Tị nạn ở Thái Lan: Mừng cho chị Tuyết Nga, lo cho nghìn đồng bào khác

  • Nỗi khốn cùng của đồng bào và các thiên thần phù trợ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 26 tháng 11, 2017

http://machsongmedia.com

Mấy ngày nay nhiều người liên lạc với tôi và ngỏ ý muốn giúp chị Nguyễn Thị Tuyết Nga sau khi đọc bài viết của anh Nam Lộc: “Đoạn Trường Tuyết Nga có thua gì Đoạn Trường Tân Thanh?”. Thật tuyệt vời, tấm lòng nhân ái của những người Việt trong thế giới tự do. Chị xứng đáng để được cưu mang vì là hiện thân cho những mất mát vô bờ bến mà gia đình của những chiến sĩ bảo vệ miền Nam tự do đã phải gánh chịu.

Chỉ vài ngày nữa thôi chị sẽ ở trong vòng tay bảo bọc của cộng đồng, chấm dứt 42 năm đoạn trường. Tôi mừng cho chị, chúng ta mừng cho chị. Nhưng tôi không khỏi ái ngại cho gần 2 nghìn đồng bào xin tị nạn khác còn kẹt ở Thái Lan, và mong rằng người Việt ở hải ngoại sẽ cùng chúng tôi bảo vệ và giúp đỡ họ; nhiều cảnh đời của họ cũng bi thương lắm.

Không thể khổ đau hơn

Chào đời năm 1970, Tuyết Nga, con của một sĩ quan mũ đỏ. Năm 2 tuổi, Tuyết Nga mất cha trong mùa hè đỏ lửa. Bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Gia đình 3 mẹ con bị đuổi đi kinh tế mới ngay sau khi miền Nam thất thủ. Chẳng bao lâu sau sau, mẹ chết đuối và anh trai, chỉ hơn Tuyết Nga vài tuổi, chết vì đói và sốt rét. Một gia đình hàng xóm động lòng đã đem đứa bé gái mồ côi về nuôi.

Năm 1982, Tuyết Nga, lúc ấy 12 tuổi, theo gia đình nuôi sang lánh nạn ở Campuchia. Năm 1987 trên đường vượt biên sang Thái Lan, họ lạc mất Tuyết Nga. Bơ vơ một mình ở tuổi 17, cô bị nhóm lính Khmer Đỏ bắt và đưa lên đảo nơi đóng quân. Họ thay phiên nhau hãm hiếp cô gái Việt. Tuyết Nga mang thai và sinh con gái. Dù đang có con nhỏ, Tuyết Nga tiếp tục bị hãm hiếp bởi lính Khmer Đỏ.

Năm 1992, Tuyết Nga dắt con gái 2 tuổi trốn sang Thái Lan với hy vọng vào được trại tị nạn dánh cho thuyền nhân. Nhưng 2 mẹ con đã bị bắt cóc bởi một tổ chức hành khất. Họ bắt 2 mẹ con đi ăn xin. Sau một năm, Tuyết Nga bế con đi trốn nhưng bị một nhóm người lạ chặn bắt giữa một cánh đồng. Họ tạt át-xít vào chị và bắt đi mất đứa con gái 3 tuổi. Tuyết Nga bị mù cả đôi mắt và mặt trở thành dị dạng.

Chị Tuyết Nga tại căn phòng sống tạm do Cao Uỷ Tị Nạn LHQ sắp xếp

Nhóm người ấy bán Tuyết Nga cho một tổ chức hành khất khác. Lần này họ đưa chị sang Malaysia ăn xin. Năm 2002, thủ lãnh của tổ chức hành khất bị một băng đảng cạnh tranh thanh toán. Hai chị nấu ăn cho đám người ăn mày thương tình giúp Tuyết Nga trốn về lại Thái Lan. Nơi đây chị đi ăn xin trên các đường phố Bangkok. Năm 2016, tức 14 năm sau, có người tình cờ nghe được câu chuyện và dắt chị đến văn phòng pháp lý của BPSOS.

Tại đây, các luật sư đã tận tuỵ lập hồ sơ xin tị nạn cho chị. Cao Uỷ Tị Nạn LHQ gửi chị ở chung với một phụ nữ người Việt, lúc ấy cũng đang được luật sư của BPSOS lập hồ sơ xin tị nạn. Khoảng 1 năm sau, cả 2 chị được công nhận tư cách tị nạn, nhanh hơn bình thường vì lý do nhân đạo.

Theo nguyên tắc bảo mật, chúng tôi giữ kín thông tin về mọi hồ sơ xin tị nạn. Khi biết chị biết chắc rằng chị Tuyết Nga sắp sửa rời khỏi Thái Lan để đến nơi an toàn: Houston, Hoa Kỳ, chúng tôi mới sắp xếp để một luật sư người Thái và một cán sự xã hội người Thái tại văn phòng BPSOS đưa anh Nam Lộc đến thăm chị và người trông nom chị, chị Thu Hương, tại trại tạm giam của sở di trú Thái Lan ở Bangkok. Đó là ngày 17 tháng 11 vừa qua.

Những người còn ở lại

Cứ mỗi một đồng bào được đi định cư thì lại có cả trăm đồng bào khác tiếp tục sống vật vờ trong nỗi lo âu triền miên ở Thái Lan. Tương lai mờ mịt của họ chưa có ánh sáng ở cuối đường hầm. Trung bình một hồ sơ xin tị nạn phải mất từ 2 đến 5 năm mới có kết quả. Có trường hợp vẫn tiếp tục chờ sau 10 năm. Nếu được xét là tị nạn thì may ra mới được định cư, như trường hợp của chị Tuyết Nga. Bằng không thì tiếp tục chờ.

Họ thuộc số người đến Thái Lan xin tị nạn trong 10 năm trở lại đây, trùng với cuộc đàn áp kéo dài ở Việt Nam từ đầu năm 2007 đến nay. Năm 2008, BPSOS bắt đầu âm thầm cử các toán luật sư lưu động đến Thái Lan để giúp đồng bào lập hồ sơ xin tị nạn. Năm 2010 chúng tôi lập văn phòng pháp lý thường trực ở Bangkok. Đầu tiên chỉ có 1 nhân viên, nay đã tăng lên thành 16. Cũng trong khoảng thời gian ấy, số đồng bào lánh nạn ở Thái Lan đã tăng từ 300 lên đến gần 2 nghìn, không kể số trên 500 đã đi định cư sau khi được công nhận tư cách tị nạn.

Trong số đồng bào đang trốn tránh ở Thái Lan có không ít những người đấu tranh cho dân oan, chống Formosa, bảo vệ nhân quyền, viết blog… Và có hàng nghìn nạn nhân của sự đàn áp nhắm vào các cộng đồng người Hmong, Tây Nguyên, Khmer Krom, Công Giáo, và Tin Lành.