Phát biểu của TS. Nguyễn Đình Thắng tại buổi điều trần 07/06/2018

http://machsongmedia.com

Dưới đây là bản dịch Việt ngữ lời phát biểu của Ts. Nguyễn Đình Thắng tại cuộc điều trần ngày 7 tháng 6, 2018 trước Quốc Hội Hoa Kỳ. BPSOS xin cảm ơn Ông Lê Văn Phúc, ở Úc Châu, đã giúp phần dịch thuật.

Kính thưa ông Chủ tịch và quí vị thành viên của Ủy Ban Đối Ngoại,

Xin cám ơn quí vị đã sử dụng phiên điều trần kịp thời này để làm nổi bật sự chú ý về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam. Tôi cũng xin cảm ơn quí vị vì đã tạo cơ hội này để tôi gặp lại một người bạn tốt, đó là Dinah PoKempner sau 25 năm xa cách. Chúng tôi đã làm việc chung với nhau để ngăn chặn hiểm hoạ cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt Nam tại Hồng Kông.

Từ cuối năm 2016, chúng tôi đã ghi nhận số lượng tù nhân lương tâm và sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn của chính phủ để buộc tín đồ của các giáo hội độc lập và không đăng ký với nhà nước từ bỏ đức tin của họ hoặc chuyển sang các tôn giáo do chính phủ tạo ra hoặc kiểm soát.

Chúng tôi ghi nhận hiện có khoảng 170 tù nhân lương tâm ở Việt Nam, với khoảng một phần ba trong số họ là tù nhân tôn giáo. Trong năm tháng đầu năm 2018, có 23 người đấu tranh bảo vệ nhân quyền đã bị kết án tổng cộng 172 năm tù, kèm theo 41 năm bị quản thúc tại gia. Trong số đó, bốn thành viên của cùng một gia đình Phật giáo Hòa Hảo đang thụ án tổng cộng 17 năm tù. Cuộc đàn áp tàn bạo chống lại Phật tử Hòa Hảo được ghi trong báo cáo của Ủy ban điều hành Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Hải Ngoại, mà tôi xin phép được nộp kèm đây như là một phần của lời điều trần của tôi.

Điện Biên – Người theo đạo Tin Lành bị trục xuất khỏi bản (ảnh Hmong United for Justice)

Chính phủ Việt Nam đã leo thang trong việc buộc các tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập phải từ bỏ đức tin của họ. Bắt buộc từ bỏ đức tin đã làm cho số thành viên của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ, được thành lập bởi cựu tù nhân lương tâm Mục Sư Nguyễn Công Chính, giảm mạnh từ mức cao 1.500 chỉ 18 tháng trước để nay chỉ còn 500 tín đồ. Ít nhất 1.100 gia đình người H’Mông ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam đã bị từ chối giấy chứng minh nhân dân và bị trục xuất khỏi làng vì họ từ chối từ bỏ đức tin Kitô giáo của họ. Hoàn cảnh của họ được mô tả chi tiết trong một báo cáo của tổ chức Người Hmong Đoàn Kết Cho Công lý, mà tôi xin phép đưa vào hồ sơ của buổi điều trần này.

Yêu cầu đăng ký là công cụ mạnh nhất của chính phủ để buộc các thành viên của các tôn giáo không đăng ký từ bỏ đức tin của họ và / hoặc tham gia các tôn giáo do chính phủ dựng lên hoặc kiểm soát. Điều nầy đánh dấu sự suy giảm hoặc tiêu vong của các tôn giáo độc lập nhưng thường bị nhầm lẫn như dấu hiệu là tự do tôn giáo đang cải thiện.

Một ví dụ điển hình là sự ép hàng triệu tín đồ Cao Đài cải đạo hàng loạt, một điều đã lọt ra khỏi sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong suốt hai thập kỷ qua. Năm 1978, chính phủ Việt Nam đã xoá bỏ Giáo hội Cao Đài. Sau đó vào năm 1997, theo chỉ thị của Đảng Cộng sản, chính phủ đã tạo ra một chi phái hoàn toàn mới, vốn phủ nhận tín lý căn bản nhất của Đạo Cao Đài, đó là sự cộng thông trực tiếp giữa Đức Chí Tôn và nhân loại thông qua cơ bút. Để dễ tham khảo, tôi sẽ gọi chi phái do chính phủ dựng lên này là Chi Phái 1997.

Ô. Nguyễn Thành Tám, người được nhà nước CSVN đưa lên cầm đầu Chi Phái 1997 (ảnh Chi Phái 1997)

Được hỗ trợ bởi chính phủ, chi phái này đã chiếm đoạt một cách có hệ thống các thánh thất Cao Đài trên khắp đất nước bằng vũ lực và bạo lực với sự tiếp tay của công an và những tên côn đồ. Trong hơn 8 năm, những người theo đạo Cao Đài ở Sài Gòn phải cử hành lễ trên vỉa hè bên ngoài ngôi thánh thất của họ sau khi nó bị chiếm đoạt bởi chi phái do chính phủ dựng lên. Vào năm 2012, các thành viên của chi phái ấy, với sự hỗ trợ của các quan chức chính phủ và những tên côn đồ, đã chiếm đoạt thánh thất Cao Đài ở Phù Mỹ, tỉnh Bình Định bằng vũ lực. Vị lãnh đạo địa phương của Chi Phái 1997 đổ xăng lên người một tín đồ Cao Đài trẻ tuổi và chuẩn bị châm lửa khi các đồng đạo ngăn ông ta lại. Trong số hàng trăm ngôi thánh thất Cao Đài, trừ 15 cái tất cả đều đã bị chiếm đoạt bởi chi phái do chính phủ dựng lên.

Để ép buộc những người theo đạo Cao Đài cải đạo, Chi Phái 1997 thường xuyên quấy phá các sinh hoạt tôn giáo tại tự gia của các tín đồ Cao Đài. Vào ngày 11 tháng 11 năm 2015, các thành viên của chi phái nầy, cùng với cảnh sát, công an và những tên côn đồ, xông vào nhà của một nữ tín đồ Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh, ngăn cản buổi lễ đang diễn ra và đạp đổ mâm thức dành cho quan khách bởi vì nữ tín đồ ấy không xin phép Chi Phái 1997 trước. Chúng tôi đã ghi nhận khoảng 20 trường hợp tương tự ở các tỉnh, thành khác nhau. Cách đây chưa đầy 5 tháng, Chi Phái 1997 đã ngăn chặn việc chôn cất một tín đồ Cao Đài 78 tuổi vì các thành viên trong gia đình của người quá cố đã mời các chức sắc Cao Đài đến dự đám tang. Tuần trước, chúng tôi nhận được các báo cáo cho hay rằng nhiều ngôi mộ của những người theo Cao Đài bị phá rỡ bởi Chi Phái 1997.

Chi phái do chính phủ dựng lên khác với Đạo Cao Đài trong mọi khía cạnh: tín lý, tên, điều lệ, luật đạo, cấu trúc tổ chức… Tuy nhiên, nó lại chiếm cả Tòa thánh và sử dụng tiêu đề thư, con dấu, và các hình tượng của Đạo Cao Đài trong tất cả các giao dịch và ấn phẩm. Do đó, các chính quyền ngoại quốc đã nhầm lẫn nó với Đạo Cao Đài, và hiểu sai rằng các hoạt động của nó là nhiều tự do tôn giáo hơn cho những người theo Đạo Cao Đài. Điều này tương tự như một giáo phái không công nhận Đấng Christ là con của Đức Chúa Trời, chiếm lấy Toà Thánh Vatican, bức hại những người Công giáo và tự thể hiện mình là Giáo hội Công giáo. Và cộng đồng quốc tế đã bị lừa.

Luật mới về tín ngưỡng và tôn giáo thậm chí còn yêu cầu đăng ký nghiêm ngặt hơn và sẽ cấp cho chính quyền địa phương nhiều quyền hạn hơn để thắt siết các tôn giáo độc lập và không đăng ký, vốn đại diện cho đại đa số người có đức tin ở Việt Nam. Cách đây ba tuần, chính quyền xã Liên Trạch, tỉnh Quảng Bình đã chính thức tuyên bố rằng, theo luật mới, từ giờ vị linh mục chánh xứ không được làm lễ tại nhà riêng của các giáo dân. Trong trường hợp của Đạo Cao Đài, luật mới chắc chắn sẽ tạo thêm thuận lợi cho kẻ mạo danh, nhận mình là Đạo Cao Đài.