Dân chủ hoá: Từ sách lược lớn đến những việc làm nhỏ

  • Hành trình đến dân chủ là do chính chúng ta định đoạt

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 5 tháng 8, 2018

http://machsongmedia.com

Lời mào đầu: Trong 20 năm qua, BPSOS đã khởi xướng nhiều chương trình, nhiều đề án đa dạng. Tất cả các chương trình và đề án này thực chất đều phục vụ cho một sách lược lớn và trường kỳ: dân chủ hoá Việt Nam. Bài viết dưới đây trình bày sách lược lớn làm bối cảnh cho các chương trình và đề án của BPSOS.

Mục đích của dân chủ hoá không chỉ là xoá bỏ độc tài mà, quan trọng hơn, là xây dựng một nền dân chủ trường tồn bất luận thế lực nào cầm quyền. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, việc này đòi hỏi cùng lúc một sách lược đủ lớn để làm nghiêng hẳn cán cân lực và thế về phía người dân và các việc đủ nhỏ để nhiều người dễ dàng tự mình bắt tay thực hiện.

Sách lược lớn

Dân chủ và độc tài là sự thể hiện mối tương quan về lực và thế giữa người dân và chính quyền. Dân chủ là trạng thái người dân đủ lực và thế để kiểm soát chính quyền, thậm chí thay đổi thể chế. Độc tài là trạng thái ngược lại: chính quyền kiểm soát và khống chế người dân nhờ vào thế lực áp đảo. Muốn chuyển từ độc tài sang dân chủ thì phải tăng dần lực và thế cho đại khối người dân, đồng thời giảm dần lực và thế của chính quyền. Không có cách nào khác hơn.

Lực là yếu tố nội tại của một nhóm người. Có 2 bước để tăng lực: tăng quy củ tổ chức, rồi tăng quy mô hoạt động. Quy củ giúp nhóm người lỏng lẻo trở thành một định chế chặt chẽ, như đất sét mềm được nung thành viên gạch rắn. Quy mô nói lên tầm vóc ảnh hưởng của nhóm lên xã hội.

Thế là sự vận dụng các yếu tố ngoại tại để dùng ít lực đi mà vẫn đạt kết quả mong muốn. Có 2 cách để tạo thế: chọn sân chơi để chiếm thế thượng phong và liên kết để tạo thế “bứt mây động rừng”. Sân chơi càng thuận lợi và mạng lưới liên kết càng rộng và chặt thì thế càng tăng.

Sau 7 năm xây dựng cơ sở ở hải ngoại và 5 năm thử nghiệm một số công thức, năm 2010 BPSOS công bố sách lược 10 năm dân chủ hoá Việt Nam qua sách “Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm: 10 năm để chuyển biến cộng đồng và thay đổi đất nước”. Sách lược lớn và trường kỳ này gồm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm: (1) chuyển sân chơi để nắm thế thượng phong và (2) chuyển tương quan lực và thế giữa người dân và chế độ.

Chuyển sân chơi

Trong giai đoạn 2012-2016, chiến lược của chúng tôi là huy động lực và thế của tập thể người Việt ở hải ngoại để, qua nhiều chiến dịch quốc tế vận, áp lực chế độ ở Việt Nam giảm dần tính chuyên chế và bớt dần việc sử dụng bạo lực.

Chúng tôi vận động để Việt Nam phải cam kết tôn trọng và bảo vệ nhân quyền nếu muốn đổi lấy các lợi ích kinh tế, mậu dịch, viện trợ, quốc phòng… từ thế giới tự do. Việt Nam đã cam kết khá nhiều qua các công ước LHQ về nhân quyền và qua các điều khoản nhân quyền trong các hiệp ước mậu dịch song phương và đa phương. Với những cam kết ấy, sân chơi đã chuyển: Hành vi đàn áp người dân không còn là chuyện nội bộ trong quốc gia mà đồng nghĩa với sự vi phạm các cam kết với quốc tế.

Kế đến chúng tôi vận động quốc tế có biện pháp trừng phạt, lên tập thể chế độ và nhắm thẳng vào những giới chức vi phạm nhân quyền. Cuối năm 2016, Hoa Kỳ ban hành Luật Magnitsky Toàn Cầu với các biện pháp trừng phạt cá nhân và đến nay 5 quốc gia khác cũng đã ban hành luật tương tự. Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank R. Wolf, cũng ban hành năm 2016, bổ sung thêm biện pháp trừng phạt các thủ phạm vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng. Luật Nhân Quyền cho Việt Nam mà chúng tôi đang vận động có mục đích hướng các biện pháp trừng phạt tập thể và cá nhân vào Việt Nam.

Trong 5 năm kế tiếp, 2017 – 2021, chúng tôi thực hiện chiến lược song hành để tăng lực và tăng thế cho hàng loạt cộng đồng người dân.

Tăng lực

Chiến lược này chỉ áp dụng đối với các cộng đồng, được định nghĩa là tập thể của những cá nhân gần gũi và gắn bó với nhau vì cùng văn hoá, niềm tin hay cảnh ngộ. Các cá nhân rời, dù giỏi giang và đảm lược, không thể tăng lực vì không thể phát triển quy củ hoạt động — họ là những chiếc đũa lẻ dễ bẻ gãy.

Chiến lược tăng lực gồm 4 thành phần thực hiện gối đầu lên nhau:

(1)    Mở không gian an toàn: Mỗi cộng đồng có một số nhân sự có kiến thức và khả năng để bảo đảm chính quyền địa phương thực thi đúng đắn luật quốc gia về dân quyền, và để báo cáo với quốc tế các vi phạm nhân quyền. Sự tuân thủ luật quốc gia và luật quốc tế tạo nên vành đai bảo vệ cho mọi người dân trong cộng đồng.

(2)    Tăng quy củ tổ chức: Trong sự an toàn tương đối đằng sau vành đai bảo vệ, một nhóm nhỏ trong cộng đồng thao dượt cách tổ chức nhân sự, lập kế hoạch, thực hiện đề án, giải quyết vấn đề, đối phó rủi ro… để nung đất sét mềm thành viên gạch rắn cho cả cộng đồng. Tôi gọi nhóm nhỏ ấy là “nhóm lõi” của cộng đồng ấy.

(3)    Thêm sức từ ngoài: Mỗi cộng đồng được hỗ trợ chặt chẽ và dài lâu bởi một nhóm người có thiện chí. Tôi gọi họ là “nhóm kết nghĩa”. Nhóm kết nghĩa đóng góp những gì có sẵn (khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm tổ chức, nguồn tài chính, kiến thức về chính sách quốc tế…) để cùng với nhóm lõi trong nước cấu thành tổ chức xã hội dân sự (XHDS) trong lòng cộng đồng của họ. Tôi gọi đó là “tổ chức XHDS cộng đồng”.

(4)    Phát triển quy mô: Tổ chức XHDS cộng đồng đưa ra những đề án xã hội, sinh kế, nhân quyền, v.v. để đáp ứng các nhu cầu dân sinh, dân quyền và nhân quyền của mọi thành viên trong cộng đồng, qua đó giúp họ tăng sự tự tin, tăng ý thức về dân quyền và nhân quyền, tăng kinh nghiệm tổ chức và tăng khả năng tự vệ.

Nội lực của một cộng đồng là yếu tố vệ hiệu quả nhất cho mọi thành viên trong cộng đồng.

Tăng thế

Để tăng thế, các cộng đồng đã đạt một trình độ nhất định về nội lực liên kết hàng ngang với nhau và hàng dọc với quốc tế. Chiến lược tăng thế gồm 3 thành phần song hành:

(1)    Nối kết hàng ngang trên toàn xã hội: Một số tổ chức XHDS được hình thành để đi chuyên sâu về từng lĩnh vực nhân quyền mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế, như nữ quyền, quyền không bị tra tấn, quyền tự do tôn giáo, quyền được bảo vệ trước nạn buôn người… Mỗi “tổ chức XHDS chuyên” ấy là tâm điểm của một mạng lưới XHDS trong lĩnh vực nhân quyền thích hợp. Tuỳ nhu cầu cá biệt, một cộng đồng có thể tham gia một hoặc nhiều mạng lưới XHDS. Các tổ chức XHDS chuyên cũng phát triển nội lực theo chiến lược 4 thành phần đã trình bày.

(2)    Phối hợp hàng ngang ở hải ngoại: Các nhóm kết nghĩa ở hải ngoại cộng tác với nhau về báo cáo vi phạm nhân quyền, đóng góp cho các cuộc kiểm điểm định kỳ của LHQ đối với Việt Nam, vận động chế tài các thủ phạm vi phạm nhân quyền, tổ chức hay tham gia các hội nghị khu vực và quốc tế, thực hiện các khoá huấn luyện về quốc tế vận cho người Việt ở hải ngoại…

(3)    Nối kết hàng dọc với quốc tế: Các tổ chức XHDS cộng đồng và tổ chức XHDS chuyên đối tác trực tiếp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan LHQ, và các cơ quan chính quyền quốc tế để phối hợp hành động hoặc cùng thực hiện những đề án chung — sự đối tác này khả thi nhờ nhóm kết nghĩa ở hải ngoại. Nhờ sự nối kết hàng dọc, ngày càng có thêm nhiều tổ chức khu vực và quốc tế góp sức cho sách lược dân chủ hoá Việt Nam.

Các sợi đan ngang dọc càng chắc, càng nhiều thì thế bứt mây động rừng càng tăng – đó là yếu tố bảo vệ quan trọng thứ hai cho từng cộng đồng.

Mốc điểm cho dân chủ

Khi có khoảng 1,000 cộng đồng ở khắp đất nước đủ năng lực để tự bảo vệ quyền và lợi ích, liên kết hàng ngang với nhau qua những tổ chức XHDS chuyên, và kết nối hàng dọc với quốc tế thì lúc ấy tiến trình dân chủ hoá sẽ bắt đầu. Theo một nghiên cứu, khi nhỉnh hơn 3% dân số quyết tâm hành động thì cả xã hội sẽ bắt đầu chuyển động. Một nghìn cộng đồng lớn, nhỏ có thể đạt mốc điểm này và khởi động tiến trình dân chủ hoá một cách hoà bình, ổn định và khó thoái lui.

Mục tiêu chiến lược của chúng tôi là đạt con số ấy vào cuối năm 2021. Mục tiêu này không nằm ngoài tầm tay vì tất cả những gì cần, chúng ta đã có. Ở trong nước, các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc vượt xa con số vài chục nghìn. Cũng vậy, ở ngoài nước đã có sẵn nhiều nghìn nhóm, hội đoàn và tổ chức để đóng vài trò nhóm kết nghĩa, như các nhà thờ, các hội thánh, các chùa chiền, các tổ chức cộng đồng, các hội đồng hương, các nhóm thân hữu, hoặc các thân nhân trong gia đình…

Vấn đề là những người có lòng với đất nước và quan tâm đến tiền đồ của dân tộc biết sử dụng những gì đang có cho đúng việc, đúng cách. Đó là lý do tôi viết bài này.

Các công thức đơn giản

Một phong trào chỉ thu hút đông người tham gia khi đạt cả 2 yếu tố: những người ấy có chung một mục đích và dùng cùng một công thức đơn giản để đạt mục đích chung.

Mục đích chung của chúng tôi là dân chủ hoá đất nước. Bài viết này chỉ ứng dụng cho những ai cùng chung mục đích ấy.

Trong hành động, chúng tôi đã đề ra những công thức đơn giản để ai ai cũng có thể thực hiện, miễn là có lòng.

Chẳng hạn, mỗi cộng đồng muốn tăng lực và tăng thế trước hết cần một nhóm lõi từ 3 đến 5 người, trong đó có ít ra 3 người chuyên báo cáo vi phạm với quốc tế và rành rẽ về cách làm các đơn khiếu nại, tố giác và tố cáo; ít ra 2 người có khả năng quán xuyến công việc và điều động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch 12 tháng tăng lực và tăng thế.

Chẳng hạn, để tham gia các mạng nối kết, mỗi cộng đồng đã tương đối vững chãi cử thành viên cốt cán tham gia một hoặc nhiều tổ chức XHDS chuyên trong những lĩnh vực nhân quyền ảnh hưởng đến cộng đồng mình. Các thành viên chung này đóng vai trò nhịp cầu nối các cộng đồng cùng mối quan tâm với nhau để cùng nhau đòi hỏi chế độ tuân thủ luật quốc gia và các cam kết quốc tế về nhân quyền.

Chẳng hạn, một nhóm kết nghĩa chỉ cần từ 5 đến 7 người có thiện chí và dễ dàng làm việc với nhau, trong đó 2 người có trách nhiệm mỗi 2 tuần một lần họp với nhóm lõi của cộng đồng ở trong nước để khảo sát tình trạng của cộng đồng ấy, rà soát các nguồn lực sẵn có, nhận diện những yếu tố thuận lợi và bất lợi, đề ra kế hoạch 12 tháng để tăng lực và thế, và cùng nhau thực hiện kế hoạch.

Chẳng hạn, các nhóm kết nghĩa có thể thực hiện quốc tế vận bằng cách tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam do BPSOS tổ chức hàng năm. Tham dự viên chỉ cần tuân thủ các hướng dẫn của ban tổ chức, nhập vào phái đoàn cùng địa phương, và trình bày những điểm đã được soạn sẵn với các dân biểu và thượng nghị sĩ của mình. Người chưa có kinh nghiệm được sắp xếp đi cùng với người đã có kinh nghiệm. Sau chuyến vận động chung, các phái đoàn tiếp tục vận động các vị dân biểu và thượng nghị sĩ của mình quanh năm.

Chúng tôi đã soạn các tài liệu hướng dẫn và có chương trình huấn luyện cho các tổ chức XHDS cộng đồng, các tổ chức XHDS chuyên và các nhóm kết nghĩa.

Các yếu tố cần và đủ

Trong tập sách mỏng với tựa đề “Từ Độc Tài Đến Dân Chủ”, tác giả Gene Sharp liệt kê 4 yếu tố cần thiết để không chỉ xoá bỏ độc tài mà còn xây dựng dân chủ sau đó:

(1)    Người dân có tinh thần tự quyết, có quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích của mình và có kỹ năng đề kháng khi bị vi phạm các quyền và lợi ích ấy;

(2)    Các thành phần dân chúng bị áp bức tập hợp lại thành các tổ chức và định chế XHDS để tăng nội lực;

(3)    Một lực lượng toàn xã hội có khả năng đề kháng cao trước sự chuyên chế; và

(4)    Một sách lược lớn và khôn ngoan và những kế hoạch triển khai thực tiễn.

Sách lược 10 năm dân chủ hoá Việt Nam mà chúng tôi đề ra năm 2010 bao hàm cả 4 yếu tố này, và hơn nữa. Sách lược lớn, còn gọi là sách lược vĩ mô, là làm nghiêng dần tương quan lực và thế sang người dân trong từng cộng đồng một ở khắp đất nước. Sách lược này được thực hiện qua các chiến lược theo từng giai đoạn:

(1)    Dùng quốc tế vận để làm giảm dần tính chuyên chế và tước bỏ dần các phương tiện bạo lực của chế độ;

(2)    Hình thành các tổ chức XHDS cộng đồng và các tổ chức XHDS chuyên để tăng ý thức tự quyết và khả năng tự vệ của người dân;

(3)    Nối kết hàng ngang các cộng đồng để tương trợ khi hữu sự và cùng nhau vận động chế độ tuân thủ luật quốc gia và các cam kết quốc tế;

(4)    Nối kết hàng dọc các tổ chức XHDS Việt Nam với các lực lượng XHDS khu vực và toàn thế giới để tạo thế quốc tế;

(5)    Tạo cơ hội đọ thế và đọ sức giữa người dân và chế độ trên các sân chơi ngoài Việt Nam, nơi mà luật chơi công minh và cộng đồng người Việt hải ngoại nắm phần chủ động.

Một số chủ trương

Khi đề ra sách lược 10 năm dân chủ hoá Việt Nam, chúng tôi chủ trương:

(1)    Đặt nặng các giá trị đạo đức nhân bản, lấy đó làm nền tảng để xây dựng niềm tin là chất keo sơn cần thiết cho các định chế XHDS. Không có giá trị đạo đức thì không thể hình thành XHDS và không có được dân chủ.

(2)    Xem mọi người Việt Nam trong và ngoài nước đều là tài nguyên của dân tộc, cần được bảo vệ và vun bồi, để xây dựng xã hội nhân văn, thiết lập thể chế dân chủ và phát triển quốc gia sau này. Đặc biệt, tập thể người Việt ở hải ngoại là khởi điểm cho sách lược dân chủ hoá và đóng vai trò chủ động trong nhiều chiến lược.

(3)    Tuyệt đối không bạo động vì chế độ sẽ viện cớ để sử dụng bạo lực, ngược với chiến lược của chúng tôi là giảm dần sự chuyên chế và tước bỏ dần các phương tiện bạo lực của chế độ.

(4)    Bảo vệ nhân sự và yêu cầu mọi thành phần hợp tác không gây nguy hại cho mình hay cho người khác, vừa vì lý do đạo đức vừa để bảo toàn lực lượng dân chủ hoá.

(5)    Không hoạt động bí mật hay lén lút vì như vậy là chỉ bày cho dân sợ hãi — dân chủ là chế độ phải sợ người dân, chứ không thể ngược lại. Mọi hoạt động của chúng tôi đều chính đáng và có chính danh: đòi thực thi luật Việt Nam, đòi tuân thủ luật quốc tế, báo cáo vi phạm, đề nghị chế tài, vận động quốc tế…

(6)    Không xúi giục ai, không kết nạp ai, không bắt ai theo mình. Chúng tôi chỉ hỗ trợ những cộng đồng nào đã và đang tranh đấu cho quyền lợi của mình, để cuộc đấu tranh của họ được hữu hiệu và an toàn hơn. Một cộng đồng chỉ vững về lực và thế khi  không phụ thuộc ai khác, kể cả chúng tôi.

(7)    Tránh các tổ chức và đảng phái chính trị vì hoạt động của họ không phù hợp với một hay nhiều chủ trương kể trên.

Bài liên quan:

Sách Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm
http://www.machsongmedia.com/images/files/hvtn.pdf

Sơ đồ tóm tắt sách lược dân chủ hoá Việt Nam
http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/08/Sach-luoc-dan-chu-hoa-Viet-Nam-1.pdf

Xây Dựng Nội Lực cho Một Cộng Đồng
http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/08/Xay-Dung-Noi-Luc-Cam-Nang.pdf

Nhóm Kết Nghĩa: Khái lược
http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/08/Nhom-Ket-Nghia-So-Luoc.pdf

Cẩm nang sinh hoạt cho Nhóm Kết Nghĩa:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/08/Nhom-Ket-Nghia-Cam-Nang-Sinh-Hoat.pdf

Sự kiện lịch sử: Hoa Kỳ triệu tập Hội Nghị Các Bộ Trưởng để Phát Huy Tự Do Tôn Giáo
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1376-2018-07-19-03-56-28

Viết một bình luận