Hiểu thế nào về chính sách nhân quyền của Hoa Kỳ dưới Hành Pháp Trump?

  • Các việc cần làm trong 18 tháng tới

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 22 tháng 6, 2019

http://machsongmedia.com

Mỗi đời Hành Pháp và mỗi khoá Quốc Hội của Hoa Kỳ lại có những ưu tiên khác nhau về chính sách đối ngoại, trong đó có chính sách về nhân quyền. Những ưu tiên này một phần không nhỏ là do ảnh hưởng của các khối cử tri đã ủng hộ cho các ứng cử viên đắc cử vào Toà Bạch Ốc hoặc Quốc Hội. Chúng ta phải biết và hiểu ưu tiên về nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở từng thời kỳ thì mới nhận ra được các cơ hội để xúc tác cho sự thay đổi cho Việt Nam.

Ưu tiên về nhân quyền của Hành Pháp Trump

Có những người mang định kiến là Tổng Thống Trump không quan tâm đến nhân quyền, cho nên chẳng có gì để trông chờ nơi chính sách của Hoa Kỳ về nhân quyền trong 4 năm nhiệm kỳ của ông ấy. Đó là cách nhìn đơn giản hoá đến mức thô thiển. Trong một thể chế dân chủ như Hoa Kỳ, chính sách quốc gia về đối ngoại không chỉ do Tổng Thống quyết định mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Ở Hoa Kỳ, các yếu tố chi phối chủ yếu gồm có: khối cử tri hậu thuẫn, thành phần nội các, và các vị dân cử cùng đảng trong Quốc Hội. Các yếu tố này đã đẩy tự do tôn giáo thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách về nhân quyền của Hành Pháp Trump.

Khối cử tri hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho ứng cử viên Donald Trump là các cộng đồng Thiên Chúa Giáo, trong đó có những nhóm quan tâm đến quyền tự do tôn giáo trên thế giới. Từ năm 2010 một số các nhóm này bắt đầu tập hợp lại để cùng nhiều tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ và quốc tế vận động đưa tự do tôn giáo vào chính sách quốc gia về đối ngoại. Sau nhiều năm hoạt động, tập hợp này đã phát triển đủ để ảnh hưởng và đóng góp với chính phủ Hoa Kỳ để thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Hành Pháp Trump ngay từ đầu đã hợp tác chặt chẽ với mạng lưới các tổ chức này, được mệnh danh Bàn Tròn Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.

Thành phần nội các của Hành Pháp Trump có những người thực sự quan tâm đến tự do tôn giáo, mà tiêu biểu nhất là Phó Tổng Thống Mike Pence, Ngoại Trưởng Mike Pompeo và Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Sam Brownback. Cả 3 nhân vật này trước đây đều là hạ nghị sĩ hoặc thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Khi còn ở Quốc Hội, họ thuộc khối dân cử đặc biệt quan tâm đến tự do tôn giáo — đặc biệt, Đại Sứ Brownback là đồng tác giả của Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế được quốc hội thông qua năm 1998. Cả 3 giới chức cao cấp này đã góp phần nâng tự do tôn giáo lên hàng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hành Pháp Trump.

Giới chức đại diện các chính quyền tham gia Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng Phát Huy Tự Do Tôn Giáo (ảnh BNG/HK)

Qua các cựu đồng nghiệp này, nhóm dân biểu và thượng nghị sĩ quan tâm đến tự do tôn giáo quốc tế như Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey), TNS James Lankford (Cộng Hoà, Oklahoma), TNS Bill Cassidy (Cộng Hoà, Louisiana), TNS Marco Burio (Cộng Hoà, Florida)… đã góp phần đáng kể trong việc hình thành chính sách đối ngoại của Hành Pháp Trump về mặt nhân quyền. Đổi lại, chính các vị dân biểu và thượng nghị sĩ này đã dùng thẩm quyền lập pháp để đề ra các đạo luật yểm trợ cho chính sách đối ngoại với trọng tâm phát huy tự do tôn giáo trên toàn thế giới.

Bước đột phá trong chính sách tự do tôn giáo

Hành Pháp Trump có một kế hoạch lớn nhằm dấy lên phong trào toàn thế giới bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo. Trong 18 tháng qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã bỏ nhiều công sức và đầu tư nhiều tài nguyên cho 4 nỗ lực song hành.

(1)    Vận động các chính quyền “đồng minh” chung sức với Hoa Kỳ

Năm 1998, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế để nâng tự do tôn giáo thành một ưu tiên trong chính sách quốc gia về đối ngoại. Trong 20 năm sau đó, Hoa Kỳ đơn thương độc mã trên thế giới trong cuộc chiến bảo vệ tự do tôn giáo và do đó hiệu quả không cao. Sáng kiến của Hành Pháp Trump là vận động, thúc đẩy và thuyết phục các chính quyền khác nhập cuộc.

Để đạt mục tiêu này, tháng 7 năm 2018, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tổ chức Hội Nghị Cấp Bộ Trường Phát Huy Tự Do Tôn Giáo. Trên 80 chính quyền gửi giới chức cấp bộ trưởng, thứ trưởng hoặc vụ trưởng tham gia. Nhiều quốc gia cam kết sát cánh với Hoa Kỳ để phát huy tự do tôn giáo toàn cầu. Một số chính quyền thành lập chức vụ đại sứ đặc trách tự do tôn giáo, tương đương với chức vụ của Đại Sứ Lưu Động Brownback. Một số chính quyền cũng đã chủ động tổ chức hội nghị cấp vùng về tự do tôn giáo. Các chính quyền đàn áp tôn giáo như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên… không được mời.

Hội nghị cấp bộ trưởng lần 2 sẽ được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ triệu tập ngày 16-18 tháng 7 tới đây. Đến nay đã có trên 90 quốc gia đáp lời mời của Hoa Kỳ. Qua hội nghị này và hội nghị năm 2020, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cố gắng củng cố liên minh của các quốc gia đồng quan tâm đến tự do tôn giáo để tiếp tục sự nghiệp phát huy tự do tôn giáo dù dưới bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ nào trong tương lai.

(2)    Hợp tác chặt chẽ với xã hội dân sự

Bộ Ngoại Giao của Hành Pháp Trump xem xã hội dân sự là yếu tố quan trọng hơn cả để bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo và đã hợp tác chặt chẽ chưa từng thấy với các mạng lưới XHDS đấu tranh cho tự do tôn giáo.  Trong các chuyến công du, Đại Sứ Lưu Động Brownback đều dành thời gian để gặp gỡ các tổ chức XHDS tại địa phương. Toà đại sứ Hoa Kỳ ở các quốc gia đều được chỉ thị phải đặt trọng tâm vào tự do tôn giáo, phải huấn luyện toàn bộ nhân viên về chính sách của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo, và phải hợp tác chặt chẽ với các tổ chức XHDS ở từng quốc gia.

Mô hình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là khuyến khích sự hình thành các “bàn tròn đa tôn giáo” ở cấp quốc gia và cấp vùng trên toàn thế giới. Các “bàn tròn đa tôn giáo” này quy tụ những nhân tố quan tâm đến tự do tôn giáo trong toàn xã hội để hợp tác trong các đề án chung, để hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau, cũng như để tiện đối tác hoặc hợp tác với các chính quyền và với LHQ. Với sự khuyến khích của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong hơn một năm qua khoảng 20 bàn tròn đa tôn giáo mới đã được hình thành ở nhiều quốc gia và khu vực. So với trước đó, từ năm 2010 đến 2017 chỉ có 3 bàn tròn đa tôn giáo hoạt động.

Sự quan tâm đến XHDS như một đối tác quan trọng được biểu hiện rõ ràng nhất tại Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng Phát Huy Tự Do Tôn Giáo năm 2018. Chương trình của hội nghị đã dành 2 ngày cho các giới chức cao cấp thuộc Hành Pháp tiếp xúc với 500 đại diện của các tổ chức quần chúng, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức nhân quyền đến từ hàng trăm quốc gia trên thế giới. Tại hội nghị năm nay, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ con số được mời sẽ tăng gần gấp đôi.

Mục tiêu chiến lược của Hành Pháp Trump là hình thành mạng lưới toàn cầu những tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức nhân quyền để phối hợp các nỗ lực chung ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu để phát huy tự do tôn giáo.