Hàng chục nghìn đồng bào Hmong và Tây Nguyên trở thành “vô tổ quốc” vì theo Đạo Tin Lành

  • Mở thêm mũi nhọn dân quyền, song song với quốc tế vận cho nhân quyền

Mạch Sống, ngày 6 tháng 1, 2019

http://machsongmedia.com

Sau 9 tháng thử nghiệm, vào tháng 10 năm ngoái BPSOS chính thức công bố “Đề Án Dân Quyền Việt Nam” trong sự phối hợp với Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam (VN-CAT). Song song với quốc tế vận về nhân quyền, BPSOS thực hiện đề án này nhằm bảo đảm rằng nhà nước Việt Nam thực thi đúng và đủ các tiêu chuẩn nhân quyền đã được “nội luật hoá” như đã cam kết với quốc tế.

“Cách làm của chúng tôi là hỗ trợ đến cùng một số hồ sơ điển hình để đòi hỏi nhà nước giải quyết các vi phạm một cách thấu đáo theo đúng luật pháp quốc gia,” TS Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, giải thích. “Mỗi hồ sơ là một phép thử về thực thi luật quốc gia và tuân thủ luật quốc tế.”

Qua các hồ sơ điển hình, Đề Án Dân Quyền Việt Nam giúp cho người dân hiểu được quyền của mình theo luật quốc gia và luật quốc tế, biết cách để tự bảo vệ các quyền con người và quyền công dân chính đáng của mình, và tiếp cận một số phương tiện để thực hiện sự tự bảo vệ ấy.

Một trong những hồ sơ điển hình được chọn đầu tiên là tình trạng “vô tổ quốc” của hàng chục nghìn người Hmong và người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành. Do không chấp nhận bỏ đạo, họ đã bị một số chính quyền địa phương thu hồi giấy tuỳ thân, bị xoá hộ khẩu và, trong phần lớn trường hợp, bị trục xuất khỏi bản làng – nhà của họ bị đập phá, đất rẫy của họ bị tịch thu. Nhiều gia đình đã phải bỏ xứ ra đi trong tình cảnh nheo nhóc.

Phần lớn những gia đình này đã tìm đến những vùng đất hoang sơ, thường ở bìa rừng, để lập cộng đồng mới của những người đều “vô tổ quốc” như nhau.

“Chúng tôi gọi họ là ‘vô tổ quốc’, tiếng Anh là stateless, vì họ không được đối xử như là công dân dù sinh ra và lớn lên ở ngay trên đất nước Việt Nam”, Ts. Thắng giải thích.

Không hộ khẩu, không giấy tuỳ thân, họ không thể có việc làm chính thức, không thể sở hữu tài sản, không được trợ cấp an ninh xã hội hoặc bảo hiểm y tế, không thể mở tài khoản ngân hàng, khi lập gia đình không được lập giá thú và thậm chí con cái sinh ra không có giấy khai sinh, hoặc có giấy khai sinh thì không được ghi tên cha. Phần lớn các con em của họ không được đi học.

Giữa tháng 7, BPSOS đã cùng với 2 tổ chức quốc tế chuyên đấu tranh để giải trừ tình trạng “vô tổ quốc” đã thực hiện bản báo cáo chung cho LHQ nhân dịp Việt Nam sắp qua cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát (Universal Periodic Review, hoặc UPR).  Xem: http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/07/ISI-UPR-Submission-Viet-Nam-For-Website.pdf

Tháng 8 vừa qua, tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á do BPSOS đồng tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, một số nạn nhân đến từ Việt Nam đã tường trình trực tiếp với giới chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, với nhân viên đặc trách nhân quyền của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội, và giới chức của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cũng như với Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin và Đặc Phái Viên của Liên Âu về Tự Do Tôn Giáo.

Và trong các ngày 10 – 14 tháng 12 vừa rồi, BPSOS đã cử 2 người đến Geneva, Thuỵ Sĩ, để vận động một số văn phòng LHQ và một số phái bộ thường trực của các quốc gia và yêu cầu họ đặt vấn đề “vô tổ quốc” cùng với các vấn đề tra tấn, đàn áp tôn giáo và tù nhân lương tâm khi Việt Nam qua cuộc kiểm điểm UPR ngày 22 tháng 1 tới đây.

Cùng lúc với các hoạt động thuộc vận động quốc tế trên đây, Đề Án Dân Quyền Việt Nam chỉ ra các vi phạm của chính quyền từ địa phương đến trung ương đối với chính luật pháp quốc gia của họ. Một số nạn nhân, theo cách cá nhân hoặc cộng đồng, đang nhận được sự hỗ trợ pháp lý để đòi hỏi chính quyền Việt Nam giải quyết tình trạng “vô tổ quốc” này trên căn bản luật pháp Việt Nam.  Trong trường hợp các đồng bào người Hmong và người Tây Nguyên bị đẩy vào tình trạng vô tổ quốc vì lý do tôn giáo, Đề Án Dân Quyền Việt Nam đã thực hiện chuỗi 3 video trong 3 ngôn ngữ Việt, Hmong và Anh. Xem: https://www.vncrp.org/hmong-statelessness-project

Các video này được lan truyền ngày càng rộng trong các cộng đồng người Hmong và người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành. Nhờ vậy mà trong 6 tháng qua BPSOS đã nhận được danh sách của vài trăm hộ gia đình vô tổ quốc.

Để tạo thuận lợi cho việc phổ biến thông tin, BPSOS đã thiết lập trang mạng https://www.vncrp.org để lưu trữ tài liệu và trang Facebook https://www.facebook.com/Vietnamcivilrights để cập nhật tin tức.

“Tôi kêu gọi đồng bào ở trong và ngoài nước giúp phổ biến Đề Án Dân Quyền Việt Nam đến những người dân Việt Nam mà có thể hưởng được lợi ích từ đề án này”, Ts. Thắng kêu gọi.

Bài liên quan:

BPSOS công bố “Đề Án Dân Quyền Việt Nam”
http://www.machsongmedia.com/vietnam/chong-buon-nguoi/1403-2018-10-19-18-13-23

LHQ: Việt Nam mắc nhiều vi phạm trong thực thi Công Ước Chống Tra Tấn
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1415-2018-12-09-09-09-05

Các video về tình trạng “vô tổ quốc” của đồng bào Hmong và Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành:

Video 1: https://video.wixstatic.com/video/f1f87d_2c2dcb4bf1f6483791c540d9bdc9d720/1080p/mp4/file.mp4

1. Chào các bạn, mình là Jane Yang. Hôm nay mình làm video này để chia sẻ với các bạn về tình trạng người Hmong vô tổ quốc tại Việt Nam.

2. Người Hmong đã sinh sống trên đất nước Việt Nam từ bao đời nay.

3. Theo truyền thống, người Hmong thờ thần rừng, thần núi và ông bà tổ tiên. Nhà nước Việt Nam đã tìm nhiều cách xoá bỏ niềm tin truyền thống đó của người Hmong.

4. Từ năm 1987, người Hmong bắt đầu tiếp xúc với đạo Tin Lành thông qua đài FEBC phát sóng từ Manila, Philippin.

5. Tin Lành nhanh chóng lan ra các tỉnh phía Bắc nơi có người Hmong sinh sống.

6. Nhờ có cuốn kinh Thánh mà người Hmong biết đọc, biết viết chữ của họ khi theo đạo Tin lành. Đối với họ, đó là một ân huệ được Đức Chúa Trời ban tặng.

7. Nhưng từ đó những cuộc đàn áp người Hmong theo đạo Tin Lành cũng bắt đầu.

8. Để biện minh cho sự đàn áp, chính quyền đã vu khống rằng người Hmong theo đạo Tin lành là đang âm mưu thành lập vương quốc người Hmong.

9. Chính quyền cưỡng ép người Hmong theo Đạo Tin Lành phải bỏ đạo; tịch thu tài sản và giấy tờ tùy thân rồi trục xuất những người không tuân phục.

10. Người Hmong chạy trốn chính quyền khắp nơi. Một số chạy qua Miến Điện, một số chạy qua Lào, một số chạy qua Thái Lan xin tỵ nạn và một bộ phận đã chạy xuống Tây Nguyên.

11. Tại Tây Nguyên chính quyền dùng nhiều biện pháp để chia rẽ người Hmong với người bản địa;

12. Chẳng hạn chính quyền thu hồi đất của người bản địa để bán cho các công ty nhưng lại đổ thừa là để cấp cho người Hmong di dân.

13. Hầu hết các hộ người Hmong chạy xuống Tây Nguyên không được cấp sổ hộ khẩu, giấy tờ tuỳ thân, giấy hôn thú…  Họ không được cấp đất đai canh tác và tệ hơn nữa con cái của họ không được học hành.

14. Nghĩa là họ bị mất quyền công dân. Có đến hơn 2000 hộ dân, gồm hàng chục nghìn người Hmong, tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đang ở trong tình trạng này.

16. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Trích bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam

17. Ấy vậy mà chính quyền lại tước đi những quyền cơ bản đó của hàng chục nghìn người Hmong theo Đạo Tin Lành. Họ trở thành vô tổ quốc trên chính đất nước nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

18. Trình độ dân trí thấp và cuộc sống khó khăn khiến họ không ý thức rằng mình cũng là con người.

19. Số phận họ rồi sẽ ra sao? Cách nào để giúp đỡ họ?

Hãy chia sẻ video này nhé!

Video 2: https://video.wixstatic.com/video/f1f87d_c38054095dbf4d56b3203a6c9869cd41/720p/mp4/file.mp4

1. Chào các bạn, mình là Jane. Hôm nay mình sẽ trình bày cách giải quyết với những người Hmong “vô tổ quốc” chỉ vì theo đạo Tin Lành.

2. Như mình đã nói ở phần trước, hiện có đến hơn 2000 hộ dân gồm hàng chục nghìn người Hmong theo đạo Tin Lành tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đang phải chịu cảnh “vô tổ quốc”.

3. Điều kiện để được cấp hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân cho những người Hmong tại đây là họ phải có một miếng đất làm nền nhà và một miếng đất sản xuất có chứng nhận quyền sử dụng đất.

4. Nhưng trớ trêu và luẩn quẩn, để có thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì công dân phải có hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân và các giấy tờ liên quan khác theo luật pháp Việt Nam.

5. Vì không có hộ khẩu, không giấy tờ tuỳ thân, vợ chồng lấy nhau không được đăng ký kết hôn. Con sinh ra không được cấp giấy khai sinh và tất nhiên những đứa trẻ này sẽ không được học hành và hưởng các chế độ xã hội.

6. Những trẻ em được cấp giấy khai sinh thì không được ghi tên Cha nên phải chịu cảnh làm “con ngoài giá thú”.

7. Để đối phó với vấn nạn này cần 2 nỗ lực song song:

1. Vận động quốc tế can thiệp

2. Đòi hỏi nhà nước Việt Nam thực thi nghĩa vụ bảo vệ quyền công dân

8. 1. VẬN ĐỘNG QUỐC TẾ

9. Là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam phải tuân thủ Hiến Chương LHQ, không được phân biệt đối xử trên căn bản chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Người Hmong theo đạo Tin Lành đã bị phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc và lý do tôn giáo.

10. Việt Nam cũng đã ký nhiều công ước quốc tế bảo đảm mọi trẻ em quyền có quốc tịch, quyền được giáo dục và quyền không bị “vô tổ quốc”.

11. Nhiều công ước quốc tế đòi hỏi Việt Nam không phân biệt chủng tộc, bảo đảm mọi công dân có quyền:

(1) Có quốc tịch

(2) Lấy vợ lấy chồng

(3) Tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo

(4) Tạo sinh kế cho gia đình

12. Duy trì tình trạng vô tổ quốc đối với hàng chục nghìn người Hmong theo đạo Tin Lành là vi phạm nghiêm trọng các công ước LHQ mà Việt Nam đã ký. Quốc tế cần biết.

13. Đề Án Dân Quyền Việt Nam đã báo động LHQ về tình trạng người Hmong vô tổ quốc ở Việt Nam, và đang lập danh sách các hộ người Hmong bị ảnh hưởng để yêu cầu quốc tế can thiệp trực tiếp.

14. Hiến Chương LHQ: Chính quyền không được kỳ thị về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo.

Công Ước về Quyền Dân Sự và Chính Trị, điều 24: Mọi trẻ em đều được quyền có quốc tịch.

15. Công Ước LHQ về Quyền của Trẻ Em, điều 7: Trẻ em phải được đăng ký ngay khi chào đời và được quyền có tên, có quốc tịch… và không bị “vô tổ quốc”.

Công Ước về Xoá Bỏ Mọi Hình Thức Phân Biệt Đối Xử vì Lý Do Chủng Tộc, điều 5: Mọi người đều có quyền có quốc tịch, lập gia đình, có tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo… và quyền được giáo dục.

16. Công Ước về Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hoá,

Điều 11: Mọi người có quyền hưởng tiêu chuẩn sống đầy đủ cho mình và cho gia đình mình, bao gồm đầy đủ thức ăn, quần áo và nhà ở, và sự cải thiện liên tục về điều kiện sinh sống.

Điều 12: Mọi người có quyền hưởng tiêu chuẩn cao nhất có thể đạt được về sức khoẻ thể chất và tâm thần.

Điều 13: Mọi người có quyền được giáo dục.

Video 3: https://video.wixstatic.com/video/f1f87d_3c2e3d7310f8453c89d76c93cda58bf4/1080p/mp4/file.mp4

1.Chào các bạn! Mình là Jane. Mình tiếp tục trình bày với mọi người về vấn nạn người Hmong Việt Nam bị lâm vào tình trạng vô tổ quốc ngay trên chính quê hương mình vì theo đạo Tin Lành.

2. Video số 1 mình đã trình bày thực trạng đau lòng của họ. Để giải quyết vấn nạn này cần hai nỗ lực song song, đó là:

(1) vận động quốc tế can thiệp cho quyền con người

(2) đòi hỏi Nhà nước Việt Nam tuân thủ nghĩa vụ bảo vệ quyền công dân

Video số 2 trình bày nỗ lực vận động quốc tế.

Ở đây mình sẽ trình bày những cơ sở luật quốc nội để giải quyết vấn nạn.

3. Trước hết là giải quyết vấn nạn trẻ em Hmong theo đạo Tin Lành không được cấp giấy khai sinh, và bị hạn chế chế độ y tế và quyền được giáo dục.

4 & 5. Luật trẻ em năm 2016 khẳng định trẻ em có các quyền:

– Được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật. (Điều 13)

– Được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh. (điều 14)

– Được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. (khoản 1 điều 16)

– Được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh. (khoản 2 điều 16)

6. Luật này cũng quy định rõ nghĩa vụ của Nhà nước: bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình, không phân biệt đối xử với trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em… (điều 5, điều 42, điều 43, điều 44, điều 45 và điều 46).

7. Vấn đề thứ hai là người Hmong theo đạo Tin Lành không được cấp giấy tờ tuỳ thân, không được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu của con người như có đất sản xuất, được tiếp cận dịch vụ y tế và được hưởng các điều kiện phúc lợi xã hội đương nhiên khác.

8. Những người Hmong vô tổ quốc ở Tây Nguyên và ở một số vùng miền Bắc, là nạn nhân của các cuộc xua đuổi, đàn áp kéo dài trong nhiều năm do chính sách nhất quán đàn áp tôn giáo của Nhà nước. Để cấp giấy tuỳ tờ thân và hộ khẩu, chính quyền địa phương nơi họ di tản đến đòi hỏi họ phải trình giấy giới thiệu của chính quyền nơi nguyên quán. Nhưng điều này là vô vọng đối với những người Hmong đã phải bỏ xứ ra đi vì không chấp nhận bỏ đạo Tin Lành.

9. Giữ người Hmong theo đạo Tin Lành trong tình trạng vô tổ quốc là vi phạm điều 24 hiến pháp 2013 và điều 6 Luật tín ngưỡng, tôn giáo:

– Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

– Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

– Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo… của người khác.

10 & 11. Không giải quyết tình trạng vô tổ quốc của những người Hmong theo đạo Tin Lành là vi phạm Luật cư trú 2006:

– Công dân có quyền lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình. (khoản 1 điều 9)

– Nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân phải bị xử lý nghiêm minh. (điều 5)

– Cấm cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú. (khoản 1 điều 8)

– Cấm lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. (khoản 2 điều 8)

Ngoài ra còn nhiều văn bản luật pháp khác quy định quyền của công dân, nghĩa vụ của Nhà nước về vấn đề này.

Viết một bình luận