Vận động quốc tế vòng 4: Chế tài các thủ phạm vi phạm nhân quyền

• Luật Magnitsky của EU: Món quà Ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm 2020

 

Nguyễn Đình Thắng, ngày 10 tháng 12, 2020

Trong bài trước, tôi trình bày công thức vận động quốc tế của BPSOS, gồm 3 vòng và được phối hợp chặt chẽ với hành động pháp lý ở Việt Nam. Mục đích là bảo đảm chính quyền Việt Nam luật hoá mọi cam kết với quốc tế về nhân quyền và thực thi đúng đắn những khoản đã được luật hoá. Ở đây, tôi trình bày về cuộc vận động vòng 4: chế tài các thủ phạm vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng.

 

Từ năm 2017 đến nay, BPSOS đã nộp 9 hồ sơ đề nghị chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu của Hoa Kỳ; hồ sơ số 10 đang được một tổ chức luật sư nhân quyền Hoa Kỳ rà soát lần chót trước khi gửi đi. Ngoài ra, BPSOS đã nộp 5 hồ sơ đề nghị chế tài theo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế nhắm vào các thủ phạm đàn áp tôn giáo.

 

Vận động quốc tế vòng 4

 

LHQ không có biện pháp chế tài mà chỉ có thể đưa ra các khuyến nghị cho quốc gia thành viên. Các khuyến nghị chỉ tạo được áp lực mềm đối với những chế độ sợ mất thể diện. Tình thế thay đổi cuối năm 2016 khi Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitstky Toàn Cầu, với các biện pháp chế tài nhắm trực tiếp vào các thủ phạm: cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản. Đó là áp lực cứng.

Ví dụ về hồ sơ đề nghị chế tài

 

[Thực ra, Hoa Kỳ đã có biện pháp chế tài các kẻ vi phạm tự do tôn giáo, theo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998, nhưng Hành Pháp Hoa Kỳ đã không áp dụng mãi cho đến đầu năm 2019.]

 

Để vận động các quốc gia có luật chế tài áp dụng biện pháp trừng phạt lên thủ phạm, các khuyến nghị của LHQ lại có giá trị đặc biệt vì mang tính chuyện nghiệp và không thiên vị. Cũng những thông tin ấy, nếu đến từ một tổ chức nhân quyền thì sẽ không thuyết phục bằng nếu đến từ LHQ.

Hãy lấy một ví dụ cụ thể: trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất bị bắt cóc ở Thái Lan cuối tháng 1 năm ngoái. Ngày 18 tháng 9 vừa qua, Tổ Công Tác về Giam Giữ Tuỳ Tiện thuộc Hội Đồng Nhân Quyền LHQ công bố nhận định về việc bắt cóc, giam giữ và xử tù Ông Nhất. Bản nhận định dài 17 trang đã có phần phân tích chi tiết và những lời lẽ mạnh mẽ, như:

 

“Khi đi đến kết luận, Tổ Công Tác ghi nhận rằng việc bắt giữ Ông Nhất đã xảy ra chỉ vài tuần sau khi Ông ấy viết bài chỉ trích chính quyền Việt Nam đã phá sập căn nhà ở khu Lộc Hưng mà không trưng dẫn giấy tờ pháp lý cho chủ sử dụng đất. Hơn nữa, nếu hồ sơ chỉ thuần tuý liên quan đến việc lạm dụng quyền lực, như nhà nước Việt Nam tuyên bố, thật khó hiểu là tại sao phải cưỡng bức ông Nhất về từ Thái Lan, làm cho ông ấy biệt tích trong 2 tháng và rồi giam giữ biệt tăm ông ấy trong 4 tháng… Cũng không rõ tại sao nhà nước Việt Nam khởi động việc xử lý hình sự ông ấy đối với một cáo buộc về tội phạm xảy ra năm 2004, tức 15 năm trước khi ông ấy bị bắt. Các yếu tố này gợi ý rằng việc truy tố Ông Nhất liên quan đến việc ông ấy thực thi các quyền của mình hơn là do vi phạm luật pháp.”

 

Tổ Công Tác kết luận là nhà nước Việt Nam đồng trách nhiệm với chính phủ Thái Lan trong việc bắt cóc và cưỡng bức hồi hương Ông Nhất.

 

Trong phần khuyến nghị, Tổ Công Tác yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Ông Nhất, bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra cho ông ấy chiếu theo tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp thông tin về kết quả điều quanh vụ bắt cóc, sửa luật cho phù hợp với các cam kết quốc tế, và báo cáo tình hình thực thi các khuyến nghị của Tổ Công Tác. Xem nguyên văn bản nhận định 17 trang: https://www.ohchr.org/Documents/Issues/Detention/Opinions/Session88/A_HRC_WGAD_2020_42_Advance_Edited_Version.pdf

 

article 1632 B

 

Nhận định của Tổ Công Tác về Giam Giữ Tuỳ Tiện liên quan đến vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất

 

Vận động quốc gia có luật chế tài nhập cuộc

 

BPSOS đã dùng bản nhận định của Tổ Công Tác về Giam Giữ Tuỳ Tiện của LHQ khi lập hồ sơ số 10 như được đề cập ở trên.

Trong vụ bắt cóc ký giả Trương Duy Nhất, từ đầu tháng 3 năm 2019 Tổ Công Tác về Giam Giữ Tuỳ Tiện của LHQ đã cùng với một số định chế nhân quyền khác của LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, một số toà đại sứ Âu Châu ở Bangkok, và 4 tổ chức nhân quyền quốc tế đã chia sẻ chung một bộ hồ sơ với nhiều chứng cứ cụ thể. Mỗi thành phần đã có những hành động song song hoặc có phối hợp. Chẳng hạn, phái đoàn Hoa Kỳ đã lên tiếng riêng với các đối tác Việt Nam tại buổi Đối Thoại Nhân Quyền năm 2019 và năm 2020. Riêng trong năm 2019, buổi đối thoại được tổ chức ở Hà Nội; phái đoàn Hoa Kỳ đã yêu cầu thăm Ông Nhất trong trại giam; đề nghị này đương nhiên đã bị Bộ Công An từ chối. Đồng thời, một quốc gia Âu Châu đã định cư khẩn cấp 2 nhân chứng có thể bị nguy hiểm. Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã tương tác chặt chẽ với LHQ và giới truyền thông.

Riêng BPSOS thì lo phần lập hồ sơ đề nghị chế tài, bao gồm cả thông tin và chứng cứ trong bộ hồ sơ chung. Một ví dụ về thông tin trong bộ hồ sơ chung là đoạn video Ông Trương Duy Nhất bị cảnh sát Thái Lan áp giải đến một quán ăn để chờ hiệu lệnh bàn giao cho phía Việt Nam: https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/12/TDN-escorted-by-Thai-police.mov

LHQ đã nhiều lần lên tiếng với chính quyền Việt Nam về các vi phạm nhân quyền; đó là những dữ liệu hỗ trợ cuộc vận động quốc tế vòng 4. Chúng tôi đã lưu giữ một số tài liệu ấy tại đây: https://dvov.org/communications-with-vietnam/.

 

article 1632 C

 

Cảnh sát Thái áp giải nhà báo Trương Duy Nhất để giao cho toán bắt cóc của Việt Nam

Vòng vây đang thắt lại

Để đánh dấu Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 72, Liên Hiệp Âu Châu vừa công bố luật trừng phạt các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng. Luật này có hiệu lực đến năm 2024 như một thử nghiệm. Tương tự như Luật Magnitsky Toàn Cầu của Hoa Kỳ, biện pháp chế tài bao gồm cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản đối với thủ phạm. Ngoài ra luật còn có thêm khoản cấm mọi giao dịch tài chánh với thủ phạm [Hoa Kỳ cũng có biện pháp này nhưng không nằm trong Luật Magnitsky Toàn Cầu]. Danh sách chế tài đầu tiên có thể được Liên Âu công bố nội trong 3 tháng đầu năm 2021.

Như thế, 27 quốc gia Âu Châu quyết định đồng hành với Hoa Kỳ, Canada và Anh để bao vây những kẻ thủ ác. Đấy là một món quà ý nghĩa dành cho Ngày Quóc Tế Nhân Quyền năm nay. Tiếp sau Liên Âu sẽ là Úc và có thể Nhật. Những quốc gia dân chủ khác cũng sẽ nối gót vì không muốn mang tiếng là nơi “hạ cánh an toàn” cho các thủ phạm vi phạm nhân quyền.

 

Đầu tháng 1 năm 2021 BPSOS sẽ khởi xướng nỗ lực vận động cùng lúc các quốc gia đã có luật chế tài Magnitsky. Chúng tôi sẽ cập nhật các hồ sơ có sẵn và lập thêm hồ sơ mới, cũng như sẽ tổ chức các khoá huấn luyện về thu thập và phối kiểm thông tin, về quy trình biên soạn hồ sơ, và về thể thức nộp hồ sơ cho Hoa Kỳ, Canada, Anh và Liên Âu.

 

Thông tin liên quan:

Viết một bình luận