Thư Chung gửi Thủ Tướng Việt Nam – danh sách ký tên đợt 2

  • Quốc tế phụ hoạ và yểm trợ

Mạch Sống, ngày 27 tháng 4, 2020

http://machsongmedia.com

Đầu tuần qua, danh sách ký tên thư chung đợt 2 đã được gửi đến Văn phòng Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Lần này có 2 tổ chức và 73 cá nhân ở Việt Nam ký tên, và 2 tổ chức và 18 cá nhân ở ngoài Việt Nam ký tên ủng hộ, trong đó có Bà Ts. Katrina Lantos Swett, cựu Chủ Tịch Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và đương kim Chủ Tịch tổ chức Tom Lantos Human Rights Foundation.  Danh sách ký tên đợt 1 có 28 tổ chức tôn giáo và 106 cá nhân ở Việt Nam ký tên.

Điểm chính của bức thư chung là khẳng định vai trò và quyền đương nhiên của các cộng đồng tôn giáo, bất luận có được chính quyền công nhận hay không, trong xã hội. Bức thư xác định thực tế này với người đứng đầu chính phủ và kêu gọi nhà nước đón nhận vai trò của xã hội dân sự trong nỗ lực phòng, chống đại dịch.

Bức thư đưa ra 2 đề nghị cụ thể cho chính phủ.

Đề nghị thứ nhất là nhanh chóng phục hồi quyền công dân của hàng chục nghìn người Hmong và người Tây Nguyên đã bị tước hộ khẩu và chứng minh nhân dân vì họ không bỏ đạo Tin Lành theo lệnh của chính quyền địa phương.

Bài quan điểm trên The Hill, tờ báo lưu truyền ở Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 24/04/2020

 

 

 

Đề nghị thứ hai là trả tự do cho tù nhân, đặc biệt là các tù nhân lương tâm, như một biện pháp phòng, chống đại dịch mà một số quốc gia, kể cả Iran và Miến Điện, đã và đang thực hiện.

“Chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ 2 đề nghị này vì chúng tương ứng với 2 nỗ lực chiến lược mà BPSOS đang thực hiện,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định. “Chúng tôi không nghĩ là một lá thư chung tự nó sẽ hiệu quả; tuy nhiên, sự lên tiếng của người ở trong nước là rất cần thiết để quốc tế phụ hoạ.”

Tháng 3 năm 2019, BPSOS công bố bản báo cáo về tình trạng của các người Hmong và người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành. Vì cưỡng lại lệnh của chính quyền địa phương bắt phải bỏ đạo, họ đã bị tước hộ khẩu và chứng minh nhân dân và có khi bị đuổi khỏi buôn làng. Họ sống lang thang trong tình trạng không hộ khẩu, hộ tịch và do đó không được đối xử như công dân ngay trên chính quốc gia của mình.

Bản báo cáo được dùng cho quốc tế vận và tình trạng “vô quốc gia” này đã được nêu lên tại các cuộc kiểm điểm và các buổi họp về nhân quyền ở LHQ. Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ cũng đã đưa vấn đề này vào các báo cáo thường niên của họ năm 2019.

Theo Ts. Thắng, trong thời gian tới đây sẽ có thêm nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lần lượt lên tiếng về tình trạng “vô quốc gia”, không chỉ ảnh hưởng hàng chục nghìn người Hmong và người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành và cả một số tu sĩ và tín đồ Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo và Công Giáo.

“Tương tự, đề nghị trả tự do cho tù nhân lương tâm hoàn toàn phù hợp với nỗ lực trường kỳ mà BPSOS khởi xướng năm 2012,” Ts. Thắng giải thích. “Đó là đề án ‘Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam’, kéo dài cho đến khi không còn TNLT ở Việt Nam.”

Đề án này gồm nhiều bộ phận: (1) Cập nhật danh sách và lập hồ sơ TNLT, (2) vận động các cơ quan và dân biểu Hoa Kỳ “bảo trợ” TNLT – nỗ lực này đang được phát triển sang một số quốc gia khác, (3) phát động nỗ lực can thiệp tập trung từng giai đoạn cho một số nhỏ TNLT, (4) hỗ trợ pháp lý cho một số hồ sơ TNLT, (5) yểm trợ thân nhân của TNLT trong nhiều lĩnh vực.

Bức thư chung của nhiều chục tổ chức tôn giáo và gần 200 cá nhân ở Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ của quốc tế. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, một số dân biểu Hoa Kỳ, Uỷ Hội Luật Gia Quốc Tế, Mạng Lưới Các Nghị Sĩ Vì Tự Do Tôn Giáo Hay Niềm Tin, tổ chức Các Nghị Sĩ ASEAN Vì Nhân Quyền… đã lên tiếng phụ hoạ một hoặc nhiều điểm của bức thư chung.

Ts. Thắng cho biết kế tiếp là vận động Liên Minh các Quốc Gia cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cùng lên tiếng. Liên minh này, được hình tháng đầu tháng 2 năm nay, gồm có 29 quốc gia: Albania, Armenia, Austria, Australia, Bosnia and Herzegovina, Brazil, Bulgaria, Colombia, Croatia, Czech Republic, Estonia, The Gambia, Georgia, Greece, Hungary, Israel, Kosovo, Latvia, Lithuania, Malta, the Netherlands, Poland, Senegal, Slovakia, Slovenia, Togo, Ukraine, the United Kingdom, and the United States. Ngoài ra, Đài Loan tham gia trong tư cách quan sát viên.

Bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam là cơ cấu phối hợp việc lấy chữ ký cho bức thư chung. Được thành lập năm 2016, bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam, mà tên chính thức là “Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Hay Niềm Tin – Việt Nam” (Vietnam Freedom of Religion or Belief Roundtable, hay VNFORB), không phải là một tổ chức mà là một diễn đàn thường trực để những ai quan tâm về tự do tôn giáo cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp hành động hàng ngang.

Hiện nay đã có 30 bàn tròn đa tôn giáo tương tự đang hoạt động ở khắp thế giới và các bàn tròn này đang tiến dần đến phối hợp với nhau và với Liên Minh Các Quốc Gia Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.

Thông tin liên quan:

Xem nội dung và danh sách ký tên thư chung: https://www.vnforb.org/activities

Tổ chức luật gia quốc tế: Việt Nam hãy trả tự do cho 21 tín đồ Ân Đàn Đại Đạo
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1543-2020-04-08-20-16-20

Trước đại dịch, trên 100 người và tổ chức ở Việt Nam gửi thư chung đến Thủ Tướng
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1542-2020-04-06-02-47-10

Viết một bình luận