Một hình ảnh đẹp: Tình liên đới giữa các tôn giáo và các sắc dân

• Tin mừng cho Cao Đài: Hãy gửi lời chúc mừng cho nhau

http://machsongmedia.com

Trong cuộc tổng vận động do BPSOS tổ chức năm nay ở thủ đô Hoa Kỳ, điểm nổi bật mà nhiều người chú ý là sự kiện 2 nạn nhân bị bách hại vì lý do tôn giáo ở Việt Nam được Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp kiến ngày 17 tháng 7. Nhưng đó lại không là điểm làm tôi hài lòng và thích thú nhất.

Với tôi, điều hài lòng và thích thú nhất là hình ảnh của đại diện cho 6 tôn giáo cùng khai mạc buổi họp khoáng đại ngày 11 tháng 7 tại hội trường của Quốc Hội Hoa Kỳ. Hình ảnh này đẹp và mang nhiều ý nghĩa.

Từ trên sân khấu nhìn xuống, tôi thấy các giới chức của Bộ Ngoại Giao, của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, của các tổ chức nhân quyền quốc tế và cử toạ người Việt đều đứng thẳng tắp và trang nghiêm. Tôi không đọc được ý tưởng của mỗi người nhưng tin rằng họ cảm nghiệm được tinh thần trăm con cùng mẹ cha giữa các tôn giáo và giữa các sắc dân Việt Nam đang diễn ra trước mắt họ.

Lễ cầu nguyện đa tôn giáo, đa sắc dân tại Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2019, ngày 11/07/2019, Quốc Hội Hoa Kỳ (ảnh BPSOS)

Và có thể, cũng như tôi, họ đã để ý thấy những cử chỉ rất nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn.

Vì là người đứng ở đầu cánh phải, LM Lê Quốc Thăng, Tổng Thư Ký Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, được ban tổ chức trao micro để mở đầu lễ cầu nguyện chung. LM Thăng với tay trao micro lại và mời Thượng Toạ Thích Vĩnh Phước, vị sư trú trì chùa Phước Bửu, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cử hành lễ cầu nguyện. Kế đến, LM Thăng lại mời Ông Đỗ Minh Đức, đại diện Cao Đài đến từ Houston, cầu nguyện theo nghi thức của tôn giáo Cao Đài. Rồi mới đến lượt LM Thăng tiếp lời cầu nguyện.

Sau đó là anh Y Phíc Hdok, một tín đồ Tin Lành người Tây Nguyên còn rất trẻ, đã cầu nguyện bằng tiếng Ê Đê. Tôi không hiểu ngôn ngữ Ê Đê nhưng hình dung được niềm hãnh diện của những người Ê Đê ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới khi xem đoạn video tường thuật. Lời cầu nguyện trong ngôn ngữ của chính họ đã vang lên nơi hội trường của Quốc Hội Hoa Kỳ. Chả bù ở trong nước Việt Nam, nhiều khi họ phải cầu nguyện lén, làm lễ chui.

Kế đến là Mục Sư Tin Lành người Hmong Vàng Chí Mình. Cũng thế, MS Mình cầu nguyện bằng tiếng Hmong, không phải chỉ cho khoảng trên 200 con người đang đứng trang nghiêm trong hội trường mà còn cho tất cả những người Hmong ở Việt Nam và khắp thế giới.

Cuối cùng là anh Nguyễn Hữu Tài, em trai của tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Hữu Tấn, người đã bị cắt cổ chết trong đồn công an. Anh Tài chấm dứt buổi lễ cầu nguyện chung kéo dài 10 phút.

Mười phút ngắn ngủi ấy đã thể hiện hình ảnh thật tuyệt vời về tình liên đới giữa các tôn giáo và các sắc dân của người Việt chúng ta, cả trong lẫn ngoài Việt Nam, cho các bạn bè quốc tế. Không hiểu có phải vì vậy mà những ngày sau đó, nhiều tổ chức đã hẹn gặp BPSOS để tìm hiểu thêm về tình trạng của các tôn giáo bị bách hại ở Việt Nam. Và có cả những tổ chức ở các nước khác đã đến nhờ chúng tôi hỗ trợ và tư vấn.