Công thức căn bản và đầu tiên để “hậu dân sinh”
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 25 tháng 12, 2020
http://machsongmedia.com
Trong 2 thập niên qua có không ít những người khởi xướng nỗ lực thúc đẩy nhân quyền hoặc dân chủ cho Việt Nam. Xuất thân từ ngành kỹ thuật và khoa học, tôi khá ngạc nhiên về tính tuỳ tiện của nhiều nỗ lực ấy. Hình như những người đề xướng không nghĩ hoặc không biết đến các quy tắc căn bản nhất để bảo đảm tính hiệu quả của công việc. Khi chính mình không thể đo lường mức hiệu quả của việc mình làm thì cũng có nghĩa là thiếu sòng phẳng đối với những người hưởng ứng hoặc ủng hộ mình.
Chúng ta cần thay đổi cách làm, trong tinh thần khoa học.
Báo trước mục tiêu phúc lợi
Để tăng triển vọng đạt hiệu quả và bảo đảm thái độ sòng phẳng, có một số quy tắc nhất thiết phải tuân thủ. Một trong các quy tắc ấy, và là quy tắc căn bản nhất, là phải nêu các mục tiêu phúc lợi dự phóng cùng lúc với kế hoạch hành động.
Có vậy thì mình và bất cứ ai khác cũng có thể theo dõi diễn tiến thực hiện kế hoạch bằng cách đối chiếu kết quả gặt hái được với các mục tiêu đã đề ra từ trước. Bằng không thì ngay chính mình cũng không thể đánh giá được hiệu quả của công việc mình làm, chứ đừng nói đến ai khác đánh giá công việc của mình. Tệ hơn, nếu không báo trước mục tiêu thì rất dễ rơi vào tình trạng “nhận vơ”.
Thế nào là mục tiêu?
Một mục tiêu phải hội đủ 5 tiêu chí: cụ thể, có thể định lượng, khả thi, phù hợp và có thời hạn.
(1) Tính cụ thể được cấu thành bởi 2 yếu tố: Phải áp dụng cho một thành phần đối tượng đặc thù và phải đủ rõ rang và chi tiết để có thể chuyển sang bước định lượng. Chẳng hạn, trong bài viết trước đây về “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, tôi lấy ví dụ các bà mẹ với con nhỏ và có thu nhập thấp tại Phường A. Với ví dụ ấy, mục tiêu cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em cần được cụ thể hoá qua chiều cao, cân nặng và tỉ lệ giữa cân nặng và chiều cao ở mỗi độ tuổi, cùng với mức sinh tố và chất dinh dưỡng trong cơ thể; thành phần đối tượng “con nhỏ” được định nghĩa là từ sơ sinh đến 5 tuổi.
(2) Có thể định lượng nghĩa là có thể quy thành con số. Dễ nhất là những thông số đã sẵn trong dạng có thể cân, đo, đong, đếm. Ngay cả các khái niệm tương đối trừu tượng như “hạnh phúc”, “sự hài lòng”, “niềm tin”… cũng có thể quy ra thành chỉ số.
(3) Khả thi nghĩa là ở trong phạm vi mà khả năng và nguồn lực hiện có cho phép.
(4) Phù hợp nghĩa là mục tiêu trước mắt, khi đạt được, sẽ là bàn đạp để tiến đến các mục tiêu xa hơn và cuối cùng chạm đến mục đích, tức là mục tiêu tối hâu.
(5) Có thời hạn nghĩa là phải có mốc điểm thời gian rõ rệt, đánh dấu từng chặng đường trên suốt lộ trình dẫn đến điểm đích. Mốc điểm thời gian nhắc nhở lúc phải đánh giá tiến độ của kế hoạch.
Để dễ nhớ, trong tiếng Anh người ta viết tắt các tiêu chí này là SMART: Specific (cụ thể), Measurable (có thể định lượng), Achievable (khả thi), Relevant (khả thi), Time-bound (có thời hạn).
Mục tiêu phúc lợi
Trong các mục tiêu, có một loại mục tiêu đặc biệt: mục tiêu phúc lợi.
Các nỗ lực, chương trình, kế hoạch hoặc chính sách chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó đem lại phúc lợi cho con người. Đó chính là khái niệm “hậu dân sinh” của cụ Phan Châu Trinh. Chẳng hạn, phúc lợi cho trẻ em thiếu dinh dưỡng là chí ít đạt được đà tăng trưởng tối thiểu được xem là lành mạnh ở từng độ tuổi.
Nhắc lại, để đáp ứng tiêu chí “cụ thể” của một mục tiêu, thành phần đối tượng cũng phải cụ thể. Trong ví dụ trên, đó là các trẻ em từ sơ sinh đến 5 tuổi của các bà mẹ ở Phường A có thu nhập dưới 5 triệu mỗi tháng.
Có thể có người lập luận rằng tôi, hoặc chúng tôi, đấu tranh cho cả 97 triệu người dân cơ. Không sao. Ở từng mốc điểm thời gian vẫn phải xác định thành phần đối tượng một cách cụ thể. Chẳng hạn, trong 12 tháng tới, tôi (hoặc chúng tôi) sẽ bảo vệ được quyền của cộng đồng 150 tín đồ Tin Lành ở Xã B để được sinh hoạt tôn giáo mỗi Chủ Nhật mà không bị ngăn cản hoặc sách nhiễu.
Còn như lập luận rằng, đối tượng phục vụ quá bao lao nên không thể hoặc chưa có thể đo lường thành quả, thì đó là thái độ “ăn gian” chính mình và mọi người. Khi không có mục tiêu phúc lợi để có thể đánh giá thì chắc chắn không thể đạt hiệu quả. Xác suất “làm bừa, trúng bậy” luôn luôn ở sát mức 0. Và lỡ có diễn tiến tích cực nào mà nhận vào cho mình thì có nghĩa là “nhận vơ”.
Ngoài mục tiêu phúc lợi còn có loại mục tiêu không phúc lợi, mà tôi gọi là mục tiêu xuất liệu. Các mục tiêu xuất liệu cũng rất cần khi chúng phục vụ cho việc tiến dần đến mục tiêu phúc lợi. Chẳng hạn, để trẻ em thoát tình trạng suy dinh dưỡng thì sẽ cần các mục tiêu xuất liệu như: tài liệu hướng dẫn các bà mẹ, số bà mẹ được hướng dẫn, số bà mẹ hiểu được chế độ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ em, số thực phẩm phụ cấp thêm cho các gia đình thu nhập thấp có con nhỏ, lượng vitamin mà trẻ em ở các gia đình này hấp thụ mỗi ngày…
Mục tiêu phúc lợi, tiếng Anh gọi là impact, còn các mục tiêu xuất liệu thì gọi là output hoặc outcome.
Trên đây là công thức để đề ra mục tiêu, kể cả phúc lợi và xuất liệu. Giống như công thức trộn gỏi, chiên cơm, làm dưa món, nấu phở, hoặc đun thuốc bắc, nó cho phép bất kỳ ai muốn áp dụng, khi 8 giờ sáng mai thức dậy, biết là phải làm gì. Cụ Phan Châu Trinh đưa ra lời cổ vũ, bàn về chủ trương nhưng không đề ra công thức. Mà không có công thức thì không thể bắt tay hành động để thi hành chủ trương hoặc thực hiện lời cổ vũ.
Ghi chú: Công thức để xâu chuỗi các mục tiêu xuất liệu và mục tiêu phúc lợi với nhau theo những quan hệ nhân – quả được gói ghém trong công cụ có tên là phương án lô-gíc, tiếng Anh là logical framework hoặc logframe. Công thức này sẽ được trình bày ở một bài sau.
Ai là người đánh giá?
Mục tiêu giúp cho chính người thực hiện công việc đo lường tiến độ và thành quả của công việc. Nó cũng cho phép bất kỳ ai, kể cả người bàng quan, theo dõi tiến độ công việc và thành quả của người hoặc nhóm người đang thực hiện công việc ấy. Điều này y như một công trình xây dựng công cộng có niêm yết hoạ đồ kiến trúc với các thời điểm khởi công và hoàn tất; người đi ngang qua chỉ cần đối chiếu hiện trạng của công trình xây dựng với hoạ đồ là biết được tiến độ và thành quả của từng công đoạn xây dựng.
Riêng mục tiêu phúc lợi thì chỉ có thành phần thụ hưởng phúc lợi mới ở vị thế và có thẩm quyền đánh giá. Chính họ mới biết là họ có đạt được phúc lợi mong muốn hay không. Và người khảo sát họ phải độc lập với người thực hiện công việc. Bằng không thì khó tránh tình trạng “làm láo, báo cáo hay” mà chúng ta biết là rất phổ biến ở các chế độ độc tài. Nơi ấy, người dân, là thành phần hưởng phúc lợi, lại không có tiếng nói còn cán bộ nhà nước, người thi hành công tác, lại chính là người báo cáo thành quả.
Tuy nhiên, nếu cứ “tự biên, tự diễn, tự báo cáo” thì những người đấu tranh để xoá bỏ tình trạng độc tài cũng đang đi trên vết xe đổ, sự khác biệt có chăng là giữa vô tình và cố ý.
Một trình tự mang tính quy tắc
Khởi đầu với “hậu dân sinh”, lấy phúc lợi của thành phần đối tượng làm điểm đích, rồi đi lùi dần về điểm khởi hành là cách để vạch ra lộ trình mà điểm đích chính là phúc lợi mong muốn cho thành phần đối tượng.
Để có thể đánh giá thành quả, điểm đích ấy phải được cụ thể hoá thành các mục tiêu phúc lợi. Ở cuối mỗi chặng dọc suốt lộ trình, lại phải có những mục tiêu xuất liệu. Cả 2 loại mục tiêu này phải theo tôn chỉ SMART.
Sau khi đề ra các mục tiêu thì mới chọn phương tiện để đạt từng mục tiêu. Khai dân trí mà cụ Phan Châu Trinh chủ xướng là một phương tiện cần nhưng không phải duy nhất.
Tuân thủ trình tự mang tính quy tắc kể trên là cần thiết để tránh “ăn gian” chính mình và mọi người. Bất kỳ ai đó vi phạm quy tắc này, nghĩa là không đề ra trước các mục tiêu phúc lợi, cần được chất vấn một cách cặn kẽ và kỳ cùng trước khi chúng ta quyết định có hưởng ứng hoặc ủng hộ hay không.
Quy tắc này cần nhưng chưa đủ. Tôi sẽ tuần tự giới thiệu các quy tắc cần thiết khác nữa. Khi ngày càng thêm nhiều người, nhiều nhóm tuân thủ đầy đủ các quy tắc này và áp dụng các công thức đi kèm, xã hội dân sự sẽ ngày càng trưởng thành và tăng khả năng “hậu dân sinh”.
Hai ví dụ
Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu, kéo dài 10 năm, là một ví dụ về áp dụng quy tắc kể trên.
Ngày 4 tháng 5, năm 2010, chính quyền Đà Nẵng xua lực lượng công an, cảnh sát cơ động, và dân phòng tấn công giáo xứ Cồn Dầu, đánh đập, tra tấn, bắt bớ hàng loạt những người phản đối chính sách cưỡng chế toàn bộ đất đai của giáo xứ. Nhiều giáo dân phải chạy sang Thái Lan (và một gia đình sang Malaysia) lánh nạn. Tháng 7 năm ấy, BPSOS đề ra Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu, với 4 mục tiêu phúc lợi:
(1) Các giáo dân Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan, khoảng 150 người, được công nhận là tị nạn và được định cư.
(2) Giáo dân Cồn Dầu ở trong nước, khoảng 1,500 người, không còn bị bách hại bằng bạo lực hoặc đe doạ.
(3) Các hộ giáo dân quyết tâm đòi công lý được bồi thường thoả đáng.
(4) Xứ Đạo Cồn Dầu được tồn tại.
Để đạt các mục tiêu phúc lợi này, chúng tôi đề ra kế hoạch 5 giai đoạn với các mốc điểm: Hoàn tất 4 giai đoạn đầu trong 24 tháng; giai đoạn 5 sẽ kéo dài 8 năm sau đó. Đến nay, các mục tiêu đã đạt gồm có:
(1) 132 giáo dân Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan và Malaysia đã định cư Hoa Kỳ; chỉ còn 2 gia đình sang Thái Lan sau này là vẫn còn kẹt lại (trong đó 1 gia đình có thân nhân đi trước đang làm bảo lãnh di dân).
(2) Từ ngày phát động chiến dịch Cứu Cồn Dầu, không một giáo dân nào bị bắt bớ, đánh đập, tra tấn hoặc hăm doạ; ngược lại họ đã đòi hỏi nhà nước trung ương can thiệp và sắp xếp nhiều buổi đối thoại giữa họ và chính quyền Đà Nẵng.
(3) Nhiều chục gia đình quyết tâm ở lại đã được cấp các lô đất ngay trên vùng đất của Giáo Xứ Cồn Dầu cũ, với giá thị trường khoảng 250 – 300 nghìn USD một lô; có gia đình được cấp 8 lô đất bồi thường. Nhiều cựu giáo dân Cồn Dầu đến định cư ở Hoa Kỳ cũng được bồi thường.
(4) Trong số các lô đất được cấp, mỗi hộ gia đình có ít ra 1 lô ngay cạnh và bao quanh nhà thờ Cồn Dầu; nghĩa là giáo xứ Cồn Dầu vẫn tồn tại dù bị thu nhỏ. Nhờ vậy mà mỗi dịp lễ trọng, giáo dân Cồn Dầu ở khắp nơi đều đổ về nhà thờ Cồn Dầu kinh lễ như xưa.
Dưới đây là một vài ví dụ về kiểm tra tiến độ thực hiện Chiến Dịch Cứu Cồn Dầu.
– Một buổi phổ biến kế hoạch Cứu Cồn Dầu, tháng 10 năm 2010: http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2050
– Tường trình ở mốc điểm 2 năm: http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2444
– Tường trình ở mốc điểm 3.5 năm: http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2758
Đọc thêm về diễn tiến của 5 giai đoạn: http://www.machsong.org/modules.php?name=News&new_topic=34
Hiện vẫn còn những trường hợp giáo dân Cồn Dầu chưa được bồi thường hoặc được bồi thương nhưng chưa thoả đáng. Do đó, chiến dịch này vẫn còn tiếp diễn.
Ví dụ thứ hai có thành phần đối tượng là toàn dân. Đó là kế hoạch 10 năm dân chủ hoá Việt Nam với các mục tiêu phúc lợi và mục tiêu xuất liệu chủ yếu cho 5 năm đầu như sau (xem https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/12/2010-Thong-Diep-Hy-Vong-Trach-Nhiem-Ts-Ng.D.Thang_.pdf, trang 14-15):
(1) 30 tổ chức xã hội dân sự hội nhập vào các khối liên kết vùng và quốc tế và thực hiện các dự án hợp tác song phương hay đa phương độc lập với chính quyền.
(2) Các tổ chức tôn giáo phát triển hoạt động từ thiện, cứu tế, xã hội với tài khoản trợ cấp trực tiếp từ các chính quyền hay tổ chức quốc tế.
(3) Người lao động trong nước và ở ngoài nước có toàn quyền thành lập hay gia nhập công đoàn độc lập.
(4) Chính phủ Việt Nam ban hành luật chống buôn lao động theo tiêu chuẩn quốc tế và gồm điều khoản truy tố thủ phạm, bảo vệ và bồi thường cho nạn nhân, và ngăn ngừa qua thông tin quần chúng và hợp tác quốc tế.
(5) Các toà đại sứ Việt Nam thực thi đúng trách nhiệm bảo vệ công nhân lao động ngoài nước.
(6) Một cơ cấu được hình thành để theo dõi và tường trình việc thực thi pháp lệnh tín ngưỡng và tôn giáo, chính sách bảo vệ công nhân lao động ngoài nước, nỗ lực chống tham nhũng, và sự tuân thủ các hiệp ước mậu dịch.
(7) Mọi trường hợp bị bắt bớ, tù đày hay phải đi lánh nạn đều nhận được sự trợ giúp pháp lý thích đáng.
Những mục tiêu trên cho phép chúng tôi, và bất kỳ ai, đo lường tiến độ thực hiện, hiệu năng công tác, và thành quả của kế hoạch. Cứ mỗi đầu năm chúng tôi lại đề ra các mục tiêu cụ thể cho năm ấy và lấy đó làm chuẩn mực để liên tục rà soát tiến độ công việc trong năm.
Bài liên quan:
Phải chăng chúng ta diễn giải sai ý của cụ Phan Châu Trinh?: https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1638-ph-i-chang-chung-ta-di-n-gi-i-sai-y-c-a-c-phan-chau-trinh