách tị nạn với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ ở Thái Lan. Được cứu xét tư cách tị nạn là bước tối quan trọng vì chỉ những ai có quy chế tị nạn thì mới được đi định cư ở một quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, Úc,Tân Tây Lan, Pháp, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy… Hiện nay có gần 800 người Việt đã có quy chế tị nạn nhưng chưa được định cư.

Với chính sách tăng đỉnh số nhận định cư tị nạn của Hành Pháp Biden, BPSOS đang vận động ráo riết để Hoa Kỳ cùng với các quốc gia đệ tam khác giải quyết định cư trong vòng 2 năm tất cả những người đã có quy chế tị nạn đang kẹt ở Thái Lan.

Song song, toán luật sư của chúng tôi tiếp tục lập hồ sơ xin tị nạn cho những đồng bào vẫn chưa được vào phỏng vấn với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ hoặc đã bị từ chối tư cách tị nạn một cách oan uổng.

BPSOS logo small

Logo của BPSOS được biến chế bởi một hoạ sĩ tị nạn gốc Châu Phi ở Thái Lan

  • Các mục tiêu cho năm 2021

Dưới đây là các mục tiêu cụ thể của chúng tôi cho riêng năm 2021:

  • Quốc tế vận:
    • Đào tạo thêm 20 người ở Việt Nam để có thể đối tác trực tiếp với quốc tế và 50 người ở hải ngoại về quốc tế vận. Con số hiện nay là 30 người và 200.
    • Tạo diễn đàn quanh năm để các cộng đồng trong nước có cơ hội giao tiếp trực tiếp với quốc tế.
    • Huấn luyện thêm 5 tổ chức XHDS biên soạn báo cáo và tài liệu để chia sẻ với các cơ quan LHQ. Con số hiện nay là 12 tổ chức XHDS.
    • Tuyển mộ thêm 5 tổ chức quốc tế hợp tác dài lâu qua các chương trình cụ thể. Con số hiện nay là 30 tổ chức.
  • Can thiệp pháp lý:
    • Huân luyện kiến thức pháp lý cho thêm 200 thành viên của các cộng đồng và cách sử dụng sự hỗ trợ của toán chuyên gia luật của chúng tôi. Con số hiện nay là 225.
    • Hỗ trợ pháp lý cho thêm 50 hồ sơ của cá nhân và cộng đồng bao gồm các lĩnh vực đa dạng (tra tấn, giam giữ tuỳ tiện, bắt cóc, sách nhiễu, tịch thu điện thoại, cấm xuất cảnh, chiếm tài sản của các tổ chức tôn giáo…). Con số hiện nay là 70.
    • Vận động giải quyết tình trạng không hộ tịch, hộ khẩu và giấy tờ tuỳ thân cho 3,000 tín đồ Tin Lành người Hmong và người Tây Nguyên cũng như cho một số chức sắc tôn giáo Việt Nam.
  • Phát triển nội lực cho các cộng đồng:
    • Hỗ trợ thêm 50 cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ở trong nước phát huy nội lực nhằm tự bảo vệ thành công quyền sinh hoạt tôn giáo. Con số hiện nay là 200 cộng đồng.
    • Đào tạo thêm 500 người về khả năng nhận diện các vi phạm tự do tôn giáo, thu thập thông tin, và phối kiểm chứng cứ trước khi chuyển cho ban viết báo cáo. Con số hiện nay là 2,000 người.
    • Tăng cường đội ngũ chuyên viết báo cáo từ 20 lên 30 người.
    • Phát triển hệ thống truyền thông để tiếp cận thêm 30,000 người Việt ở trong nước và 10,000 người Việt ở hải ngoại. Con số hiện nay là 110,000 và 20,000.
  • Vận động chế tài:
    • Đào tạo thêm 5 người về kỹ năng thực hiện hồ sơ đề nghị chế tài. Con số hiện nay là 5.
    • Lập thêm 5 hồ sơ đề nghị chế tài để nộp cùng lúc cho Hoa Kỳ, Canada, Anh và Liên Âu. Con số hiện nay là 13 hồ sơ.
  • Tù nhân lương tâm:
    • Vận động các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và nghị sĩ của các quốc gia khác kết nghĩa với thêm 10 tù nhân lương tâm Việt Nam. Con số hiện nay là 20.
    • Tuyển mộ thêm 5 tổ chức quốc tế và của người Việt ở hải ngoại tiếp tay với mô hình “kết nghĩa” với tù nhân lương tâm Việt Nam. Con số hiện nay là 10.
  • Bảo vệ người tị nạn:
    • Vận động Hoa Kỳ và các quốc gia đệ tam định cư 2,000 người đã có quy chế tị nạn ở Thái Lan; trong đó có khoảng 400 người Việt. Con số của năm 2020 là 121, với khoảng 1/5 là người Việt.
    • Can thiệp pháp lý cho 100 hồ sơ xin tị nạn. Con số của năm 2020 là 97.

Các chỉ tiêu này giúp chúng tôi theo dõi và đánh giá công việc của chính mình. Hơn nữa, bất kỳ ai cũng có thể đánh giá công việc của chúng tôi bằng cách đối chiếu những thành quả gặt hái được với các chỉ tiêu đã đề ra từ trước như trên.

Bài liên quan:

Chính sách định cư tị nạn của Hoa Kỳ: Ảnh hưởng thế nào đến người Việt tị nạn ở Thái Lan?
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1690-chinh-sach-dinh-cu-ti-nan-cua-hoa-ky-anh-huong-the-nao-den-nguoi-viet-ti-nan-o-thai-lan

BPSOS: Vận động chế tài theo luật Magnitsky là một trọng tâm cho năm 2021
https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/1685-bpsos-van-dong-che-tai-theo-luat-magnitsky-la-mot-trong-tam-cho-nam-2021

Viết một bình luận