Nghệ thuật giữ người: Hạ sách là kiểm soát; thượng sách là hợp tác

• Chính sách “buông nhưng không bỏ”

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 12 tháng 11, 2019

http://machsongmedia.com

Một khuynh hướng rất phổ biến mà tôi nhận thấy nơi người Việt là tâm lý kiểm soát: nhất nhất mọi việc phải thông qua mình, phải theo ý mình, phải đặt dưới quyền điều động của mình. Có lẽ tâm lý này xuất phát từ ý muốn giữ người để tăng sức mạnh cho đoàn thể. Nhưng giữ người cách ấy là hạ sách và sẽ phản tác dụng trong một xã hội mở vì sẽ chỉ giữ được những người kém cỏi về trí tuệ và yếu đuối về bản lãnh.
Thượng sách để giữ người là tạo sự đồng cảm và hợp tác giữa những người cùng chí hướng.

Giữ người trong xã hội mở

Cảm xúc là khởi điểm của hành động. Những người cùng cảm xúc về một vấn đề chung thường dễ đến với nhau. Và sẽ ở lại với nhau là những người cùng chung mục đích và chung cách làm — tôi gọi đó là những người cùng chí hướng.

Khi đã cùng chí hướng thì sự hợp tác là tự nhiên và đương nhiên vì việc lớn không riêng ai có thể quán xuyến một mình. Khi sự hợp tác dẫn đến những thành quả cụ thể thì những người hợp tác với nhau lại càng thêm gắn bó về niềm tin và càng thêm chặt chẽ trong phối hợp hành động. Cứ vậy, người ta sẽ tự động ở lại với nhau một cách dài lâu.

Các thành viên tham gia Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Vùng Đông Nam Á lần 5, Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11/2019

Một cách nhìn để diễn giải hiện tượng này là vốn xã hội. Đó là tổng thể những sợi dây vô hình gắn bó một nhóm người với nhau. Cốt tuỷ của vốn xã hội là niềm tin – đó là chất keo sơn gắn bó con người với nhau. Các nguyên tắc đạo đức chung, sự tương kính trong hành xử, và sự tương tác trong công việc đều góp phần tăng vốn xã hội của nhóm người ấy với nhau.

Ngược lại, ý định kiểm soát, chủ trương khống chế và các biện pháp gò bó người khác trong tư duy và hoạt động sẽ làm giảm đi vốn xã hội của những người trong nhóm. Người có hiểu biết, có tài năng, có bản lãnh sẽ bỏ đi. Chỉ những người sợ bơ vơ hoặc lưu luyến quyền lợi thì mới ở lại. Một đoàn thể gồm những người như vậy thì có gì hay ho? Đó chính là điểm yếu kém của các chế độ độc tài. Họ không thể giữ được nhân tài vì chỉ những người hèn kém mới chấp nhận tuân phục kẻ khác.

BPSOS ngăn ngừa tình trạng kiểm soát con người bằng 2 chính sách nền tảng trong mọi hoạt động: không kết nạp, và buông nhưng không bỏ.

Không kết nạp

BPSOS là tổ chức không hội viên. Các tổ chức phi lợi nhuận trên thế giới có 2 hình thức tổ chức: có hội viên và không hội viên. Những tổ chức có hội viên thì đối tượng phục vụ chính là các hội viên. Các tổ chức phục vụ đại chúng thường không có hội viên để tránh tình trạng ưu đãi cho hội viên hay người quen của hội viên. BPSOS chọn hình thức thứ này.

Do không có hội viên, BPSOS không có nhu cầu kết nạp và giữ người. Không kể những nhân viên làm việc toàn thời, chúng tôi chỉ có những người ủng hộ, những người hợp tác và những tình nguyện viên. Có những người hợp tác dài lâu và liên tục và cũng có những người hợp tác đoản kỳ và theo từng sự kiện, tất cả đều trên tinh thần tình nguyện.

Buông nhưng không bỏ

Nguyên tắc này được ghi hẳn vào tuyên ngôn sứ mạng của tổ chức: “Chấn hưng chí khí, tổ chức và trang bị cho các cá nhân và các cộng đồng để tự họ mưu cầu tự do và nhân phẩm”. Nghĩa là chúng tôi chủ trương không phát chẩn mà phát triển – phát triển năng lực cho những thành phần dễ bị tổn thương hoặc đang bị bách hại để tự bảo vệ quyền và lợi ích. Họ tự lập càng sớm, chúng tôi buông ra càng sớm và chuyển nguồn lực và nỗ lực sang cho những người khác, nhóm khác. Buông ra được là thước đo thành công của chúng tôi.

Tuy nhiên, chúng tôi không bỏ, hiểu ở hai nghĩa. Trước khi buông ra, chúng tôi bảo đảm rằng họ tiếp tục nhận sự hỗ trợ từ nguồn khác. Nguồn khác ấy chính là các “nhóm kết nghĩa” mà chúng tôi vận động hình thành. Nhóm kết nghĩa gồm các tình nguyện viên sẵn sàng đeo đuổi dài lâu với cộng đồng được kết nghĩa ở trong nước, và hình thành tổ chức tương trợ trong lòng cộng đồng để hỗ trợ dài lâu cho các thành viên của cộng đồng. Ở nghĩa thứ hai, BPSOS luôn sẵn sáng tiếp ứng khi một cộng đồng và nhóm kết nghĩa phải đối phó với những vấn đề vượt khả năng của mình. Nhằm bảo đảm sự tiếp ứng hiệu quả, chúng tôi duy trì những chương trình và hoạt động hỗ trợ như: huấn luyện, dịch thuật, vận động, báo cáo vi phạm, tư vấn, nghiên cứu, can thiệp khẩn cấp, v.v.

Lạt mềm buộc chặt

Đằng sau tâm lý muốn kiểm soát người khác là sự thiếu tự tin, không tin rằng mình đủ tài và đức để thu phục và giữ được người. Các biện pháp kiểm soát, nếu thành công, thì sẽ sản sinh ra một tổ chức sơ cứng, cục bộ, và không khéo thì sẽ nhiễm dần tính “mafia” – sự gắn bó nội bộ trở thành sự cấu kết tác hại đến niềm tin và sự hợp tác của những người chung quanh.

Ngược lại, thái độ buông ra, không khư khư nắm giữ, nhưng không bao giờ bỏ rơi chính là sợi lạt mềm buộc chặt những con người với nhau bằng tình nghĩa, bằng sự tương kính và bằng tinh thần hợp tác khi theo đuổi mục đích chung. Đó là công thức để chúng tôi tranh thủ sự hợp tác của ngày càng nhiều các cộng đồng ở trong nước, của đội ngũ ngày càng đông những người tình nguyện ở hải ngoại và của số ngày càng tăng các tổ chức và cơ quan quốc tế.

Một đằng là hạ sách. Đằng kia là thượng sách.

Viết một bình luận