Làm Sao Để Bài Trừ Nạn Buôn Người Ở Việt Nam?
Buôn người là vấn đề ở tầm vĩ mô, nghĩa là do ảnh hưởng chính sách và mang tính hệ thống. Muốn bài trừ thì phải thay đổi ở tầm vĩ mô. Bằng không thì chỉ là đối phó với hậu quả–giúp cho một người thì lại có thêm cả ngàn người trở thành nạn nhân.
Muốn thay đổi về vĩ mô thì phải dùng thế, phải có sách lược, và phải kiên trì. Đó là kế hoạch của Liên Minh CAMSA,với những đặc điểm sau đây.
Tập trung vào buôn lao động: Việt Nam cố tình phô trương với quốc tế nỗ lực chống buôn tình dục nhằm che đậy tình trạng buôn lao động–bỏ con tép để bắt con tôm vì kỹ nghệ buôn lao động có quy mô lớn và dính đến chính quyền còn buôn tình dục chỉ là hoạt động lẻ tẻ của cá nhân.
Các tổ chức hoạt động chống buôn người ở Việt Nam phải tập trung thuần tuý vào lãnh vực buôn tình dục. Vì không muốn bị rơi vào kế này của nhà nước Việt Nam, Liên Minh CAMSA tuy giúp đỡ những trường hợp phụ nữ bị buôn tình dục nhưng đặt trọng tâm chính vào buôn lao động. Một khi phá vỡ được mạng lưới buôn lao động thì cũng sẽ làm giảm đi tình trạng buôn tình dục vì nhiều phụ nữ bị lường gạt vào kỹ nghệ mãi dâm qua con đường lao động ngoài nước.
Truy từ ngọn đến gốc: Việt Nam hoàn toàn phủ nhận tình trạng buôn lao động và lúc nào con số báo cáo của nhà nước về nạn nhân buôn lao động cũng là 0. Để chứng minh ngược lại, Liên Minh CAMSA hoạt động ở những quốc gia có đông người lao động Việt Nam và đã có luật chống buôn người để qua đó truy ra nạn nhân và rồi vận động các quốc gia ấy áp dụng luật có sẵn. Lúc ấy Việt Nam không thể nào phủ nhận rằng có buôn lao động từ Việt Nam.
Can thiệp toàn diện: Thay vì trải mỏng năng lực, Liên Minh CAMSA tập trung vào một số nhỏ trường hợp buôn lao động mà dấu tích buôn người không thể chối cãi. Với mỗi hồ sơ như vậy, Liên Minh CAMSA không chỉ can thiệp và giải cứu nạn nhân mà còn có luật sư lập hồ sơ để từng bước nhắm vào các đầu mối buôn người: chủ sử dụng lao động, công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam, các giới chức chính quyền liên can, và hệ thống luật pháp cũng như chính sách dung túng cho tội phạm buôn người.
Nói cách khác, kế hoạch này tựa vào những hồ sơ nạn nhân ở tầm vi mô để đạt những thay đổi ở vĩ mô. Muốn đạt được điều này, Liên Minh CAMSA tận khai thác luật quốc tế, mà đặc biệt là luật chống buôn người của Hoa Kỳ. Chính nhờ những hồ sơ cụ thể tích luỹ từ hai năm qua mà Liên Minh CAMSA đã chứng minh được là có tình trạng buôn lao động rất phổ biến ở Việt Nam. Vì vậy, ngày 14 tháng 6 vừa qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi về tình trạng buôn người.
Trước áp lực quốc tế, nhiều quốc gia đã ban hành luật chống buôn người. Khi chính sách đã thay đổi, luật lệ được ban hành thì vấn đề can thiệp và giải cứu nạn nhân sẽ thuận lợi hơn. Và như vậy Liên Minh CAMSA lại có nhiều cơ sở vững chãi hơn nữa để thúc đẩy thêm cho những thay đổi về chính sách. Kế hoạch này đã được áp dụng thành công ở Mã Lai và Đài Loan. Một khi đã có lượng hồ sơ tương đối nhiều do hoạt động ở các quốc gia ngoài Việt Nam, bước kế tiếp là áp dụng kế hoạch đối với Việt Nam. Cứ vậy, Liên Minh CAMSA huy động thế và lực quốc tế để đẩy lùi dần thế và lực của đường dây buôn ngườI ở Việt Nam.
Một ví dụ điển hình là trường hợp 31 công nhân Việt làm cho hãng đúc nhôm Spektra Alucast. Năm 2009, Liên Minh CAMSA bắt đầu can thiệp cho số công nhân này. Luật Sư Daniel Lo, Quản Trị Chương Trình CAMSA ở Mã Lai, lập hồ sơ cho các nạn nhân để kiện hãng Spektra Alucast ra toà. Đầu năm 2010, 8 công nhân trong số này bị cảnh sát Mã Lai bắt để trục xuất vì không có chiếu khán lao động, do công ty không gia hạn. Nương vào luật chống buôn người mà Mã Lai đã phải ban hành năm 2007 sau khi bị Hoa Kỳ xếp vào Hạng 3, Ls. Lo thuyết phục được toà án tha bổng 8 công nhân. Không những vậy, cơ quan công lực Mã Lai thừa nhận đây là một vụ buôn người và bắt đầu cuộc điều tra để truy tố.
Trong khi ấy, nhân viên đại sứ quán Việt Nam đã tìm mọi cách để áp lực công nhân phải nhận tội để rồi bị trục xuất. Thậm chí họ còn ra tận toà án để gây trở ngại cho phiên toà, và mới đây nhất, nhân viên đại sứ quán Việt Nam đã áp lực 8 công nhân này, sau khi họ được xét là nạn nhân buôn lao động, ký giấy cam kết không thưa kiện công ty xuất khẩu lao động sau khi hồi hương.
Liên Minh CAMSA đã báo động cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ biết về trường hợp này. Mọi hành động như vậy xảy sau ngày 14 tháng 6, 2010 đều được ghi nhận bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để xếp hang Việt Nam vào năm 2011. Nếu Việt Nam không thay đổi tốt hơn thì hoặc sẽ ở lại danh sách theo dõi hoặc sẽ rơi xuống Hang 3. Một quốc gia ở trong danh sách theo dõi hai năm liền thì sang năm thứ ba tự động rơi xuống Hạng 3 nếu không cải thiện. Quốc gia ở Hạng 3 bị chế tài theo luật chống buôn người của Hoa Kỳ.
Trước đây có người đã thắc mắc rằng làm sao Liên Minh CAMSA có thể bài trừ tận gốc nạn buôn lao động và cho rằng giỏi lắm thì chỉ can thiệp được cho vài ngàn hồ sơ. Kế hoạch của Liên Minh CAMSA là nương vào số hàng ngàn hồ sơ đã và đang can thiệp làm đòn bẩy, qua vận động áp lực quốc tế về chính trị và kinh tế, để đưa đến những thay đổi về chính sách và hệ thống luật pháp ở quốc gia có nạn buôn người, kể cả Việt Nam. Cho đến nay, kế hoạch này đã thành công ở một số quốc gia tiếp nhận người lao động Việt Nam và đã có tiến triển bước đầu đối với Việt Nam, khi Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi.
***
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA