Dân chủ hoá Việt Nam: Hải ngoại là mặt trận đòn bẩy

  • Quốc tế vận chuyển thế, nhóm kết nghĩa tạo lực

LTS: Dưới đây là tóm lược lời phát biểu của Ts. Nguyễn Đình Thắng tại buổi gây quỹ do một số thân hữu ở St. Paul – Minneapolis, tiểu bang Minneapolis, tổ chức ngày Thứ Bảy 21 tháng 10 vừa qua để yểm trợ kế hoạch dân chủ hoá Việt Nam do BPSOS đề xướng.

Ngày 27 tháng 10, 2017

http://machsongmedia.com

Thưa Quý Vị,

Hồi nãy, trước khi chương trình bắt đầu tôi hỏi han một số quan khách đến sớm về thao thức và ước nguyện của họ giành cho quê hương và dân tộc. Họ thuộc nhiều thế hệ — trẻ có, trung niên có, và cao niên có. Điểm chung mà tôi ghi nhận là tấm lòng hướng về đồng bào, nỗi thiết tha cho một Việt Nam tự do và dân chủ, và mong muốn góp phần để đổi thay vận nước.

Chúng ta có cách để đem tự do, dân chủ đến cho dân tộc trong một tương lai gần, gần hơn mọi người nghĩ, bằng những gì ở sẵn trong tầm tay. Cách đó là biến hải ngoại thành mặt trận mang tính cách đòn bẩy để khởi động tiến trình chuyển đổi tương quan thế và lực giữa đại khối dân tộc và chế độ độc tài ở trong nước.

Mở mặt trận mới để giành thế chủ động không là điều mới.

Vây Nguỵ cứu Triệu

Cách đây 2370 năm, thời Chiến Quốc bên Tàu, nước Ngụy đưa quân chiếm nước Triệu. Triệu cầu cứu Tề. Tôn Tẫn hiến kế với vua Tề là đánh thẳng vào kinh đô Nguỵ đang bỏ ngỏ. Nguỵ phải rút quân về cứu nước để rồi bị phục kích và đánh bại ở Quế Lăng. Triệu thoát hiểm.

Theo binh pháp Tôn Tẫn, nếu bị vây khốn tại mặt trận nơi địch rất mạnh còn ta rất yếu mà lại dồn sức để “sống mái” ở đó thì là thất sách. Muốn gỡ thế bí thì phải mở mặt trận mới nơi địch bắt buộc phải đối phó và nơi ấy ta mạnh còn địch yếu.

Trong cuộc đấu tranh dân chủ, xem hải ngoại chỉ là hậu phương với vai trò yểm trợ quốc nội, nơi lực lượng của người dân còn mỏng manh và bị chế độ khống chế, là một sai lầm chiến lược. Muốn giải vây cho đồng bào trong nước, chúng ta phải mở mặt trận thứ hai ở hải ngoại, nơi chúng ta có sẵn ưu thế và nguồn lực.

Mặt trận hải ngoại

Để cứu nguy nền kinh tế lụn bại, năm 1995 Việt Nam thiết lập bang giao với Hoa Kỳ, lấy đó làm bàn đạp để hội nhập thế giới tự do. Điều này mở ra cơ hội cho tập thể người Việt tị nạn biến “sân nhà” thành mặt trận thứ hai. Nơi đây chúng ta có lợi thế là công dân của các quốc gia dân chủ mà chế độ ở Việt Nam đang cầu cạnh các lợi ích về viện trợ, mậu dịch, vay vốn, thương mại, ngoại giao, quốc phòng…

Năm 1995, BPSOS bắt đầu công cuộc quốc tế vận để dọn sân chơi mới. Một mặt, chúng tôi áp lực chế độ ở Việt Nam cam kết tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Đến nay, Việt Nam đã ký hầu hết các công ước LHQ quan trọng về nhân quyền. Mặt khác, chúng tôi vận động thêm luật nhân quyền ở Hoa Kỳ làm căn cứ để ép chế độ phải tuân thủ các cam kết của họ với quốc tế: Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998, Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người năm 2000, tu chính án về tự do tôn giáo trong Luật Phát Huy Mậu Dịch năm 2015, Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf năm 2016 và Luật Magnitsky Toàn Cầu năm 2016. Sự vi phạm sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt tập thể đối với cả chế độ hay cá nhân đối với những giới chức hữu trách.

Đầu năm 2017, chúng tôi triển khai thêm 2 nỗ lực, đều đã được chuẩn bị từ nhiều năm, để giăng thêm vòng vây ở hải ngoại: giúp các nạn nhân tra tấn đang ở Hoa Kỳ kiện các giới chức hữu trách tại toà án Hoa Kỳ, và vận động chính quyền Hoa Kỳ hỗ trợ các đòi bồi thường của người Mỹ gốc Việt cho các tài sản mà chế độ đã cưỡng đoạt của họ ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Đình Thắng, Mục Sư Joseph Vang (Hmong) và một khách tham gia yểm trợ buổi gây quỹ (ảnh FB Thanh Tâm)

Giải vây quốc nội

Năm 2012 chúng tôi chính thức mở mặt trận hải ngoại bằng các đợt vận động Quốc Hội và Hành Pháp Hoa Kỳ liên tục và gối đầu nhau.  Ngày Vận Động Cho Việt Nam, tổ chức hàng năm ở Quốc Hội, quy tụ nhiều trăm người đến từ nhiều chục tiểu bang — họ là những chiến sĩ trên mặt trận hải ngoại. Xen giữa các cuộc “tổng vận động” là những công tác vận động thu gọn ở địa phương.

Đầu năm 2016 BPSOS phổ biến kế hoạch “kết nghĩa” đã được thử nghiệm trong nhiều năm. Theo đó, từng nhóm người có lòng ở hải ngoại “kết nghĩa” với một cộng đồng đấu tranh ở trong nước – đó có thể là một giáo xứ Công giáo, một hội thánh Tin Lành, một nhóm tín đồ Cao Đài, một khối phật tử tại một chùa Phật giáo, một nhóm người dân cùng bị ảnh hưởng bởi chính sách địa phương… Đối tượng kết nghĩa là cộng đồng vì cá nhân thì không thể phát triển nội lực và mãi mãi là những chiếc đũa lẻ dễ bẻ gãy.

Sự hiệp nhất trong-ngoài thành một nhà tạo nên thế “giương cung – lắp tên”. Thành phần ở hải ngoại dùng thế công dân, luật pháp và hệ thống chính trị ở quốc gia sở tại làm điểm tựa để giương cung. Thành phần ở trong nước biến mỗi hành vi đàn áp thành mũi tên lắp vào dây cung đã căng sẵn; đó là mũi tên của sự thật về các hành vi đàn áp mà chính họ phải hứng chịu. Chế độ cáng đàn áp thì càng trao thêm nhiều mũi tên chĩa thẳng vào họ trên sân chơi quốc tế. Muốn giảm thiệt hại cho chính mình, họ phải lùi bước trong chính sách đàn áp.

Với mỗi bước lùi của chế độ, nhóm kết nghĩa ở ngoài lại bơm thêm nguồn lực để giúp cộng đồng được kết nghĩa phát triển khả năng đề kháng, lấn sân, và trụ vững để không bị đẩy lui. Đó là ứng dụng kế “vây Nguỵ cứu Triệu” để giải vây cho từng cộng đồng một ở trong nước.

Kế hoạch dân chủ hoá Việt Nam

Khi hàng nghìn cặp kết nghĩa trong-ngoài nở ra khắp đất nước Việt Nam thì người dân bắt đầu giành thế chủ động trên sân chơi quốc nội, và tiến trình dân chủ hoá sẽ diễn tiến trong hoà bình, ổn định và bền vững. Trong nhiều năm chúng tôi đã cày đất thành luống, nay tương đối đơn giản cho các nhóm kết nghĩa mỗi nhóm ươm một hạt mầm dân chủ.

Linh Mục Phê-rô Nguyễn Văn Khải chia sẻ về “Nhóm Kết Nghĩa” (ảnh FB Thanh Tâm)

Năm 2010, chúng tôi đề xướng kế hoạch 10 năm dân chủ hoá đất nước. Thời gian 5 năm đầu, 2012-2016, là giai đoạn “chuyển thế”, nghĩa là chuyển cuộc đấu tranh dân chủ từ thế bị động ở sân chơi quốc nội sang thế chủ động ở sân chơi hải ngoại. Giai đoạn này đã hoàn tất cuối năm 2016 với Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf và Luật Magnitsky Toàn Cầu, với nhiều biện pháp trừng phạt tập thể và cá nhân do vi phạm nhân quyền.

Thời gian 5 năm kế tiếp, 2017-2021, là giai đoạn “tạo lực” cho các cộng đồng ở trong nước để đẩy lùi dần vòng vây của chế độ. Song song với sự trợ giúp của nhóm kết nghĩa về tài vật lực, BPSOS đào tạo cho thành viên của các cộng đồng này về báo cáo vi phạm theo tiêu chuẩn LHQ, kỹ năng tổ chức, biện pháp tự vệ, quốc tế vận, liên kết hàng ngang trong nước và hàng dọc với quốc tế. BPSOS cũng hướng dẫn và tạo cơ hội để các nhóm kết nghĩa phát huy khả năng và thực hiện quốc tế vận; Ngày Vận Động Cho Việt Nam được tổ chức hàng năm ở Quốc Hội Hoa Kỳ là điển hình.

Nay sân chơi đã sẵn sàng, chúng tôi thiết tha kêu gọi Quý Vị nhập cuộc, mỗi người một bàn tay góp phần thay đổi đất nước như chính Quý Vị đang ước mong. Nếu sau ngày hôm nay, một nhóm kết nghĩa được hình thành ở thành phố này, thì tôi xem chuyến đi này đã thành công.

Viết một bình luận