NHIỀU TỔ CHỨC QUỐC TẾ BẮT ĐẦU QUAN TÂM GIÚP ĐỠ NGƯỜI H’MONG VÀ NGƯỜI THƯỢNG VÔ TỔ QUỐC

Mạch Sống, ngày 10 tháng 9, 2019

http://machsongmedia.com

Vô tổ quốc trên chính quê hương mình: tình trạng cùng khổ của người H’mong và người Thượng Tin Lành

Thêm nhiều tổ chức nhân quyền gửi báo cáo tới các cơ chế hoạt động của Liên Hợp Quốc đề nghị xem xét tình trạng “vô tổ quốc” của người Thượng và H’Mông ở Việt Nam.

Tình trạng đàn áp tôn giáo của nhà nước Việt Nam đối với những người H’Mông, người Thượng và người thuộc sắc dân thiểu số diễn ra đã hàng chục năm qua. Hậu quả là hàng ngàn người đã phải vượt biên tới Thái Lan xin tị nạn; hàng chục ngàn người bị tước đoạt giấy tờ, bị xua đuổi khỏi nơi sinh ra; hàng trăm người bị bắt tù đày trong những vụ án không công khai minh bạch.

Riêng những người bị kẹt lại ở trong nước mà vẫn giữ niềm tin tôn giáo thì họ gặp phải một tình cảnh hết sức đau lòng và trớ trêu, đó là “vô tổ quốc” trên chính quốc gia của mình. Để ngăn cản việc họ tự do lựa chọn niềm tin tôn giáo, chính quyền các địa phương đã thực hiện việc giải tán cơ sở sinh hoạt tôn giáo, tịch thu giấy tờ tuỳ thân và đuổi họ ra khỏi buôn làng. Số người bị lâm vào tình trạng này chủ yếu ở các tỉnh miền núi Bắc Việt Nam như Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La… Chính quyền các địa phương thi hành chính sách độc đoán đó với suy nghĩ họ sẽ không thể đi đâu được nên buộc phải quay lại địa phương, phục tùng lệnh bỏ đạo để xin lại giấy tờ tuỳ thân.

Buổi họp tại LHQ về tình trạng “vô tổ quốc” với sự hỗ trợ của tổ chức Jubilee Campaign

Số người này sau nhiều năm lưu lạc hiện nay sống rải rác ở các tỉnh Tây Nguyên Trung phần Việt Nam. Tuy nhiên họ đang tiếp tục đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn khi chính quyền các địa phương Tây Nguyên bắt đầu lên kế hoạch xua đuổi. Trong lúc tạm sống thì họ không được nhận bất cứ quyền lợi nào của một con người, một công dân hợp pháp. Họ không được cấp hộ khẩu, chứng minh thư, giấy kết hôn, và nhiều khi ngay cả giấy khai sinh cho con cái… Hậu quả là người lớn thì không thể xin việc làm, khám chữa bệnh, mở tài khoản ngân hàng… trẻ em thì không được đi học hoặc không được học ở cấp cao hơn.

Bắt đầu từ năm 2017, sau khi tiếp cận được với các nguồn tin tản mạn của cộng tác viên, Boat People SOS (BPSOS) và Vietnam Coalition Against Torture (VN-CAT) đã tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng để có dữ liệu đầy đủ nhất và từ đó tiến hành các hỗ trợ pháp lý cần thiết để giải quyết vấn đề này. Hồ sơ tiếng Anh: http://dvov.org/wp-content/uploads/2019/03/Stateless-Hmong-Montagnard-Christians-03-06-19.pdf

Mục tiêu công việc của hai tổ chức này là vận động nhà nước Việt Nam phải tôn trọng quyền con người của người dân trong đó có quyền tự do tôn giáo. Phải cấp lại đầy đủ giấy tờ cho người dân. Phải cho trẻ con được đến trường và mọi người phải có đất sản xuất, đảm bảo cuộc sống. Một mặt, hai tổ chức này hỗ trợ pháp lý cho các cộng đồng H’Mông và người Thượng (Montagnard) bị ảnh hưởng để tiếp cận các giới chức hữu trách. Mặt khác, hai tổ chức nói trên cũng chủ động tìm kiếm vận động các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các chính phủ phương Tây hỗ trợ vào cuộc.

Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều tổ chức, cơ quan ngoại giao tham gia vào tiến trình vận động này. Chính phủ Hoa Kỳ mà cụ thể là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có kế hoach theo dõi sát tiến trình này. Nhân viên sứ quán của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đưa vấn đề này vào kế hoạch làm việc nhiều năm của mình.

Alliance Defending Freedom international (ADF), một tổ chức bảo vệ nhân quyền của các luật sư Kitô giáo toàn cầu đã chính thức tham gia hỗ trợ pháp lý và quốc tế vận cho nhóm người bị đàn áp tôn giáo này.

Tháng 2 năm nay, tổ chức Jubilee Campaign đã phối hợp cùng BPSOS viết một báo cáo khuyến nghị gửi tới kỳ họp lần thứ 40 Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc dự kiến diễn ra tại Geneva. Báo cáo chung của Jubilee Campaign và BPSOS: http://dvov.org/wp-content/uploads/2019/09/3734_A_HRC_40_NGO_Sub_En_VietNamupdated.pdf

Ngày 13 tháng 3, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, đã phát biểu tại phiên họp của Hội đồng nhân quyền LHQ: http://webtv.un.org/search/id-sr-on-minority-issues-33rd-meeting-40th-regular-session-human-rights-council/6013495991001/?term=2019-03-13&sort=date&page=3&fbclid=IwAR2bqUQqDwC5dDJ1Bja-hARV1wfkx1fH7VvxDpZ99IspiSvDeYa1dHED0pQ#player [phút thứ 01:45:18]

Và tháng 8 vừa qua, tổ chức này lại lần nữa cùng với BPSOS nộp bản báo cáo cho kỳ họp lần thứ 42 của Hội đồng nhân quyền LHQ: http://dvov.org/wp-content/uploads/2019/09/OHCHR_Item3_ID_SR_on_RightsofIndigenous_Jubilee_Campaign.pdf

Trong bản báo cáo khuyến nghị lần này Jubilee Campaign nhắc lại các yêu cầu cụ thể sau đây:

1. Ngưng việc trục xuất cộng đồng người Montagnard và H’mông ra khỏi mảnh đất tổ tiên của họ;

2. Cấp giấy khai sinh cho tất cả trẻ em mang tên của cha lẫn mẹ, và tạo điều kiện cho đứa trẻ được giáo dục, và hưởng tất cả các chương trình phúc lợi xã hội;

3. Cấp giấy chứng minh nhân dân cho cá nhân và sổ hộ khẩu cho tất cả các gia đình hiện đang không có những giấy tờ này;

4. Cấp giấy chứng nhận kết hôn;

5. Xóa bỏ mọi rào cản – dù liên quan đến ngôn ngữ, tài chính hay phương tiện – tiếp cận và áp dụng các văn bản pháp lý khác để đảm bảo và chứng minh cam kết của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử có hệ thống của người H’mông và các dân tộc bản địa khác ở Việt Nam;

6. Đảm bảo rằng chính quyền địa phương và tỉnh chấm dứt chính sách ép buộc các tín đồ người H’mông và người Thượng phải từ bỏ đức tin của họ, và không được từ chối cấp chứng minh thư và sổ đăng ký hộ khẩu gia đình như là biện pháp trừng phạt chống lại những người bảo vệ đức tin của họ;

7. Trao quyền tự do cho người H’mông và các dân tộc thiểu số bản địa khác để thực hành đức tin của họ một cách tự do theo: Điều 18 của Tuyên ngôn Nhân quyền và cho phép họ phát triển và thực hành các phong tục của họ, bao gồm các nghi thức chôn cất, theo Điều 12 (1) của Tuyên ngôn quốc tế về Công ước người bản địa và sắc tộc;

Cùng đó, tổ chức ADF International đã cùng phối hợp với BPSOS để phát biểu về đề tài này ngay tại buổi họp của Hội đồng nhân quyền LHQ vào cuối tháng này. Một tài liệu chi tiết hơn cũng được soạn thảo bởi 2 tổ chức này để lưu hành đến các tổ chức nhân quyền quốc tế: http://dvov.org/wp-content/uploads/2019/09/ADF-International-Memo-on-Stateless-Christians-in-Vietnam-UN-Recommendations.pdf

Và trước đó, cuối năm ngoái, tổ chức Institute on Statelessness and Inclusion và mạng lưới Statelessness Network Asia Pacific đã cùng với BPSOS nộp bản báo cáo về tình trạng người H’Mông và người Thượng “vô tổ quốc” cho cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát dành cho Việt Nam. Báo cáo chung cho UPR: http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/07/ISI-UPR-Submission-Viet-Nam-For-Website.pdf

Có thể thấy, tuy còn nhiều khó khăn trên con đường tìm công lý cho mình, nhưng giờ đây những người H’Mông, người Thượng không còn cô đơn và yếu thế nữa. Vấn đề của họ không còn nằm trong bí mật bưng bít của một quốc gia có nền chính trị độc đoán nữa mà nó đã trở thành vấn đề lương tri của loài người trên toàn cầu.

Mời mọi người tìm hiểu thêm về hai tổ chức nhân quyền mà chúng tôi vừa đề cập qua trang website của họ:

https://adfinternational.org/
http://jubileecampaign.org/

Viết một bình luận