(Bài này được đang tại trang Facebook BPSOS- Đề Án Dân Quyền Việt Nam ngày 7 tháng 1, 2019).
Trong bài viết trước, chúng tôi có nêu nên hai vấn đề cốt lõi của vụ việc đó là:
(1) Quyết định của Bộ tư pháp trong trường hợp này có phải là một quyết định hành chính không?
(2) Toà án Việt Nam có thực sự độc lập trong hoạt động xét xử không?
Trong khi vấn đề thứ hai chưa có ai phân tích, đưa ra thêm ý kiến thì vấn đề thứ nhất đang là đề tài bàn luận sôi nổi ở Việt Nam. Luồng ý kiến thứ nhất khẳng định Quyết định của Bộ Tư pháp phải được xác định là quyết định hành chính. Khá nhiều luật sư, luật gia đã viết bài phân tích và khẳng định điều này. Luật sư Hà Huy Sơn nhận xét và đặt câu hỏi: “Bộ Tư pháp là cơ quan thuộc Chính phủ. Ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp là thành viên Chính phủ. Vậy quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp không phải là quyết định hành chính thì là gì?” Luồng ý kiến thứ hai, tập trung ở một số vị luật sư đang còn hành nghề. Không thấy họ lên tiếng phân tích và đưa ra ý kiến riêng mình khẳng định đúng sai mà tập trung vào việc xin nhà nước làm rõ, xin nhà nước hướng dẫn vì vấn đề quá mới chưa có tiền lệ. Não trạng này cũng khá giống với câu chuyện cách đây vài năm khi một tử tù xin được kết hôn khiến cho các nhà hành pháp và cả một số luật sư lại phải xin nhà nước làm rõ, hướng dẫn. Theo chúng tôi luật pháp là luật pháp, nếu đã có luật rồi thì cứ thế mà áp dụng không thể đặt ra chuyện mới quá, chưa có tiền lệ được khi mọi thứ đã được luật dự liệu và quy định thành điều khoản rõ ràng? Việc cần hướng dẫn chỉ đặt ra khi điều gì đó chưa từng có trong luật và nó vẫn chỉ hướng dẫn đối với cán bộ công chức mà thôi. Còn với người dân thì nguyên tắc rõ ràng phải được áp dụng đó là điều gì luật không cấm thì người dân hoàn toàn có quyền được làm.
Tuy nhiên trong bài viết này chúng tôi xin đưa ra một tình tiết mà không cần phải tranh luận, giải thích, cũng không cần phải xin ai mà dứt khoát chỉ có một thái độ đòi cán bộ công quyền Việt Nam phải thực hiện cho nghiêm túc đó là xem xét và giải quyết bất cứ một vấn đề gì, các bên cũng phải đối mặt với thời hiệu và thời hạn đã được luật định.
Thông báo trả lại đơn khởi kiện (nguồn FB Võ An Đôn)
“Thời hiệu” là khoảng thời gian quy định theo luật mà nghĩa vụ pháp lý được đặt ra với các bên phải chịu trách nhiệm hoặc được quyền đòi hỏi. “Thời hạn” cũng là khoảng thời gian được luật quy định nhưng có tính bắt buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện. Không khó khăn gì để tìm ra rất nhiều vụ việc ở Việt Nam đã bị các nhân viên công vụ từ chối giải quyết do hết thời hiệu. Điều đó đúng luật và chúng ta phải chấp nhận. Nhưng chưa có một vụ việc nào họ chịu trách nhiệm về thời hạn họ phải giải quyết. Điều đó dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, bản án thi hành bị tồn đọng một cách vô cùng lớn, để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng.
Trở lại với vụ việc của ông Võ An Đôn. Trước khi khởi kiện Bộ Tư pháp, ông Võ An Đôn đã từng khiếu nại tới Liên đoàn luật sư VIệt Nam và ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp các quyết định thuộc thẩm quyền của họ phải giải quyết. Điều 27 và điều 28 Luật Khiếu nại 2011 quy định rõ thời hạn thụ lý và giải quyết một khiếu nại như sau:
“Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.”
Ấy vậy mà trong vụ việc này Liên đoàn luật sư Việt Nam nhận đơn khiếu nại của ông Đôn từ tháng 11 năm 2017 nhưng họ để tới tận tháng 5 năm 2018 mới trả lời. Còn ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì nhận đơn của ông Đôn từ tháng 5 năm 2018 nhưng đến tận cuối tháng 11 năm 2018 mới trả lời. Thêm nữa cả hai trường hợp này họ đều lờ đi thủ tục ra thông báo thụ lý hoặc không thụ lý cho ông Đôn biết. Đó không thể nói khác hơn được là tình trạng vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng của các cán bộ công quyền và hệ thống tổ chức xã hội nghề nghiệp do nhà nước đứng đằng sau chỉ đạo. Điều tệ hại là những người vi phạm pháp luật này lại chính là luật sư, là cán bộ cấp cao quản lý pháp luật thì thử hỏi ở các cơ quan khác nó còn trầm trọng đến thế nào? Nhưng lâu nay họ mặc nhiên làm thế vì không ai đòi hỏi và thúc ép họ.
Những hành vi trên là những hành vi hành chính buộc phải làm nhưng họ đã không làm. Hành vi đó trực tiếp gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Võ An Đôn khi bị tước quyền hành nghề của mình. Vì thế ông Võ An Đôn cũng có thể khởi kiện hành chính về những hành vi không thực hiện đúng luật này.