Mừng cho Hồng Kông nhưng đừng quên Việt Nam: Vận động cho Luật Nhân Quyền Việt Nam


• Bớt hóng chuyện người, thêm làm việc mình

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Tổng Thống Hoa Kỳ vừa ký ban hành Luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông. Đây là tin vui cho hơn 7 triệu người dân Hồng Kông và những người ủng hộ cuộc đấu tranh cam go nhưng can trường của họ. Rất nhiều người Việt ở trong và ngoài nước bày tỏ niềm hân hoan với thành quả này mà người dân Hồng Kông đã phải đổ máu và hy sinh thân mạng mình để có được. Và cũng có không ít người thắc mắc là sao không ai khởi xướng một nỗ lực tương tự ở Quốc Hội Hoa Kỳ nhắm vào Việt Nam.

Thực ra, một nỗ lực như vậy đã được BPSOS khởi xướng cách đây 16 năm và vẫn tiếp tục cho đến giờ. Và có thể nói không ngoa là ngôn ngữ của Luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông, H.R. 3289, được mô phỏng theo dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam, H.R. 1383, đã được đưa vào Hạ Viện Hoa Kỳ tháng 2 năm nay. Điều này không do ngẫu nhiên — cả 2 dự thảo luật có cùng một tác giả: Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey).

Chúc mừng Hồng Kông xong, chúng ta hãy lập tức hướng về Việt Nam để cùng nhau thúc đẩy Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua H.R. 1383.

Một phái đoàn người Mỹ gốc Việt vận động cho Luật Nhân Quyền Việt Nam, ngày 10/07/2019 tại Quốc Hội Hoa Kỳ

Lịch sử dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam

Năm 2003, nhiệm kỳ Quốc Hội thứ 108, DB Christopher Smith đưa vào Hạ Viện dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam lần đầu (H.R. 1587). Tôi có góp phần soạn thảo ngôn ngữ của dự thảo luật này và các phiên bản sau đó. H.R. 1587 được Hạ Viện thông qua với đa số tuyệt đối, 323/45, nhưng đã bị Thượng Nghị Sĩ John Kerry chặn lại ở Thượng Viện. Ông Kerry chủ trương nới rộng mậu dịch và hợp tác quốc phòng với Việt Nam.

Năm 2005, nhiệm kỳ Quốc Hội thứ 109, DB Smith lại đưa dự thảo luật nà vào Hạ Viện (H.R. 3190). Dự thảo luật đã không đủ thời gian để Hạ Viện đưa ra duyệt xét.

Năm 2007, nhiệm kỳ Quốc Hội thứ 110, DB Smith tiếp tục đưa dự thảo luật và Hạ Viện (H.R. 3096). Hạ Viện thông qua dự thảo luật với tỉ số cao hơn trước, 414/3, nhưng tiếp tục bị TNS John Kerry cản chặn ở Thượng Viện.

Năm 2009, nhiệm kỳ Quốc Hội thứ 111, dự thảo luật lại được DB Smith đưa vào Hạ Viện (H.R. 1969) nhưng đã không được Chủ Tịch Hạ Viện lên lịch biểu quyết.

Năm 2011, nhiệm kỳ Quốc Hội thứ 112, DB Smith lần nữa đưa dự thảo luật này vào Hạ Viện (H.R. 1410). Dự thảo luật được thông qua một cách đồng thuận bởi toàn thể Hạ Viện, 0 phiếu chống. Tại Thượng Viện, dự thảo luật bị chặn bởi một thượng nghị sĩ mà nhiều người nghĩ là Ông John McCain mặc dù sau này văn phòng của ông ấy khẳng định với tôi là không phải.

Năm 2013, nhiệm kỳ Quốc Hội thứ 113, dự thảo luật (H.R. 1897) được Hạ Viện thông qua với tỉ số 405/3. Nữ Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer (Dân Chủ, California) đưa vào Thượng Viện, nhưng lúc ấy đã gần cuối nhiệm kỳ nên không đủ thời gian để Thượng Viện biểu quyết.

Năm 2015, nhiệm kỳ Quốc Hội tứ 114, dự thảo luật được đưa vào Hạ Viện nhưng bị Uỷ Ban về Thương Mại ngâm lại vì họ không đồng ý với các điều khoản chế tài, e rằng ảnh hưởng đến hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Xem lịch sử tóm tắt của dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam từ 2003 đến 2016: https://www.govtrack.us/congress/bills/110/hr3096

Bảng tóm tắt lịch sử dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam

Bước chuyển về nội dung

Năm 2017, tôi đề nghị DB Smith đổi chiến thuật: Rút điều khoản chế tài ra khỏi dự thảo luật và thay vào đó là đòi hỏi Bộ Ngoại Giao báo cáo chi tiết các vi phạm nhân quyền và việc thực thi các biện pháp chế tài đối với thủ phạm. Và dự thảo Luật Nhân Quyền năm 2017 (H.R. 5621), nhiệm kỳ Quốc Hội thứ 115, đã thay đổi hoàn toàn về nội dung.

Cuối năm 2016 Luật Magnitsky Toàn Cầu và Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf (bổ sung cho luật năm 1998) đã được Quốc Hội thông qua và ban hành. Trong đó có sẵn những biện pháp chế tài, không cần phải cài thêm biên pháp chế tài vào Luật Nhân Quyền Việt Nam cho rối rắm – nếu không có biện pháp chế tài thì sẽ không phải thông qua uỷ ban đặc trách các vấn đề thương mại, có thẩm quyền chặn dự thảo luật lại. Thay vào đó, chỉ cần đòi hỏi Bộ Ngoại Giao báo cáo đầy đủ các hành vi và mức độ nghiêm trọng của các vi phạm thì không thể tránh áp dụng các biện pháp chế tài chiếu theo hai đạo luật mới.

Tiếc rằng DB Ed Royce, lúc ấy là Chủ Tịch Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện, đã không ủng hộ vì quan ngại rằng dự luật này sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Tổng Thống Trump về đối tác mậu dịch với Việt Nam. Ông ấy không chịu đưa dự thảo luật ra biểu quyết ở Uỷ Ban Đối Ngoại, điều bắt buộc trước khi đưa ra toàn thể Hạ Viện. BPSOS tổ chức cử tri tiếp xúc với DB Royce để vận động nhưng lúc ấy vị dân biểu này đã quyết định không tái ứng cử và có lẽ vì vậy mà không quan tâm đến lá phiếu cử tri.

Bảng tóm tắt nội dung của H.R. 5621 (BPSOS)

Tháng 2 năm nay, DB Smith lần nữa đưa dự luật này vào Hạ Viện (H.R. 1383). Lần này, DB Smith đưa ra thật sớm với hy vọng sẽ có đủ thời gian để thông qua ở cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Xem nội dung dự thảo luật tại đây: https://www.congress.gov/bill/116th-congress/house-bill/1383/text

Tháng 7 năm nay, BPSOS tổ chức cuộc tổng vận động tại Quốc Hội cho dự thảo luật này và đến nay đã có 14 vị dân biểu đồng bảo trợ. Điều đáng tiếc là ngay sau đó vấn đề Hồng Kông trở thành điểm nóng, và sự quan tâm của các vị dân biểu và thượng nghị sĩ mà chúng tôi vừa tranh thủ được lập tức bị chuyển sang cho Hồng Kông. Mối quan tâm của Quốc Hội Hoa Kỳ về nhân quyền ở Việt Nam trở thành mờ nhạt trong mấy tháng qua so với Hồng Kông.

Các yếu tố tương đồng

Dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam có 3 phần chính:

(1) Cài điều kiện nhân quyền vào chính sách mậu dịch của Hoa Kỳ với Việt Nam

(2) Yêu cầu Bộ Ngoại Giao báo cáo hàng năm về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam với các thông tin chi tiết và cụ thể về từng vụ vi phạm và các giới chức liên can

(3) Yêu cầu Hành Pháp áp dụng các biện pháp chế tài có sẵn đối với các giới chức liên can

Dự thảo Luật Nhân Quyền và Dân Chủ cho Hồng Kông cũng có 3 điểm chính tương tự:

(1) Cài điều kiện nhân quyền vào chính sách biệt đãi về mậu dịch của Hoa Kỳ đối với Hồng Kông

(2) Yêu cầu Bộ Ngoại Giao báo cáo hàng năm về tình trạng nhân quyền ở Hồng Kông và mức độ mà Trung Cộng tôn trọng thể chế riêng biệt của Hồng Kông

(3) Yêu cầu Hành Pháp áp dụng các biện pháp chế tài có sẵn đối với các giới chức can dự vào các vi phạm đã được báo cáo

Sự tương đồng này là hiển nhiên vì cả hai dự thảo luật cùng có cùng tác giả: Dân Biểu Chistopher Smith. Điều đáng nói là dự thảo luật cho Việt Nam ra đời trước.

Yếu tố thành công của dự thảo luật cho Hồng Kông là khả năng của một số nhỏ nhà hoạt động trẻ đã thu hút được sự quan tâm của rất đông các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ trong một thời gian rất ngắn. Dự thảo luật cho Việt Nam thiếu yếu tố này.

Một dự thảo luật chỉ có giá trị trong vòng một nhiệm kỳ Quốc Hội, nhiệm kỳ mà nó được đề ra. Đến cuối nhiệm kỳ mà chưa được thông qua bởi lưỡng viện Quốc Hội thì dự thảo luật tự động chết. Qua nhiệm kỳ sau phải khởi sự từ đầu. Nhiệm kỳ 2 năm của Quốc Hội bắt đầu năm lẻ và chấm dứt năm chẵn. Đó là lý do các dự thảo luật nhân quyền Việt Nam đều được đưa vào Quốc Hội vào những năm lẻ và càng sớm càng tốt.

Vì sao chúng ta không huy động được sự ủng hộ của Hạ Viện và rồi Thượng Viện một cách đồng loạt và nhanh chóng?

Trong suốt 16 năm qua, ít người Việt ở Hoa Kỳ để ý đến dùng tư thế công dân để vận động lập pháp. Duy chỉ có BPSOS vận động cho dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam với sự hưởng ứng của các thân hữu rải rác ở một số địa hạt cử tri. Chúng tôi đã phải cần mẫn vận động sự ủng hộ của từng vị dân biểu một và đã phải mất thời gian rất dài. Chỉ cần xem danh sách các vị dân biểu đồng bảo trợ cho H.R. 1383 thì thấy ngay, mỗi tháng chúng tôi chỉ vận động được thêm một hoặc 2 vị dân biểu: https://www.congress.gov/bill/116th-congress/house-bill/1383/cosponsors

Với đà tiến đó, dự thảo luật mất nhiều thời gian để nhích được một bước. Ngay cả khi không bị chặn ở Thượng Viện và dù được ủng hộ với đa số tuyệt đối ở Hạ Viện, chúng tôi không đủ sức khắc phục thời hạn 2 năm của mỗi nhiệm kỳ Quốc Hội. Muốn thành công như Hồng Kông, dự thảo luật H.R. 1383 cần sự nhập cuộc của cử tri Mỹ gốc Việt, một cách quyết liệt và trải rộng trên toàn quốc Hoa Kỳ.

Ts. Nguyễn Đình Thắng tại buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam do DB Christopher Smith chủ toạ (ảnh của văn phòng DB Smith)

Đối với những ai thắc mắc rằng, sao không có dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam? Câu trả lời là, chúng ta đã có từ 16 năm trước. Điều trớ trêu là chính chúng ta đã vẽ đường cho hươu chạy. Và hươu Hồng Kông đã đến đích, còn chúng ta vẫn là rùa bò lẹt đẹt mãi đằng sau.

Tuy rằng năm nay DB Smith đã đưa H.R. 1383 vào Hạ Viện ngay vào đầu nhiệm kỳ Quốc Hội thứ 116, cuộc vận động của chúng tôi đã bị khựng lại vào đầu tháng 8 khi vấn đề Hồng Kông trở thành nóng bỏng.

Nay, Luật Nhân Quyền và dân Chủ Hồng Kông đã thành công, chúng ta vui mừng với người dân Hồng Kông vì họ rất xứng đáng để được Hoa Kỳ ủng hộ. Chúng ta ngả mũ trước chiến công này của 7 triểu người dân Hồng Kông.

Đã đến lúc người Mỹ gốc Việt hướng sự quan tâm về lại cho đất nước và dân tộc của mình.

Vì 2020 là năm tổng tuyển cử ở Hoa Kỳ, mọi hoạt động của Quốc Hội sẽ bị giảm thiểu kể từ đầu mùa thu. Nghĩa là chúng ta chỉ còn khoảng 9 tháng để vận động cho H.R. 1383. Cánh cửa cơ hội tuy hẹp nhưng chưa quá trễ.

Hai tháng tới đây là thời gian lý tưởng để người Mỹ gốc Việt vận động các vị dân cử liên bang vì đó cũng là thời gian họ về lại vùng cử tri để phục vụ và tiếp xúc cử tri. Hơn nữa, trước thềm của cuộc tổng tuyển cử sang năm, tiếng nói của cử tri sẽ có ảnh hưởng đặc biệt. Với tâm huyết, trí tuệ sẵn có và kinh nghiệm vận động cho Hồng Kông mới đây, người Mỹ gốc Việt có đủ năng lực và óc sáng tạo để lập chiến công cho quê hương mình thay vì chỉ hưởng ké niềm vui của xứ bạn.

BPSOS sẽ phổ biến những hướng dẫn cụ thể để mọi người, mọi nhóm, mọi tổ chức đều có thể tự mình góp một bàn tay biến dự thảo luật H.R. 1383 thành luật của quốc gia Hoa Kỳ.

Phái Đoàn Mỹ Gốc Việt Vận Động Hành Lang cho Dự Thảo Luật H.R. 1587, Mạch Sống 14/07/2004:

http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=16

Bước Tiến Lớn Cho Nhân Quyền: Hạ Viện Hoa Kỳ Thông Qua Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam Với tỉ số 414-3

http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1113

Vận Động Nhân Quyền Cho Việt Nam Ở Thượng Viện Hoa Kỳ

http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/765-van-dong-nhan-quyen-cho-viet-nam

DB Christopher Smith đệ nạp Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam

http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1328-2018-04-26-21-59-59

Thông báo về “Ngày Vận Động Cho Việt Nam” tại Quốc Hội Hoa Kỳ năm 2019

http://www.machsongmedia.com/vietnam/quanhemyviet/1455-2019-05-28-07-07-14

Các chính sách chế tài kẻ vi phạm nhân quyền trong luật Hoa Kỳ

http://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1448-2019-04-05-18-38-58

Viết một bình luận