VẬN ĐỘNG NHÂN QUYỀN QUA UPR

Hơn một tuần nữa, vào ngày 22/1/2019, đề tài nhân quyền Việt Nam sẽ được thảo luận sôi động trong chương trình nghị sự tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, dưới tên gọi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.

Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review), gọi tắt là UPR, là một thuật ngữ không quá xa lạ đối với Việt Nam trong những năm gần đây, dùng để đánh giá tổng quát tình trạng nhân quyền của tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, theo định kỳ 4.5 năm/lần đối với mỗi một quốc gia.

Với thể thức vận hành đó, Cựu tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon từng nhận xét UPR là một cơ chế “có tiềm lực để quảng bá và bảo vệ nhân quyền tại những góc cạnh tối tăm nhất trên thế giới.”

Cơ chế UPR được Hội Đồng Nhân Quyền LHQ đề ra để đối phó với 2 khiếm khuyết lớn của các cuộc kiểm điểm định kỳ theo công ước do Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ vẫn thực hiện. Khiếm khuyết thứ nhất là, một quốc gia ký công ước nào thì mới phải qua cuộc kiểm điểm về thực thi công ước đó; do đó để tránh bị kiểm điểm, nhiều quốc gia đã không ký một số công ước LHQ về nhân quyền. Khiếm khuyết thứ hai là, một quốc gia dù đã ký công ước thì vẫn có thể “chai mặt” không tham gia kiểm điểm. Chẳng hạn, gần đây nhất Việt Nam đã bỏ qua 2 kỳ kiểm điểm, tổng cộng 10 năm, về thực thi Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị.

Với quyết tâm cải cách tình trạng này trên toàn thế giới, Hội đồng Nhân quyền LHQ ra đời vào năm 2006, phụ trách tiến hành kiểm điểm nhân quyền định kỳ,một cách luân phiên, đối với tất cả các quốc gia thành viên LHQ. Và cuộc kiểm điểm này mang tính cách phổ quát, nghĩa là về mọi lĩnh vực nhân quyền bất luận quốc gia qua kiểm điểm có ký công ước liên quan hay không. Thủ tục này tạo ra một áp lực chiếu soi vào những nơi tăm tối về nhân quyền bất kể thủ phạm là ai, bất kể vụ việc gì, xảy ra ở bất kỳ đâu.

UPR sắp tới buộc nhà nước Việt Nam phải giải trình trách nhiệm trước quốc tế về các vùng tối nhân quyền tại quốc gia mình, thông qua hoạt động báo cáo và điều trần về tình hình nhân quyền quốc gia trước Hội đồng Nhân quyền LHQ.

*** CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA UPR

Một cách ngắn gọn, cơ chế hoạt động UPR có thể ví như “chiếc đèn pin” dùng để soi chiếu vào vùng tối nhân quyền.

Trong cơ chế này, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động nhân quyền như là cục pin cung cấp nguồn năng lượng đầu vào cho UPR, thông qua hoạt động cung cấp thông tin, nêu lên các vấn đề vi phạm nhân quyền ở quốc gia bị kiểm điểm.

Các quốc gia thành viên LHQ đóng vai trò như là một dây dẫn tiếp nhận thông tin về các vấn đề hạn chế nhân quyền, và chuyển tải nó thành các khuyến nghị nhân quyền để chuyển đến quốc gia bị kiểm điểm.

Các cơ quan nhân quyền LHQ (Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, các Ủy ban Công ước…) như cái bóng đèn, tiếp nhận và xử lý nguồn thông tin đầu vào, trên cơ sở chuyên môn của mình để chuyển hóa thành nguồn sáng nhân quyền. Trong đó Nhóm Công tác UPR của Hội đồng Nhân quyền (Working Group) điều phối phiên họp kiểm điểm như cái công tắc khởi động được bật lên theo định kỳ.

Nhà nước bị kiểm điểm như là cái kính khúc xạ của chiếc đèn pin, tiếp nhận nguồn sáng từ chiếc bóng đèn, đóng vai trò là đầu ra cho nguồn sáng nhân quyền, chịu trách nhiệm cuối cùng trước tình trạng nhân quyền sáng sủa hay lu mờ tại quốc gia mình. Ánh sáng phát ra được khuếch đại tốt hay dở sẽ được quyết định bởi lăng kính hấp thụ của nhà nước qua việc chấp nhận thực thi các khuyến nghị cải thiện nhân quyền hay bác bỏ nó.

Thí dụ, những người biểu tình ôn hòa đấu tranh vì môi trường bị cảnh sát sử dụng bạo lực và bắt giữ, được xem là một góc cạnh tăm tối nhân quyền cần đến cơ chế UPR để soi rọi vào nó. Theo cơ chế này, các cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự phát hiện vụ việc và tiến hành nộp báo cáo lên các cơ quan nhân quyền LHQ và thông tin đến các quốc gia thành viên khác. Các cơ quan nhân quyền LHQ sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin thành vụ việc vi phạm nhân quyền trên cơ sở đối chiếu với các điều khoản ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế, và tiến hành chất vấn nhà nước tại phiên họp điều trần. Các quốc gia thành viên LHQ sẽ sử dụng nguồn thông tin và cơ sở pháp lý này để đưa ra khuyến nghị cho nhà nước bị kiểm điểm cần phải có hành động chấm dứt việc đánh đập và truy bắt người biểu tình ôn hòa. Nhà nước trong kỳ kiểm điểm sẽ phải trả lời về vụ việc này và nêu rõ có chấp nhận thực thi khuyến nghị chấm dứt tình trạng này hay bác bỏ nó.

Từ đó cho thấy trong cơ chế hoạt động UPR, mỗi chủ thể sẽ đóng một vai trò khác nhau trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. Trước tiên là việc cung cấp thông tin đầu vào đến từ các cá nhân và tổ chức nhân quyền, rồi được các quốc gia và LHQ chuyển tải thành khuyến nghị cải thiện nhân quyền, và sau đó mức độ thực thi khuyến nghị nhân quyền ra sao sẽ được quyết định bởi sự đón nhận qua lăng kính khúc xạ là nhà nước.

*** ĐIỂM LẠI CÁC KỲ UPR CỦA VIỆT NAM

Việt Nam đã trải qua hai kỳ UPR, kỳ đầu tiên vào năm 2009, kỳ thứ hai vào năm 2014, và kỳ thứ ba diễn ra vào ngày 22/1/2019.

Tại kỳ đầu tiên, Việt Nam nhận được tổng số 146 khuyến nghị, trong đó chấp nhận 94 khuyến nghị, từ chối 46 khuyến nghị, trả lời chung 5 khuyến nghị và để ngỏ 1 khuyến nghị. Ở kỳ thứ hai, Việt Nam nhận được tổng số 227 khuyến nghị, trong đó chấp nhận 182 khuyến nghị và từ chối 54 khuyến nghị.

Mới đây, tại hội thảo công bố báo cáo quốc gia được nhà nước Việt Nam đệ trình cho UPR kỳ thứ ba sắp tới, Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố đã thực hiện xong 175 khuyến nghị về nhân quyền, chiếm 96.2% trên tổng số khuyến nghị đã chấp nhận tại kỳ thứ hai.

Tuy nhiên tuyên bố của Bộ ngoại giao là hoàn toàn trái ngược với các tuyên bố của các nhà hoạt động nhân quyền, tổ chức xã hội dân sự, và các tổ chức phi chính phủ (gọi chung là “các bên liên quan”) được thể hiện qua báo cáo dành cho các bên liên quan nộp cho Liên Hợp Quốc để chuẩn bị cho UPR kỳ thứ ba.

Các bên liên quan trong báo cáo của mình đã nêu rõ về tình hình nhân quyền Việt Nam đã không được cải thiện theo như khuyến nghị, qua việc nhà nước Việt Nam tiếp tục sử dụng các điều luật liên quan đến an ninh quốc gia để bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền, hạn chế quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, giải tán các cuộc biểu tình ôn hòa bằng bạo lực và bắt bớ, trấn áp việc thực hành tự do tôn giáo, quyền tự do lập hội và hội họp bị hạn chế…

*** SỰ THAM GIA CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” là một đặc tính cơ bản qua các kỳ UPR của Việt Nam khi phản ánh mối quan hệ giữa nhà nước và các bên liên quan.

Trước quốc tế, nhà nước Việt Nam có truyền thống luôn bác bỏ tình trạng nhân quyền tệ hại, thay vào đó là các báo cáo tốt đẹp về thành tích nhân quyền của mình. Điều này cho thấy vai trò của các bên liên quan tham gia vào tiến trình UPR là rất quan trọng để phản biện và giám sát việc thực thi nhân quyền của nhà nước.

Cơ chế UPR mở rộng và khuyến khích cho các bên liên quan được tham gia vào toàn bộ tiến trình kiểm điểm nhân quyền của một quốc gia, bất kể địa vị và tư cách pháp lý của họ.

Sự tham gia tiến trình UPR của các bên liên quan là rất đa dạng, có thể chia làm 3 giai đoạn song hành với các hoạt động của nhà nước:

– Trước phiên họp kiểm điểm: nhà nước nộp báo cáo quốc gia cho Hội đồng Nhân quyền – các bên liên quan sẽ nộp báo cáo song song với nhà nước. Ngay sau đó, các tổ chức xã hội dân sự và những người hoạt động nhân quyền cần vận động để thuyết phục các phái bộ ở LHQ của các chính quyền có truyền thống bảo vệ nhân quyền đặt các câu hỏi phù hợp tại phiên họp kiểm điểm. 

– Tại phiên họp kiểm điểm tại Geneva: nhà nước điều trần trước Hội đồng Nhân quyền, thực hiện đối thoại, trả lời các chất vấn, nhận khuyến nghị từ các quốc gia thành viên LHQ – các bên liên quan sẽ tham dự phiên họp điều trần với tư cách là quan sát viên, sau đó có thể phát biểu, đưa ra tuyên bố bằng lời trong phiên họp báo cáo kết quả hoặc phiên họp thông tin chung của Hội đồng Nhân quyền.

– Sau phiên họp kiểm điểm: Hội đồng Nhân quyền sẽ thông qua tài liệu kết luận UPR, nhà nước có nghĩa vụ triển khai thực hiện các kết luận và khuyến nghị theo tài liệu kết quả kiểm điểm – các bên liên quan sẽ giám sát, đôn đốc quá trình nhà nước thực hiện khuyến nghị, phổ biến các khuyến nghị này đến dân chúng trong nước, và đưa ra các sáng kiến cho nhà nước thực hiện hoặc các bên liên quan sẽ xây dựng chương trình hành động theo khuyến nghị nhân quyền.

*** CÁC THỦ THUẬT LÀM GIẢM HIỆU QUẢ CỦA UPR

Các chính quyền độc tài thường áp dụng 2 thủ thuật để cản trở cơ chế UPR. Trong cách thứ nhất, chính quyền ấy dựng lên nhiều tổ chức xã hội dân sự giả — các tổ chức này cũng nộp bản báo cáo song song với nhà nước để tán thành và phụ hoạ cho văn bản giải trình của nhà nước. Trong lần kiểm điểm này, không ít các tổ chức xã hội dân sự “quốc doanh” của Việt Nam đã nộp báo cáo khen ngợi những thành tựu về nhân quyền của nhà nước.

Thủ thuật thứ hai là một nhà nước độc tài cũng vận đông những chính quyền thân thiện với mình đặt câu hỏi tại kỳ kiểm điểm. Các câu hỏi này thường mở đầu bằng lời khen ngợi và tiếp theo là câu hỏi cò mồi để quốc gia bị kiểm điểm có dịp khoe thêm. Càng nhiều quốc gia cò mồi thì càng bớt đi thời gian cho các quốc gia có ý định chất vấn.

Do đó, rất cần thiết có đông tổ chức xã hội dân sự thực thụ đóng góp thông tin với uỷ ban kiểm điểm, và cũng rất cần thiết có một nỗ lực vận động từ rất sớm và kéo dài cho sự lên tiếng của các chính quyền hằng quan tâm đến nhân quyền tại kỳ kiểm điểm.

*** VÀI KINH NGHIỆM THAM GIA UPR DÀNH CHO CÁC BÊN LIÊN QUAN

Khi nộp báo cáo cho UPR, cần thực hiện trước thời hạn là 7 tháng, trước ngày diễn ra kỳ họp kiểm điểm, chú ý đến độ dài của báo cáo không quá 5 trang đối với báo cáo đơn và 10 trang đối với báo cáo liên minh.

Từ trong nước có thể tiếp xúc với các Đại sứ quán thân thiện với nhân quyền, vận động quốc gia họ nêu vấn đề và sử dụng khuyến nghị do các bên liên quan đề xuất.

Thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức có vị thế tham vấn cho Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ (ECOSOC) và đề xuất họ bảo trợ để đến Geneva tham dự phiên họp kiểm điểm và phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền. Các tổ chức có vị thế ECOSOC quen thuộc với Việt Nam có thể kể đến như: Human Rights Watch, Amnesty International, Reporters Without Borders, CIVICUS, Freedom House, International Federation for Human Rights…

Khi đến Geneva có thể tổ chức các hoạt động bên lề tại trụ sở Liên Hợp Quốc nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, bằng các hoạt động như tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin, tiếp xúc và vận động các đoàn ngoại giao của các quốc gia quan tâm về nhân quyền Việt Nam, gặp gỡ các chuyên gia nhân quyền của LHQ để nghe tư vấn của họ cho chương trình hành động của mình sau này.

Thực hiện công tác truyền thông nhanh nhạy về sự kiện, cùng với việc đưa ra các bình luận, phân tích, đánh giá về phiên điều trần nhằm phổ biến kiến thức nhân quyền từ UPR đến với người dân trong nước. Sau đó chuyển ngữ kịp thời các tài liệu về kết quả UPR, sử dụng các khuyến nghị UPR trong hoạt động thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền sau này, và giám sát quá trình thực hiện khuyến nghị nhân quyền của nhà nước cho đến kỳ UPR kế tiếp.

Toàn bộ tài liệu phục vụ cho UPR của Việt Nam có tại trang website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ tại:

https://www.ohchr.org/EN/HRBodies/UPR/Pages/VNindex.aspx

Viết một bình luận