Quốc tế vận liệu có tạo ích lợi gì cho người dân ở Việt Nam?

Sự khác nhau giữa bảo vệ nhân quyền và phát huy dân chủ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 16 tháng 12, 2020

http://machsongmedia.com

 

Qua 2 bài viết gần đây, tôi giải thích cách BPSOS thực hiện quốc tế vận: gồm 4 vòng luân chuyển và phối hợp chặt chẽ với hành động pháp lý ở Việt Nam. Nơi đây, tôi nhận định về cách nào để thực hiện quốc tế vận một cách hiệu quả, và trả lời câu hỏi, “quốc tế vận liệu có tạo nên lợi ích gì cho người dân ở trong nước?”

 

Quốc tế vận hiệu quả

Theo chủ trương của BPSOS, quốc tế vận không chỉ là ký tên một bức thư chung, ra một thông cáo báo chí, tham gia một buổi điều trần, hoặc dự buổi họp với các giới chức chính quyền quốc tế hay LHQ. Đối với chúng tôi, quốc tế vận chỉ có ý nghĩa khi thu hút được sự tham gia của quốc tế vào những đề án cụ thể và dài hạn do chúng tôi chủ xướng. Dưới đây là một số ví dụ:

Đề án can thiệp cho các đồng bào Hmong và Tây Nguyên không hộ tịch, hộ khẩu vì theo Đạo Tin Lành: Các tổ chức hợp tác lâu dài gồm có ADF International (Áo), Jubilee Campaign (Hoa Kỳ) và International Christian Concern (Hoa Kỳ). Họ hỗ trợ chúng tôi bằng cách vận động các chính phủ Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc, Tân Tây Lan… và LHQ để ngày càng tăng áp lực lên Việt Nam. Song song, toán pháp lý của BPSOS và Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam đẩy mạnh khía cạnh pháp lý ở trong nước.

Thông cáo báo chí của ADF International ngày 16/12/2020 về tình trạng người Hmong và Tây Nguyên vô hộ tịch, hộ khẩu

Đề án can thiệp cho các tù nhân lương tâm thuộc Giáo Phái Phật Giáo Ân Đàn Đại Đạo: Tổ chức International Commission of Jurists (Thuỵ Sĩ), tổ chức VETO! (Đức) và Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) duy trì áp lực quốc tế lên nhà nước Việt Nam trong khi chính các nạn nhân và thân nhân của họ vận động hệ thống tư pháp Việt Nam tái xét giám đốc thẩm các bản án oan sai. Đồng thời BPSOS hỗ trợ một số tín đồ ở Mỹ của giáo phái này để chuẩn bị một vụ kiện tại Hoa Kỳ.

Đề án tự do tôn giáo hay niềm tin khu vực Đông Nam Á (SEAFORB): Trung Tâm Nghiên Cứu Luật và Tôn Giáo của Đại Học Bringham Young (Hoa Kỳ), Stefanus Alliance International (Na Uy), CSW (Anh Quốc), ASEAN Parliamentarians for Human Rights (Indonesia), và Religious Freedom Institute (Hoa Kỳ) lá các cộng tác viên chính. Ngoài ra còn vài chục tổ chức trên thế giới phụ trợ thêm. Ngoài Hội Nghị SEAFORB, được tổ chức hàng năm từ 2015 đến nay, chúng tôi hỗ trợ sự hình thành các mạng lưới bảo vệ tự do tôn giáo ở từng quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.

Trên đây là 3 trong số khoảng một chục đề án dài hạn do BPSOS chủ xướng, với sự hợp tác của tổng cộng khoảng 30 tổ chức quốc tế. Chúng tôi tiếp tục đẩy các con số này tăng lên.

 

Lợi ích nào cho người ở trong nước

Chủ trương của BPSOS là phát huy nội lực và thế đứng cho các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc và các nhóm người đồng cảnh ngộ để chính họ tự bảo vệ được quyền và lợi ích lâu dài của chính họ. Chúng tôi chủ trương không làm hộ vì tin rằng không ai có thể khoẻ mạnh nhờ người khác cử tạ hộ mình.

Vì vạn sự khởi đầu nan, nhất là vì các cộng đồng bị bách hại thường kém về năng lực và bị cô lập ngay cả trong xã hội Việt Nam chứ chưa nói đến quốc tế, chúng tôi tạo điều kiện thuận tiện cho họ để đối tác với quốc tế.

Chẳng hạn, hiện nay nhiều cộng đồng Tây Nguyên đã có người đối tác trực tiếp với các tổ chức quốc tế để can thiệp cho chính đồng bào của họ. Nhóm Hmong cũng có người bắt đầu học cách để đóng vai trò liên lạc quốc tế này. Hoặc, giáo phái Ân Đàn Đại Đạo từ mấy năm nay đã có người liên lạc trực tiếp với 3 tổ chức yểm trợ cho họ. Về đề án SEAFORB, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam đã có người đối tác trực tiếp với Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ, cơ quan LHQ, và một số phái bộ ngoại giao ở Việt Nam.

Dĩ nhiên, những người này cần được đào tạo, huấn luyện, và hướng dẫn kỹ lưỡng về luật quốc tế, về cách thức phát biểu, về lập kế hoạch, về thực hiện đề án, về tổ chức nhân sự, về truyền thông… và cả về tiếng Anh.

Như thế, lợi ích đầu tiên và quan trọng hơn hết chính là sự thay đổi nơi những người vào cuộc. Họ đã tăng khả năng cho chính họ để đối tác trực tiếp với quốc tế và, quan trọng hơn nữa, đã chuyển thái độ từ tiêu cực sang tích cực, từ thụ động sang chủ động, từ nương tựa sang tự đứng vững và tự bước đi trên đôi chân của chính mình.

 

Nhân quyền và dân chủ

BPSOS có hai lĩnh vực hoạt động: bảo vệ nhân quyền và phát huy dân chủ. Bảo vệ nhân quyền là làm hộ khi chính đương sự bị vi phạm nhân quyền và chưa đủ sức để tự mình đối phó. Chẳng hạn, chúng tôi can thiệp cho tù nhân lương tâm, hoặc bảo vệ pháp lý cho người ti nạn, hoặc vận động quốc tế áp lực Việt Nam ký một công ước LHQ về nhân quyền. Những công việc này vượt quá năng lực của người có quyền và lợi ích liên quan.

Còn phát huy dân chủ là giúp cho chính các cá nhân và cộng đồng có thể tự bảo vệ quyền, trong đó có quyền con người và quyền công dân, và các lợi ích chính đáng của chính họ. Chỉ khi ấy, phúc lợi mới trở thành phổ cập và bền vững.

Thái độ chủ động của chính người dân để bảo vệ quyền và lợi ích của mình và đồng loại là yếu tố khởi thuỷ cho dân chủ. Câu hỏi “quốc tế giúp gì được cho chúng tôi?” thể hiện thái độ thụ động, trông cậy vào người khác làm hộ cho mình. Câu hỏi đúng đắn phải là, “chúng tôi phải làm sao để vận dụng thế quốc tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của chính chúng tôi?” hoặc “chúng tôi phải làm sao để huy động quốc tế hỗ trợ cho công cuộc của chúng tôi để thay đổi xã hội Việt Nam?”

Ngày càng nhiều nhóm và cộng đồng ở trong nước đang hành động thiết thực để trả lời 2 câu hỏi này. Và họ đã bắt đầu thụ hưởng những lợi ích từ sự gia tăng nội lực và quan hệ quốc tế. Những cộng đồng vẫn trong trạng thái trông chờ người khác làm hộ thì… vẫn tiếp tục trông chờ. Cũng như chính chúng ta thôi, quốc tế sẽ có thiện cảm và giành ưu tiên hơn cho những ai có tinh thần cầu tiến, tự chủ.

 

Bài liên quan:

Muốn cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, phải vận dụng song hành luật nội địa và luật quốc tế

Vận động quốc tế vòng 4: Chế tài các thủ phạm vi phạm nhân quyền 

Viết một bình luận