Tình hình người Việt lánh nạn ở Thái Lan: Những điều cần biết

  • Khi đồng bào trốn thoát đàn áp, BPSOS là tuyến đầu bảo vệ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 29 tháng 7, 2018

http://machsongmedia.com

Tháng 3 năm 2007 mở đầu giai đoạn đen tối về nhân quyền ở Việt Nam với hàng loạt các cuộc bắt bớ những người kêu gọi dân chủ. Cuộc đàn áp này kéo dài đến ngày hôm nay. Cũng từ năm 2007 nhiều đợt người Việt chạy sang Thái Lan lánh nạn. Hiện nay tháng nào cũng có những đợt người Việt mới đến, bao gồm một số người đã tham gia biểu tình đòi công lý cho nạn nhân của nhà máy gang thép Formosa hoặc chống lại Luật An Ninh Mạng và dự thảo Luật Đặc Khu.

Ở Thái Lan hiện có khoảng 7 nghìn người lánh nạn đến từ các quốc gia khác nhau. Đông nhất là người Pakistan theo Thiên Chúa Giáo. Người Việt đứng thứ 2 với con số khoảng 1.5 nghìn. Trước số người lánh nạn ngày càng tăng, ở Thái Lan chỉ có 2 tổ chức có chương trình bảo vệ quyền tị nạn của họ: BPSOS với 5 luật sư và 3 thông dịch viên, và Asylum Access Thailand với 2 luật sư trông nom nhiều thực tập sinh.

Thế nào là người tị nạn?

Người đến Thái Lan lánh nạn không tự động có quy chế tị nạn.

Họ phải ghi danh với Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), chờ khoảng 3 tháng để được phỏng vấn, và lại chờ 3 đến 6 tháng nữa để nhận quyết định. Người đang chờ phỏng vấn thì được gọi là người đang xin tị nạn (asylum seeker). Những ai được cấp quy chế tị nạn thì được gọi là người tị nạn (refugee). Người đang xin tị nạn và người tị nạn được sự bảo vệ của UNHCR.

Những ai bị bác tư cách tị nạn thì có thể kháng cáo và phải chờ thêm nhiều tháng cho đến một năm. Nếu thành công thì được công nhận là tị nạn. Bằng không thì hồ sơ bị đóng và không được UNHCR bảo vệ nữa – họ bắt đầu cuộc sống bất hợp pháp trên đất Thái.

Trong một số trường hợp đã bị đóng hồ sơ, đương sự có thể yêu cầu UNHCR mở lại hồ sơ nếu có thông tin mới về mối rủi ro cận kề mà họ phái đối mặt nếu hồi hương.

Tôi gọi chung mọi thành phần người Việt xin tị nạn ở Thái Lan là “người lánh nạn” bất luận tình trạng xin quy chế tị nạn của họ.

Ts. Nguyễn Đình Thắng, cựu Đại Sứ Joseph Rees và một số người Việt lánh nạn ở Thái Lan, ngày 21/06/2009 (ảnh BPSOS)

Định nghĩa tị nạn

Tị nạn là những ai có nỗi lo sợ có căn cứ là nếu trở về nguyên quán thì sẽ bị đàn áp trên cơ sở chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hay thành phần xã hội đặc thù. Nỗi lo sợ phải được chứng minh dựa trên 2 yếu tố: chủ quan và khách quan. Chủ quan là nội dung lời khai của người xin tị nạn, còn khách quan là thông tin từ nguồn độc lập về tình hình ở nguyên quán của người xin tị nạn.

Phần lớn người xin tị nạn cần sự hướng dẫn của luật sư có kinh nghiệm để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn với giới chức UNCHR. Trong giai đoạn kháng cáo và mở lại hồ sơ thì nhất thiết phải có luật sư đại diện làm đơn.

Văn phòng pháp lý ở Thái Lan

Khi những người Việt đầu tiên chạy sang Thái Lan lánh nạn năm 2007, BPSOS bắt đầu cử phái đoàn luật sư đến Thái Lan vài chuyến mỗi năm để lập hồ sơ xin quy chế tị nạn cho họ.

Năm 2010, số đồng bào lánh nạn ở Thái Lan tăng vọt. BPSOS mở văn phòng pháp lý thường trực ở Thái Lan. Ngoài đồng báo Việt Nam, hiện nay văn phòng này còn giúp cả cho một số người đến Thái Lan lánh nạn từ Campuchia, Trung Quốc, Pakistan, Somalia, Nepal, Congo…

Tính đến nay, BPSOS đã giúp pháp lý cho khoảng trên 1000 đồng bào lánh nạn ở Thái Lan. Khoảng 800 đồng bào đã được cấp quý chế tị nạn và khoảng 600 đã đi định cư ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Canada, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Tân Tây Lan, Pháp…

Một luật sư tình nguyện đến từ Houston đang phỏng vấn một người xin tị nạn, Chiangmai, Thái Lan, ngày 17/12/2009 (ảnh BPSOS)

Các nhu cầu của đồng bào lánh nạn ở Thái Lan

Tất cả những người đến Thái Lan lánh nạn, bất luận đang ở trạng thái quy chế nào, đều phải tự bươn chải. Họ sống lẫn vào xã hội và thường tập trung ở những khu nghèo quanh các thành phố lớn, cho nên được gọi là “urban refugees” – “người tị nạn thành thị”. Mỗi người đi lánh nạn có một cảnh ngộ khác nhau và nhiều nhu cầu đa dạng. Dưới đây là 7 nhu cầu chung của đa số người xin lánh nạn, theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

(1)    Nhu cầu pháp lý

Được công nhận tư cách tị nạn là ưu tiên hàng đầu của tất cả những ai đến Thái Lan lánh nạn vì không có quy chế tị nạn thì:

  • Không được UNHCR giới thiệu đi định cư, nghĩa là chỉ còn cách hồi hương hoặc sống bất hợp pháp ở Thái Lan mãi mãi;
  • Không được sự bảo vệ của UNHCR khi bị cảnh sát Thái Lan bắt, tống giam, hoặc trục xuất.

Toán hoạt động của BPSOS ở Thái Lan có 5 luật sư và 3 thông dịch viên làm tư vấn và lập hồ sơ cho các người xin tị nạn dựa trên lời khai của họ, nghĩa là hỗ trợ cho họ về yếu tố chủ quan.

BPSOS còn có bộ phận chuyên nghiên cứu và biên soạn các bản phúc trình gửi cho UNHCR về tình hình bối cảnh theo địa lý, tôn giáo, sắc tộc… Mục đích của các bản phúc trình này là đáp ứng yếu tố khách quan trong thủ tục xét đơn xin tị nạn.

 

Buổi họp với một số đồng bào lánh nạn ở Thái Lan, ngày 27/09/2015 (ảnh BPSOS)

(2)    Nhu cầu bảo vệ

UNHCR cấp thẻ căn cước với hình đen trắng cho người đang xin tị nạn, và thẻ hình màu cho những ai có quy chế tị nạn. Trên nguyên tắc, chính phủ Thái công nhận 2 loại thẻ này, nhưng trong thực tế cảnh sát Thái vẫn tuỳ tiện bắt người cầm thẻ và, nếu không có sự can thiệp kịp thời, thì đưa họ vào Trại Giam của Sở Di Trú (Immigration Detention Center, hay IDC). Đã vào đó thì hầu như không có ngày ra.

Luật sư của BPSOS thường xuyên tổ chức buổi hướng dẫn đồng bào lánh nạn cách tự bảo vệ, và gửi báo động cho họ mỗi khi có cuộc bố ráp của cảnh sát Thái Lan. Ngay khi được tin một người bị cảnh sát bắt, luật sư của chúng tôi lập tức phối hợp với UNHCR để gỡ cho họ trước khi bị đưa vào IDC, nếu người đó có thẻ căn cước do UNHCR cấp. Đối với đồng bào không có thẻ căn cước do UNHCR cấp, chúng tôi thường phải bó tay.

Đối với những người bị giam ở IDC, chúng tôi thúc hối UNHCR sớm cứu xét quy chế tị nạn, và sớm giải quyết định cư cho những ai được xét là tị nạn. Đi định cư là cách để thoát khỏi IDC.

Những người bị giam ở IDC mà không có quy chế tị nạn thì sẽ ở đó mãi mãi. Có người đã ở cả chục năm và có người đã chết trong đó.

Rủi ro bị cảnh sát Thái bắt là nỗi lo thường trực của đồng bào lánh nạn. Do đó, bảo vệ an toàn cho họ là ưu tiên thứ 2 của chúng tôi.

 

Thăm viếng đồng bào, có cả trẻ em, bị giam tại trại giam IDC, ngày 21/09/2011 (ảnh BPSOS)

(3)    Nhu cầu sinh kế

Người có quy chế tị nạn thường phải chờ từ 3 đến 5 năm để được cứu xét định cư. Người không quy chế thì tuyệt nhiên không có cơ hội định cư. Bất luận thuộc thành phần nào, người lánh nạn phải tính sinh kế lâu dài ở Thái Lan.

Kiếm sống cho gia đình là một việc đau đầu. Người lánh nạn rất khó tìm việc làm vì bị xem là di dân bất hợp pháp, và điều này áp dụng cho cả những người có quy chế tị nạn; ai mướn họ đều phải trả tiền phạt rất nặng nếu bị phát hiện. Hơn nữa, người lánh nạn cần hạn chế việc ra khỏi nhà để giảm rủi ro bị cảnh sát Thái bắt.

Tìm sinh kế dài lâu là ưu tiên thứ 3 của đồng bào. Để giải quyết phần nào nhu cầu này, cách đây 2 năm BPSOS lập ra đề án “Chamaliin” để huấn luyện cho một số gia đình về thủ công nghệ. Trong thời gian tham gia chương trình huấn luyện, học viên được nhận một khoản trợ cấp nhỏ cho vấn đề sinh kế của gia đình. Khi đã vững tay nghề, họ được giao nguyên liệu tận nhà. Người của BPSOS giúp bán sản phẩm ở chợ và giao số tiền thu nhập lại cho từng gia đình. Như vậy, các gia đình này không phải ra khỏi nhà mà vẫn có thu nhập.

Mới đây BPSOS lập trang mạng để chào bán các mặt hàng thủ công này: https://www.chamaliin.com/

Hiện nay đề án Chamaliin mới chỉ giúp được 60 gia đình, một con số khiêm tốn so với tổng số trên 400 gia đình người Việt đang lánh nạn ở Thái Lan.

Các phụ nữ lánh nạn đang thiết kết mặt hàng Chamaliin (ảnh BPSOS)

(4)    Nhu cầu định cư

Ai đã có quy chế tị nạn thì được UNHCR giới thiệu đến các quốc gia nhận định cư. Mỗi quốc gia chọn người định cư theo tiêu chuẩn riêng của họ. Năm 2017 có 2,655 người với quy chế tị nạn được 10 quốc gia nhận định cư: Hoa Kỳ 1,394; Úc 832; Canada 208; New Zealand 165; Hàn Quốc 30; Thuỵ Điển 16; Na Uy 4; Anh Quốc 4; Pháp 1; và Thuỵ Sĩ 1. Cho đến nay Hoa Kỳ luôn dẫn đầu về định cư người tị nạn ở Thái Lan.

Số chỗ định cư luôn luôn thấp hơn nhiều so với nhu cầu định cư. Người có quy chế tị nạn thường phải chờ từ 3 đến 5 năm mới đến lượt được cứu xét định cư. Hàng năm BPSOS đều dự họp với văn phòng trung ương của UNHCR ở Geneva để tìm cách giải quyết việc định cư người tị nạn. BPSOS cũng là thành viên của Refugee Council USA, tổ chức vận động chính phủ Hoa Kỳ định cư người tị nạn.

Gần đây, để giảm bớt thời gian chờ đợi định cư cho một số người tị nạn, BPSOS khuyến khích một số tổ chức ở Canada định cư người tị nạn theo chương trình tư nhân bảo lãnh (private sponsorship). Chẳng hạn, tổ chức The Refugee Hub thuộc Đại Học Ottawa, chuyên giúp điền đơn cho những ai đã có các gia đình nhận bảo lãnh, hoặc tổ chức Công Giáo Catholic Centre for Immigrants – Sponsorship Agreement Holder, SAH giúp tìm các gia đình bảo lãnh.

BPSOS đặt vấn đề định cư người đã có quy chế tị nạn ở hàng ưu tiên thứ 4 vì nó không cấp bách bằng nhu cầu được cấp quy chế tị nạn, nhu cầu bảo vệ an toàn, và nhu cầu sinh kế.

Người tị nạn lên đường định cư, phi trường Bangkok, ngày 19/08/2012

(5)    Nhu cầu giáo dục trẻ em

Trong tổng số 1.5 nghìn người Việt đang lánh nạn ở Thái Lan, khoảng 40% là từ 18 tuổi trở xuống. Các trẻ em, bất luận có quy chế tị nạn hay không, giờ đây đều được cắp sách đến trường.

Cách đây 4 năm thì hoàn toàn khác. Rất nhiều trẻ em trong các gia đình chưa hoặc không có quy chế tị nạn đã phải chịu cảnh thất học vì nhà trường không nhận học các trẻ em này. Một thiện nguyện viên BPSOS đã phối hợp với một số tổ chức từ thiện vận động từng nhà trường một nhận các em vào học, và đã thành công. Thỉnh thoảng vẫn có trường hợp bị trục trặc và cần sự trợ giúp của BPSOS để giải quyết với nhà trường.

Đối với số trẻ em đang bị giam cùng cha mẹ trong IDC, BPSOS đang vận động chính quyền Thái Lan cho các em và cha mẹ được tự do. Tuy nhiên triển vọng thành công rất thấp.

Trong một số trường hợp gia đình quá nghèo, con cái không có tiền lấy xe buýt đến trường, BPSOS tìm những mạnh thường quân để giúp đỡ tài chánh.

Một thiện nguyện viên cùng với các trẻ em lánh nạn và gia đình – tất cả nay đều đã định cư ở Hoa Kỳ, ngày 18/12/2011 (ảnh BPSOS)

(6)    Nhu cầu phục hồi hoạt động

Một số người lánh nạn ở Thái Lan đến từ các cộng đồng tôn giáo hay sắc tộc bị bách hại ở Việt Nam. Họ có nhu cầu tiếp tục liên lạc với cộng đồng của họ ở trong nước, hỗ trợ những đồng hương bị bách hại và lên tiếng cầu cứu với quốc tế.

BPSOS cung cấp cho họ máy vi tính, huấn luyện họ về cách làm báo cao vi phạm và giới thiệu họ với các cơ quan LHQ và tổ chức nhân quyền quốc tế.

(7)    Nhu cầu y tế

Những người không quy chế tị nạn không được tiếp cận các dịch vụ y tế. BPSOS có một quỹ nhỏ, lấy tên là Quỹ Y Tế Khẩn Cấp, để giúp cho một số nhỏ đồng bào trong tình trạng sức khoẻ nguy kịch và phải đi khám bác sĩ hay đi bệnh viện. Quỹ này được tài trợ bởi một hội thánh Tin Lành ở Thái Lan.

Nhiều người Việt lánh nạn bị sa sút sức khoẻ tâm thần do hậu quả của sự đánh đập, tra tấn và các hình thức đàn áp thô bạo khác khi còn ở Việt Nam. Hiện nay, BPSOS đang nghiên cứu cách để giúp họ đối phó với những hậu quả này.

Một trẻ em tị nạn vừa qua cuộc giải phẫu, với sự trợ giúp từ quỹ y tế khẩn cấp, năm 2017

Các cựu thuyền nhân

Trong số người lánh nạn đến Thái Lan trong 10 năm qua có những người là cựu thuyền nhân — họ đã từng ở Thái Lan trong khoảng thời gian 1989-1996.

Quy chế tị nạn của họ, những người đến sau ngày “đóng cửa trại”, do chính quyền Thái Lan thay vì UNHCR quyết định. Rất nhiều người đã bị từ chối quy chế tị nạn một cách oan ức. Dù vậy UNHCR đã đóng hồ sơ của họ. Năm 1994 BPSOS vận động và được Dân Biểu Christopher Smith hưởng ứng trong việc thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ hình thành chương trình Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees (ROVR). Các thuyền nhân chấp nhận hồi hương phần lớn được Hoa Kỳ nhận định cư theo chương trình ROVR bắt đầu năm 1998.

Nhưng hàng nghìn thuyền nhân ở Thái Lan đã không chấp nhận hồi hương và bị cưỡng bức về nước. Họ về đến Việt Nam sau thời hạn ấn định bởi chương trình ROVR và không được Hoa Kỳ cứu xét định cư. Trong số người Việt chạy sang lại Thái Lan từ 2007 đến giờ có một số là cựu thuyền nhân bị cưỡng bức hồi hương năm 1996. Những người này được xem là những người xin tị nạn mới và phải qua thủ tục cứu xét bởi UNHCR đã mô tả ở trên, giống như tất cả những người xin tị nạn khác.

Trại Sikiew, Thái Lan, tháng 1 năm 1996

Khác với số người kể trên, ở Thái Lan có một số cựu thuyền nhân đã trốn thoát cưỡng bức hồi hương và sinh sống bất hợp pháp ở Thái Lan từ năm 1996. Những người này không thể xin tị nạn với UNHCR vì hồ sơ đã bị đóng từ lâu và, do sống ở Thái Lan, họ đã không trải nghiệm sự đàn áp nào mới để có căn cứ yêu cầu UNHCR mở lại hồ sơ. May mắn, chính phủ Canada đồng ý giải quyết một lần một cho số người này qua chương trình tư nhân bảo lãnh, và đã đạt thoả thuận với chính quyền Thái Lan cho họ được rời khỏi Thái Lan.

Chương trình nhân đạo này không áp dụng cho những cựu thuyền nhân đã bị cưỡng bức hồi hương năm 1996 rồi sau đó qua lại Thái Lan. Như đã giải thích, số người này phải qua thủ tục xin tị nạn với UNHCR. Đấy là điểm cần lưu ý để tránh tình trạng trên 2 nghìn cựu thuyền nhân bị cưỡng bức hồi hương năm 1996 nay lũ lượt chạy sang Thái Lan với hy vọng sẽ được định cư vào Canada và rồi bị kẹt luôn ở Thái Lan, đi không được về không xong, chỉ vì hiểu lầm.

Kết luận

Cứ mỗi đợt đàn áp xảy ra ở Việt Nam lại có thêm đồng bào chạy sang Thái Lan lánh nạn. Từ năm 2007 đến nay, con số tổng cộng đã lên đến khoảng 2.5 nghìn người. Với sự trợ giúp pháp lý của BPSOS, khoảng 800 đồng bào đã được cấp quy chế tị nạn và trong số đó khoảng 600 đã đi định cư. Cũng đã có khoảng 200 đồng bào tự động hồi hương hoặc đi đâu biệt tăm.

Hiện nay có khoảng 1.5 nghìn người Việt lánh nạn ở Thái Lan. Trong đó có nhiều trăm đồng bào Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành, nhiều trăm đồng bào Hmong theo Đạo Tin Lành, khoảng 100 đồng bào Khmer Krom theo Phật Giáo Tiểu Thừa, nhiều mục sư người Việt, một số blogger, nhiều thanh niên Công Giáo đấu tranh đòi công lý với Formosa, một số cựu tù nhân lương tâm, và có cả người tham gia các cuộc biểu tình vào tháng 6 vừa qua. Đối với những người tị nạn này, BPSOS là tuyến đầu để bảo vệ quyền tị nạn cho họ và giúp họ trong nhiều lĩnh vực nhu cầu khác.

Ngoài Thái Lan ra, BPSOS cũng đã can thiệp cho một số người Việt đi xin tị nạn ở tận Malaysia và Indonesia.

Cựu Đại Sứ Joseph Rees, cố vấn trưởng của BPSOS, cùng 18 thuyền nhân ở trại giam di trú Jakarta, Indonesia, ngày 9/05/2017 (ảnh GJR)

Năm 2010, khi BPSOS mở văn phòng hoạt động thường trực ở Thái Lan, chúng tôi chỉ có 1 nhân viên. Nay toán 16 nhân viên có 5 luật sư, 3 thông dịch viên, 1 người phối hợp việc biên soạn các bản phúc trình về tình hình ở Việt Nam, 1 người quản lý hồ sơ để nhận diện và tìm cách đáp ứng các nhu cầu phát sinh của đồng bào, 2 người chuyên lo về sinh kế, 2 người hỗ trợ cho việc phục hồi hoạt động, và 2 người lo về quản trị và điều hành. Ngân sách tài trợ các hoạt động của họ là khoảng US $350,000 mỗi năm. Số tiền này hoàn toàn đến từ những đóng góp của các nhà hảo tâm và các buổi gây quỹ.

Mọi đóng góp cho chương trình bảo vệ người tị nạn của BPSOS, xin gửi về:

BPSOS/RPP
6066 Leesburg Pike, Suite 100
Falls Church, VA 22041 USA

Hoặc quý vị cũng có thể đóng góp trực tuyến tại: https://www.bpsos.org/donate

Mọi đóng góp đều được miễn trừ thuế theo luật thuế Hoa Kỳ.

Lưu ý: Vì lý do an toàn cho đồng bào lánh nạn, chúng tôi chỉ sử dụng các hình mà những người có thể nhận diện trong hình đều đã đi định cư hoặc chuẩn bị đi định cư.

Bài liên quan:

Báo cáo tổng kết năm 2017 của BPSOS
http://www.machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1300-2018-02-03-18-09-22

Viết một bình luận