Chương trình người Mỹ gốc Việt đòi tài sản: thông tin cập nhật và các bước kế tiếp

  • Liên quan thế nào với vụ kiện của người Mỹ gốc Cuba theo Luật Helms-Burton?

Dạo gần đây, tin tức trên truyền thông Mỹ về Luật Helms – Burton đã tạo sự chú ý trong cộng đồng người Việt đến một chương trình mà BPSOS đã phát động từ tháng 8 năm 2012: Chương Trình Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản (Vietnam Property Restitution Project, VPRP). Có thể do sự kiện này mà số người liên lạc với BPSOS để nộp hồ sơ đòi tài sản đã tăng đáng kể trong 2 tháng qua. Ở đây, chúng tôi sẽ giải thích về căn cứ pháp lý và kế hoạch của chúng tôi để đòi chế độ ở Việt Nam phải bồi thường tài sản mà họ đã tịch thu của hàng chục nghìn trường hợp người Mỹ gốc Việt, với số tiền thiệt hại có thể lên đến nhiều chục tỉ Mỹ kim.

Căn cứ pháp lý

Khi đề ra chương trình đòi tài sản VPRP, chúng tôi dựa vào luật International Claims Settlement Act (ICSA) được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua năm 1949. Theo đó mọi công dân Hoa Kỳ đều có quyền yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ đại diện cho mình để đòi bồi thường tài sản đối với quốc gia đã tịch thu tài sản. Năm 1954, Hành Pháp Hoa Kỳ thành lập Foreign Claims Settlement Commission (FCSC), cơ quan đặt dưới Bộ Tư Pháp chuyên giải quyết các đòi hỏi bồi thường của công dân Hoa Kỳ, gọi tắt là Uỷ Hội FCSC. Đến nay Uỷ Hội FCSC đã giải quyết trên 660,000 hồ sơ đòi bồi thường của công dân Hoa Kỳ, và quyết định là 43 quốc gia phải trả tiền bồi thường lên đến nhiều chục tỉ Mỹ kim. Nhiều quốc gia tiếp tục bị Hoa Kỳ “đòi nợ” vì không chịu trả nợ hay chưa trả hết nợ.

Luật Helms – Burton

Luật Helms – Burton được ban hành năm 1996 với mục đích trừng trị chế độ cộng sản ở Cuba. Chương 3 của luật này cho phép các nạn nhân, bao gồm công dân và công ty Hoa Kỳ, bị tịch thu tài sản bởi chính quyền Cuba kiện đòi bồi thường đối với bất kỳ công ty ngoại quốc nào trục lợi trên tài sản ấy. Luật này áp dụng cho cả những người Cuba chưa là công dân Hoa Kỳ vào thời điểm tài sản bị tịch thu. Tuy nhiên, ngay từ lúc luật được ban hành thì Tổng Thống Clinton đã dùng quyền Hành Pháp để miễn áp dụng điều luật này. Các đời tổng thống sau cũng làm theo cho đến khi Tổng Thống Trump phá lệ.

Ngày 17 tháng 4, 2019, Hành Pháp Trump tuyên bố không miễn thực thi Chương 3 của Luật Helms – Burton. Gần như ngay lập tức một số công dân Hoa Kỳ gốc Cuba nộp đơn kiện một số công ty ngoại quốc đã kinh doanh trên tài sản bị tịch thu của họ.

Mặc dù Luật Helms – Burton chỉ áp dụng đối với Cuba, diễn tiến này thay đổi cách nhìn của khá đông người Việt: Hoá ra công dân Hoa Kỳ được luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ tài sản. Trước đây, phần lớn các nỗ lực đòi bồi thường của người Mỹ gốc Việt là về Việt Nam chạy chọt, xin xỏ nhà nước Việt Nam. Khi thất bại – và dĩ nhiên là thất bại – thì họ cho là hết cách.

Ứng dụng của Luật ICSA

Luật Helms – Burton chỉ áp dụng cho Cuba trong khi đó Luật ICSA áp dụng đồng đều cho mọi công dân Hoa Kỳ là nạn nhân bị tịch thu tài sản bởi bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Luật ICSA có những điều kiện của nó:

(1)    Chỉ áp dụng đối với những ai đã là công dân Hoa Kỳ vào thời điểm tài sản bị tịch thu;

(2)    Chỉ áp dụng đối với quốc gia nào nằm trong danh sách can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ.

Thoạt nghe, có vẻ người Mỹ gốc Việt khó đáp ứng điều kiện thứ nhất vì nhà đất và tài sản của họ đã bị “tịch thu” khi họ còn ở Việt Nam hoặc vừa rời khỏi VIệt Nam – lúc ấy họ đâu đã là công dân Hoa Kỳ. Thực ra vào thời điểm họ di cư từ Bắc vào Nam, rời khỏi Việt Nam hoặc bị đẩy đi kinh tế mới thì nhà, đất và tài sản của phần lớn những “khổ chủ” này chỉ bị quản lý chứ chưa bị tịch thu. Quản lý nghĩa là tạm thời giữ hộ; trên nguyên tắc chủ nhân có quyền đòi lại.

Mãi đến ngày 26 tháng 11 năm 2003 Quốc Hội Việt Nam mới ban hành Nghị Quyết 23/2003/QH11, tuyên bố sẽ không giải quyết trả lại nhà, đất mà nhà nước đang quản lý và sẽ quốc hữu hoá chúng.  Thời gian thực hiện thủ tục quốc hữu hoá kéo dài từ ngày 10 tháng 10 năm 2005 đến ngày 30 tháng 6 năm 2009. Lúc ấy hầu hết người Việt ở Hoa Kỳ đã trở thành công dân Mỹ. Nói cách khác, Nghị Quyết 23/2003/QH11 quốc hữu hoá hàng loạt tài sản của công dân Hoa Kỳ, hoàn toàn nằm trong phạm vi của Luật ICSA.

Điều kiện thứ 2 đòi hỏi đưa Việt Nam vào danh sách can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ. Có 2 cách:

(1)    Ngoại Trưởng Hoa Kỳ có quyền quyết định can thiệp cho một số hồ sơ liên quan đến một quốc gia nào đó, xem như mặc nhiên đưa một quốc gia ấy vào danh sách can thiệp. Văn Phòng của Tư Vấn Pháp Lý của Bộ Ngoại Giao chuyên trách việc can thiệp này. Con đường này tương đối đơn giản nhưng chỉ áp dụng khi có dăm ba hồ sơ vì nhân sự của văn phòng chuyên trách này rất hạn chế.

(2)    Với lượng hồ sơ lớn thì cần Quốc Hội biểu quyết đưa một quốc gia vào danh sách can thiệp. Khi biểu quyết thì Quốc Hội cũng phải cấp ngân sách để Hội Đồng FCSC thuê thêm nhân viên nhằm giải quyết lượng lớn hồ sơ.

Việt Nam đã trả tiền bồi thường tài sản lần thứ nhất

Dùng cả 2 con đường

Sau 5 năm tìm hiểu về Luật ICSA và luật Việt Nam, năm 2017 BPSOS bắt đầu thu thập hồ sơ của công dân Hoa Kỳ gốc Việt có tài sản bị chính quyền Việt Nam tịch thu. Chúng tôi thuê 2 hãng luật Hoa Kỳ có kinh nghiệm để rà soát và phân loại các hồ sơ. Từ số gần 700 hồ sơ đã nhận được, BPSOS lọc ra 12 hồ sơ với đầy đủ giấy tờ chứng minh và giới thiệu chủ nhân của các hồ sơ này làm việc trực tiếp với 2 hãng luật kể trên. Hai hãng luật này sẽ vận động Bộ Ngoại Giao can thiệp theo con đường thứ nhất.

Đối với số hồ sơ còn lại, chúng tôi vận động Quốc Hội biểu quyết đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia can thiệp. Chúng tôi dùng chữ “trở lại” vì năm 1980 Quốc Hội Hoa Kỳ đã từng đưa Việt Nam vào danh sách này. Kết quả là năm 1995, Việt Nam đã phải bồi thường 208 triệu Mỹ kim  cho 192 công dân Hoa Kỳ.

Với số gần 700 hồ sơ mà BPSOS đã nhận được, các “khổ chủ” có cơ hội hơn trước đây để thuyết phục Quốc Hội đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia can thiệp. Để biến cơ hội thành hiện thực, năm 2018 BPSOS hỗ trợ một số chủ hồ sơ vận động các dân biểu và thượng nghị sĩ của họ. Đến cuối năm 2018, chúng tôi đã tiếp xúc được khoảng 70 vị dân cử Liên Bang. Và quan trọng không kém, DB Christopher Smith (Đảng Cộng Hoà, New Jersey) đã đưa vào Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam điều khoản kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ can thiệp cho các công dân Mỹ gốc Việt bị tịch thu tài sản ở Việt Nam.

Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11 nă 2018, khoảng 20 vị dân cử trong số 70 vị mà chúng tôi vận động đã không trở lại Quốc Hội. Trong “Ngày Vận Động Cho Việt Nam“ sắp đến, mục tiêu của chúng tôi là vận động thêm 50 vị dân cử ủng hộ. Đồng thời, chúng tôi sẽ vận động để Hạ Viện thông qua Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam mà DB Smith đã đưa vào lại Hạ Viện đầu năm nay. Nếu đạt cả 2 mục tiêu này, triển vọng Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia can thiệp sẽ tăng hẳn lên.

Điều khoản 9 của Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam

Lời kêu gọi

Chúng tôi kêu gọi quý vị người Mỹ gốc Việt có tài sản bị tịch thu ở Việt Nam mà đã nộp hồ sơ với chúng tôi hãy ghi danh tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam, sẽ diễn ra tại Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 10 và 11 tháng 7 tới đây. Xin ghi danh tại http://cfdvn.org/.

Chúng tôi kêu gọi những ai ở trong hoàn cảnh bị chính quyền Việt Nam chiếm đoạt tài sản sau năm 1954 ở ngoài Bắc hoặc sau năm 1975 ở trong Nam hãy liên lạc để cung cấp thông tin cho chúng tôi tại: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

Tuy Luật Helms – Burton không áp dụng cho những công dân Hoa Kỳ gốc Việt, chúng tôi hy vọng rằng tin tức về luật này trong thời gian gần đây giúp cho nhiều người Việt ý thức rằng Hoa Kỳ có luật rất mạnh mẽ để bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ trước sự chiếm đoạt bởi các chính quyền ngoại quốc.

Bài liên quan:

Trang mạng dành riêng cho Chương Trình Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản: http://doitaisan.org/

Tài liệu “Hỏi & Đáp” về Chương Trình Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản:
http://doitaisan.org/giai-dap-thac-mac-faq/2017/12/15/chuong-trinh-doi-tai-san-hoi-dap/

 

Viết một bình luận