Các biện pháp chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế 22 tháng 8

  • Cơ hội thu hút sự quan tâm của quốc tế đến thực trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam

Mạch Sống, ngày 17 tháng 8, 2019

http://machsongmedia.com

Hưởng ứng lời kêu gọi của LHQ, nhiều trăm địa điểm ở khắp Việt Nam sẽ có sinh hoạt tưởng niệm trong Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm Nạn Nhân Bị Bạo Hành Vì Tôn Giáo Hay Niềm Tin vào tuần tới.

Ngày 28 tháng 5 vừa qua, Đại Hội Đồng LHQ đã thông qua Nghị Quyết A/Res/73/296 ấn định ngày 22 tháng 8 mỗi năm là ngày toàn thế giới tưởng niệm những người đã bị bạo hành vì lý do tôn giáo hay niềm tin. Trên nguyên tắc, các quốc gia thành viên của LHQ, trong đó có Việt Nam, đều phải khuyến khích và hỗ trợ người dân tổ chức hoặc tham gia ngày tưởng niệm này.

Tuy nhiên, để phòng hờ bất trắc, từ hơn 3 tháng qua BPSOS đã triển khai phương án nhằm giảm thiểu rủi ro cho các cộng đồng ở Việt Nam khi tham gia sự kiện quốc tế này. Dưới đây là các biện pháp đã triển khai.

Vận động quốc tế theo dõi và sẵn sàng can thiệp

Chúng tôi lập danh sách các địa điểm sẽ tổ chức sinh hoạt tưởng niệm để thông báo đến các toà đại sứ Phương Tây ở Việt Nam, đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và đến các cơ quan hữu trách của LHQ để họ theo dõi. Nếu muốn được liệt kê trong danh sách này, các cộng đồng hoặc cơ sở tôn giáo có thể ghi danh tại đây: https://forms.gle/y4LeWAgtHsciku4z5. Chúng tôi cũng sẽ đăng tải danh sách này, ngoại trừ các nơi muốn ẩn danh, tại trang mạng: https://www.vncrp.org/ngay-tuong-niem-22-8; cách này sẽ tiện cho các tổ chức nhân quyền quốc tế theo dõi.

Và biết đâu, có những giới chức quốc tế, nếu tiện, sẽ ghé đến một số địa điểm để góp lời cầu nguyện.

Sẵn sàng báo cáo vi phạm

Chúng tôi đã sắp xếp nhân sự để báo cáo mọi hành vi cản trở hoặc đàn áp nếu xảy ra. Các hành vi này có thể đến từ chính quyền hay từ các tác nhân ngoài chính phủ, như các thành phần xã hội đen, các hội cờ đỏ, các công an giả dạng côn đồ… Trong thời gian 5 năm qua, khoảng 1000 người thuộc các tôn giáo và sắc dân khác nhau đã qua các khoá huấn luyện của BPSOS về viết báo cáo vi phạm. Đây là lúc đội ngũ này có thể phát huy tác dụng.

Trong trường hợp khẩn cấp mà không tiếp cận được người giúp viết báo cáo, nạn nhân có thể sử dụng đơn báo cáo đã được đơn giản hoá: http://dvov.org/bao-cao-vi-pham-ngay-22-thang-8/ và gửi về địa chỉ email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Chúng tôi sẽ phân bổ người hoàn tất bản báo cáo vi phạm và chuyển đến các cơ quan quốc tế hữu trách.

Truyền thông tối đa

Chúng tôi khuyến khích những nơi tổ chức sinh hoạt tưởng niệm hãy trực tiếp truyền thông qua phương tiện livestream và sắp xếp nhân sự để chụp hình và thu video. Như vậy, nếu xảy ra sự cản trở hay đàn áp thì đã sẵn chứng cứ. Đội ngũ vài chục thiện nguyện viên của BPSOS ở ngoài Việt Nam sẽ liên tục theo dõi các mạng xã hội trong ngày 22 tháng 8.

Sau ngày 22 tháng 8, chúng tôi sẽ cố gắng đúc kết các thông tin, hình ảnh và video thành bản báo cáo tổng hợp để chia sẻ với LHQ, các chính quyền dân chủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Bức tường tưởng niệm

Chúng tôi quan niệm rằng sinh hoạt tưởng niệm có giá trị nhắc nhở và tạo ý thức. Trong tinh thần đó chọn 1 ngày trong năm để tưởng niệm là cần thiết nhưng chưa đủ. Để tăng hiệu ứng nhắc nhở và tạo ý thức, chúng tôi đã thiết kế “bức tường tưởng niệm” tại: https://www.vncrp.org/ngay-tuong-niem-22-8. Bức tường này sẽ được cập nhật thường xuyên.

Quý đồng hương có thể dùng mẫu sau đây đề cử thêm nạn nhân: https://forms.gle/LWh8dnRLUxD3bLto8. Xin lưu ý chỉ đề cử những nạn nhân đã bị đánh đập, tra tấn hay giết chết vì lý do tôn giáo hay niềm tin.

Lời kêu gọi

Mục tiêu của chúng tôi cho ngày 22 tháng 8 năm nay là làm sao để quốc tế ghi nhận là người dân Việt Nam đi đầu trong việc hưởng ứng Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm Nạn Nhân Bị Bạo Hành Vì Tôn Giáo Hay Niềm Tin. Khi quốc tế ghi nhận thì họ cũng sẽ quan tâm hơn và sẵn sàng hơn để yểm trợ công cuộc tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo và để can thiệp cho những ai bị bách hại vì lý do tôn giáo ở Việt Nam.

Đến nay, các tín đồ Công Giáo và Cao Đài hưởng ứng mạnh mẽ nhất, kế đến là các cộng đồng người Hmong và người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành. Mong rằng trong những ngày tới các tôn giáo khác cũng sẽ hưởng ứng tương tự.

Viết một bình luận