- Biến cơ hội giao thương thành vũng lầy đối ngoại
- Cần thông tin về liên hệ kết nghĩa giữa các tiểu bang hay thành phố Hoa Kỳ với Việt Nam
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 15 tháng 8, 2107
http://machsongmedia.com
Ngày 11 tháng 7, Thống Đốc Terry McAuliffe ký thoả thuận thư (Memorandum of Understanding, viết tắt là MOU) với Bộ Ngoại Giao Việt Nam về thăm dò phát triển thương mại và mậu dịch giữa tiểu bang Virginia với TP Hà Nội và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Trị và Thái Nguyên. Lẽ ra đây là một thành quả đáng hoan hỉ cho Toà Đại Sứ Việt Nam và Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam ở Nước Ngoài trong việc thực hiện Nghị Quyết 36. Nhưng bất ngờ cho họ, chúng tôi đang chuyển thành quả này thành cơ hội để ép chế độ trả giá cho những hành vi cưỡng đoạt tài sản của “dân oan”.
Trường hợp này minh hoạ cách dùng công thức “nhóm kết nghĩa” để chuyển cuộc đọ sức từ “sân chơi” ở trong nước, nơi mà chế độ hoàn toàn khống chế người dân, ra “sân chơi” ở Hoa Kỳ, nơi mà những người Mỹ gốc Việt có lợi thế thượng phong.
Đảo thế cờ
Khi được tin tiểu bang Virginia ký MOU với Việt Nam, BPSOS đã phối hợp với 2 hãng luật chuyên về “vận động hành lang” và đòi tài sản để:
(1) Yêu cầu văn phòng Thống Đốc thẩm tra những thiệt hại gây ra cho các công dân Virginia khi tài sản của họ ở Việt Nam bị cướp trắng bởi chính quyền cộng sản;
(2) Yêu cầu văn phòng Thống Đốc Virginia ngưng triển khai MOU về thương mại và mậu dịch cho đến khi Việt Nam chấp nhận bồi thường thoả đáng cho các cư dân Virginia bị ảnh hưởng;
(3) Đề nghị Quốc Hội tiểu bang phối hợp với Thống Đốc thành lập uỷ hội tư vấn để theo dõi 2 điều trên – uỷ hội này phải gồm có đại diện của các nạn nhân, luật sư tư vấn của BPSOS, và đại diện cộng đồng người Mỹ gốc Việt sinh sống tại Virginia;
(4) Đề nghị Quốc Hội tiểu bang kêu gọi Hành Pháp, Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Hoa Kỳ áp dụng luật hiện hành để bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ bị cưỡng đoạt hay đang bị đe doạ cưỡng đoạt bởi chính quyền Việt Nam;
(5) Cảnh giác các cá nhân và công ty có ý định đầu tư hay giao dịch thương mại với Việt Nam về rủi ro bị cưỡng đoạt tài sản và rủi ro bị kéo vào các vụ kiện mà các nạn nhân có thể sẽ thực hiện với sự hỗ trợ của BPSOS.
Một bản thông cáo với nội dung như trên đã được gởi cho văn phòng Thống Đốc, toàn thể 40 thượng nghị sĩ và 100 hạ nghị sĩ của tiểu bang, và 56 phòng thương mại ở khắp Virginia.
Phản ứng ban đầu của văn phòng Thống Đốc
Ông Todd Haymore, Bộ Trưởng Thương Mại và Mậu Dịch của Virginia, đã nhanh chóng hồi đáp. Ông là người đặt bút ký bản MOU với Việt Nam. Ông bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân nhưng cho biết là luật sư tư vấn của Thống Đốc xét rằng việc can thiệp đòi bồi thường tài sản là phạm vi thẩm quyền đối ngoại của chính quyền Liên Bang; văn phòng Thống Đốc không làm được gì.
Trước lý lẽ “đẩy cây” này, chúng tôi đã trả lời bằng văn thư rằng:
(1) Khi Thống Đốc và các giới chức Virginia gặp gỡ các giới chức Bộ Ngoại Giao và cấp tỉnh thành của Việt Nam để thương thảo vấn đề thương mại và mậu dịch thì không lý do gì họ không thể nêu vấn đề bồi thường cho các người dân Virginia có tài sản bị chính quyền Việt Nam cưỡng đoạt.
(2) Khi Thống Đốc và các giới chức Virginia đối tác với Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Nam ở Nước Ngoài trong việc soạn thảo bản MOU thì không lý do gì họ không hội ý với chính các người dân Virginia bị thiệt hại để đưa vấn đề bồi thường vào bản MOU.
(3) Khi Thống Đốc và các giới chức Virginia hội ý với một số phòng thương mại hoạt động trong tiểu bang về cơ hội đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam thì không lý do gì họ không thể mời ngay chính những cư dân Virginia gốc Việt và cố vấn pháp lý của họ tham gia một hội đồng tư vấn vì chính những người này am tường tình hình ở Việt Nam hơn ai hết.
Chúng tôi đã yêu cầu buổi họp trực tiếp giữa văn phòng Thống Đốc, kể cả luật sư tư vấn của họ, và các nạn nhân bị cưỡng đoạt tài sản cùng với luật sư tư vấn của BPSOS.
Tư thế sẵn sàng
Trong kế hoạch 10 năm dân chủ hoá Việt Nam của chúng tôi, từ 2012 đến 2016 là giai đoạn 5 năm quốc tế vận để dọn “sân chơi”. Giai đoạn này đã hoàn tất khi Quốc Hội thông qua Luật Magnitsky Toàn Cầu và Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf vào tháng 12 năm ngoái. Điều này cho phép chúng tôi chuyển một phần năng lực và tài nguyên để triển khai chương trình “đòi tài sản”, mà chúng tôi đã khởi xướng năm 2013. Nhờ vậy mà chúng tôi đã sẵn sàng để khai thác bản MOU khi nó vừa được ký kết.
Từ 2013 đến đầu năm nay, chúng tôi đã thu thập được gần 100 hồ sơ để nghiên cứu và phân loại. Đây là thời gian chúng tôi giữ yên lặng để thu thập các tài liệu cần thiết ở trong nước – chúng tôi không muốn công việc bị cản chặn hay tài liệu bị tiêu huỷ. Trong số hồ sơ ấy, hơn chục là của người Việt cư ngụ ở Virginia. Đó là những hồ sơ được dùng để đặt vấn đề với Thống Đốc Virginia.
Chương trình “đòi tài sản” có 3 mục tiêu: (1) Áp lực chế độ ở Việt Nam phải chấp nhận bồi thường cho các nạn nhân đã bị cưỡng đoạt tài sản; (2) đẩy lùi nạn cưỡng chế đất đai đang diễn ra ở trong nước, (3) đe doạ kinh tế để đòi hỏi nhượng bộ về nhân quyền. Đầu năm nay, BPSOS thuê 2 hãng luật Hoa Kỳ để tư vấn và hỗ trợ cho chương trình “đòi tài sản” này. Một hãng luật thứ 3 đang nghiên cứu hồ sơ của các giáo dân Cồn Dầu kiện chính quyền Việt Nam, chính quyền Đà Nẵng và công ty Sun Group.
Công thức kết nghĩa trong-ngoài
Trong số trên chục hồ sơ ở Virginia, khoảng 1/3 là hồ sơ của giáo dân Cồn Dầu đã đến Hoa Kỳ lâu năm nhưng vẫn còn bất động sản ở nguyên quán. Hiện nay chính quyền Đà Nẵng đang áp lực để di dời 93 hộ gia đình vẫn bám đất để bảo vệ xứ đạo. Đáp trả lại, các cựu giáo dân Cồn Dầu định cư ở Virginia đe doạ triển vọng phát triển thương mại và mậu dịch của Việt Nam với tiểu bang nơi họ cư ngụ. Các cựu giáo dân Cồn Dầu này là thành viên của Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu, một “nhóm kết nghĩa” được hình thành tháng 7 năm 2010 để yểm trợ và bảo vệ cho Giáo Xứ Cồn Dầu trước chính sách giải toả trắng của chính quyền Đà Nẵng.
Ngoài ra, chúng tôi còn có hồ sơ của các cựu giáo dân Cồn Dầu nằm ở các tiểu bang Minnesota, North Carolina, Tennessee, Florida, Texas, Washington, Oregon và California. Họ có thể đánh chặn các nỗ lực của Việt Nam đi tìm lối thoát cho nền kinh tế đang trì trệ bằng những chương trình kết nghĩa với các thành phố hay phát triển thương mại và mậu dịch với các tiểu bang Hoa Kỳ.
Thực ra, các trường hợp như Cồn Dầu không ít như người ta nghĩ. Chúng tôi đang thu thập thêm loại hồ sơ như vậy.
Những bước tiếp theo
Quay lại với bản MOU về thương mại và mậu dịch giữa Virginia và Việt Nam, lên tiếng với văn phòng Thống Đốc chỉ là bước đầu. Chúng tôi đang giúp từng gia đình người Việt ở Virginia có tài sản bị cưỡng đoạt gửi văn thư yêu cầu sự can thiệp của các nghị sĩ đại diện cho họ. Các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ tiểu bang đều có trách nhiệm bảo vệ tài sản và lợi ích của cử tri. Không thực thi trách nhiệm ấy có thể sẽ là một tì vết ảnh hưởng đến cuộc tái tranh cử của họ tháng 11 năm nay.
Khi nhận được văn thư của BPSOS, Hạ Nghị Sĩ Kaye Kory (Dân Chủ, địa hạt 38) đã hồi đáp ngay: “Tôi đồng ý rằng Thống Đốc của chúng ta có thể có tư thế để hỗ trợ cho các quan tâm của BPSOS trong tình huống đáng tiếc này. Tôi đã chuyển văn thư của quý vị đến các Dân Biểu Liên Bang Connolly và Beyer và đến các Thượng Nghị Sĩ Kaine và Warner kèm với lời yêu cầu là họ hãy yểm trợ các nỗ lực của quý vị.” Bà Kory cùng Đảng Dân Chủ với Thống Đốc McAuliffe.
Để tạo thêm áp lực, chúng tôi sẽ phổ biến sự việc này đến các phương tiện truyền thông Anh ngữ trong tiểu bang và làm việc trực tiếp với một số phòng thương mại giòng chính.
Tại buổi họp với đồng hương ngày Thứ Bảy 19 tháng 8 tới đây ở trụ sở trung ương của BPSOS tại Falls Church, Virginia, chúng tôi sẽ cập nhật diễn tiến của các bước kể trên và lấy ý kiến của các cá nhân và hội đoàn trong vùng.
Kết luận
Trên đây là một ví dụ về công dụng của “nhóm kết nghĩa” trong việc chuyển “sân chơi”. Ở “sân chơi” trong nước, người dân thúc thủ trước chế độ, nhưng trên “sân chơi” của đất nước Hoa Kỳ thì tình thế đảo ngược: chúng ta có thể dùng thế công dân Hoa Kỳ để phong toả các nỗ lực mở lối thoát cho nền kinh tế ảm đạm của chế độ. Bản MOU mà chế độ vừa ký với Thống Đốc Virginia lẽ ra là một thành quả đáng kể trong việc thực hiện Nghị Quyết 36. Tuy nhiên công thức “nhóm kết nghĩa” đã đảo thế cờ.
Chúng tôi đã chuyển bản MOU ấy thành cơ hội để trình bày với các giới chức Hành Pháp và Lập Pháp của tiểu bang Virginia về tình trạng đàn áp đẫm máu để cướp đất của Giáo Xứ Cồn Dầu, về những thiệt hại gây ra cho các công dân Hoa Kỳ đang cư ngụ ở tiểu bang Virginia, về những rủi ro khi làm ăn buôn bán với một chế độ bất chấp luật pháp quốc tế, và nhiều nữa. Nếu không có “thành quả” MOU thì những người như Bộ Trưởng Thương Mại và Mậu Dịch Todd Haymore hay Hạ Nghị Sĩ Kaye Korie có lẽ đã không thể biết những điều này.
Mục đích của chúng tôi là tại buổi họp kế đến với đại diện của Việt Nam, văn phòng Thống Đốc Virginia sẽ nói với họ: “Tai hại quá, quý vị đẩy chúng tôi vào một vũng lầy chính trị ngay trong năm tranh cử.”
Lời kêu gọi
Để thực hiện Nghị Quyết 36, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã vận động kết nghĩa giữa các thành phố Hoa Kỳ và Việt Nam. Để vớt vát cơ hội phát triển thương mại và mậu dịch với Hoa Kỳ sau khi Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP bị Tổng Thống Trump xoá sổ, chế độ ở Việt Nam đang tìm các cơ hội đối tác mậu dịch và thương mại trực tiếp với các tiểu bang và thành phố Hoa Kỳ.
Chúng tôi sẽ tái lập công thức ở Virginia đến các nơi này và mong rằng những có thông tin về các quan hệ kết nghĩa hay các thoả thuận đối tác như vậy, hoặc đã hình thành hoặc đang thương thảo, thì xin cho chúng tôi biết. Xin cảm ơn.
Bài liên quan:
Công dân Mỹ kêu gọi TT Trump: Dự APEC nhưng tẩy chay TP Đà Nẵng và Sun Group
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1228-2017-06-26-16-46-30
3 trọng tâm của BPSOS cho năm 2017: bảo vệ tự do tôn giáo, chống tra tấn và đẩy lùi nạn cướp đất
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1227-2017-06-26-16-05-26
Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2017: Những kết quả nhãn tiền
http://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1230-2017-07-07-22-03-48