Nhận định về việc luật sư Võ An Đôn khởi kiện hành chính với ông Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thăng Long

(Bài này được đăng trên trang Facebook của BPSOS – Đề Án Dân Quyền Việt Nam ngày 3 tháng 1, 2019)

BỘ TƯ PHÁP VIỆT NAM KHÔNG PHẢI LÀ CƠ QUAN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA?

Đó là khẳng định gián tiếp của Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên thông qua phán quyết của ông Thẩm phán Lương Quang với đơn khởi kiện hành chính của ông Võ An Đôn. Câu chuyện như thế nào, chúng ta hãy cùng Đề Án Dân Quyền Việt Nam phân tích và bình luận để thấy rõ tình trạng vi phạm pháp luật của các công chức Việt Nam cũng như thái độ của chúng ta để giải quyết nó.

Tháng 11 năm 2017, ông Võ An Đôn, một luật sư ở Việt Nam, bị Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên ra quyết định kỷ luật số 01/QĐKL-ĐLS với hình thức xoá tên trong danh sách luật sư đoàn.

Không đồng ý với quyết định này, ông Võ An Đôn đã khiếu nại tới Liên đoàn luật sư Việt Nam. Phải tới tận cuối tháng 5 năm 2018, Liên đoàn luật sư Việt Nam mới ra quyết định số 50/QĐ-BTV với nội dung không chấp nhận đơn khiếu nại của ông Võ An Đôn và giữ nguyên quyết định kỷ luật của Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.

Không đồng ý với quyết định của Liên đoàn luật sư Việt Nam, ngay lập tức ông Võ An Đôn đã gửi đơn khiếu nại tới Bộ Tư pháp về hai quyết định nói trên. Nhưng cũng như Liên đoàn luật sư Việt Nam, phải mất 6 tháng sau tức cuối tháng 11 năm 2018, Bộ Tư pháp Việt Nam mới cho Bộ trưởng Lê Thăng Long, ký quyết định số 2797/QĐ-BTP không chấp nhận khiếu nại của ông Võ An Đôn và giữ nguyên các quyết định của Đoàn luật sư Phú Yên, Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Luật sư Võ An Đôn (từ trang Facebook của LS).

Cho rằng quyết định số 2797/QĐ-BTP là quyết định hành chính nên ngày 4 tháng 12 năm 2018 ông Võ An Đôn đã nộp đơn khởi kiện hành chính với ông Lê Thăng Long tại Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên. Rất nhanh chóng Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên đã cho ông Thẩm phán Lương Quang ra thông báo từ chối thụ lý đơn với lý do “quyết định giải quyết khiếu nại số 2797/QĐ-BTP, ngày 15/11/2018 của Bộ Tư pháp là quyết định nội bộ” của tổ chức xã hội nghề nghiệp nên không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Hay nói khác đi, ông Lương Quang đã khẳng định rằng quyết định số 2797/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp không phải là quyết định hành chính.

Vụ việc này đặt ra 2 vấn đề cốt lõi:

1) Quyết định của Bộ tư pháp trong trường hợp này có phải là một quyết định hành chính không?

2) Toà án Việt Nam có thực sự độc lập trong hoạt động xét xử không?

Để làm rõ vấn đề thứ nhất chúng ta cần hiểu thế nào là một quyết định hành chính theo đúng định nghĩa trong luật Việt Nam. Khoản 1 điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015 nêu định nghĩa: “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.” Tiếp đó khoản 6 điều này còn giải thích rõ ràng thêm: “Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là những quyết định, hành vi chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác; quản lý, tổ chức cán bộ, kinh phí, tài sản được giao; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức.” Một đạo luật khác cũng có định nghĩa tương tự về thế nào là hành vi hành chính; đó là Luật khiếu nại 2011 ở khoản 8 điều 2.

Như vậy, nếu như Bộ Tư pháp Việt Nam là một cơ quan hành chính thì quyết định số 2797/QĐ-BTP đương nhiên là một quyết định hành chính.

Bây giờ, việc duy nhất chúng ta cần làm đó là xác định tính pháp lý của Bộ Tư pháp Việt Nam xem cơ quan này có phải là cơ quan hành chính không mà thôi. Điều 1 nghị định 96/2017/NĐ-CP đã khẳng định: “Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, bồi thường nhà nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.” Như vậy rõ ràng Bộ Tư pháp là một cơ quan hành chính.

Ngoài ra khoản 2 điều 83 Luật Luật sư hợp nhất 2012 nêu rõ “Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: …” Lại một lần nữa, Bộ Tư pháp được một đạo luật khẳng định chắc chắn cơ quan này là cơ quan hành chính.

Đến lúc này, vấn đề sẽ được đặt ra để giải quyết cho câu hỏi số hai: Toà án Việt Nam có thực sự độc lập trong hoạt động xét xử không?

Phán quyết của ông thẩm phán Lương Quang đặt chính ông ta nói riêng và hệ thống Tư pháp Việt Nam nói chung vào trong thế buộc phải chứng minh mình độc lập khi xét xử hoặc lộ nguyên hình mình chỉ là công cụ làm theo sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thật vậy, Ông thẩm phán chỉ có 2 lựa chọn. Hoặc không công nhận các điều luật được trích dẫn ở trên, thì ông quan toà có đủ quyền năng để tuyên bố vô hiệu hoá chúng. Điều này sẽ dẫn tới nhánh Lập pháp và nhánh Hành pháp phải sửa đổi luật và thực thi luật. Hoặc nếu công nhận các điều luật này thì ông ta cũng phải tuân thủ theo luật pháp để ra phán quyết buộc các bên phải thực hiện theo các điều luật hiện hành. Như thế quả bóng đang ở chân Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên, ông Thẩm phán Lương Quang và ông Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên Phạm Tấn Hoàng phải thể hiện quyền năng quan toà của mình trước xã hội và công luận trong phán quyết vừa rồi.

Nói cách khác, nếu các ông cho rằng Bộ Tư pháp không phải là cơ quan hành chính, quyết định 2797/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp không phải là quyết định hành chính thì các ông đó phải tuyên bố vô hiệu hoá 2 điều luật chúng tôi vừa viện dẫn ở phần một. Ngược lại nếu các ông chấp nhận nó thì đương nhiên phải nhận đơn của ông Võ An Đôn để xử.

Không dễ dàng gì với thế bóng này bởi nếu chúng ta làm tới cùng thì sẽ lộ diện tình trạng độc tài cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng nếu như chúng ta cam chịu, không dồn họ vào chân tường bằng chính luật của họ thì mãi mãi tình trạng vẫn chỉ là như thế: nhà nước Việt Nam sẽ luôn trả lời quanh co nhằm làm cho chúng ta mệt mỏi buông xuôi. Họ sẽ tha hồ dẫm lên ngay chính luật pháp của họ đề ra.

Không những thế, nếu không làm đến cùng thì sẽ thiếu căn cứ để làm cho quốc tế am hiểu tình trạng luật pháp nhì nhằng ở Việt Nam. Khi viết một báo cáo về tình trạng vi phạm pháp luật của công chức Việt Nam cho Quốc tế biết, chúng ta sẽ mãi mãi mắc phải câu hỏi rất nghiêm túc từ các cơ quan và tổ chức quốc tế, trước khi họ lên tiếng cùng chúng ta, rằng, “Chúng tôi hiểu. Nhưng chính các bạn đã làm hết cách chưa trong phạm vi luật pháp quốc gia trước khi kêu gọi chúng tôi can thiệp, và đâu là bằng chứng đã làm hết cách?”

Đề Án Dân Quyền Việt Nam chúng tôi hết sức hoan nghênh ông Võ An Đôn đã nhanh chóng khiếu nại thông báo từ chối thụ lý đơn số 08/TB-TA của Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên do ông Thẩm phán Lương Quang ký. Việc làm đó theo như ông Võ An Đôn xác định là không thắng nhưng chỉ có làm như thế thì mới có căn cứ để chỉ ra cho quốc tế thấy tình trạng dân chủ giả hiệu của chính quyền Việt Nam. Khi đó các tổ chức Quốc tế mới có thể lên tiếng hối thúc Việt Nam cần phải thực tâm thay đổi để tiến đến pháp trị.

Ngoài ra, cũng trong bài viết này chúng tôi muốn đưa tới cho các bạn hai thông tin rất quan trọng khác mà mọi người nên tham khảo:

(1) Bản chất của Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư có phải là một tổ chức xã hội nghề nghiệp không hay chỉ là công cụ của Bộ tư pháp để quản lý các luật sư?

Ở nhiều quốc gia, Luật sư đoàn chỉ là một nghiệp đoàn tư nhân, việc xoá tên không ảnh hưởng đến tư cách luật sư trong hoạt động nghề nghiệp. Chỉ có như thế nó mới là một tổ chức thuần tuý về nghề nghiệp. Còn ở Việt Nam, tại sao Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư lại có khả năng tước bỏ quyền hành nghề của một con người? Về điều này Luật gia Phạm Lê Vương Các sau khi phân tích đã khẳng định: Liên đoàn luật sư Việt Nam ngoài vai trò một tổ chức nghề nghiệp thì nó còn mang chức năng quản lý hành chính nhà nước khi nó được giao quyền quản lý hành nghề cuả Luật sư. Như vậy quyết định số 50/QĐ-BTV của Liên đoàn Luật sư Việt Nam không chấp nhận khiếu nại của ông Võ An Đôn và giữ nguyên quyết định kỷ luật ông Đôn của Đoàn luật sư Phú Yên cũng là một quyết định hành chính. Ông Võ An Đôn hoàn toàn có quyền khiếu nại, khởi kiện ra toà hành chính với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Tư pháp Việt Nam và Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên – một bộ máy thống nhất trong việc không tuân thủ luật pháp.

(2) Mới đây khi Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong bối cảnh của cuộc kiểm điểm Việt Nam về thực thi Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị sẽ diễn ra vào tháng 3 năm nay, nêu vấn đề là các luật sư đại diện cho các nhà hoạt động, người bảo vệ nhân quyền hoặc bất kỳ vụ việc nào liên quan đến “an ninh quốc gia” bị bắt bớ và giam giữ tùy tiện, bị đe dọa kỷ luật và thu hồi giấy phép, bị tước giấy phép…, Nhà nước Việt Nam đã trả lời rõ ràng rằng:

“ Tại Việt Nam, các hoạt động nghề nghiệp của luật sư luôn được đảm bảo bởi Luật Luật sư, Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định pháp lý khác có liên quan để giúp các cá nhân và tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.[1] Không có những trường hợp luật sư bị bắt hoặc bị đe dọa vì các hoạt động nghề nghiệp hợp pháp như được đề cập trong các cáo buộc. Liên đoàn luật sư Việt Nam và các liên đoàn luật sư địa phương có nhiệm vụ đại diện cho luật sư; luật sư có quyền khiếu nại và tố cáo, và những khiếu nại và tố cáo đó được xử lý theo các quy định của Luật Luật sư và pháp luật liên quan đến khiếu nại và tố cáo.

Trong pháp lý, ngoài nghĩa vụ công dân, luật sư còn bị ràng buộc bởi nhiệm vụ chuyên môn theo quy định của pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và hành vi của luật sư phù hợp với chuẩn mực nghề nghiệp của quốc tế. Một luật sư đã vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Các biện pháp kỷ luật đối với luật sư đã vi phạm pháp luật, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và hành vi luật sư hoặc Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam được thực hiện nghiêm ngặt và minh bạch của hiệp hội luật sư mà luật sư là thành viên. Trong mọi trường hợp, luật sư có quyền nộp đơn khiếu nại lên Liên đoàn luật sư Việt Nam để duyệt lại những biện pháp kỷ luật đối với họ. Nếu luật sư bị “đình chỉ tư cách thành viên của hiệp hội luật sư từ 6 tháng đến 24 tháng” hoặc “xóa tên khỏi danh sách luật sư của hiệp hội luật sư”, họ cũng có quyền nộp đơn khiếu nại các biện pháp kỷ luật này với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.”

Câu trả lời này của nhà nước Việt Nam cho LHQ khẳng định rằng ông Võ An Đôn có quyền nộp đơn khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về biện pháp kỷ luật của Luật sư đoàn. Trả lời với quốc tế là vậy, nhưng thực tế thì khác hẳn. Làm đến cùng vụ việc này sẽ là phép thử và câu trả lời rõ ràng nhất cho Uỷ ban Nhân Quyền Liên Hợp Quốc biết về việc ông Võ An Đôn có bị trù dập, bị tước giấy phép hành nghề một cách trái pháp luật hay không. Nhà nước Việt Nam sẽ cần chuẩn bị câu trả lời cho Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ tại cuộc kiểm điểm vào tháng 3 tới đây.

Viết một bình luận