Thắp nén hương tưởng niệm 2 nạn nhân của vụ buôn người ở American Samoa

  • Dung và Nga: tấm gương quả cảm nhưng xấu số

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 19 tháng 11, 2019

http://machsongmedia.com

Bài viết “Vụ buôn người đầu tiên của Việt Nam bị phanh phui trên nước Mỹ” của tác giả Mai Tâm nhắc đến 2 nữ nạn nhân đã vượt rào công ty Daewoosa American Samoa để cầu cứu cho số 280 nạn nhân còn lại. Đó là hai cô Dung và Nga.

Gần cuối năm 1999, điều kiện sinh sống của các công nhân ở xưởng may mặc này trở nên thiếu thốn trầm trọng. Họ được trả lương rất ít và nhiều tháng không lương, nhưng vẫn phải nộp tiền phòng và tiền ăn hàng tháng. Nhiều người bắt đầu đói. Phần lớn mất liên lạc với gia đình vì không có tiền gọi điện thoại viễn liên. Trước cảnh nguy khốn chung, mỗi sáng sớm Dung và Nga liều mình vượt tường rào và chốt canh để ra ngoài xin thực phẩm, rồi chiều tối lại vượt tường rào đem thực phẩm về tiếp tế cho các bạn còn lại.

Trong một lần vượt ra ngoài xin ăn, hai cô đã gặp một phụ nữ người Samoa đứng tuổi đem về cưu mang, cho tá túc tại nhà, và giới thiệu đến một luật sư người Mỹ. Vị luật sư này tình nguyện làm đơn cho tất cả các nạn nhân đòi tiền lương từ ông chủ Kil Soo Lee.

Được tin này, Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, quản lý chương trình xuất khẩu lao động của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội, tức tốc đến American Samoa cùng với đại diện của 2 công ty mà đã đưa công nhân Việt đến đảo American Samoa. Họ gặp Dung và Nga tại văn phòng vị luật sư tình nguyện. Ông Tân cáo buộc hai cô đã vi phạm hợp đồng khi đối đầu với chủ sử dụng lao động và vi phạm kỷ luật nội bộ khi qua mặt Ông Nguyễn Viết Chuyên, người đại diện tại chỗ cho chương trình xuất khẩu lao động để kiểm soát các công nhân.

 

Dung và Nga

Tháng 11 năm 2000, Bộ Lao Động Hoa Kỳ phạt Ông Kil Soo Lee phải trả tổng cộng 350,000 Mỹ kim tiền nợ lương của các công nhân. Ông ta lờ đi và leo thang đàn áp, bỏ đói các công nhân và ra lệnh các người bảo vệ đánh đập những ai lên tiếng. Một nữ công nhân bị đánh mù một mắt và một nam công nhân bị đánh thủng màng nhĩ.

Hai công nhân bị đánh trọng thương

Do sự can thiệp của luật sư, toà án American Samoa ra lệnh cấm Ông Lee đến gần các công nhân, lúc này đã hoàn toàn bị bỏ rơi. Họ cầu cứu, nhưng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội không cấp vé máy bay hồi hương, nại cớ là các công nhân đã vi phạm hợp đồng lao động khi đứng lên đòi công lý và kiện Ông Lee. Số 280 nạn nhân phải tự lo với nhau mà sống trên đất khách quê người.