Các công ước LHQ về nhân quyền: Việt Nam đã ký thì phải thực thi

  • Không thể nại bất kỳ lý cớ nào để vi phạm

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 12 tháng 11, 2019

http://machsongmedia.com

Gần đây, trang Facebook Đề Án Dân Quyền Việt Nam đã nóng lên với bài viết kèm video về toán công an Thị Xã Gò Công đến nhà của Ông Nguyễn Mười, tín đồ Cao Đài, để răn đe chủ nhà không được tham dự Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Vùng Đông Nam Á, tổ chức ngày 4 và 5 tháng 11 vừa qua ở Bangkok, Thái Lan. Trong chỉ một ngày rưỡi, lượt người xem đã 1 triệu với gần 2 nghìn lời bình luận và hơn 2 nghìn người chia sẻ.

Bài viết phân tích những sai phạm của công an chiếu theo Bộ Luật Hình Sự năm 2015 của Việt Nam, Điều 158 về xâm phạm chỗ ở của công dân. Phần lớn các lời bình biểu lộ sự đồng tình với bài viết và phản đối hành vi vô pháp của công an. Tuy nhiên cũng có ít người bênh vực hành động của công an, lập luận rằng Việt Nam có luật pháp riêng và công an có quyền can thiệp để các phần tử xấu không lạm dụng quyền tự do tôn giáo. Lập luận như thế chỉ là nói càn về cả mặt luật Việt Nam và luật quốc tế.

Về luật Việt Nam thì bài viết kể trên đã phân tích đầu đuôi.

Về luật quốc tế, không lạ gì khi có những người ở trong nói theo chính quyền vì họ bị tuyên truyền một chiều. Ngay cả những người đại diện quốc gia cũng nói bừa cơ mà. Tại buổi kiểm điểm về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, ngày 11 và 12 tháng 3 vừa qua, trưởng phái đoàn Việt Nam, Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Khánh Ngọc, khi bị đặt nhiều câu hỏi mà không thể trả lời đã nói sẵng rằng Việt Nam có chủ quyền, có thể chế riêng và không chấp nhận quốc tế áp đặt những tiêu chuẩn nhân quyền ngoại lai.

Buổi kiểm điểm Việt Nam về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, Geneva, Thuỵ Sĩ, ngày 12/03/2019 (hình chụp từ kênh webcast của LHQ)

Chủ tịch của Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ, Ông Ahmed Amin Fathalla, trả lời rất từ tốn nhưng đanh thép rằng Uỷ Ban không có ý định xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt nam và cũng không kêu gọi thay đổi thể chế; Uỷ Ban cũng chẳng áp đặt gì cả mà do Việt Nam tự nguyện ký công ước này, và khi đã ký thì có trách nhiệm phải tuân thủ đầy đủ; Uỷ Ban phải theo dõi để bảo đảm rằng Việt nam tuân thủ một cách nghiêm túc những điều đã ký kết.

Phải hiểu rằng công ước của LHQ chính là một khế ước mà chính phủ Việt Nam đã ký và phải thi hành. Mọi lý do viện dẫn để không thi hành đúng đắn và đầy đủ chỉ là nguỵ biện.

Công ước LHQ về quyền dân sự và chính trị, Điều 18, ghi rõ quyền tự do tôn giáo hay niềm tin và trách nhiệm của chính quyền về tôn trọng, bảo vệ và phát huy quyền này. Hành vi của mấy ông công an trong video kể trên rõ ràng đã đẩy nhà nước Việt Nam vào tình trạng vi phạm các cam kết với LHQ.

——-

Điều 18.

1. Mọi người đều phải có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Quyền này phải bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc niềm tin do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tôn giáo hoặc niềm tin, một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như trong việc thờ phụng, thực hiện lễ nghi, thực hành và truyền giảng.

2. Không ai có thể bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do có hoặc đón nhận một tôn giáo hoặc niềm tin do họ chọn lựa.

3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc niềm tin chỉ có thể bị áp đặt các giới hạn bởi được quy định bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khoẻ hoặc đức lý công cộng, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.

——-

Không những thế, khi ký kết một công ước của LHQ thì chính phủ của quốc gia ấy cũng phải cam kết sẽ không ngăn cản, đe doạ hoặc trả thù những ai báo cáo các vi phạm. Tại buổi họp của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào ngày 19 tháng 9 năm nay, Tổng Thư Ký LHQ Ông António Guterres chỉ trích Việt Nam đã ngăn chặn, cấm đoán, hăm doạ và trả thù những người tham dự hoặc có ý định tham dự Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Vùng Đông Nam Á lần 4, tổ chức ngày 17-19 tháng 8 năm 2018 ở Bangkok, Thái Lan. Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin, Tiến Sĩ Ahmed Shaheed, đã có mặt tại sự kiện này để lắng nghe các tham dự viên đến từ Việt Nam báo cáo những vi phạm xảy ra ở trong nước.

Hình lưu niệm về Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Vùng Đông Nam Á lần 4, Bangkok, Thái Lan ngày 17/08/2018 (ảnh APHR)

——-

Trích đoạn từ bản báo cáo về trả thù của Tổng Thư Ký LHQ:

Một số đại diện của xã hội dân sự, các nhà bảo vệ nhân quyền và các tổ chức tôn giáo được báo cáo là đã phải đối mặt với các hành động trả thù sau khi tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin khu vực Đông Nam Á ở Bangkok, bao gồm sự tham gia của Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do Tôn giáo hay Niềm tin. Trong số 28 tham dự viên được mời từ Việt Nam, 2 người đã nhận được cảnh báo của công an không cho tham dự hội nghị, 5 người bị ngăn không cho rời khỏi Việt Nam tại các trạm kiểm soát biên giới hoặc tại sân bay, 2 người đã bị giam giữ và thẩm vấn tại sân bay, tịch thu hộ chiếu và điện thoại di động, và 8 người đã bị triệu tập đến đồn cảnh sát hoặc được cảnh sát đến nhà để thẩm vấn về việc họ tham gia hội nghị. Ngoài ra, cảnh sát đã quấy rối các thành viên gia đình của 3 tham dự viên khi họ đang dự hội nghị.

Đọc toàn văn bản báo cáo của Tổng Thư Ký LHQ: https://www.ohchr.org/Documents/Issues/Reprisals/A_HRC_42_30.docx (tiếng Anh)
và bản dịch tiếng Việt phần liên quan đến Việt Nam: http://dvov.org/wp-content/uploads/2019/11/Bao-cao-tra-thu-09-09-19.pdf

——-

Bản báo cáo cho biết chính phủ Việt Nam đã trả lời như sau: Liên quan tới các đại diện xã hội dân sự đã tham gia hoặc bị cấm tham gia Hội nghị, chính quyền Việt Nam cho rằng những cáo buộc trên là không đúng, chính quyền không hề đe dọa hay quấy rồi bất cứ cá nhân nào bởi vì họ tham dự các hội thảo quốc tế.

Việc toán công an Thị Xã Gò Công xông vào nhà riêng của Ông Mười và hăm he, ngăn cản Ông tham gia hội nghị năm nay tái khẳng định rằng chính phủ Việt Nam không những không trung thực khi trả lời LHQ mà còn ngoan cố khi tái diễn sự vi phạm. Năm nay, Cô Chian Yew Lim, nhân viên đại diện cho Ts. Shaheed, đã có mặt tại hội nghị lần 5 để chờ nghe báo cáo của những tham dự viên đến từ Việt Nam.

Tôi mong rằng qua bài này những ai chưa hiểu thì nay đã hiểu rằng bất luận cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ hễ đã ký một khế ước thì không thể nại bất kỳ lý lẽ nào để bội ước, bội tín.

Các tu sĩ Phật Giáo Việt Nam và Thái Lan gặp nhau tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Vùng Đông Nam Á, Bangkok, Thái Lan ngày 4/11/2019 (ảnh BPSOS)

Bài liên quan:

Tổng Thư Ký LHQ: Chính phủ Việt Nam trả thù những người báo cáo vi phạm nhân quyền
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1487-2019-09-13-23-22-24

Phát biểu của đại diện chính phủ Việt Nam về bản báo cáo của Tổng Thư Ký LHQ về hăm doạ và trả thù: https://www.facebook.com/watch/?v=393874991515153

Đoàn Việt Nam lúng túng tại kiểm điểm ICCPR: cũng tại người dân hiểu biết hơn xưa
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1446-2019-03-18-04-14-35

Viết một bình luận