- 3 khuyến cáo Việt Nam nhất thiết cần trả lời
Mạch Sống, ngày 26 tháng 12, 2018
http://machsongmedia.com
Để tạo thuận tiện cho người ở trong nước góp ý với LHQ trong tiến trình theo dõi việc chính quyền Việt Nam thực thi Công Ước LHQ về chống tra tấn, hôm nay BPSOS công bố bản dịch tiếng Việt của văn bản “các nhận xét kết luận” của Uỷ Ban Chống Tra Tấn của LHQ. Xem: http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/12/Ban-Nhan-Xe-Ket-Luan-tieng-Viet.pdf
Uỷ Ban Chống Tra Tấn của LHQ yêu cầu nhà nước Việt Nam cung cấp bản dịch tiếng Việt của văn bản này để người dân có thể góp ý cho LHQ trong tiến trình theo dõi việc thực thi của nhà nước Việt Nam.
“Tuy nhiên, vì e rằng việc này sẽ không xảy ra hoặc sẽ không xảy ra sớm, chúng tôi đã xúc tiến dịch và phổ biến văn bản này,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nói.
Uỷ Ban LHQ kiểm điểm Việt Nam về tình trạng tra tấn, ngày 14/11/2018 (ảnh BPSOS)
Uỷ Ban Chống Tra Tấn của LHQ đã đưa ra tổng cộng 25 khuyến cáo, trong đó có 3 khuyến cáo mà Việt Nam nhất thiết cần trả lời:
(1) Khuyến cáo về sử dụng vũ lực quá đáng và tử vong khi bị giam giữ: Đảm bảo rằng tất cả các trường hợp bị cáo buộc về việc gây ra tử vong trong khi bị giam giữ và các khiếu nại về việc sử dụng vũ lực quá đáng, ở trong các cơ sở quốc gia thành viên và trên đường phố, được điều tra kịp thời, hữu hiệu và công minh bởi một cơ chế độc lập không có mối liên hệ với các cơ sở bị cáo buộc.
(2) Khuyến cáo về bảo vệ pháp lý cơ bản: Thiết lập một sổ đăng ký tại trung ương về các trường hợp giam giữ, trong mọi giai đoạn điều tra và thụ lý, bao gồm việc thuyên chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác, thông báo cho Ủy ban biết về loại thông tin được ghi nhận lại và các biện pháp cụ thể được thực hiện để đảm bảo việc lưu giữ hồ sơ chính xác nhằm phòng ngừa việc giam giữ một cách bí mật và làm ra vẻ nạn nhân mất tích.
(3) Khuyến cáo về tình trạng ép cung bằng tra tấn: Truy tố và trừng phạt tất cả các viên chức, quan chức đã cho phép thu thập bằng chứng bằng cách tra tấn, bao gồm cả những người khai man và cung cấp tài liệu giả mạo.
Nhà nước Việt Nam có đến ngày 7 tháng 12, 2019 để báo cáo về thực thi các khuyến cáo kể trên.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế và tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam có thể nộp các “báo cáo thay thế” bắt đầu từ giờ cho đến 3 tháng sau thời hạn 7 tháng 12, 2019, gửi cho This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. theo dạng MS Word hoặc PDF. Mỗi bản báo cáo giới hạn 3.500 chữ và phải viết bằng một trong 6 thứ tiếng được LHQ chấp nhận (Anh, Pháp, Nga, Hoa, Ả Rập và Tây Ban Nha). Các báo cáo phải xoay quanh các khuyến cáo kể trên.
“BPSOS sẽ theo dõi sát sự đáp ứng của chính quyền Việt Nam đối với các khuyến cáo của LHQ và thu thập thông tin về tra tấn để cung cấp cho Uỷ Ban Chống Tra Tấn,” Ts. Thắng nói.
BPSOS kêu gọi những ai có thông tin về tra tấn thì hãy gửi cho This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
Bài liên quan:
LHQ: Việt Nam mắc nhiều vi phạm trong thực thi Công Ước Chống Tra Tấn
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1415-2018-12-09-09-09-05
LHQ kiểm điểm Việt Nam về tra tấn: Cơ hội để người dân lên tiếng
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1409-2018-11-16-23-56-45