Lời Cảm Ơn Nhân Ngày Lễ Tạ Ơn

BPSOS, ngày 26 tháng 11, 2020

 

http://machsongmedia.com

 

Hôm nay là ngày Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ; tôi viết lời cảm ơn gửi đến tất cả những ngườii đã đồng hành cùng BPSOS qua nhiều thập niên và nhiều chương trình. Mỗi chương trình của chúng tôi là một con đường dài và gian truân vì chủ trương giải quyết tận gốc vấn nạn thay vì đối phó tình thế hay sự kiện.

 

Cách đây 30 năm, khi đồng bào thuyền nhân đối mặt mối nguy cưỡng bách hồi hương, chúng tôi đã phối hợp trận chiến pháp lý ở các quốc gia tạm dung với vận động chính sách ở Hoa Kỳ và LHQ. Sau 7 năm, chính sách Hoa Kỳ và quốc tế thay đổi, cho phép 20 nghìn đồng bào được định cư Hoa Kỳ sau khi bị hồi hương.

 

Cách đây 20 năm, khi nhiều đồng bào trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn lao động, chúng tôi mở chương trình bài trừ nạn buôn người. Đến nay, trên 8 nghìn nạn nhân người Việt và 3 nghìn nạn nhân thuộc các sắc dân khác đã được giải cứu ở trên 20 quốc gia. Trước sự đe doạ chế tài của Hoa Kỳ, Việt Nam đã ký Hiệp Định Thư Palermo về chống buôn người.

 

Cách đây 13 năm, khi nhà nước Việt Nam thực hiện cuộc đàn áp thô bạo nhắm vào các người bất đồng chính kiến, mà hậu quả là ngày càng thêm người Việt bỏ nước đi tị nạn và các nhà tù ở Việt Nam thêm tù nhân lương tâm, chúng tôi đã lập văn phòng văn phòng thường trực ở Thái Lan để bảo vệ pháp lý cho người tị nạn và mở chương trình “Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam”. Đến nay, cả nghìn đồng bào đã nhận sự trợ giúp của luật sư, phần lớn được xét là tị nạn, và vài trăm người đã lên đường định cư ở nhiều quốc gia. Nhiều tù nhân lương tâm đã được các nghị sĩ quốc tế “bảo trợ”, và ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế góp tiếng nói để bảo vệ và đòi tự do cho họ.

 

 

Cách đây 10 năm, chúng tôi đề ra chương trình giúp cho từng cộng đồng hành động cụ thể để khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh. Gần 150 cộng đồng đã chứng kiến sự những thay đổi cụ thể: người dân biết dùng luật quốc gia và quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; chính quyền địa phương tuân thủ luật pháp hơn và giảm đi những sách nhiễu. Khi đạt túc số cần thiết, tổng thể các cộng đồng ấy sẽ là nhân tố để dân chủ hoá Việt Nam một cách hoà bình, ổn định và bền vững.

 

Cũng cách đây 10 năm, chúng tôi vận động Hoa Kỳ và quốc tế áp lực Việt Nam giải quyết tình trạng tra tấn trong đồn công an, các trại giam, các nhà tù. Kết quả là Việt Nam đã ký Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn; các vụ tra tấn vẫn còn xảy ra, nhưng đang giảm dần.

 

Cách đây 7 năm, chúng tôi mở cuộc vận động cho quyền lao động khi Hoa Kỳ đang thương thảo với Việt Nam về Hiệp Ước Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam đã chấp nhận các điều kiện khá mạnh mẽ về quyền lao động. Tiếc rằng sau đó Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP, nhưng may mắn Liên Âu đã đặt điều kiện quyền lao động, còn mạnh mẽ hơn nữa, trong hiệp ước mậu dịch tự do với Việt Nam.

 

Cách đây 6 năm, chúng tôi đẩy mạnh việc đòi hỏi nhà nước Việt Nam tuân thủ Điều 18 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị; Điếu 18 xác lập quyền tự do tôn giáo hay niềm tin. Quốc tế ngày càng chú ý đến tình trạng đàn áp tôn giáo và tiếp tục áp lực Việt Nam tuân thủ Điều 18. Chúng tôi đang cùng các cơ quan LHQ, một số quốc gia quan tâm và khá đông các tổ chức nhân quyền quốc tế làm các phép thử về sự tuân thủ này chiếu theo khi Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo của Việt Nam.

 

Cách đây 1 năm, chúng tôi mở thêm mũi nhọn quyền của trẻ em vì trong nhiều cộng đồng tôn giáo hoặc sắc tộc bị bách hại, trẻ em đã bị ảnh hưởng nặng nề về quyền và lợi ích trong hiện tại và sẽ phải gánh chịu hậu quả dài lâu. Con cái của những người bất đồng chính kiến và những tù nhân lương tâm cũng thế. Đến tháng 9 sang năm, Việt Nam sẽ phải giải trình trước LHQ về một số điều mà chúng tôi cùng nhiều tổ chức nhân quyền đã nêu.

 

Trên đây là những nét chính về bộ phận hướng về Việt Nam. BPSOS cũng có những chương trình dài lâu tương tự cho cộng đồng người Việt ở nhiều thành phố và khu vực ở Hoa Kỳ. Điển hình là các chương trình thăng tiến sức khoẻ và sức khoẻ tâm lý, bài trừ nạn bạo hành gia đình, bảo vệ quyền lợi của người lớn tuổi, giúp đồng bào nhập tịch và hội nhập Hoa Kỳ, v.v.

 

Trong các chương trình này, chúng tôi cũng chủ trương giải quyết tận gốc. Ví dụ, sau trận bão Katrina, BPSOS đã cùng nhiều chục tổ chức toàn quốc Hoa Kỳ cùng đến các làng ngư phủ ở Mississippi và Alabama để giúp người dân khôi phục cuộc sống cá nhân và cộng đồng. Vài năm sau, chỉ còn mỗi BPSOS là bám trụ ở lại để giúp thay đổi cuộc sống cho người Việt tại đây. Một chỉ dấu của sự thay đổi là ngày càng nhiều các người Việt trẻ tiếp tục con đường học vấn thay vì bỏ ngang để làm nghề chài lưới hay nghề nail. Có không ít các em đã vào được các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ.

 

Chúng tôi biết rằng cách làm này phải mất thời gian dài mới có kết quả so với các công tác mang tính sự kiện, làm một lần là xong. Chúng tôi tri ân lòng tin và sự kiên nhẫn của quý vị đã đồng hành trên từng chặng đường của hành trình 30 năm qua. Chúng tôi vẫn tiếp tục dấn bước và cầu mong quý vị sẽ tiếp tục đi cùng chúng tôi.

 

Xin chúc quý vị ân nhân, các cộng sự viên và tất cả đồng hương ở hải ngoại và đồng bào ở trong nước sự an lành và niềm hạnh phúc trong những ngày cuối tuần dịp Lễ Tạ Ơn.

 

Kính thư,

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch, BPSOS

Viết một bình luận