Vấn đề pháp lý của việc tịch thu tiền nhuận bút của ba thành viên của Hội nhà báo độc lập

LTS: Đây là một bài viết được đăng trên trang Facebook Đề Án Dân Quyền Việt Nam, một trang cung cấp các thông tin nhằm giúp người Việt Nam trong nước tìm hiểu thêm về luật Việt Nam và một số luật quốc tế liên quan.

Ngày 5 tháng 1 năm 2021, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử ba ông Phạm Chí Du~ng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 117 Bộ luật hình sự 2015) với số năm tù tổng cộng 37 năm tù giam và 9 năm quản chế. Ngoài ra, 3 ông còn bị tịch thu toàn bộ số tiền nhuận bút được trả từ một số đài báo và tổ chức phi chính phủ.

 

Bạn đọc hỏi: Việc tịch thu tiền nhuận bút (thành quả lao động) của ba ông như vậy có đúng không?

 

Chuyên gia luật Đề Án Dân Quyền trả lời như sau:

 

Quá trình giải quyết vụ án hình sự, ngoài việc định tội danh, quyết định hình phạt, các cơ quan tiến hành tố tụng còn có quyền xử lý vật chứng, áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội, cu~ng như giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Theo quy định tại các Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015 việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

 

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

 

Như vậy theo nguyên tắc pháp lý nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án nói trên chứng minh được hành vi viết bài của ba ông là hành vi phạm tội thì tiền nhuận bút có thể bị coi là tài sản do phạm tội mà có/khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội và bị xử lý tịch thu sung công quỹ.

 

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tài sản do 3 ông có (tiền nhuận bút) là do các đài báo và các tổ chức phi chính phủ chi trả theo một hợp đồng lao động hoặc một hợp đồng đối tác thì đương nhiên các tổ chức phải được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Do đó khi giải quyết vụ án, họ phải được xác định là người tham gia tố tụng.

 

Trong suốt quá trình tố tụng từ điều tra đến truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng đều không triệu tập họ là trái với nguyên tắc khách quan và toàn diện trong tố tụng, vi phạm nghiêm trọng về mặt thủ tục tố tụng. Việc tuyên bố tịch thu tiền nhuận bút của ba ông đã gián tiếp xác định quan hệ lao động hoặc quan hệ đối tác của ba ông với các đài báo, có tổ chức phi chính phủ là quan hệ trái pháp luật. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới danh dự, uy tín của các tổ chức đó. Các tổ chức có liên quan có quyền chấp nhận hoặc phản đối phán quyết đó với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Do đó, nghĩa vụ của các cơ quan tố tụng trong vụ án này không chỉ là phải chứng minh hành vi phạm tội đối với ba ông mà họ còn phải chứng minh được với các đài báo, các tổ chức phi chính phủ về một quan hệ dân sự trái pháp luật thì mới có căn cứ để tịch thu tiền nhuận bút của ba ông.

 

Do không được các cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập để làm rõ, các đài báo và các tổ chức phi chính phủ được nhắc tới trong bản án nói trên có quyền khiếu nại bản án và toàn bộ trình tự tố tụng của vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm hại.

 

Ngoài ra, việc khiếu nại bản án và toàn bộ trình tự tố tụng vụ án của các đài báo và các tổ chức phi chính phủ có liên quan còn là trách nhiệm trong việc bảo vệ đối tác, bảo vệ người lao động của chủ sử dụng lao động.

Viết một bình luận