BPSOS góp ý với Quốc Hội Úc cho dự thảo luật Magnitsky

  • Chia sẻ kinh nghiệm về áp dụng Luật Magnitsky Toàn Cầu của Hoa Kỳ

Mạch Sống, ngày 27 tháng 1 năm 2020

http://machsongmedia.com

Hôm nay BPSOS đã gửi thư đến Uỷ Ban Thường Trực Hỗn Hợp về Đối Ngoại, Quốc Phòng và Mậu Dịch của Quốc Hội Úc để kêu gọi đưa ra đạo luật tương tự Luật Magnitsky Toàn Cầu của Hoa Kỳ. Đáp ứng một tiêu chí về nội dung đóng góp cho Uỷ Ban Thường Trực Hỗn Hợp, BPSOS đề nghị một số điểm cần đưa vào dự thảo luật dựa trên kinh nghiệm vận động và áp dụng luật Magnitsky ở Hoa Kỳ.

“Năm 2015, BPSOS góp sức với vài chục tổ chức nhân quyền có bản doanh ở Hoa Kỳ để cùng vận động cho việc Quốc Hội đưa ra Luật Magnitsky Toàn Cầu (GMA),” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, viết. “Từ đó đến nay, Hành Pháp Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp chế tài theo luật GMA lên 200 cá nhân ở khoảng 25 quốc gia.”

Ts. Thắng cho biết là trong 1/3 số trường hợp này, Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố của Hoa Kỳ đã nhận được thông tin từ liên minh của khoảng 20 tổ chức nhân quyền dưới sự phối hợp của tổ chức Human Rights First. BPSOS là thành viên nguyên thuỷ của liên minh này.

Văn thư của BPSOS nhấn mạnh là Úc cần tham gia số quốc gia Phương Tây đã có luật Magnitsky: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Estonia, Lithuania, Latvia và sắp tới đây là cả khối Liên Âu.

“Sự tham gia của Úc trong nỗ lưc toàn cầu về đặt trách nhiệm đối với các kẻ vi phạm nhân quyền và giới chức chính quyền tham nhũng sẽ tăng hiệu quả của chế độ trừng phạt. Bằng không, có nguy cơ là Úc vô tình biến mình thành nơi ẩn náu an toàn cho các cá nhân đang bị cả thế giới nhắm vào vì các hành vi đàn áp nhân quyền và tham nhũng,” Ts. Thắng viết.

Trong thư gửi Uỷ Ban Thường Trực Hỗn Hợp về Đối Ngoại, Quốc Phòng và Mậu Dịch của Quốc Hội Úc, BPSOS đề nghị dự thảo luật Magnitsky cần đặt tham nhũng ở cấp cao như một tiêu chuẩn riêng và đủ để áp dụng biện pháp trừng phạt vì khi một giới chức vi phạm nhân quyền vô tội vạ thì thường cũng tham nhũng vô tội vạ; ngược lại những giới chức tham nhũng sẵn sàng bịt miệng người tố giác bằng các vi phạm nhân quyền.

Điểm đề nghị thứ hai là dự thảo luật cần bao gồm đối tượng là những tác nhân không là giới chức chính quyền vì trong nhiều trường hợp những cá nhân, tổ chức ngoài chính phủ hoặc doanh nghiệp lại là thành phần khởi xướng sự vi phạm nhân quyền hoặc là yếu tố quyết định trong các vụ tham nhũng lớn.

Cuối cùng, BPSOS đề nghị Quốc Hội Úc nên đưa vào dự thảo luật điều khoản yêu cầu Hành Pháp, khi thực thi luật thì cần hội ý chặt chẽ với giới đấu tranh nhân quyền, các thành phần xã hội dân sự và ngay chính các nạn nhân là nhân chứng.

“Từ 1/3 đến phân nửa các trường hợp bị Hành Pháp Hoa Kỳ chế tài là do đề nghị của các tổ chức nhân quyền,” Ts. Thắng viết.

Ông kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam cũng như tổ chức người Việt ở Úc góp ý với Quốc Hội Úc trước thời hạn 31 tháng 1 tới đây. Địa chỉ để gửi văn thư góp ý là: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Thông tin thêm về thủ tục góp ý: https://www.aph.gov.au/Parliamentary_Business/Committees/Joint/Foreign_Affairs_Defence_and_Trade/MagnitskyAct

Năm 2017, BPSOS đã phối hợp với tổ chức Thanh Niên Canada Tranh Đấu cho Nhân Quyền tại Việt Nam (Canadian Youth for Human Rights in Vietnam, CYHRV) để  vận động thành công Quốc Hội Canada thông qua Luật Sergei Magnitsky, tương tự như Luật Magnitsky Toàn Cầu ở Hoa Kỳ.

Văn thư của BPSOS gửi Uỷ Ban Thường Trực Hỗn Hợp về Đối Ngoại, Quốc Phòng và Mậu Dịch của Quốc Hội Úc, ngày 27 tháng 1 năm 2020: http://dvov.org/wp-content/uploads/2020/01/BPSOS-letter-to-Austrlian-Parliament-on-Magnitsky-Act.pdf

Viết một bình luận