BPSOS Tiếp Tục Hỗ Trợ Nạn Nhân Bão Ike

Ngọc Huỳnh và Tina Hồ

Thứ Bảy, ngày 13 tháng 9, 2008 bão Ike đổ bộ vào đất liền từ phía đông bờ biển thành phố Galveston, Texas lúc 2:10 sáng. Mặc dù bão Ike chỉ được liệt vào loại bão cấp hai, nhưng tốc độ gió lên đến 110 dặm một giờ và tạo ra những đợt sóng lớn được liệt vào cấp 4. Với những đợt sóng cao kỷ lục của cơn bão, gần 2,500 nhà cửa bị chìm trong nước biển và trên 1,200 căn bị thiệt hại bởi mưa giông. Đây là cơn bão nhiệt đới gây thiệt hại lớn thứ ba đã đánh vào Hoa Kỳ trong vòng 150 năm qua.

Để cứu nguy đồng hương, sau khi bão Ike đánh vào Houston và Vùng Duyên Hải Texas, văn phòng BPSOS lập tức hoạt động phục vụ cho những gia đình nạn nhân của cơn bão. Đội ngũ nhân viên BPSOS đã lập tức tiên phong tìm hiểu về thiệt hại và nhu cầu cấp bách của người dân ở Houston và những vùng vịnh miền duyên hải. Ngoài ra, để giúp những gia đình này có đủ khả năng tự túc dài hạn, chúng tôi hỗ trợ cho từng gia đình một qua những dịch vụ như: đáp ứng những nhu cầu cấp bách; hỗ trợ về mặt nhà cửa; giúp điền đơn xin trợ cấp xã hội; thu nhập thông tin về trợ cấp dài hạn; cung cấp dịch vụ pháp lý và giới thiệu đến những dịch vụ hỗ trợ khác; thông dịch và phiên dịch.

Cộng tác với Lutheran Social Services Disaster Recovery (LSSDR) và Neighborhood Centers Inc (NCI) từ tháng 8 năm ngoái cho đến hiện tại, BPSOS đã hỗ trợ cho nạn nhân bão Ike vùng Dickinson, Southeast Houston và Port Authur Tiểu Bang Texas xin được trợ cấp tổng cộng trên 4 triệu rưỡi mỹ kim. Sau đây chúng tôi xin gởi đến quý độc giả một vài thành quả điển hình gần đây nhất mà toán điều hợp viên đã đạt được trong những tháng qua.

o  0  o

Xe chúng tôi chạy vòng quanh thị xã Port Arthur một lúc rồi dừng lại tại một ngã tư. Nép mình trong một góc nhỏ nơi tiếp giáp của đường Woodworth và đường Số 5 thấp thoáng một căn nhà nhỏ lụp xụp màu bạc rất cũ kỹ đã bị bỏ hoang trong một thời gian dài mà trước đây chủ nhân của căn nhà này là anh H, một trong những vị thân chủ của anh Sean Nguyễn, Điều Hợp Viên của chương trình Hỗ Trợ Phục Hồi Đời Sống Sau Thiên Tai của BPSOS.

Tôi và Sean bước xuống xe, từ từ tiến vào bờ dậu ngay sát vệ đường để quan sát căn nhà được rõ hơn. Sean cho biết, “Khu này là một thôn nghèo và hẻo lánh nhất của thị xã Port Arthur. Đa số là dân chài người Việt.” Cảnh tượng thật hoang sơ. Nhìn thoáng qua tôi thấy quanh tường đã đóng rêu xanh, nhiều nơi nứt nẻ; cửa sổ không còn nguyên vẹn; cỏ dại đã mọc um tùm và rậm rạp.

Tôi vội lấy máy ảnh chụp lại một vài tấm để làm tài liệu. Nán lại thêm một chút, chúng tôi tiếp tục lái xe tiến vào trung tâm thị xã. Sean cho biết, “Vào thập niên 90, vùng Port Arthur này còn có tên là ‘White Flight’ – từ khi cộng đồng người Âu Mỹ dọn đi nơi khác thì vùng này đã trở thành hẻo lánh như hiện nay.” Tôi có cảm giác dường như mình đang lạc vào một nơi chốn xa xăm khi Sean với tay chỉ tôi một dãy cửa tiệm vắng tanh mà một thời gian trước đây rất ồn ào, nhộn nhịp. Lối sống sinh động ở đây đã dần dần tắt lịm, dường như chỉ còn sót lại một vài âm hưởng cuối cùng qua một vài sinh hoạt và dịch vụ công cộng của thị xã như: City Hall, Báo Port Arthur News, Sở Cảnh Sát, Viện Bảo Tàng Gulf Coast, và Sở Giao Thông.

Chuyến đi thăm chẳng may gặp phải một trận mưa rất lớn, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được khu dân cư người Việt nằm ở khoảng giữa hai con đường Gulfway và đường Số 9. Trong bao năm qua hầu hết người Việt sinh sống tại Port Arthur đều nhờ vào nghề đánh bắt tôm cua. Tuy vậy, ngoài nghề đánh bắt và chăn nuôi hải sản, tinh thần thương mại của người Việt không hề thuyên giảm và vẫn không ngừng phát triển – bất cứ nơi nào dù ở một thị xã nhỏ như Port Arthur hay chốn thành thị phồn hoa như Houston – người Việt luôn luôn vươn mình trong giới tiểu thương. Kéo dài khoảng nửa dặm dọc hai bên đường Gulfway, các hàng quán, cửa tiệm, đa số do người Việt làm chủ, mọc lên chi chít, san sát với nhau: cửa hàng tạp phẩm Minh Thanh, Khoat’s Meat, Phở Tàu Bay, tiệm vàng Kim Dung, và chợ Sàigòn. Mức thu nhập của đa số người dân ở đây chỉ liệt vào mức từ thấp đến trung bình. Đặc biệt nhất là một khu phố nhỏ nằm sau Nhà Thờ Nữ Vương Việt Nam; nơi đây người Việt địa phương sống trong điều kiện rất khó khăn: mái dột (nhiều nơi còn dùng tấm vá blue tarps); cửa sổ, cửa chính nhiều nơi bị bể nát; tường cũ kỹ; cổng ra vào chất chứa nhiều thứ ngổn ngang.

Như một tài xế taxi chuyên nghiệp, với tài ăn nói lưu loát, Sean từ từ kể lại câu chuyện của một vị thân chủ trong lúc anh vẫn giữ vững tay lái luồn lách qua những khúc đường bùn lầy chật hẹp. Vào tháng 9 năm 2009, anh H có đến nhờ Sean làm hồ sơ giúp anh xin thực phẩm; sau khi tìm hiểu sơ qua về hiện trạng, Sean liền làm đơn xin food stamp. Trong lúc làm đơn, Sean được biết nhà của H đã bị thiệt hại rất nặng do hai trận bão Katrina và Ike. Trước đây H có nộp đơn cho FEMA nhờ giúp đỡ sửa nhà, nhưng suốt 5 năm nay thật là một sự chờ đợi hoàn toàn vô ích. Vì không có nhà ở nên anh phải lang thang tìm nơi nương nấu.

Ba tháng sau trời trở lạnh – mùa Đông đã sang – H không thể nào chịu được cái lạnh cắt da này trong ngôi nhà siêu vẹo của mình và ước mong có được một nơi ấm áp để nương thân. Nghe đến đây tôi lại nghĩ tới việc mùa đông nếu trong nhà không có máy sưởi ấm, mặc dù tại Texas, thì quả thật đã phải hứng chịu một cái lạnh khắc nghiệt, huống chi phải ở trong một căn nhà đổ nát không kín gió. Chúng ta quả thật rất may mắn có được ngôi nhà ấm cúng, có người thân xung quanh tận tình giúp đỡ khi chúng ta vấp ngã. Vậy còn H thì sao? Anh không thân nhân, không bạn bè, cũng không có sự hỗ trợ nào từ phía cộng đồng, nhưng điều rất may mắn là anh đã biết tìm đến một người case manager có lòng hảo tâm như Sean.

Sean lập tức đưa H vào nhà tạm trú địa phương. Nơi tạm trú, Sean phát hiện H là người nghiện thuốc. “Thật ra trước đây tôi không nghĩ anh ta là người nghiện thuốc,” Sean cho biết. Qua sự giúp đỡ tận tình của Sean, sau đó H đã được nhận vào trung tâm cai nghiện. Nghiện ngập, tội ác, và nạn thất nghiệp chính là những yếu tố khiến nhiều gia đình không thể trở nên tự lập và tự túc, gây ảnh hưởng lâu dài và có khả năng đưa con người đến sự tự huỷ hoại bản thân. Với lời động viên và sự hỗ trợ của Sean, H đã vượt qua những tháng ngày gian nan trong trung tâm cai nghiện.

Trong tiến trình hỗ trợ cho thân chủ của mình, Sean đã gặp rất nhiều chướng ngại, nhiều khi hồ sơ dường như gần bị bác bỏ khi giúp H xin trợ cấp chính phủ. Một trở ngại lớn nhất là H chưa hề đóng thuế tài sản (property tax) trong vòng 10 năm nay. Sean tự lo lấy mọi việc, làm việc với chính quyền địa phương để giàn xếp quy trình thanh toán nợ thuế cho H. Trong khi Sean vẫn xúc tiến hồ sơ cho vị thân chủ này, thì H dọn về Houston để ở với người chú, và đã kiếm được một việc làm ổn định. Sự cố gắng không ngừng của Sean trong việc giúp đỡ cho H đã mang lại cho anh số tiền $71,343 dùng để sửa lại ngôi nhà, chuẩn bị khởi công vào tháng 9 năm nay. Không những nhà anh được sửa lại, mà anh còn nhận được một số đồ gia dụng điện trong nhà bếp như: tủ lạnh, bếp lò, và máy rửa chén.

Trên đường trở về giữa những đợt mưa mây rải rác xen lẫn một vài tia nắng yếu ớt, tôi chợt nghĩ đến hoàn cảnh phi thường đáng thương của H và chính nghị lực đã giúp anh vượt qua những gian nan ấy. Tôi bỗng nhiên cảm thấy xót xa nhưng trong lòng lại dấy lên một niềm hân hoan khó tả. Mặc dù sự cố gắng nổi bật của Sean đã mang lại niềm hy vọng, và sự hồi phục của H đã mang lại chiến thắng, nhưng tôi cảm thấy vẫn còn rất nhiều công việc khác cần tiếp tục đi làm để giúp đỡ cho những nguời kém may mắn khác đang trong tình cảnh khó khăn tương tự và cũng là để phục hưng cộng đồng tại Port Arthur.

o  0  o

Đối với nhiều người, bão Ike không khác gì một cuộc chiến khốc liệt – nước lụt, gió lốc không những đã cướp đi biết bao nhà cửa, tài sản mà còn ảnh hưởng không ít đến sức khoẻ tinh thần của nạn nhân. Điển hình là trường hợp của bà E. Tuyệt vọng sau một năm ròng rã chờ đợi sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, không còn sự chọn lựa nào khác bà E đành phải đến BPSOS nhờ giúp đỡ. Jason cho biết, “Lúc ấy bà gần như sắp bỏ cuộc, nhưng tôi thấy trong tâm khảm bà vẫn luôn nuôi lấy một tia hy vọng.” Jason hồi tưởng lại khi bà bước vào văn phòng của anh cách đây 8 tháng. Ở tuổi 74, dù ở tình trạng bất khả dụng, thiếu khả năng đi lại, bà E quả thật là một người đầy nghị lực. Với ý chí kiên định và lòng quyết tâm, bà E đã cho chúng ta thấy được hình ảnh của một người phụ nữ với tinh thần bất khuất. Dù không còn nơi nương tựa, dù đã mất đi phương hướng, dù phía trước mặt vẫn đầy dẫy chông gai, bà vẫn không hề chùn bước, và luôn cố tìm cho mình con đường đến một chân trời sáng hơn – BPSOS.

Bà E tìm đến Jason với một thỉnh cầu duy nhất, dù rằng bà đã trải qua một năm dài đầy thất vọng. Do không được giúp đỡ từ phía chính quyền, và thay vì cứ chờ đợi vô thời hạn, bà quyết định tìm đến BPSOS. Việc trước tiên bà nhờ BPSOS giúp đỡ là làm đơn xin trợ cấp sửa nhà. Không cần nghĩ ngợi nhiều, Jason liền chấp nhận lời thỉnh cầu của bà và lập tức lập hồ sơ. Ban đầu Jason đã gặp rất nhiều khó khăn khi xúc tiến hồ sơ của bà nhưng dần dần mọi việc cũng đều trôi chảy. Hàng tuần anh gọi điện thoại đến thăm hỏi, xem tình trạng của bà ra sao, có khó khăn gì không. Tuy anh rất bận rộn với công việc, nhưng vẫn cố tìm đến tận nhà bà để thăm hỏi và an ủi. Dần dần Jason rất được thân chủ của mình tín nhiệm.

Sau tám tháng kể từ khi nộp đơn xin trợ cấp sửa nhà, bà E cuối cùng cũng được trợ giúp tu sửa lại toàn bộ căn nhà. Nhà của bà có diện tích 1800 ft2, đã hoàn toàn bị phá huỷ trong trận bão Ike. Trong thời gian sửa chữa, Jason phải lo kiếm cho bà một nơi khác để tạm trú. Anh giúp bà xin được trợ cấp $3,000 để chi trả cho chi phí khách sạn, cũng như chi phí vận chuyển và thuê mướn nhà kho. Sau sáu tuần miệt mài làm việc với công ty vận chuyển, công ty cho thuê nhà kho, và thầu khoán, việc sửa chữa cuối cùng cũng được hoàn tất, và Jason đã đưa bà dọn về nơi đó. Mùi ẩm mốc trước đây giờ không còn nữa; căn nhà sáng sủa, sạch sẽ và ấm cúng; mái nhà mới, mùi sơn mới, phòng tắm mới đã gợi cho bà một cảm giác mới mẻ.

Trong khi tìm hiểu về công việc của Jason, tôi thấy anh không những đã làm hết trách nhiệm trong công việc của mình để bênh vực và đáp ứng các nhu cầu cho thân chủ, mà còn làm được nhiều điều xa hơn nữa. Anh đạt được sự tín nhiệm của bà E, một sự tín nhiệm mà chỉ có thể xây dựng được trên tình người. Từ ánh mắt, những biểu lộ trên khuôn mặt, tôi phát hiện anh là một người đầy lòng nhân ái. Tôi hỏi Jason rằng bà E có cần sự giúp đỡ nào nữa không? Anh ngập ngừng một chút rồi nói, “Bà ta rất mãn nguyện và cảm kích, nhưng tôi vẫn cảm thấy bà đáng được nhiều, nhiều hơn nữa.” Đối với những hỗ trợ viên như Jason, đôi khi cũng chỉ có thể làm việc trong phạm vi hạn hẹp của tài nguyên hiện có. Với nguồn trợ cấp hạn hẹp, chẳng mấy chốc cũng sẽ cạn kiệt, nhưng các nhân viên cũng vẫn ráng tìm cho được những đồng tiền cuối cùng để giúp cho thân chủ của mình trong việc phục hồi đời sống sau thiên tai. Tôi nghĩ một nhân viên tích cực như Jason, không cần hỏi, cũng sẽ không bao giờ mệt mỏi trên tiến trình tìm kiếm phương pháp giúp cho thân chủ của mình.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com]

 

Viết một bình luận