Phải diễn ý của Cụ Phan Châu Trinh thế nào về “khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh”?

Tác giả: Lê Thị

Ngày 25 tháng 1, 2021

http://machsongmedia.com 

Lời giới thiệu:

Sau khi đăng bài “Phải chăng chúng ta diễn giải sai ý của Cụ Phan Châu Trinh?”, tôi liền nhận được email của độc giả Lê Thị cho biết là tôi đã hiểu sai ý của cụ rồi. Tôi bèn “gạ”: Thế thì viết bài phản biện đi để đăng trên Mạch Sống, mà phải phản biện cho mạnh tay nhé. Người ấy nhận lời ngay. Và dưới đây là bài đầu tiên trong chuỗi bài phản biện.

À, tôi phải giới thiệu thêm là tác giả Lê Thị đã làm luận án hậu đại học về Cụ Phan Châu Trinh. Tác giả trong nhóm bạn từ thuở trung học với tôi, và 2 vợ chồng cô ấy thường đem thức ăn mới nấu nóng hổi để tiếp tế cho tôi một mình đóng đô ở nhà suốt thời kỳ tránh dịch bệnh sau khi vợ con đã tản cư sang Canada lánh nạn.

Đọc bài “Phải chăng chúng ta diễn giải sai ý của cụ Phan Châu Trinh?”: https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1638-ph-i-chang-chung-ta-di-n-gi-i-sai-y-c-a-c-phan-chau-trinh

*****

Góp ý về bài viết của ts Nguyễn Đình Thắng đề ngày 20 tháng 12 nảm 2020.

Trong bài viết để ngày 20 tháng 12 năm 2020, bàn về tính hiện đại của chương trình Tự chủ-Tự trị đã được cụ Phan Châu Trinh đề ra cả 100 năm trước cho Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã nêu vấn đề: «Phải chăng chúng ta đã diễn giải sai ý của cụ Phan Châu Trinh» ? Theo Ts Nguyễn Đình Thắng, ba tiêu đề Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh của cụ Phan chỉ có thể trở thành những mục tiêu thực tiễn, đem lại thay đổi thật sự cho xã hội Việt Nam, nếu chúng được thực hiện như ba giai đoạn dây chuyền, chuyển tiếp theo thứ tự ngược lại, nghĩa là bắt đầu bằng Hậu Dân Sinh.  

 Tác giả đã phiên giải ba chữ Hậu Dân Sinh thành câu Tạo Phúc Lợi theo nghĩa được hiểu ngày nay. Ông đã phân tích quan điểm của mình theo nhãn quan của tiến trình quản-lý-dự-án (project management), theo đó, khả năng đánh giá các mục tiêu cụ thể, khả thi, phù hợp với phúc lợi mong muốn trong một thời hạn nhất định, xem ra có tính cách quyết định đưa đến thành công. Trong tinh thần ấy, khả năng đánh giá, lượng định, là một điều kiện then chốt, mà ít nhất người điều hành dự án phải nắm ưu thế.

Tuy nhiẻn, khác với các đường lối quản trị cổ điển, bí quyết thành công của một đề án, theo tinh thần quản-lý-dự-án, không thể dựa trên một cá nhân lãnh đạo; nó nằm ở sự đồng lòng, đồng sức của tập thể. Khả năng đánh giá, định lượng nêu trên phải được chia sẻ, khai thác trong từng giai đoạn khai triển dự án.

Mặt khác, như Ts Nguyễn Đình Thắng đã nêu lên, dự án xây dựng một Tân Việt Nam của cụ Phan Châu Trinh chắc chắn có mục đích tối hậu là Dân Sinh, nhưng Tạo Phúc Lợi có quan trọng hơn Dân Trí và Dân Khí, nếu nó được đặt lên hàng đầu trong tiến trình thực hiện hay không? Nói một cách khác, cụ Phan Châu Trinh có sai lầm khi có vẻ đặt Dân Trí và Dân Khí trước Dân Sinh hay không?

Để trả lời câu hỏi trên, trước hết, chúng ta cần khẳng định tầm vóc của dự án đã được nêu ra cách đây 100 năm. Nó không phải là một dự án có tính cách đấu tranh xã hội như đòi hỏi nam nữ bình quyền, cũng không chỉ có tính cách kinh tế chính trị như đòi hỏi quyền lợi cho một tầng lớp nào, mà là một chương trình nhắm đến thăng hoá một cách đa diện, không chỉ một người, hay một số nhỏ nào, mà là bao nhiêu triệu con người trong một quốc gia đang cần có một chỗ đứng trên toàn thế giới.

Ngay từ đầu, cụ Phan Châu Trinh đã thẩm định một cách sáng suốt và khoa học tình trạng của nước Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ XX, cũng như khả năng của những con người Việt Nam, vào thời ấy. Dự án cho một Việt Nam mới không phải chỉ nhằm giải quyết vấn đề lãnh thổ bị đô hộ, mà quan trọng hơn nữa, thiết thực hơn nữa, là giải thoát mọi con người Việt Nam khỏi cái u tối vì thiếu văn minh, thua các nước đã có kỹ thuật tân tiến về trí, về khí, và dĩ nhiên, về điều kiện nhân sinh. Chương trình được Phan Châu Trinh đề xướng cải cách xã hội, không phải là thay đổi cơ cấu, mà là thay đổi chính mỗi một con người từ bên trong cơ cấu đó.

Đối với Phan Châu Trinh, một Việt Nam mới phải được dựng nên bởi những người Việt Nam mới. Vậy thế nào là một người Việt Nam mới trong mắt Phan Châu Trinh? 

Những con người Việt Nam có khả năng xây dựng một quốc gia Việt nam tự chủ, tự trị, dưới mắt Phan Châu Trinh đã được cụ miêu tả rõ ràng: một người có trí tuệ (dân trí), có chí khí (dân khí) và có điều kiện sinh hoạt thường nhật (dân sinh) tương ứng với nhu cầu chiếu theo quyền của một con người. 

Viết một bình luận