Cuộc tổng vận động Quốc Hội Hoa Kỳ năm 2018: thành quả ít ai ngờ

  • Các “nhà” vận động nhân quyền rất trẻ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 15 tháng 7, 2018

http://machsongmedia.com

Sau một ngày dài vận động ở Quốc Hội, chiều về nhiều người đã cùng nhau dự bữa cơm chia tay tại nhà hàng Harvest Moon, ở Falls Church, Virginia.

Một người nữ đến từ Spokane, tiểu bang Washington, lần đầu làm quen với sinh hoạt vận động Quốc Hôi Hoa Kỳ, lo lắng hỏi tôi: “Liệu đi vận động như thế này thì có kết quả gì không anh?” Trong ánh mắt của cô ấy tôi đọc được tấm lòng thiết tha với quê hương, thương xót đồng bào. Có lẽ đó cũng là thắc mắc của nhiều người đang nôn nao trước tình cảnh dầu sôi lửa bỏng ở quê nhà.

Vận động quốc tế là đánh bằng thế, chứ không phải dùng lưc trần. Như đánh cờ, dùng thế thì phải có đấu pháp, phải tính trước nhiều bước và phải mất thời gian. Không thể vội vã, hấp tấp, mong có kết quả ngay. Khi vận động cho Luật Magnitsky Toàn Cầu chẳng hạn, chúng tôi đã phải mất 6 năm ròng rã mới thấy được thành quả.

Lý thuyết là thế nhưng thật ra trong 8 lần tổng vận động từ năm 2012 đến giờ, không lần nào mà không đạt được ngay những thành quả bất ngờ.

“Nhà” vận động trẻ tuổi nhất năm nay

Năm nay có khoảng 250 người tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam, ngày 10 tháng 7. Trong số đó có em Phạm Ngọc Tri Ân, 13 tuổi đến từ San Jose, theo mẹ tham gia.

Khi đồng hồ điểm 10 giờ sáng, tôi mở đầu buổi họp khoáng đại và xin phép các vị trưởng thượng là năm nay ban tổ chức ưu tiên mời các em dưới 15 tuổi lên phát biểu. Tôi mời em Tri Ân lên đầu tiên.

Sau lời phát biểu cô đọng trong 5 phút của em, các cô, các chú, các bác rất ngạc nhiên và cảm phục, không chỉ vì tài ăn nói lưu loát mà còn là sự am tường về tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.

Em Tri Ân phát biểu mở đầu buổi họp khoáng đại

Sau buổi họp khoáng đại, các phái đoàn chia nhau ra để đến gặp các dân biểu và thượng nghị sĩ hoặc các phụ tá lập pháp của họ. Chắc chắn là các cô, chú, bác trong cùng phái đoàn với em Tri Ân đã ngạc nhiên hơn nữa khi thấy em phát biểu khúc chiết, mạch lạc với phong thái chững chạc và chuyên nghiệp tại những buổi họp ấy.

Em Tri Ân đang trình bày về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam với Dân Biểu John Yarmuth (Dân Chủ, Kentucky)

“Nhà” vận động trẻ và tù nhân lương tâm

Buổi họp cuối cùng của phái đoàn có em Tri Ân là lúc 6pm với Bà Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ, CA). Bà chỉ có thể họp trễ, vì phải bay từ Santa Clara đến cùng hôm đó.

Khi đến phiên mình phát biểu, em Tri Ân yêu cầu Bà Lofgren “kết nghĩa” với tù nhân lương tâm Trần Thị Nga. Em kể vanh vách về thân thế của chị Nga, một nạn buôn người trở thành người bảo vệ nhân quyền, về những trận đòn nhừ tử mà chị đã phải gánh chịu, về bản án 9 năm tù và 5 năm quản chế, về 2 đứa con còn nhỏ tên Phú và Tài… Em Tri Ân đã chìa bức hoạ vẽ chân dung 3 mẹ con chị Nga cho Bà Lofgren xem. Chính em đã vẽ tấm hình này.