Hiện tượng “lời tiên tri thành sự thật” và triển vọng dân chủ hoá Việt Nam

Hoàn cảnh đã tương đối thuận lợi để tiến trình dân chủ hoá bắt đầu

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 28 tháng 12, 2020

http://machsongmedia.com

Lời tiên tri thành sự thật, tiếng Anh là self-fulfilling prophecy, là một hiện tượng thoáng nghe có vẻ huyền bí nhưng thực ra lại rất thông thường khi người tiên tri là yếu tố quyết định cho sự thành tựu của lời tiên tri. Chẳng hạn, một học sinh tiên đoán rằng mình sẽ tốt nghiệp trung học cho nên chăm chỉ học hành thì triển vọng tốt nghiệp gần như chắc chắn. Ngược lại, một học sinh đinh ninh sẽ không thể nào ra trường nên chẳng học hành gì thì xác suất ra trường là số không. Nghĩ sao ra vậy vì trong cả 2 trường hợp, em học sinh là chủ thể quyết định kết cục của lời tiên đoán.

Ẩn sau câu chữ “là yếu tố quyết định” là giả định rằng đương sự không phải đối mặt với trở lực vượt quá khả năng khắc phục. Nhiều trẻ em người Hmong và người Tây Nguyên không thể tự mình vượt qua nghịch cảnh không hộ tịch, hộ khẩu; dù cố gắng cách mấy, các em vẫn không thể tốt nghiệp trung học khi không có giấy tờ hợp pháp. Muốn các em trở thành yếu tố quyết định thì chúng ta phải giảm hoặc xoá nghịch cảnh.

Tiến trình dân chủ hoá

Tôi dùng hiện tượng “lời tiên tri thành sự thật” để diễn đạt một cách dễ hiểu kế hoạch 10 năm dân chủ hoá đất nước mà BPSOS đề xướng năm 2010 và bắt đầu triển khai giữa năm 2012.

Dân chủ là trạng thái xã hội khi người dân ảnh hưởng chính sách, giám sát việc thực thi chính sách, và thay đổi thể chế nếu cần. Dân chủ hoá là tiến trình chuyển đổi từ không có ảnh hưởng sang tăng dần ảnh hưởng của người dân lên chính sách, việc thực thi chính sách và thể chế. Nói cách khác, đó là tiến trình giảm dần các trở lực và tăng dần các trợ lực để người dân trở thành yếu tố quyết định. Giảm trở lực và tăng trợ lực là sách lược dân chủ hoá của chúng tôi.

Sau hơn 8 năm, các trở lực đã giảm và các trợ lực đã tăng đủ để cho phép người dân, nếu quyết tâm và làm đúng việc đúng cách, có thể tăng dần ảnh hưởng lên chính quyền cấp địa phương, cấp tỉnh và, ở chừng mực nào đó, cấp trung ương. Điều này đã được chứng minh với khoảng 150 cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Họ quyết tâm thay đổi hiện trạng và đang trải nghiệm hiện tượng “lời tiên tri thành sự thật”.

Cộng đồng người Hmong theo Đạo Tin Lành ở Tiểu Khu 179, Xã Liên Srônh, Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng

Một ví dụ

Trong năm qua, chúng tôi đã có bài viết trên 2 trang Facebook “Đề Án Dân Quyền” và “Vietnam Advocacy Project” để giới thiệu các trường hợp “lời tiên tri thành sự thật”. Trong số đó có cộng đồng gồm 597 người Hmong theo Đạo Tin Lành ở Tiểu Khu 179 thuộc Xã Liên Srônh, Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng.

Vì không chấp nhận bỏ đạo, họ đã bị trục xuất hoặc phải trốn chạy khỏi nguyên quán ở miền Bắc. Từ tứ xứ, họ tụ về Tây Nguyên và dựng lên một cộng đồng hoàn toàn mới giữa rừng già. Họ bị chính quyền địa phương xem là dân cư bất hợp pháp nên không được cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giá thú và ngay cả giấy khai sinh – tình trạng của họ y như những người vô quốc gia.

Tháng 6 năm 2019, chính quyền Huyện Đam Rông ban lệnh cưỡng chế toàn bộ đất đai của họ để giao cho một công ty. Tình hình rất căng vì người dân quyết tử để giữ đất. Có người báo động cho BPSOS. Chúng tôi khuyên người dân bình tĩnh, rồi cử người tư vấn pháp lý và giúp họ thảo văn thư gửi chính quyền, yêu cầu đối thoại. Đồng thời, chúng tôi vận động quốc tế lên tiếng, gồm Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, và một số cơ quan LHQ. Vị tham tán chính trị ở Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ phía Nam gọi điện trực tiếp cho chính quyền tỉnh và huyện để kêu gọi đối thoại thay vì đối đầu.

Và cuộc đối thoại đã diễn ra. Đại diện của người dân được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi các chuyên gia pháp lý. Tại buổi đối thoại, họ nhấn mạnh nghĩa vụ của nhà nước là bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, như cấp hộ khẩu và giấy tuỳ thân, bảo đảm sinh kế, tạo điều kiện cho mọi trẻ em được đi học… Sau buổi họp, họ gửi tiếp nhiều đợt văn thư nhắc nhở.

Tháng 1 năm 2020, chính quyền Huyện Đam Rông thông báo quyết định đầu tư 76.78 tỉ VND (tương đương 3.3 triệu USD) để xây dựng hạ tầng cơ sở cho Tiểu Khu 179 (và cả cho Tiểu Khu Tây Sơn ở cạnh đó với cộng đồng người Hmong cùng cảnh ngộ): đường nhựa từ trung tâm hành chính của huyện băng qua 2 tiểu khu, trạm xá y tế, trung tâm cộng đồng, nhà trẻ, và sân bóng cho người lớn. Chính quyền huyện cam kết sẽ cấp hộ khẩu và giấy tờ tuỳ thân cho người dân vào đầu năm 2021. Trong thời gian chờ đợi, chính quyền huyện giải quyết đặc biệt để những trẻ em không giấy tờ tuỳ thân vẫn có thể đi học. Chính sách cưỡng chế đất đai không còn được nhắc đến nữa.

Người dân của Tiểu Khu 179 lại gửi văn thư mời Quốc Hội cử phái đoàn viếng thăm để giám sát việc chấp pháp các điều luật chống phân biệt đối xử với dân tộc thiểu số, bảo vệ quyền của trẻ em… Ngày 8 tháng 7 năm 2020, 2 đại biểu Quốc Hội thuộc tỉnh Lâm Đồng đến thăm Tiểu Khu 179. Ngày 30 tháng 7 một uỷ viên thường trực của Hội Đồng Dân Tộc của Quốc Hội từ Hà Nội đến tiếp xúc người dân tại đây.

Gần cuối năm, khi Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Đam Rông thay đổi Chủ Tịch, người dân gửi văn thư chúc mừng và nhắc nhở lời cam kết của vị chủ tịch tiền nhiệm. Qua công văn đề ngày 14 tháng 12, vị tân chủ tịch cho biết sẽ tiếp tục chính sách do vị tiền nhiệm đề xuất. Xem: https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/12/Document_No.1368_Progress_Update_by_District_Peoples_Committee.pdf.

Với sự lên tiếng của quốc tế và công tác tư vấn pháp lý của các luật gia, 150 hộ người Hmong, với khoảng 1 nghìn nhân khẩu, ở Tiểu Khu 179 và Tiểu Khu Tây Sơn đã chủ động thay đổi hoàn cảnh cho chính họ và lời tiên tri đang thành sự thật.

Members of National Assembly visiting Subdivision 179

Giới chức Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Đam Rông và đại biểu Quốc Hội tiếp xúc dân ở Tiểu Khu 179, ngày 08/07/2020

Tiến trình chuyển đổi

Chúng tôi khai thác 5 yếu tố chuyển đổi để giảm dần trở lực và tăng dần trợ lực trong tiến trình giúp người dân trở thành yếu tố quyết định.

Áp lực quốc tế: Phải hội nhập quốc tế để sinh tồn, chính quyền Việt Nam đã ký nhiều công ước LHQ về quyền con người và chấp nhận các điều kiện nhân quyền và pháp quyền trong nhiều hiệp ước mậu dịch song phương và đa phương. Đã cam kết thì có nghĩa vụ thực thi, và họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu vi phạm. Trong 20 năm qua, trọng tâm của Chương Trình Vận Động Cho Việt Nam của BPSOS là huy động, duy trì và gia tăng áp lực quốc tế lên Việt Nam.

Khung luật quốc gia: Thể hiện nghĩa vụ thực thi, chính quyền Việt Nam phải nội luật hoá các cam kết với quốc tế; luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo năm 2018 là một trong nhiều ví dụ. Hình thành năm 2018 bởi BPSOS và Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam, Đề Án Dân Quyền Việt Nam hỗ trợ pháp lý cho người dân đòi hỏi các cấp chính quyền phải tuyệt đối tuân thủ luật quốc gia, nhất là các điều khoản cam kết đã được nội luật hoá. Chúng tôi thường xuyên cập nhập cho quốc tế về những bất cập trong khung luật và trong khâu thi hành luật của Việt Nam so với các cam kết quốc tế.

Mạng lưới liên kết: Những cá nhân lẻ loi không thể nào tăng nội lực đủ để trở thành yếu tố quyết định giữa một thể chế thiếu dân chủ. Ngay cả một cộng đồng, dù có tiềm năng phát triển nội lực nhưng lẻ loi, vẫn dễ bị tổn thương hoặc bị bách hại. Do đó, chúng tôi không chỉ phát huy nội lực cho các cộng đồng mà còn nối kết các công đồng với nhau để tương thân tương trợ, và với quốc tế để tạo thế “bứt mây động rừng”. Quốc tế ở đây bao gồm các tổ chức nhân quyền quốc tế, các định chế nhân quyền LHQ, và các chính quyền quốc tế.

Các chương trình hỗ trợ: Trong thể chế dân chủ, xã hội dân sự bao gồm nhiều định chế để người dân dễ dàng phát huy quyền công dân, như các công đoàn, các văn phòng hỗ trợ pháp lý, các tổ chức vận động hành lang, các trung tâm nghiên cứu, các nhà trường… Trong gần chục năm qua chúng tôi tuần tự thiết lập các chương trình hỗ trợ tương tự như các định chế xã hội dân sự ấy, bao gồm: đào tạo và huấn luyện, quốc tế vận, truyền thông, can thiệp pháp lý, phiên dịch và thông dịch, báo cáo vi phạm, lập hồ sơ chế tài, nghiên cứu và đánh giá. Trong mỗi cộng đồng chỉ cần một nhóm người biết cách “gõ cửa” các chương trình hỗ trợ này thì mọi thành viên sẽ tiếp cận được sự hỗ trợ mà họ cần.

Nguồn lực tiếp ứng từ hải ngoại: Đây là một chương trình hỗ trợ đặc biệt, được tách riêng ra vì tầm quan trọng của nó. Ngay trong các xã hội dân chủ, một cộng đồng phải mất nhiều năm và có khi nhiều chục năm để phát triển đủ nội lực để trở thành yếu tố quyết định. Nhằm rút ngắn thời gian, chúng tôi huy động nguồn lực có sẵn (về kinh nghiệm, kiến thức, ngoại ngữ, kỹ năng, tài chính, quan hệ quốc tế…) trong khối người Việt ở hải ngoại để tiếp viện cho các cộng đồng ở trong nước. Mỗi cộng đồng ở trong nước được “bảo trợ” bởi một “nhóm kết nghĩa”, gồm những người Việt ở hải ngoại sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng ấy một cách lâu dài trong tinh thần trong-ngoài hiệp nhất.

Hiện nay, các yếu tố chuyển đổi kể trên đã tương đối ổn định và vững chãi để cho phép một nhóm người mang tính cách cộng đồng ở Việt Nam để tạo ra hiện tượng “lời tiên tri thành sự thật”.

Một số điểm lưu ý

Muốn ảnh hưởng chính sách và việc thực thi chính sách, người dân ở Việt Nam phải cố gắng nhiều hơn so với người dân trong các thể chế dân chủ. Tuy nhiên so với 10 năm và kể cả 5 năm trước đây, nếu làm đúng việc và đúng cách thì triển vọng thành tựu hiện đã tăng lên đáng kể. Điều này có thể thấy khi so sánh ví dụ về Tiểu Khu 179 với ví dụ về Giáo Xứ Cồn Dầu đã được trình bày trong bài trước (xem link trong phần “Bài liên quan”).

Quốc tế không đủ năng lực để quan tâm đồng đều mọi lĩnh vực nhân quyền. Do đó, chúng tôi đã chọn một số lĩnh vực trọng tâm gồm có quyền tự do tôn giáo hay niềm tin, quyền lao động và không bị buôn người, quyền phụ nữ và trẻ em, và quyền của các nhóm người thiểu số (liệt kê theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp). Nếu giữ mình trong các lĩnh vực này, triển vọng “lời tiên tri thành sự thật” sẽ cao hơn. Ở ngoài những lĩnh vực này, nhất là đối với người hoạt động đơn lẻ, thì 5 yếu tố chuyển đổi nêu ở phần trên hoàn toàn không ứng dụng, nghĩa là trở lực còn rất lớn và trợ lực thì hầu như không có.

Kết luận

Vì phải hội nhập quốc tế để sinh tồn, chế độ ở Việt Nam ngày càng chịu ảnh hưởng của áp lực quốc tế. Đó là lý do Thủ Tướng Việt Nam ra Quyết Định số 1252 ngày 26 tháng 9, 2019 về tuân thủ các khuyến nghị về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (xem: https://luatvietnam.vn/ngoai-giao/quyet-dinh-1252-qd-ttg-2019-thuc-thi-cong-uoc-quoc-te-ve-cac-quyen-dan-su-va-chinh-tri-177092-d1) và Quyết Định số 1975 ngày 31 tháng 12, 2019 về tuân thủ các khuyến nghị của đợt Rà Soát Định Kỳ Phổ Quát (UPR) (xem: https://luatvietnam.vn/ngoai-giao/quyet-dinh-1975-qd-ttg-2019-ke-hoach-thuc-hien-cac-khuyen-nghi-ve-quyen-con-nguoi-179836-d1).  Xem tài liệu tổng hợp bởi CIVICUS về các khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận tuân thủ: http://ccprcentre.org/files/media/(WEB)_Recommended_act_vietnam.pdf 

Muốn tuân thủ thì phải nội luật hoá các cam kết và thực thi luật pháp một cách đúng đắn và đầy đủ. Ngày 21 tháng 12, Thủ Tướng Việt Nam chỉ thị Bộ Tư Pháp “hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có hiệu lực, hiệu quả cao, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia” (xem: http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-du-Hoi-nghi-trien-khai-cong-tac-tu-phap-nam-2021/202012/29269.vgp).

Con số trên 150 cộng đồng tạo được hiện tượng “tiên tri thành sự thật” trong lĩnh vực quyền tự do tôn giáo là một chỉ dấu, tuy sơ khởi và còn bấp bênh nhưng rõ rệt, rằng đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, thuận lợi cho tiến trình dân chủ hoá. Những cộng đồng khéo khai thác các chuyển biến tích cực này đang tạo được một số phúc lợi ban đầu cho chính họ — họ đang có những thành quả cụ thể về “hậu dân sinh”. Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các thành công như vậy trên các trang Facebook “Đề Án Dân Quyền” và “Vietnam Advocacy Project”.

Chắc chắn có người sẽ thắc mắc: Sao nơi tôi chưa thấy gì thay đổi? Có lẽ họ trước hết nên tìm hiểu xem, hay đó cũng là “lời tiên tri thành sự thật”.

Bài liên quan:

Phải chăng chúng ta diễn giải sai ý của cụ Phan Châu Trinh? https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1638-ph-i-chang-chung-ta-di-n-gi-i-sai-y-c-a-c-phan-chau-trinh

Liệu chúng ta có vô tình “ăn gian” chính mình và mọi người?
https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1639-li-u-chung-ta-co-vo-tinh-an-gian-chinh-minh-va-m-i-ngu-i

Muốn cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, phải vận dụng song hành luật nội địa và luật quốc tế
https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/1631-mua-n-ca-i-thia-n-nha-n-quya-n-a-via-t-nam-pha-i-va-n-da-ng-song-ha-nh-lua-t-na-i-a-a-va-lua-t-qua-c-ta

Vận động quốc tế vòng 4: Chế tài các thủ phạm vi phạm nhân quyền
https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1639-li-u-chung-ta-co-vo-tinh-an-gian-chinh-minh-va-m-i-ngu-i

Quốc tế vận liệu có tạo ích lợi gì cho người dân ở Việt Nam?
https://machsongmedia.com/vietnam/quyenconnguoi/1637-thong-cao-bao-chi-c-a-adf-international-ngay-16-12-2020-v-tinh-tr-ng-ngu-i-hmong-va-tay-nguyen-vo-h-t-ch-h-kh-u

Viết một bình luận