Chương trình “Đòi Tài Sản”: Đã đi một chặng đường dài

  • Cần mỗi người tiếp một tay để đến đích

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 12 tháng 5, 2018

http://machsongmedia.com

Sau 11 tháng kể từ ngày khởi xướng “Chương Trình Đòi Bồi Thường Tài Sản cho Công Dân Mỹ Gốc Việt”, gọi tắt là Chương Trình Đòi Tài Sản, BPSOS đã tiến một bước dài với các thành quả:

  • Vấn đề tài sản của công dân Mỹ gốc Việt bị chiếm đoạt ở Việt Nam được đưa vào Quốc Hội.
  • BPSOS đã nhận được 530 hồ sơ ở trên 25 tiểu bang.
  • Bộ hồ sơ tiêu biểu và “bạch thư” được hoàn tất để dùng trong vận động.
  • Các cử tri bị chiếm đoạt tài sản đã tiếp xúc với 22 văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ.

Vấn đề đòi tài sản được đưa vào Quốc Hội

Lần đầu tiên vấn đề tài sản của công dân Mỹ gốc Việt được chính thức đưa vào Quốc Hội Hoa Kỳ qua dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam, HR 5621. DB Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) là tác giả của dự luật, với sự đồng bảo trợ của 5 dân biểu thuộc cả 2 đảng Cộng Hoà và Dân Chủ. Đây là một tiến triển đáng kể và mang ý nghĩa quan trọng: nó khẳng định sự xác đáng của chương trình Đòi Tài Sản mà BPSOS phát động.

Tính cách xác đáng này được ghi rõ trong ngôn ngữ của HR 5621: “Chính quyền Hoa Kỷ phải có chính sách là thông tri cho chính quyền Việt Nam biết rằng luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ đối với hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp bởi các chính quyền ngoại quốc.” Sự khẳng định này giúp xoá tan sự hoài nghi nơi một số người do không hiểu luật Hoa Kỳ.

Các đề mục của dự luật Nhân Quyền Việt Nam (Vietnam Human Rights Act, H.R. 5621)

HR 5621 còn nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có

quyết định ban cấp đặc quyền về thuế quan cho Việt Nam, cung cấp viện trợ cho Việt Nam, và yểm trợ cho Việt Nam vay nợ của các định chế ngân hàng quốc tế hay không là tuỳ thuộc vào tình trạng chính quyền Việt Nam chiếm đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Đấy là một số biện pháp trừng phạt mà chính quyền Hoa Kỳ có thể áp dụng đối với chính quyền ngoại quốc không hợp tác với chính sách của Hoa Kỳ về bảo vệ tài sản của công dân. Để tránh các biện pháp trừng phạt này, năm 1995 Việt Nam đã từng phải bồi thường 208 triệu Mỹ kim cho 192 công dân Hoa Kỳ. Nhưng sau đó, họ đã tái vi phạm khi chiếm đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ gốc Việt.

Số 530 hồ sơ

Đến nay BPSOS đã nhận được 530 hồ sơ ghi danh tham gia chương trình Đòi Tài Sản, nghĩa là có đầy đủ các thông tin căn bản theo yêu cầu của chúng tôi.

Con số 530 này mang ý nghĩa quan trọng vì nó xấp xỉ con số 534 hồ sơ ở thời điểm năm 1980 khi mà Quốc Hội mở chương trình đòi Việt Nam bồi thường tài sản cho các công dân Hoa Kỳ — đây là những người Mỹ đến làm việc hay sinh sống ở miền Nam trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Nay với số hồ sơ tương đương của công dân Hoa Kỳ gốc Việt, chúng tôi có lý do chính đáng để yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ cũng phải can thiệp tương tự.

Và chúng tôi tin chắc rằng, số hồ sơ ghi danh sẽ vượt con số 534 trong vài tuần tới đây.

Bản tóm tắt chương trình đòi tài sản mà CSVN đã phải trả 203 triệu năm 1995

Bạch thư và bộ hồ sơ tiêu biểu

Vấn đề công dân Hoa Kỳ có tài sản bị tịch thu ở một quốc gia khác là một vấn đề phức tạp vì cùng lúc liên quan đến luật pháp ở 2 quốc gia. Bạch thư là tài liệu hướng dẫn, giúp các nhà làm chính sách Hoa Kỳ hiểu rõ hoàn cảnh nào tài sản công dân Hoa Kỳ bị tịch thu ở Việt Nam, và các điều luật nào của Hoa Kỳ có thể sử dụng để can thiệp. Tháng 6 năm ngoái, chúng tôi đã thuê 2 hãng luật có nhiều kinh nghiệm về các chương trình đòi bồi thường tài sản của chính phủ Hoa Kỳ để nghiên cứu. Tài liệu “bạch thư” này đã hoàn tất.

Kế đến, từ số 530 hồ sơ kể trên, chúng tôi lọc ra 20 hồ sơ để minh hoạ cho các điểm chính trong bạch thư. Các hồ sơ này được chọn dựa trên các tiêu chuẩn:

(1)    Tiêu biểu cho các loại hồ sơ khác nhau;

(2)    Có chứng từ cho thấy rõ rang là việc chiếm đoạt tài sản xảy ra sau khi sở hữu chủ đã là công dân Hoa Kỳ;

(3)    Việc chiếm đoạt xảy ra sau ngày mà Việt Nam chấp nhận trả 208 triệu Mỹ kim bồi thường cho công dân Hoa Kỳ: 28 tháng 1, 1995.

Về tiêu chuẩn số (3) ở trên, khi Việt Nam thoả thuận bồi thường 208 triệu Mỹ kim cho 192 công dân Hoa Kỳ năm 1995, Hoa Kỳ cam kết sẽ không quay trở lui để mở lại các hồ sơ nào đã bị chiếm đoạt trước thời điểm ký văn bản (28 tháng 1, 1995). Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, phần lớn tài sản của công dân Hoa Kỳ gốc Việt đã chỉ bị nhà nước quản lý trước thời điểm này, và mãi nhiều năm năm sau mới bị tịch thu.

Với bạch thư và bộ hồ sơ tiêu biểu, chúng tôi nay được tranh bị đủ để đẩy mạnh cuộc vận động mở chương trình đòi bồi thường tài sản cho các công dân Hoa Kỳ gốc Việt.

Vận động Quốc Hội

Tính đến nay, BPSOS đã thành lập phái đoàn tiếp xúc với văn phòng của 14 thượng nghị sĩ và 8 dân biểu. Khoảng 90% trong số này bày tỏ sự ủng hộ. Số 10% còn lại cho biết là họ còn quá mới mẻ với vấn đề này nên cần tìm hiểu thêm. Trong tháng 3 tháng tới đây, mục tiêu chính của BPSOS sẽ là vận động tối đa các vị dân biểu và thượng nghị sĩ ủng hộ HR 5621. Trong 2 tháng tới, mục tiêu của chúng tôi là vận động thêm khoảng 50 vị nghị sĩ Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ ủng hộ HR 5621. Và trong Ngày Vận Động Cho Việt Nam, sẽ tổ chức ở Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 10 tháng 7 tới đây, chúng tôi sẽ vận động thêm khoảng 50 dân biểu và thượng nghị sĩ ủng hộ.

Riêng trong ngày 8 tháng 5 vừa qua, BPSOS đã phối hợp phái đoàn của các cử tri Mỹ gốc VIệt ở tiểu bang New Mexico để lập phái đoàn tiếp xúc với 2 thượng nghị sĩ và 2 dân biểu liên bang đại diện họ: TNS Tom Udall, TNS Martin Heinrich, DB Michelle Lujan Grisham và DB Ben Ray Lujan.

Lời kêu gọi

Mặc dù chúng tôi đã tiến những bước dài trong thời gian tương đối ngắn, thúc đẩy để HR 5621 được thông qua thành luật không hề dễ dàng, nhất là vì chỉ còn hơn 6 tháng trước khi hết nhiệm kỳ Quốc Hội. Chúng tôi sẽ cần sự tiếp tay mạnh mẽ của quý đồng hương. Chúng tôi kêu gọi:

(1)    Các cơ quan báo chí truyền thông Việt ngữ giúp đưa thông tin về chương trình Đòi Tài Sản và HR 5621 đến đồng hương ở các thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ;

(2)    Quý vị đồng hương có tài sản bị chiếm đoạt ghi danh tham gia các cuộc tiếp xúc với dân biểu và thượng nghị sĩ của mình; xin liên lạc với BPSOS qua email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. hoặc điện thoại: 703-538-2190;

(3)    Những ai quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung cũng xin tiếp một tay dù chính mình không bị chiếm đoạt tài sản. HR 5621 có nhiều điều khoản nhân quyền quan trọng, chẳng hạn như đòi hỏi chính quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm, tôn trọng tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, ngưng các biện pháp tra tấn, trả lại cơ ngơi mà họ đã tịch thu của các tổ chức và cộng đồng tôn giáo và sắc tộc… Xin liên lạc với chúng tôi tại: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. để chúng tôi gửi các thông tin cập nhật và hướng dẫn.

Bài liên quan:

Dự Luật Nhân Quyền VN: Gói chính sách toàn diện để bảo vệ đồng bào, thay đổi Việt Nam
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1331-2018-05-02-23-31-00

Chương trình đòi tài sản: Bắt đầu giai đoạn 2 với những tiến triển đáng kể
http://www.machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1330-2018-05-02-20-56-28

Viết một bình luận