Trong cơn dịch bệnh: Trách nhiệm cá nhân, cộng đồng và xã hội

  • Nhận lãnh trách nhiệm là xác định chủ quyền

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 25 tháng 3, 2020

http://machsongmedia.com

Dịch bệnh có 2 đặc điểm: không phân biệt và không chừa ai.

Khi lây lan, siêu vi khuẩn không cần biết đối tượng là quan chức hay thường dân, đỏ hay xanh, có bằng cấp hay thất học, có quan điểm chính trị ra sao, là độc lập hay quốc doanh… Chúng không tha cho người ích kỷ và cũng không tha cho người có ý thức sống cạnh người ích kỷ.

Với mức lây lan theo cấp số luỹ thừa hiện nay, dịch cúm Vũ Hán (còn gọi là COVID-19) đã hoặc sắp vượt quá khả năng đối phó của nhiều chính quyền, kể cả ở những quốc gia cường thịnh nhất hành tinh. Việt Nam hiện có ít số trường hợp nhiễm bệnh; dù thực hư ra sao vẫn khó tránh khỏi dịch bệnh bùng phát bất cứ lúc nào, theo vết chân của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.

Cách duy nhất một xã hội đối phó với dịch bệnh là mỗi và tất cả người dân phải cùng lúc thể hiện:

(1)    Trách nhiệm cá nhân và gia đình: Nắm thông tin chính xác, thực hiện các biện pháp tự bảo vệ, và tuân thủ các quy định của chính quyền sở tại.

(2)    Trách nhiệm cộng đồng: Chia sẻ thông tin chính xác, tương thân tương trợ, và đôn đốc lẫn nhau.

(3)    Trách nhiệm xã hội: Giám sát, phản biện và bổ khuyết những yếu kém và bất cập của chính quyền.

Bài viết này hướng đến người Việt ở Hoa Kỳ, ở Thái Lan và ở Việt Nam.

Trách nhiệm cá nhân và gia đình

Không ai khác có thể bảo vệ cho mình và gia đình mình. Mỗi người có trách nhiệm gạn lọc thông tin đã phối kiểm và thực hành các hướng dẫn của các giới chuyên môn để đề phòng sự lây nhiễm hoặc hành xử đúng cách khi đã lây nhiễm. Khó khăn cho người Việt ở Hoa Kỳ và ở Thái Lan là không dễ tiếp cận các nguồn tin chính thức hoặc đáng tin cậy, vì trở ngại ngôn ngữ.

Nhiều người Việt ở Hoa Kỳ không dễ tiếp cận thông tin của các cơ quan chính quyền hoặc các tổ chuyên môn. Theo số liệu của Cục Kiểm Tra Dân Số (Census Bureau), năm 2013 có đến 54% người Việt bị hạn chế về tiếng Anh và 39% bị cô lập vì bất đồng ngôn ngữ (do trong gia đình không ai từ 14 tuổi trở lên nói rành tiếng Anh). Hơn nữa, nhiều người lớn tuổi không sử dụng email, internet hay Facebook.

Gần 2 nghìn đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan cũng ở trong tình trạng tương tự vì các thông báo của chính phủ chỉ dùng tiếng Thái, thông báo của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ hoặc của các tổ chức quốc tế chỉ dùng tiếng Anh. Phần lớn họ sống rải rác, không dễ cho việc chia sẻ thông tin. Kể cả những người đã được CUTN/LHQ công nhận quy chế tị nạn vẫn bị xem là cư dân bất hợp pháp, nên không dám tiếp cận các dịch vụ y tế.

Đồng bào ở trong nước nhiều người mà chúng tôi tiếp xúc bày tỏ sự hoang mang do thiếu thông tin thực tiễn và đáng tin cậy. Các cơ quan chính quyền dù có nói thật vẫn bị hoài nghi vì lâu nay nhiều người dân không còn tin chính quyền nữa. Vì nhà nước ngăn cản quyền tự tổ chức của người dân, Việt Nam thiếu hẳn những định chế xã hội dân sự để bổ khuyết cho những yếu kém và bất cập của chính quyền, là yếu tố tối quan trọng cho việc đối phó hiệu quả với dịch bệnh. Ở những vùng xa thị thành, tình trạng thường tệ hại hơn.

Trách nhiệm cộng đồng

Đây là lúc mọi người còn phải có trách nhiệm cộng đồng; tự lo cho mình và gia đình mình là rất cần nhưng không đủ. Dù giữ gìn cho riêng mình cách mấy, rủi ro bị nhiễm vẫn cao nếu dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tính lây lan của dịch bệnh không chừa một ai.

Chúng ta có may mắn là đa số người Việt đều sống trong một cộng đồng tôn giáo hay sắc tộc, hoặc là thành viên của các tổ chức tôn giáo, nhóm XHDS, hiệp hội đồng hương, hội cựu học sinh hay sinh viên… Trong mỗi cộng đồng và tổ chức hay nhóm, luôn có những cá nhân có ảnh hưởng lên các thành viên còn lại. Chính những người này có sức thuyết phục hơn cả chính quyền và các cơ quan truyền thông. Tôi biết rằng ở Hoa Kỳ và ở Thái Lan nhiều người trong số họ đang góp phần truyền tin, hướng dẫn và động viên những người trong vòng ảnh hưởng của mình.

Riêng ở Việt Nam, vai trò của các lãnh đạo tôn giáo và tinh thần càng trở nên quan trọng và cần thiết trong lúc này, vì 2 lẽ. Thứ nhất, họ là điểm tựa tinh thần vững chãi khi người dân ít tin nơi chính quyền. Thứ hai, họ sẵn sàng sử dụng thông tin từ nhiều nguồn miễn là hữu ích cho cộng đồng, chứ không bị hạn chế vào nguồn duy nhất là chính quyền. Hơn nữa, nhiều cộng đồng tôn giáo và sắc tộc đã có sẵn ban và kênh truyền thông riêng, có thể huy động ngay. Những cộng đồng nào chưa có thì phải thành lập ngay ban và kênh truyền thông; càng sớm thì càng tăng cơ hội cho cộng đồng vượt qua dịch bệnh.

Trách nhiệm xã hội

Tình huống dịch bệnh ảnh hưởng mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội, do đó mọi người và mọi cộng đồng cùng có trách nhiệm và quyền tiếp tay đối phó và giải quyết. Đó là điều đang xảy ra ở Hoa Kỳ. Đối với đồng bào lánh nạn ở Thái Lan, chúng tôi đang tạo các nhịp cầu để họ góp phần cùng với xã hội sở tại đối phó dịch bệnh.

Ở Việt Nam, vai trò của người dân chưa được xiển dương, nhiều khi còn bị khống chế và bóp nghẽn. Nhà nước chỉ kêu gọi người dân tuân thủ chứ chưa thừa nhận quyền của người dân về giám sát việc nhà nước thực thi nghĩa vụ, như được quy định trong Điều 12 của Công Ước Quốc Tế về Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hoá mà Việt Nam là quốc gia thành viên:

“1. Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được hưởng một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được.

2. Các biện pháp mà một quốc gia thành viên Công ước cần thi hành để thực hiện đầy đủ quyền này bao gồm những biện pháp cần thiết nhằm:

c) Ngăn ngừa, xử lý và hạn chế các dịch bệnh, bệnh ngoài da, bệnh nghề nghiệp và các loại bệnh khác;

d) Tạo các điều kiện để bảo đảm việc tiếp cận mọi dịch vụ và sự chăm sóc y tế khi đau yếu.”

Không chỉ là giám sát, người dân còn có quyền thiết lập các chương trình, đề ra các phương án, và hành động, cách riêng hoặc cách tập thể, để bổ khuyết những sai sót và bất cập của chính quyền. Người dân, lúc này hơn lúc nào hết, không thể giao khoán vận mạng của mình, của gia đình, của cộng đồng và của xã hội cho bất kỳ ai khác, kể cả chính quyền, các tổ chức quốc tế hay cơ quan LHQ.

Đây là cơ hội cho những ai đang cổ suý xã hội dân sự thể hiện vai trò và tác dụng bằng những chương trình và việc làm thiết thực để trám những lỗ hổng về thông tin và dịch vụ, nhất là đối với những người và những cộng đồng dễ bị tổn thương. Qua đó, họ sẽ làm gương về minh bạch, công tâm, và thiện chí. Nhận trách nhiệm đối với xã hội cũng chính là xác định chủ quyền lên xã hội.

Những nỗ lực của BPSOS

BPSOS đã thành lập “Toán Theo Dõi Tình Trạng Dịch Bệnh” để lọc lựa thông tin cập nhật, chính xác và thực dụng, dịch và tóm tắt trong tiếng Việt, và truyền tải đến người Việt ở Hoa Kỳ, ở Thái Lan và ở Việt Nam. Trong một số trường hợp chúng tôi dịch sang tiếng Ê Đê và tiếng Hmong. Các phương tiện truyền tải hiện có:

BPSOS đang thiết lập ứng dụng điện thoại thông minh (App) để tạo thuận tiện cho việc tiếp cận thông tin kể cả đối với những người không rành kỹ thuật tin học.

Chúng tôi đang rất cần những con tim, những khối óc, những cánh tay góp sức để đưa thông tin chính xác, cập nhật và thực tiễn đến với đồng bào. Để tình nguyện, xin liên lạc: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

Viết một bình luận