- Điểm nhấn trong chương trình quốc tế vận 2017-2018
Mạch Sống, ngày 9 tháng 11, 2017
http://machsongmedia.com
Trước thềm Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC, 20 dân biểu Hoa Kỳ thuộc Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hoà cùng lên tiếng yêu cầu Tổng Thống Donald Trump đặt vấn đề nhân quyền khi tiếp xúc giới lãnh đạo Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng là Ngài Tổng Thống sẽ đặt ưu tiên cho các vấn đề nhân quyền sau đây trong chuyến viếng thăm, mà theo chúng tôi sẽ xiển dương các lợi ích của người Mỹ và của nhân dân Việt Nam”, các vị dân biểu này kêu gọi.
Từ Manila, Philippines, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của BPSOS, cho biết các vấn đề nhân quyền này chính là những trọng tâm quốc tế vận của BPSOS từ nhiều năm nay: bảo vệ tự do tôn giáo, trả tự do cho các tù nhân lương tâm và bồi thường tài sản đã tịch thu của công dân Hoa Kỳ.
“Để làm đối tác xứng đáng của Hoa Kỳ, Việt Nam phải tôn trọng các cộng đồng tôn giáo độc lập và không đòi hỏi phải ‘đăng ký’, và phải ngưng ngay các hành vi tra tấn, đánh đập, bỏ tù… vì lý do tôn giáo cũng như trừng phạt các thủ phạm”, Ts. Thắng giải thích. “Văn thư của 20 vị dân biểu kêu gọi Hành Pháp Trump, trong trường hợp Việt Nam tiếp tục vi phạm quyền tự do tôn giáo, áp dụng các biện pháp chế tài có sẵn trong các luật Hoa Kỳ về bảo vệ tự do tôn giáo quốc tế.”
Vận động trả tự do cho các tù nhân lương tâm cũng là lĩnh vực trọng tâm của BPSOS từ hai thập niên qua. Năm 2014, BPSOS phát động chương trình mỗi dân biểu kết nghĩa với một tù nhân lương tâm và kiên quyết tranh đấu đòi tự do cho họ. Trường hợp Mục Sư Nguyễn Công Chính, được 2 Dân Biểu Alan Lowenthal và Bill Posey kết nghĩa, gần đây được trả tự do và định cư cùng vợ con ở Hoa Kỳ là điển hình. Chương trình kết nghĩa này đang lan rộng đến một số quốc gia khác.
Văn thư của các vị dân biểu có đính kèm danh sách 105 tù nhân lương tâm do tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) cung cấp.
“Chúng tôi sắp sửa công bố danh sách đầy đủ hơn”, Ts. Thắng cho biết. “Đây có thể là danh sách đầy đủ nhất từ trước đến giờ dù rằng chắc chắn còn thiếu những tù nhân lương tâm mà không ai hay biết đến”.
Theo Ông, việc công bố danh sách này sẽ mở đầu chiến dịch vận động trường kỳ để đòi tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm Việt Nam.
Các dân biểu kêu gọi phái đoàn của Tổng Thống Trump yêu cầu Việt Nam cải tổ khung luật hiện nay và loại bỏ các điều luật mà chế độ dùng để ngăn cản các quyền tự do tôn giáo, phát biểu, lập hội và hội họp. Chính quyền Việt Nam đã dùng các điều 79 (âm mưu lật đổ chính quyền), 87 (phá hoại chính sách đoàn kết), 88 (tuyên truyền chống nhà nước), điều 258 (lợi dụng quyền dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà Nước)… để bắt bớ những người bất đồng chính kiến hay tranh đấu đòi các quyền tự do chính đáng.
Văn thư của 20 vị dân biểu phản ảnh lời kêu gọi của BPSOS là Hành Pháp Hoa Kỳ cần bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ. Văn thư báo động cho Tổng Thống Trump biết là Thành Phố Đà Nẵng, nơi sẽ diễn ra Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC, đã và đang tiếp tục cưỡng chế đất của Giáo Xứ Cồn Dầu, một xứ đạo Công Giáo với 142 năm tuổi, mà trong đó có tài sản của nhiều người Việt tị nạn đã có quốc tịch Hoa Kỳ từ lâu.
“Việc cướp đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ bởi chính quyền Việt Nam là một hiện tượng phổ biến có thể ảnh hưởng đến nhiều chục nghìn người Mỹ”, các vị dân biểu kết luận.
Ngoài ra, văn thư còn nêu lên mối quan ngại về chính sách kiểm soát internet của Việt Nam. Mới đây Bộ Công An đưa ra đề xuất là các công ty như Facebook, Google, v.v. phải đặt máy chủ ở Việt Nam. Mới đây, công ty Volexity báo động về nhóm tin tặc, tình nghi thuộc chính quyền Việt Nam, chuyên tấn công các trang mạng Việt ngữ mang nội dung nhân quyền.
Về nạn buôn người, lĩnh vực bảo vệ nhân quyền mà BPSOS đã thúc đẩy suốt từ năm 2008 đến nay, các vị dân biểu nhấn mạnh rằng “Việt Nam là nguồn, và ở chừng mực ít hơn là điểm đến, của tình trạng buôn người theo diện tình dục và lao động”, nà kêu gọi Tổng Thống Trump đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải thực tâm giải quyết.
Ts. Thắng hiện đang cùng với nhiều thành viên của BPSOS đang có mặt ở Manila, Philippines để tổ chức Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Đông Nam Á lần III, và góp tiếng nói với các tổ chức xã hội dân sự trong khu vực để kêu gọi các chính quyền ASEAN, trong đó có Việt Nam, phải tôn trọng nhân quyền.