Ngày 22 tháng 8: Tập hợp toàn dân trong phong trào toàn thế giới vì tự do tôn giáo

  • Ngày quốc tế tưởng niệm nạn nhân bị đàn áp vì lý do tôn giáo

Ts. Nguyễn Đình Thắng

http://machsongmedia.com

Ngày 28 tháng 5 vừa qua Đại Hội Đồng LHQ công bố quyết định chọn ngày 22 tháng 8 hàng năm làm Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm các Nạn Nhân của Bạo Lực vì Lý Do Tôn Giáo hay Niềm Tin. Chúng tôi gọi tắt là Ngày Quốc Tế Nạn Nhân của Sự Đàn Áp Tôn Giáo.

Đại Hội Đồng LHQ kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự và các cộng đồng tôn giáo đồng loạt tổ chức các sinh hoạt tưởng niệm trên khắp thế giới. Chúng tôi kêu gọi sự hưởng ứng của người Việt ở trong và ngoài Việt Nam.

Nếu cả nghìn cộng đồng và tổ chức tôn giáo ở khắp Việt Nam cử hành tại chỗ lễ tưởng niệm này thì có thể huy động được cả triệu người tham gia một phong trào toàn thế giới được khởi xướng bởi LHQ nhằm phát huy tự do tôn giáo.

Đồng thời, nếu các tổ chức tôn giáo, các tổ chức cộng đồng của người Việt ở hải ngoại phụ hoạ theo thì sẽ tạo nên sự phối hợp trong-ngoài ngày càng lan toả.

Chính quyền Hoa Kỳ, một trong 7 quốc gia khởi xướng bản nghị quyết, hoàn toàn yểm trợ việc thực thi quyết định này của LHQ.

Để khuyến khích sự phối hợp toàn quốc ở Việt Nam và trong cộng đồng người Việt hải ngoại, BPSOS kêu gọi những tổ chức, nhóm và cộng đồng dự tính tổ chức các sinh hoạt đa dạng để tưởng niệm ngày 22 tháng 8 hãy cho chúng tôi biết. Chúng tôi sẽ phổ biến danh sách cập nhật cho mọi người cùng theo dõi và dễ phối hợp. Xin liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

Việt Nam vừa được bầu làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ. Trong cương vị ấy chính quyền Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng và hưởng ứng quyết định kể trên của Đại Hội Đồng LHQ, hoặc ít ra không được ngăn cản hoặc trừng phạt những ai hưởng ứng. Tuy nhiên, để đề phòng rủi ro là chính quyền Việt Nam làm bừa, Ban Viết Báo Cáo của BPSOS đã sẵn sàng nhân sự để báo cáo mọi vi phạm với LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và các chính quyền dân chủ.

Văn bản nghị quyết của LHQ (tiếng Anh):  https://undocs.org/en/A/73/L.85

Xem bản dịch tiếng Việt ở cuối bài.

Bài liên quan:

22 tháng 8: Ngày cho các nạn nhân của bạo lực vì lý do tôn giáo hay niềm tin
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1457-2019-05-31-08-07-24

 

Toàn văn nghị quyết của LHQ

A/73/L.85

Phiên họp thứ 73

Biên bản 74

Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền

 Brazil, Ai Cập, Jordan, Nigeria, Pakistan, Phần Lan, Hoa Kỳ: Nghị nguyết dự thảo*

 Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm các Nạn Nhân của các Hành Vi Bạo Lực vì Lý Do Tôn Giáo hay Niềm Tin

 

Thưa Đại Hội Đồng,

Tái khẳng định các mục đích và nguyên tắc được ghi khắc trong Hiến Chương Liên Hợp Quốc và Tuyên Ngôn Quốc Tế về Quyền Con Người, cụ thể là quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo,

Quan tâm sâu sắc đến các hành động thiếu khoan dung và bạo lực vì lý do tôn giáo hay niềm tin đang tiếp diễn đối với các cá nhân, bao gồm những người thuộc các cộng đồng tôn giáo, các nhóm tôn giáo thiểu số trên toàn thế giới, và đến số lượng và cường độ gia tăng của các vụ việc mà thường mang bản chất tội phạm và có thể mang các đặc tính quốc tế,

Nhắc lại rằng các Nhà Nước có trách nhiệm chủ yếu là phát huy và bảo vệ các nhân quyền, bao gồm nhân quyền của những người thuộc về các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm quyền tự do thực hành tôn giáo hay niềm tin của họ,

Thừa nhận rằng các cuộc tranh luận cởi mở, xây dựng và tương kính về tư tưởng, cũng như cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, các niềm tin và các văn hóa ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế, có thể đóng một vai trò tích cực trong việc chống lại sự hận thù, kích động và bạo lực mang tính cách tôn giáo,

Tái khẳng định vai trò tích cực mà quyền thực hành tự do ý kiến và biểu đạt và sự tôn trọng đầy đủ đối với tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin có thể đóng góp cho sự củng cố dân chủ và chống lại sự bất khoan dung tôn giáo, và tái khẳng định thêm rằng việc thực hành quyền tự do biểu đạt mang theo với nó các bổn phận và trách nhiệm đặc biệt, phù hợp với Điều 19 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị,

Nhấn mạnh rằng quyền tự do tôn giáo hay niềm tin, tự do ý kiến và biểu đạt, quyền tự do tập hợp ôn hòa và quyền tự do lập hội có mối quan hệ liên lập, tương quan và củng cố cho nhau, và nhấn mạnh rằng vai trò mà các quyền này đóng góp cho việc đấu tranh chống lại mọi hình thức bất khoan dung và phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hay niềm tin,

Cũng nhấn mạnh rằng các Nhà Nước, các tổ chức khu vực, các cơ chế nhân quyền quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan tôn giáo, giới truyền thông và xã hội dân sự trong tổng thể có một vai trò quan trọng trong việc phát huy sự khoan dung và tôn trọng sự đa dạng tôn giáo và văn hóa và trong việc phát huy và bảo vệ nhân quyền phổ quát, bao gồm tự do tôn giáo hay niềm tin,

Thừa nhận sự đóng góp tích cực của các cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự có liên quan trong việc thúc đẩy sự đối thoại, sự thấu hiểu và nền văn hoá hoà bình giữa các tôn giáo và các văn hoá,

Ghi nhận sự hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực cũng như các tổ chức khác trong việc thúc đẩy sự đối thoại giữa các tôn giáo và các văn hóa, và cũng ghi nhận công tác của Liên Minh LHQ của các Nền Văn Hoá (United Nations Alliance of Civilizations) trong việc thúc đẩy sự đối thoại giữa các văn hóa trong lĩnh vực này,

Lên án mạnh mẽ bạo lực và các hành động khủng bố tiếp diễn nhắm vào các cá nhân, bao gồm những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, trên cơ sở hoặc dưới danh nghĩa tôn giáo hay niềm tin, và nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp ngăn ngừa ở cấp cộng đồng một cách toàn diện và bao quát, có sự tham gia rộng rãi của nhiều tác nhân, bao gồm xã hội dân sự và các cộng đồng tôn giáo,

Tái khẳng định sự lên án dứt khoát đối với tất cả các hành động, các phương thức và các thực hành sự khủng bố và sự cực đoan mang tính bạo lực dễ dẫn đến khủng bố, trong tất cả các hình thức và sự biểu hiện của nó, tại bất cứ nơi đâu và bởi bất kỳ ai, do bất kể động cơ nào,

Nhắc lại rằng sự khủng bố và sự cực đoan bạo lực vốn dĩ và khi mà dẫn đến khủng bố, trong mọi hình thức và sự biểu hiện của nó, không thể và không nên liên hệ đến bất kỳ tôn giáo, quốc tịch, văn hóa hay nhóm sắc tộc nào,

Phản đối mạnh mẽ mọi hành vi bạo lực nhắm vào các cá nhân trên cơ sở tôn giáo hay niềm tin của họ cũng như bất cứ hành động nào như thế mà nhắm vào nhà ở, doanh nghiệp, tài sản, các trường học, các trung tâm văn hóa hay các nơi thờ phượng, cũng như mọi hành động tấn công nhắm vào hoặc ở trong các địa điểm tôn giáo và đền thờ trong sự vi phạm luật quốc tế,

Ghi nhận rằng chung sức củng cố việc thực thi các chế độ pháp lý bảo vệ các cá nhân khỏi sự phân biệt đối xử và các tội gây hận thù, tăng cường các nỗ lực giữa các tôn giáo, các niềm tin và các văn hóa và mở rộng giáo dục nhân quyền là những bước khởi đầu quan trọng nhất để chống lại các vụ việc bất khoan dung, phân biệt đối xử và bạo lực đối với các cá nhân trên cơ sở tôn giáo hay niềm tin,

Cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc cung cấp sự trợ giúp và hỗ trợ thích hợp cho các nạn nhân của các hành vi bạo lực vì lý do tôn giáo hay niềm tin cũng như các thành viên trong gia đình họ theo quy định của luật khả dụng,

1. Quyết định lấy ngày 22 tháng 8 làm Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm các Nạn Nhân của Bạo Lực vì Lý Do Tôn Giáo hay Niềm Tin;

2. Mời tất cả các Nhà Nước Thành Viên, các tổ chức liên quan trong hệ thống Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế hay khu vực khác, cũng như xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân và khu vực kinh thế tự nhân cử hành tưởng niệm Ngày Quốc Tế theo cung cách phù hợp,

3. Yêu cầu Tổng Thư Ký thông báo nghị quyết này đến tất cả các Nhà Nước Thành Viên, các tổ chức trong hệ thống Liên Hợp Quốc và các tổ chức xã hội dân sự để cử hành tưởng niệm cho phù hợp.

Viết một bình luận