Phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: Tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn tăm tối

  • Đóng  góp đáng kể của chính các nạn nhân và các cộng đồng tôn giáo

Mạch Sống, ngày 24 tháng 6, 2019

http://machsongmedia.com

Ngày 21 tháng 6, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu, theo đòi hỏi của Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế được Quốc Hội thông qua năm 1998. Trong phần về Việt Nam, bản phúc trình nhận định rằng các hình thức sách nhiễu và đàn áp tôn giáo vẫn tiếp diễn trong năm 2018. Bản phúc trình liệt kê một số trường hợp tiêu biểu và phân tích những bất cập trong Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo hiệu lực đầu năm 2018.

“Các trọng điểm mà chúng tôi nêu lên trong năm 2018 đều được phản ánh trong bản phúc trình,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định.

Các tác nhân ngoài chính phủ

Một trong những trọng điểm này là việc chính quyền ngày càng sử dụng các tác nhân ngoài chính phủ để đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập với chính quyền, theo kế “ném đá giấu tay”. Bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao ghi nhận 2 trường hợp mà BPSOS đã nêu lên trong thời gian qua.

Phái đoàn Cao Đài từ trong và ngoài nước tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin – Đông Nam Á, Bangkok, Thái Lan, ngày 18/08/2018 (ảnh BPSOS)

Thứ nhất là chi phái Cao Đài do Đảng Cộng Sản Việt Nam dựng lên năm 1997 đã xâm phạm đến quyền tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung của các tín đồ Cao Đài nguyên thuỷ. Theo bản phúc trình:

“Có nhiều báo cáo về việc các tín đồ Cao Đài được đăng ký [với chính quyền] cản trở các tín đồ Cao Đài không được công nhận trong việc thực thi một số nghi lễ tôn giáo. Tín đồ Cao Đài có đăng ký ngăn cản gia đình của tín đồ Cao Đài không được công nhận Lê Văn Nhã trong việc chôn ông ấy tại nghĩa trang Thái Bình Cực Lạc ngày 7 tháng 1, theo một bản báo cáo của tôn giáo Cao Đài không được công nhận. Các tín đồ Cao Đài không đăng ký cũng tố cáo các tín đồ Cao Đài được đăng ký đã đập phá mồ mả của các tín đồ Cao Đài không đăng ký trong nghĩa trang Cực Lac Thái Bình. Nhóm này cũng báo cáo là trong tháng 1 các tín đồ Cao Đài có đăng ký đã ngăn cản một tín đồ Cao Đài không đăng ký để không thể cử hành lễ cúng cửu cho chồng mình trừ khi bà ấy đồng ý mời một chức sắc của nhóm có đăng ký tại Ninh Phước, Xả Ninh Thanh, Thị Xã Tây Ninh, Tỉnh Tây Ninh.”

Trường hợp thứ hai là các hội cờ đỏ đã được các chính quyền địa phương và tỉnh dùng để trấn áp các giáo xứ Công giáo lên tiếng phản đối về chính sách đền bù không thoả đáng cho các thiệt hại do nhà máy Gang Thép Formosa gây ra trong vụ nhiễm độc môi sinh năm 2016. Theo bản phúc trình, mặc dù các hội cờ đỏ đã lặn đi vào khoảng tháng 3 năm 2018, ngay trước đó mạng xã hội vẫn còn báo cáo một số thành viên Hội Cờ Đỏ ở Xã Diễn Đoài, Huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An đã hăm doạ và hành hung các phụ huynh Công Giáo khi họ phản đối việc nhà trường bắt học sinh đóng thêm học phí.

Chính sách ép bỏ đạo đối với các tín đồ Tin Lành Hmong và Tây Nguyên

Như một trọng điểm thứ hai, bản phúc trình nêu tình trạng sách nhiễu đối với các tín đồ Tin Lành người Hmong ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Để minh hoạ, bản phúc trình nói đến 700 người Hmong theo đạo Tin Lành ở bản Đoàn Kết, Xã Đắk Ngô, Huyện Tuy Đức, Tỉnh Đắk Nông đã không được cấp hộ khẩu từ nhiều năm nay, làm cho họ phải sống bên lề xã hội và con cái không được học hành. Ông Cháng A Dơ, thành viên của Bản Đoàn Kết, đã bị sách nhiễu và hăm doạ sau khi trở về từ Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á tổ chức ở Bangkok, Thái Lan hồi tháng 8 năm 2018; nơi đây ông Dơ đã lên tiếng để quốc tế thấu hiểu tình trạng của các người Hmong bị đối xử như “vô quốc gia” chỉ vì họ không chịu bỏ đạo theo lệnh của chính quyền. Hội nghị này là sự kiện hàng năm do BPSOS đồng tổ chức từ năm 2015 đến nay.