Tràm Cà Mau
Vào chuyện: Trên một đảo nhỏ nằm giữa biên giới Việt Nam, Cao Miên và Thái Lan, không biết thuộc địa phận nước nào, có một gia đình bốn người vui sống êm đềm. Ba cha con là người địa phương, đã tình cờ đến đảo sinh sống gần trăm năm. Nam đi vượt biên bị chìm thuyền dạt vào đây. Ông Tư gả cô Hai cho Nam. Chú Ba là em cô Hai, mới mười lăm tuổi. Ông Tư dạy cho Nam và các con những món võ nghệ gia truyền, gọi là những đường võ Diệt Tây. Cô Hai có tài ném đá rất chính xác. Nam kể tiếp câu chuyện:
“Tôi đang sống những ngày tháng yên lành, thanh thản, hạnh phúc thần tiên trên hoang đảo, thì một hôm chú Ba hoảng hốt chạy về báo cho biết, có một nhóm người đổ bộ lên từ bãi sau. Chiếc thuyền neo ngoài bãi nước sâu.
Chúng tôi thận trọng leo lên đỉnh cao ẩn nấp và quan sát. Tôi nhận ra được nhiều người ăn mặc theo lối Việt Nam, hình như họ đang dò xét tình hình trên đảo. Nhìn hình dáng chiếc thuyền và đám người đông lố nhố, tôi nhận ra ngay thuyền vượt biên. Tôi nói cho ông Tư biết, và đề nghị mình phải nắm phần chủ động ngay ban đầu, để tránh bất trắc có thể xảy ra về sau. Chúng tôi ngại họ biết trên đảo chỉ có bốn người, khi túng, họ có thể làm liều. Chú Ba chạy về chòi lấy bộ áo quần cho tội mặc, để ra tiếp xúc với nhóm người vượt biên. Tôi đi xuống bãi làm những người đang đứng trên bờ cát hoảng hốt, sợ sệt muốn bỏ chạy. Tôi làm dấu cho họ có ý bảo đừng sợ, nhưng họ càng hoảng hốt hơn, chạy ào xuống nước định bơi trở lại thuyền. Tôi bắt tay làm loa, kêu lớn, bảo họ đừng sợ, không can gì đâu. Khi đến gần, có lẽ họ cũng chưa hết sợ vì thấy tóc tai, râu ria tôi xồm xoàm. Khi biết tôi chỉ là cư dân trên đảo, họ cho biết là thuyền hư, thả neo sửa chữa. Tôi bảo họ cứ yên tâm, rán sửa thuyền cho xong rồi đi, đừng sợ gì cả, miễn đừng đi qua phía bên kia đảo. Đang nói chuyện, thì một thanh niên nhào đến ôm chầm lấy tôi và kêu lên rối rít: “Anh Nam, anh Nam, làm gì mà ở đây? Trời đất ơi, sao mà râu tóc tùm lum thế này?”
Tôi nhận ra Miên, người bạn trẻ làm chung sở với tôi từ thời trước 1975. Miên và tôi thân thiết, từng trông coi chung nhiều công trường xây cất quanh vùng Sàigòn. Miên xem tôi như một người anh trong nghề nghiệp. Chúng tôi cũng đã nhiều lần bàn tính chuyện bỏ nước ra đi. Thấy chúng tôi quen nhau thân thiết, đám người vượt biên cũng vui mừng và bớt e ngại. Họ cũng ở trong trường hợp kế hoạch vượt biên không hoàn hảo. Hoa tiêu, la bàn và thợ máy chính có thể đã bị bắt trên chiếc thuyền taxi. Thuyền phải ra khơi khẩn cấp, không một ai có kinh nghiệm đi biển, cứ đi về phía tây nam. Những ngày trời mù mây và ban đêm thì không ai có kinh nghiệm xem phương hướng. Trên thuyền lương thực, nước uống và dầu nhớt thì vô cùng phong phú. Tôi cho Miên biết sơ qua về trường hợp của tôi, bị bắt đi vượt biên khi đang ngồi đi cầu trên kinh ban đêm, và bị đắm tàu. Bây giờ tôi đang sống hạnh phúc, và bằng lòng với cái tự do trên đảo này. Miên nhìn tôi với ánh mắt thương xót. Đám người vượt biên sửa chữa thuyền mất hai ngày. Họ cho chúng tôi một ít gạo, đổi lại, chúng tôi cho cá và thịt chim. Miên cho tôi một bộ áo quần đàn ông, và một bộ áo quần đàn bà, bảo là để chị Nam dùng. Thấy họ không có la bàn và không biết cách đi biển, tôi làm cho họ một cái la bàn dã chiến, dùng cây kim, phao nhẹ, và cái chén sành chứa nước. Tôi dạy cho Miên và một số thanh niên có trình độ cách thức nhìn sao trời mà định phương hướng. Chỉ cho họ cách dùng dây cước làm thước đo vĩ độ đơn sơ, thực tập cho vài người, dùng cho quen, đoán biết vị trí thuyền trên kinh tuyến vĩ tuyến nào. Dạy cho vài thanh niên có trình độ căn bản cấp tốc về thiên văn. Cũng vì vậy mà họ nhất quyết năn nỉ tôi đi theo. Tôi thì không tha thiết gì đến thế giới bên ngoài nữa. So với xã hội Cộng Sản mà tôi đã đau khổ trải qua, thì nơi hoang vắng này đúng là thiên đường hạ giới. Không cần đi tìm gì hơn nữa. Miên doạ tôi, nói rằng: “Anh đừng tưởng nơi đây là yên ổn mãi, mai đây Cộng Sản ra tổ chức chính quyền địa phương, thì vô tình anh cũng rơi vào tròng lại”. Tuy tôi có sợ khi nghe doạ, nhưng tin rằng Cộng Sản không hoài công ra đây. Mà nơi này, thì chưa chắc thuộc về xứ nào. Thấy tôi dứt khoát không chịu đi, họ cố gắng thuyết phục ông Tư và Hai. Nhưng ông Tư chỉ cười và để ngoài tai những lời thuyết phục đó. Phần Hai thì ở đâu có tôi, nàng sẽ đi theo, không cần biết hơn thiệt. Trước khi thuyền nhổ neo, những người vượt biên tổ chức một bữa tiệc giã từ. Họ ép tôi và ông Tư uống say mèm, khi tôi không biết trời đất gì nữa cả, thì họ bắt cóc tôi đem lên thuyền, Hai cố dành tôi lại, nhưng không chống cự nổi đám đông, đành thúc thủ, chỉ biết bơi theo ra thuyền, ngồi ôm tôi mà khóc.
Thuyền ra đi về hướng nam. Khi tôi tỉnh rượu thì sự việc đã rồi, tôi đòi quay lại, nhưng không ai cho. Họ vừa thuyết phục vừa hăm doạ, đồng thời xin lỗi tôi vì họ đã làm điều tôi không muốn. Tôi và Hai ngồi ôm nhau trên thuyền mà lòng căm giận vô cùng. Tôi tỏ thái độ bất hợp tác, không thèm ăn cơm họ chia phần. Nhưng không nỡ để Hai đói khát, tôi bằng lòng cộng tác và yêu cầu khi đến nơi, thì giao thuyền cho tôi trở về. Nghĩ thế thôi, chứ chuyến trở về tìm cho ra hoang đảo mà tôi đã ở thì cũng là chuyện hoang đường. Thời tiết tương đối khá, thuyền đi về hướng tây, có thể cập bến Mã Lai hôm sau, theo tôi dự đoán.
Chúng tôi gặp thuyền cướp Thái Lan đầu tiên. Chiếc thuyền sơn xanh to lớn kềnh càng, lớn gấp nhiều lần thuyền tôi, có vẽ sơn vàng, sơn đỏ quăn queo. Chúng tôi không biết là cướp, chúng cập sát, thuyền chúng tôi như sắp lật. Sáu tên ngư phủ đen đuốc, trần truồng đóng khố, tay cầm dao, búa, thanh nhẹn nhảy lên thuyền uy hiếp chúng tôi. Ngày thường, chúng là ngư phủ, khi gặp thuyền vượt biên chúng trở thành hải tặc. Trên thuyền lớn, gã thuyền trưởng có mang áo quần, cầm khẩu súng lục chỉa xuống yểm trợ. Chúng dồn đàn ông về một phía và lục soát tìm vàng ngọc của quý. Chúng tôi thúc thủ, không kháng cự. Để mặc cho chúng cướp bóc. Nhưng khi chúng bắt đầu lùa đàn ông xuống hầm tàu để nhốt, và tiện việc hãm hiếp đàn bà, thì một tên nham nhở, đè một cô gái ra, cô kêu khóc vùng vẫy. Hai nắm chặt lấy tay tôi đòi đi theo, tên cướp giằng nàng lại, xô mạnh vào tôi. Bằng phải ứng tự nhiện, tôi chống đỡ, tên cướp phang tôi một búa. Tôi thấy lưỡi búa bổ xuống, định lạng qua một bên tránh né, thì Hai đã liều chụp lấy cánh tay tên cướp theo đà quật ngược lưỡi búa vòng lui, quay lại bổ vào chính chân nó. Tên cướp thé lên một tiếng đau đớn, để văng búa xuống sàn tàu. Một tên khác dùng gậy phang mạnh xuống đầu Hai, nàng không kịp đỡ đòn, nhào thẳng vào nó. Cả hai ngã ra sàn thuyền. Tôi dùng năm ngón tay chộp yết hầu nó theo thế võ “Ngũ chỉ thu đào”. Nó hất tôi ra, nhưng nó cũng đã thấm đòn, đau đớn lắm. Mấy tên cướp khác cùng xông lại chém tới tấp vào hai đứa tôi. Cô Hai nhặt được cây gậy dài, múa tít bao quanh bảo vệ cho tôi. Đường roi “Diệt Tây” nàng múa nghe veo véo, làm mấy tên cướp khựng lại không dám xông vào.
Một vài đứa đã bị đánh trúng, mặt mày nhăn nhó. Tên thuyền trưởng xỉa súng bắng xuống. Cô Hai hoàn toàn không biết cái vũ khí lợi hại đó, nhưng nghe nổ và thấy tay nó xỉa về phía chúng tôi, nàng vụt mạnh một khúc cây ngắn nhặt được trên sàn tàu vào tên bắn súng. Tên thuyền trưởng á một tiếng, và khẩu súng văng xuống nước. Chúng không ngờ được tài ném của Hai. Bây giờ, tôi nhặt được búa của tên cướp, theo thế gươm, chém ào ào xuống. Chúng tôi hai người chống đỡ với năm tên, mà trong đó có hai đứa có dao dài to bản như mã tấu, chém xuống gạt lên rất nguy hiểm. Búa tôi thì ngắn chỉ gạt đỡ đòn. Đường roi của Hai rất linh động, nhưng chưa hề có kinh nghiệm chiến đấu, nên tuy đánh trúng được nhiều đòn, mà rồi bị chém gãy đôi cây gậy. Nàng dùng phần còn lại của cây gậy phóng mạnh vào một tên cầm dao dài, cái phóng của nàng vừa chính xác, vừa nhanh, bốp vào trán nó. Tên cướp la lên đau đớn và ngã văng xuống biển. Tôi múa búa chắn đường, Hai nhảy lui về phía khoang thuyền tìm vũ khí khác. Trong lúc hấp tấp, nàng nhặt được bất cứ vật dụng nào cũng ném mạnh vào bọn cướp để cản đường. Tôi la lớn kêu gọi đám thanh niên trên thuyền cùng xông vào trợ chiến. Hai rút được cán sào xông lên, cùng với nhiều thanh niên sau lưng nàng. Không biết bằng thế đánh nào, Hai hất thêm được một tên cầm dao xuống nước. Bọn cướp thấy yếu thế, nhảy ào xuống biển lẫn trốn. Chúng tôi vội vã cho thuyền chạy đi. Thanh niên trên thuyền reo hò mừng rỡ. Đàn bà con gái còn run sợ, mặt mày xanh xao. Tôi bị thương nhẹ trên cánh tay, y tá trên thuyền băng bó cho tôi. Hai ôm tôi khóc. Trong đời, tôi học võ để tiêu khiển, chưa khi nào thật sự đấu với ai, lần đầu tiên tranh đấu sống còn. Những đường đao quyền học được của ông Tư, cũng tưởng chỉ để làm vui lòng ông, và có dịp cùng cô Hai, chú Ba múa làm vui, không ngờ lại hữu dụng lúc này. Đám thanh niên nhìn Hai với ánh mắt ngưỡng phục. Họ cho rằng, không có cô Hai, thì nhiều người bị làm nhục, và không chừng nhiều cô bị bắt đi. Cuộc chiến đấu bất đắc dĩ đã cho chúng tôi một kinh nghiệm quý báu. Phải chiến đấu để sống còn. Buông xuôi là chết.
Chúng tôi tổ chức phòng vệ, thanh niên mỗi người có vũ khí, sào, gậy, dao, thanh sắt, móc câu… xếp theo toán, nhóm. Lấy dây neo cắt ngắn cột móc sắt để khi cần thiết có thể ném móc vào thuyền cướp nếu chúng dùng thuyền lớn dìm lật thuyền chúng tôi. Những viên đá, những vật nặng sẵn sàng chất hai bên mạn thuyền để Hai và tôi làm vũ khí ném vào địch. Chúng tôi mời một cựu sĩ quan chỉ huy, điều động anh em, và hoạch định chiến thuật, chiến lược chống trả trong mọi hoàn cảnh. Theo ý kiến anh cựu sĩ quan, thì trên mỗi thuyền, bọn cướp này không đông. Chúng tôi chỉ cần thị uy là chúng không dám đến cướp bóc. Chúng tôi tập phô trương thanh thế trên sàn thuyền, tất cả thanh niên, mỗi người có một vị trí nhất định, khi hữu sự, thì sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu.
Ngày đó, chúng tôi bị hơn mười lần tàu cướp xông lại, nhưng khi thấy chúng tôi gần ba mươi thanh niên tay ôm vũ khí, đứng trên sàn tàu, sẵn sàng chiến đấu thì chúng lãng chạy rất mau mất hút vào chân trời. Anh cựu sĩ quan còn cho bó những khúc cây, bôi dầu máy, giả làm súng ống để dọa bọn cướp. Anh còn hoạch định kế là xung phong đánh cận chiến, dùng chai đổ dầu làm bom lửa. Đám thanh niên thì vui cười la lối như có trờ chơi. Nhưng những người già và đàn bà thì thêm lo lắng trong cái không khí ngùn ngụt chiến đấu đó. Tôi và Hai được xem như hai chiến sĩ chính yếu của cuộc phòng vệ và chiến đấu. Tôi yêu cầu Hai luyện tập cấp tốc cho các thanh niên cầm gậy dài, học vài ba thế đánh địch khi còn tầm xa. Ba thế đâm, gạt, phạt, từng người tập đi tập lại cho quen tay, để khi hữu sự khỏi lúng túng. Trong nguy cấp, cần đoàn kết, chúng tôi quên cả giận vì bị bắt cóc theo đám người này.
Đêm hôm sau, chúng tôi nhìn thấy ở chân trời lờ mờ ánh sáng, đó là thành phố Trengganu của Mã Lai, thế mà cũng phải gần xế trưa hôm sau chúng tôi mới tới cửa sông. Ngư phủ Mã Lai dong thuyền ra biển, vẫy tay chào. Khi chúng tôi chạy thẳng vào cửa sông, các ngư phủ ra dấu chạy vòng, chúng tôi không hiểu, cứ đi thẳng vào nên thuyền bị mắc cạn trên cồn cát ngầm. Một giờ sau, có thuyền của chính quyền từ bên trong chạy ra, trên thuyền có hai người mang sắc phục. Họ hỏi chúng tôi từ đâu đến, có gì mang theo không. Không biết chủ tàu lấy tin tức từ đâu, đưa cho hai nhân viên Mã Lai một nắm tiền đô-la Mỹ. Họ vui mừng, và hẹn sẽ kéo chúng tôi vào, và sẽ đem xe đến, chở về trại tạm trú.
Chúng tôi được đem về một vườn dừa trên bờ biển ở tạm. Hội Lưỡi Liềm Đỏ (Hồng Thập Tự) cho gạo, đồ hộp, trà gói, cà phê. Chúng tôi nhóm lửa nấu nướng dưới gốc dừa. Đêm nằm ngủ trên cát. Tôi và Hai thì đã quen, không thấy bất tiện, trở ngại. Đám tị nạn thì than vãn, và lo đêm trời đổ mưa. Đúng đêm đó, trời mưa như trút nước, tất cả đều ướt lạnh, ngồi co ro sát vào nhau. Gần hai tháng cư ngụ trong vườn dừa, đám tị nạn lấy lá dừa khô che làm mái tránh mưa nắng. Tôi thì mừng thấy bến bờ tự do, nhưng buồn khi nghĩ đến miền hoang đảo êm đềm, dễ chịu và nhiều kỷ niệm. Nhiều lúc tôi bắt gặp Hai ngồi nhìn ra biển ưu tư. Từ ngày gặp nhau, tôi chưa bao giờ thấy nét buồn trên mặt nàng. Tôi an ủi, vỗ về, kể cho nàng nghe những câu chuyện vui để tạm quên và khuây khoả. Tôi và Hai như bóng với hình, không hề xa nhau nửa bước. Mỗi đêm trong bóng tối của vườn dừa, tôi kể lại cho nàng nghe cuộc đời tôi, từ ngày thơ ấu, đến thời trung học, đại học, và cả thời gian đi làm, đi tù. Nàng nghe đi nghe lại không chán. Quanh vườn dừa có binh sĩ Mã Lai ăn mặc áo quần rằn ri ôm súng máy canh gác. Ban đêm họ lẻn vào lều mò mẫm sờ mó đàn bà con gái. Chúng tôi tổ chức đàn ông nằm chung quanh, vây đàn bà con gái nằm bênh trong.
Hai tháng sau, chúng tôi được chở đến trại tị nạn Pulau Bidong, một hòn đảo hoang phía Bắc Trengganu. Nơi đây, đã có mấy chục ngàn thuyền nhân tị nạn đang ở. Chòi lá san sát, nơi nào thuận tiện thì chòi quán xây. Mỗi chòi chỉ rộng bằng hai cái giường lớn, sườn chòi bằng cây lớn cỡ cổ tay, mái và chung quanh lợp ni lông xanh. Giường thì ghép bằng cây nhỏ bằng ngón tay, cây quăn gồ ghề. Tôi và Hai hoàn toàn không có nồi niêu, dụng cụ, tiền bạc, cả áo quần, mỗi người cũng chỉ có một bộ xin được khi còn trên thuyền. Ban đầu chúng tôi phải nhờ nấu chung với gia đình của mấy người quen biết, phải đóng góp thực phẩm, củi, nước…
Chúng tôi không có chòi trú ngụ, phải đào hố cát ngủ trên bãi biển. Một tuần sau, mượn được dao rựa, chúng tôi lên rừng chặt một mớ cây, kéo về xây chòi. Đất thuận tiện để xây cất đã bị choán hết, chúng tôi ra mé đá bờ biển, dưới tàn cây, xây một cái chòi như nhà thuỷ tạ. Trên có tàn cây che, dưới có nước, đôi khi thấy cá nhỏ lượn qua. Buổi trưa các nơi khác hừng hực nóng như lửa thiêu đốt toàn đảo, người người rã rời mệt nhọc, thì chúng tôi có bóng cây che mát, có hơi nước dịu dàng phả lên. Khi gió hiu hiu thì đánh một giấc cho đến chiều.
Nương theo con nước thuỷ triều mỗi ngày, Hai cầm mũi lao đi đâm cá dọc theo bờ biển đá chất chồng. Tôi đi theo xách cá. Thỉnh thoảng tôi cũng phóng trúng vài con, nhưng những con cá lớn thì dành cho Hai phóng, cho chắc ăn. Ngày nào cũng được năm bảy con cá cỡ trung bình. Chúng tôi đem về cùng bạn bè hấp nhậu, hoặc nấu cháo cùng ăn. Gia đình người bạn nấu cho chúng tôi ăn chung cũng vô cùng hoan hỉ, vì có thức ăn tươi ngon hàng ngày. Chị vợ có tài nấu ăn, bày ra đủ các thức nấu nướng với cá. Những con cá dư không ăn hết, thì đem cho bạn bè, họ nhận như một món quà quý báu. Vì trên đảo vài tháng mới được Hội Lưỡi Liềm đỏ cung cấp một lần cá tươi, phải chờ đợi, chen lấn, và khi nhận được cá, thì đã có mùi và mềm nhũn.
Nhờ biếu cá cho bà con chung quanh, chúng tôi được tặng lại những thứ cần dùng khác, nên trong chòi chúng tôi, càng ngày càng có nhiều thứ vặt vãnh khác. Nhất là những người đi định cư, họ dành cho chúng tôi ưu tiên chọn những thứ họ không mang theo được. Tôi và Hai, mỗi ngày mắc võng nằm đong đưa trên bờ nước, ngủ rồi ăn, ăn rồi ngủ, khi mát trời thì đi chơi quanh đảo, thăm thú bạn bè, nói chuyện, nghe nhạc, ăn chè, cháo. Rồi cùng nhau nhào xuống biển tắm, bơi lội, nô đùa. Ban đêm thì họp bạn, nhóm một mớ lửa, ngồi quanh ca hát tập thể, kể chuyện vui cười. Càng ngày, Hai càng học và nhớ được rất nhiều chuyện tiếu lâm, mà tôi nghe qua thì như gió thoảng rồi quên đi. Không biết học ai mà nàng biết thêm thắt tình tiết cho thêm khôi hài. Sau này chúng tôi đến Mỹ định cư, Hai đã thành công dễ dàng trong nghề nghiệp hơn các bạn gái cùng nghề cũng nhờ cái tài học và mau nhớ chuyện tiếu lâm.
Thời gian trên đảo tị nạn, chúng tôi cứ bình tâm sống, tự nhiên, không có âu lo, không suy nghĩ nhiều. Chờ ngày đi định cư, tôi nhận được thơ của người bà con, cho biết nên đi Mỹ bằng mọi giá, vì Mỹ là đất của cơ hội, Mỹ là nơi chấp nhận nền văn hoá đa dạng. Ban đầu, tôi định xin đi Pháp, vì dù sao thì cũng đã học nhiều tiếng Pháp ở trung học, đại học, qua đó khỏi mất thì giờ học hỏi nhiều. Hơn nữa tôi có quen nhiều kỹ sư Pháp ngày xưa làm kỹ sư cố vấn cho cơ quan tôi phục vụ. May quá, về sau mới biết, chính các ông cố vấn đó còn lao đao, lo cho bản thân họ chưa xong, thì làm sao mà lo cho tôi được. Tôi được thơ vài anh em bạn bè cùng nghề cho biết đang hành nghề cũ tại Mỹ. Vì thế mà tôi rán chờ. Thỉnh thoảng Hai nhớ cha, nhớ em, ngồi nhìn ra biển mơ màng. Tôi tìm cách khoả lấp đánh lạc hướng nỗi nhớ nhung của nàng bằng những câu chuyện khác. Sáu tháng trên đảo, chúng tôi cảm thấy đời thanh nhàn thoải mái. Không cần tiền bạc, không lo âu sinh kế, không có trách nhiệm với ai, không phải hoạch định chi lâu dài cho tương lai. Cứ sống, vui, nghỉ ngơi thoả thích. Như đi cắm trại dài ngày, chuyện thế gian, chuyện tương lai gác qua một bên, vì có lo cũng không được và cũng không đi đến đâu cả. Với tôi thì thấy vui, vì có đông đảo bạn bè, có sinh hoạt xã hội, và có tương lai tự do trước mặt. Nhưng với Hai, thì nàng cảm thấy không thoải mái bằng thời ở hoang đảo. Thì ra con người, cái gì cũng là thói quen, vui buồn, sung sướng cũng chỉ là những nhịp sống và kinh nghiệm lặp lại. Những đêm trăng sáng, thường chúng tôi ít khi ngủ được, tôi thì buồn nhớ quê hương, hai thì nhớ cha, nhớ em, chúng tôi xuống bãi cát múa quyền song đấu, múa từ bài này qua bài khác. Hai bóng đen nhảy múa, khi cao, khi thấp, khi đánh, khi đỡ, quyện xoắn lấy nhau. Tập cho đến khi mồ hôi tháo dầm dề, và tôi nhớ đến ông Tư, chú Ba, nhớ đến những ngày vui vô tư lự trên vùng hoang đảo.
Có hôm, chúng tôi ra bãi sau, nơi mà dân tị nạn gọi là “Bãi buôn lậu”, mắc võng nằm trong bóng mát, nghe tiếng chim ca trên tàn lá, tiếng sóng biển thì thầm, và nhìn ánh nắng lung linh xuyên qua vòm cây dày. Rồi ngủ lơ mơ cho đến chiều mới băng núi trở về. Chúng tôi như hai con chim, khắng khít, không rời nhau nửa bước. Những khi tôi chơi cờ tướng cùng bạn bè, Hai cũng ngồi bên cạnh xem chơi, tôi vẫn thường giải thích các nước cờ tôi đi cho Hai nghe, tại sao tôi chuyển quân như thế, tại sao tôi phải hy sinh quân này, quân kia. Không cần nàng hiểu hay không, nhưng nàng luôn luôn chăm chú nghe và mỉm cười vui vẻ. Tôi dành hết tình thương yêu, dịu dàng chăm sóc Hai, mỗi ngày dạy nàng viết, đọc. Hai lãnh hội rất mau, và rất thích đọc sách báo, dù đọc rất chậm. Có lẽ nàng cũng chỉ hiểu lõm bõm mơ hồ những điều đọc được. Nhưng một điều làm tôi ngạc nhiên là Hai rất thích nghe thơ, nghe nhạc. Khi tôi đọc thơ thì hình như nàng cảm nhận lời thơ, ý thơ, qua cảm quan, chứ không phải qua tri giác.
Tôi và Hai sung sướng bên nhau, quên cả thế giới bên ngoài, giá như cho chúng tôi ở lại suốt đời trên đảo tị nạn này chúng tôi cũng vui mừng chấp nhận, dù nơi đây chỉ là hòn đảo nhỏ, tù túng.”