Ngày 22 tháng 8, nhiều cộng đồng ở Việt Nam tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành vì lý do tôn giáo

  • 53 cộng đồng với tổng cộng hàng chục nghìn người hưởng ứng

Mạch Sống, ngày 12 tháng 9, 2019

http://machsongmedia.com

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư Ký LHQ, ngày 22 tháng 8 vừa qua đã có 53 cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam đã đồng loạt tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của sự bạo hành vì lý do tôn giáo hay niềm tin, qua các hình thức cầu nguyện, thắp nến, vinh danh…

“Mức hưởng ứng này có thể là cao nhất trong tất cả các quốc gia thành viên LHQ,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận xét. “Qua trao đổi với các tổ chức bạn ở nhiều quốc gia khác, tôi thấy họ rất ngạc nhiên về khả năng truyền thông và huy động quần chúng của các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam.”

Ngày 28 tháng 5 vừa qua, Đại Hội Đồng LHQ đã biểu quyết đồng thuận thông qua Nghị Quyết A/Res/73/296, ấn định từ nay ngày 22 tháng 8 hàng năm là Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm Nạn Nhân của Các Hành Vi Bạo Hành Trên Cơ Sở Tôn Giáo hay Niềm Tin. Xem kết quả biểu quyết: https://digitallibrary.un.org/record/3808396?ln=en

Hội Thánh Người Thượng Tây Nguyên tại làng Buôn Êa Khit, Xã Êa Bhôk, Huyện C̆ư̆ Kuiñ, tỉnh Dak Lak tổ chức ngày 22/8, 2019 (ảnh JS)

Chỉ 2 ngày sau đó BPSOS phát động chiến dịch “22 tháng 8” nhằm chuyển thông tin này vào Việt Nam cũng như động viên và hướng dẫn các cộng đồng tổ chức sinh hoạt tưởng niệm.

Để bổ trợ cho chiến dịch này,

BPSOS đã dành một bộ phận riêng tại trang mạng Đề Án Dân Quyền Việt Nam để tải lên đó các hướng dẫn và tạo lập “bức tường tưởng niệm” các nạn nhân. Xem: https://www.vncrp.org/ngay-tuong-niem-22-8

“Mặc dù chúng tôi đã đưa tin đi khá rộng và thường xuyên, nhiều người ở Việt Nam vẫn không hay biết về cơ hội quan trọng này để mà hưởng ứng,” Ts. Thắng nói.

Theo bản tin ngày 23 tháng 8 của RFA, nhiều người được phỏng vấn cho biết rằng họ không hay biết gì về ngày 22 tháng 8 hoặc biết quá trễ để tổ chức sinh hoạt tưởng niệm.

Trong khi đó, ngày 15 tháng 8 Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã gửi bức thư ngỏ để “kêu gọi các Giáo phận, các dòng tu đồng loạt tổ chức thánh lễ cầu nguyện hoặc các giờ chầu Thánh Thể vào ngày 22/08/2019 này, cầu nguyện cho tự do tôn giáo, cho các nạn nhân của tình trạng bạo lực, đàn áp tôn giáo.”

 

Các em Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo họ Văn Thai – Giáo xứ Song Ngọc hướng về những người bị bách hại vì Tôn Giáo, ngày 22/08/2019 (nguồn Facebook)

Để phòng ngừa sự ngăn cản của chính quyền địa phương, BPSOS đã phân bổ những người đã được đào tạo về báo cáo vi phạm để theo dõi tình hình ở mỗi địa phương mà sinh hoạt tưởng niệm được báo trước.

“Chúng tôi chia sẻ thông tin này với một số văn phòng LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và các toà đại sứ ở Việt Nam của nhiều quốc gia để cùng nhau theo dõi,” Ts. Thắng nói. “Có lẽ nhờ vậy mà đã không xảy ra những sự việc đáng tiếc ở phần lớn các địa điểm.”

Theo Ts. Thắng, cộng đồng Cao Đài ở Huyện Chợ Gạo, Tỉnh Tiền Giang đã bị người của chính quyền tỉnh, huyện và xã kéo đến để ngăn cản sinh hoạt tưởng niệm. Sau khi họ ra về, các tín đồ Cao Đài đã tiến hành lễ tưởng niệm như thường. Và ở 2 địa phương công an đã gửi giấy mời cho chủ hộ là tín đồ Cao Đài sau khi vì đã dùng nhà riêng để tổ chức sinh hoạt tưởng niệm. Cả 3 sự kiện này đều đã được báo cáo với LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và nhiều chính quyền quan tâm đến tự do tôn giáo.

Các cộng đồng tôn giáo tổ chức sinh hoạt tưởng niệm bao gồm: 23 cộng đồng Công Giáo, 15 cộng đồng Cao Đài, 11 cộng đồng người Thượng theo đạo Tin Lành, 2 cộng đồng Phật Giáo và 2 cộng đồng Phật Giáo Hoà Hảo. Đồng thời một số cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng đã tổ chức các sinh hoạt tưởng niệm để yểm trợ đồng bào ở trong nước, như ở Houston, Dallas, Seattle, Tempe (Arizona), Bangkok, và Đài Bắc.

Ts. Thắng cho biết là mục tiêu của BPSOS cho năm 2020 sẽ là 200 cộng đồng hưởng ứng ở Việt Nam.