Nhìn về Hồng Kông: Bài học nào cho Việt Nam?

  • Bớt hóng chuyện người, thêm làm việc mình

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 17 tháng 9, 2019

http://machsongmedia.com

Trong mấy tháng qua, các cuộc biểu tình triền miên và rầm rộ ở Hồng Kông thu hút sự chú ý của không ít người Việt ở trong và ngoài nước. Cũng như nhiều người, tôi theo dõi khá sát những diễn tiến ở thành phố cảng này, phần vì tinh thần đấu tranh của người dân ở đấy rất đáng để chúng ta cổ suý, phần vì tôi đã từng lui tới vùng đất này khá thường xuyên từ 1988 đến 1996 – đó cũng là thời kỳ Hồng Kông chuyển tiếp từ thuộc địa của Anh Quốc thành khu tự trị của Trung Quốc.

Câu hỏi lớn cho tất cả những ai trong chúng ta đang mưu cầu dân chủ cho quê hương là: Bài học nào ở Hồng Kông có thể ứng dụng cho Việt Nam?

Tôi tách câu hỏi lớn này làm 3 phần.

(1) Phải chăng dân Hồng Kông có nhiều kinh nghiệm về tự do, dân chủ hơn người Việt?

Một nhận định mà tôi thường nghe là, nhờ sống 150 năm dưới chế độ thuộc địa của Anh quốc nên người Hồng Kông đã làm quen với sự tự do và nền dân chủ; và đó là yếu tố tạo nên các cuộc biểu tình rầm rộ năm 2014 và năm nay. Thực là nhầm lẫn khi nhận định như vậy.

Người dân Hong Kong xuống đường biểu tình (Photo: Skynews)

Như một thuộc địa của Anh quốc, Hồng Kông đã thừa hưởng thể chế pháp quyền nhưng không vì vậy mà có tự do hay dân chủ. Chính quyền thuộc địa cho người dân Hồng Kông quyền hoạt động kinh tế nhưng hạn chế các quyền chính trị. Vì kém dân chủ, xã hội Hồng Kông đã phân giai cấp rõ rệt: Người Anh quốc da trắng nắm quyền chính trị và giới “xì thẩu” (taipan) sở tại nắm quyền kinh tế — hai thành phần này liên kết với nhau để kiểm soát phần lớn đời sống xã hội, kinh tế, chính trị của Hồng Kông. Người dân rất ít quyền, kể cả quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí… Trong những tháng ngày lui tới Hồng Kông trước đây, tôi cảm nhận được nỗi sợ hãi nơi người dân và không khí ngột ngạt của thời thuộc địa.

Thực ra, có một số người Hồng Kông đã sinh sống hoặc du học ở các quốc gia dân chủ, nhất là các nước trong Khối Thịnh Vượng Chung. Đến sát năm 1997, là năm Hồng Kông bị giao trả cho Trung Quốc, nhiều trăm nghìn người Hồng Kông đã di cư đến Canada, Úc, Anh… Khoảng chục năm sau, khi tình hình ổn định, nhiều người trong số này quay về lại Hồng Kông. Từng được tiếp cận tự do và dân chủ, các nhóm người này góp phần thổi luồng gió ý thức vào xã hội Hồng Kông.

Nhưng con số này không thấm vào đâu so với 4 triệu người Việt ở hải ngoại đã hít thở không khí tự do và hưởng đời sống dân chủ hàng mấy mươi năm tại những quốc gia với nền dân chủ tiên tiến nhất  hành tinh. Tuyệt đại đa số những người Việt này còn là công dân chính thức của các quốc gia dân chủ tiên tiến ấy. Và ngay ở Việt Nam cũng còn nhiều triệu người đã từng sống ở miền Nam trước năm 1975. Dù chưa hoàn chỉnh, nền dân chủ dưới chế độ cộng hoà khi ấy vẫn vượt xa Hồng Kông thời thuộc địa. Và cũng như người Hồng Kông, chúng ta có không ít các “du sinh” Việt Nam đã từng tiếp cận nền dân chủ ở các quốc gia khác, và cũng không ít những người Việt hải ngoại đã trở về sinh sống ở Việt Nam.

Nếu so sánh khối người có hiểu biết về quyền tự do và kinh nghiệm sinh hoạt dân chủ, chúng ta vượt xa người Hồng Kông về cả phẩm lẫn lượng. Do đó, câu hỏi không còn là liệu người Việt chúng ta có bằng người Hồng Kông về ý thức và kinh nghiệm về tự do dân chủ. Chúng ta vượt xa họ.

Câu hỏi cần câu trả lời là: Cách nào truyền những kiến thức và kinh nghiệm có sẵn ấy đến đồng bào trong nước, nghĩa là để khai dân trí?

(2) Phải chăng người Hồng Kông dám hành động vì đã vượt qua sợ hãi?

Nhận định thứ hai mà tôi thường nghe là, người Hồng Kông vượt qua nỗi sợ hãi vì tiếp cận được với quốc tế và được quốc tế quan tâm. Họ có lá chắn trước mối đe doạ đến từ Trung Quốc. Nếu đúng vậy thì người Việt có nhiều cơ hội hơn để vượt sợ hãi.

Có thể hiện nay Hồng Kông đang là điểm nóng được quốc tế quan tâm hơn Việt Nam. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, Trung Quốc là một đại cường đủ lớn mạnh để bất chấp sự lên án hoặc áp lực của quốc tế. Còn Việt Nam thì không.

Việt Nam ngày càng phải cầu cạnh các khoản viện trợ, vận động mậu dịch, và tranh thủ sự chống đỡ của quốc tế để cứu vãn chế độ, nhất là trước chính sách bành trướng ngày càng lộ liễu của nước đàn anh phương Bắc. Việt Nam không thể không quan tâm trước sự lên tiếng của các quốc gia trong thế giới tự do, của các định chế Liên Hiệp Quốc, và của công luận quốc tế.

Với tư thế là công dân của các quốc gia dân chủ ở khắp địa cầu, khối người Việt hải ngoại hoàn toàn có khả năng huy động quốc tế không chỉ quan tâm mà còn tác động mạnh đến Việt Nam. Nói cách khác, chúng ta có nhiều thuận lợi và nhiều cơ hội hơn người Hồng Kông để giúp người dân vượt sợ hãi.

Câu hỏi cần câu trả lời là: Làm cách nào khai thác những thuận lợi và cơ hội đang có để tạo lá chắn cho người dân bớt dần sợ hãi, nghĩa là để chấn dân khí?

(3) Hay là vì tuổi trẻ Việt Nam không được như tuổi trẻ Hồng Kông?

Về lực chúng ta hơn dân Hồng Kông, về thế chúng ta cũng hơn dân Hồng Kông. Thế thì tại sao người dân Hồng Kông đang làm được những việc mà chúng ta chỉ biết mơ ước?

Tôi thấy không ít người đổ cho thanh niên Việt Nam bạc nhược, thờ ơ trước vận nước, sống thiếu lý tưởng. Họ chỉ biết hóng sao Hàn hoặc đi bão khi đội nhà thắng một trận banh. Đối lại, giới trẻ Hồng Kông thể hiện ý thức đấu tranh cho tương lai của thế hệ mình và các thế hệ mai sau. Sự quả cảm và dấn thân của họ đã truyền cảm hứng cho toàn thể xã hội Hồng Kông ở mọi giai tầng, trong mọi lứa tuổi. Nhận định này có lẽ đúng về giới trẻ Hồng Kông, nhưng có 2 khuyết điểm khi so sánh với Việt Nam.

Biểu tình ở Hồng Kông, 16/06/2019 (ảnh Kin Cheung/AP)

Khuyết điểm thứ nhất là kết luận khập khễnh về giới trẻ Việt Nam. Lượng thanh niên tụ tập để hóng sao Hàn giỏi lắm chỉ chục nghìn, hoặc số người đi bão cho đội banh nhà giỏi lắm chỉ trăm nghìn nếu cộng lại trên cả nước. Trong khi ấy số thanh niên Việt Nam lên đến vài chục triệu. Chúng ta không thể lấy con số dưới 1% để tổng quát hoá cho toàn thể.

Nhưng khuyết điểm thứ hai mới đáng quan tâm hơn vì tâm lý “hóng” không chỉ có ở những thanh niên đang bị chê trách mà còn thể hiện rất phổ quát, rất sâu đậm nơi những người phê phán họ. Chẳng phải thế sao khi chúng ta say mê theo dõi từng phút từng giờ những diễn tiến ở Hồng Kông, chạy tút liên tục ngày đêm về thời sự Hồng Kông, truyền tụng miên man những giai thoại đấu tranh của người Hồng Kông? Những thể hiện này có khác gì mấy cô cậu thanh niên hóng sao Hàn hoặc bị cuốn hút vào các trận đấu U19, U22? Điểm giống nhau là thái độ khán giả bàng quan — cổ võ cho người, còn việc nhà mình thì chẳng động tay động chân đến.

Đó là tâm lý công kênh thần tượng trên sân khấu hoặc hào hứng ké chiến công của người khác ngoài đấu trường. Sự khác biệt giữa người Hồng Kông và chúng ta là ở điểm đó: Số đông họ không đứng dưới sân khấu để tán thưởng hay bình phẩm; họ dấn mình vào sân đấu và tự tay tạo nên chiến công.

Và họ đã có cả một nỗ lực chuẩn bị dài hơi để nhập cuộc. Hai năm trước khi “phong trào dù vàng” rộ lên, hàng trăm học sinh, sinh viên Hồng Kông đã chia nhau đi học kinh nghiệm của các phong trào dân chủ, cả thành công lẫn thất bại, trên thế giới. Họ đã tranh thủ từ trước sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế qua Phong Trào Thế Giới cho Dân Chủ (World Movement for Democracy). Sau thất bại năm 2014, họ lại tung thêm nhiều người hơn nữa để học hỏi về vận động quốc tế và tổ chức cơ sở.

Nhiều người không hiểu sự tình thì cho rằng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông không có thủ lĩnh. Không đúng. Họ liên tục đào tạo rất nhiều thủ lĩnh với khả năng hành động biệt lập nhưng có phối hợp. Họ không là rắn không đầu, mà là rắn trăm, nghìn đầu.

Người Việt chúng ta có nguồn lực, có thế đứng và có cơ hội hơn hẳn người dân Hồng Kông. Liệu chúng ta có thể tạo nên phong trào dân chủ cho đất nước của mình thay vì cứ phải hào hứng ké chuyện của người?

Câu trả lời cho câu hỏi ngàn cân ấy, rút từ kinh nghiệm của Hồng Kông, là, hãy “bớt hóng chuyện người, thêm làm việc mình”.

Còn làm gì, làm cách nào thì tôi đã viết khá nhiều về đề tài này, dựa vào những việc mà chúng tôi đã thử nghiệm và đã có kết quả.

Bài liên quan:

Dân chủ hoá: Từ sách lược lớn đến những việc làm nhỏ
http://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1382-2018-08-05-20-57-08

Từ độc tài đến dân chủ: chúng ta là yếu tố quyết định
http://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1401-2018-10-14-01-23-48

Viết một bình luận