- Vụ cướp đất Giáo Xứ Cồn Dầu ảnh hưởng đến tài sản của công dân Hoa Kỳ
Mạch Sống, ngày 26 tháng 6, 2017
Hôm nay, 16 gia đình giáo dân Cồn Dầu là công dân hay thường trú nhân Hoa Kỳ gửi thư ngỏ để báo động Tổng Thống Donald Trump về sự phản cảm có thể dấy lên trong dư luận nếu Hội Nghị Thượng Đỉnh Hớp Tác Kinh Tế Á Châu – Thái Bình Dương (APEC Summit) năm nay được tổ chức ở Thành Phố Đà Nẵng và tại khu nghỉ dưỡng cao cấp InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Toà Bạch Ốc đã công bố là TT Trump sẽ tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh này vào trung tuần tháng 11 năm nay.
“Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, từng là nạn nhân hoặc là thân nhân của các nạn nhân của các hành vi đối đãi tàn khốc bởi chính quyền TP Đà Nẵng,” bức thư ngỏ viết.
Bức thư ngỏ kêu gọi TT Trump bảo đảm rằng Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC không diễn ra ở Đà Nẵng và không dùng bất kỳ cơ sở nào của Sun Group (Tập Đoàn Mặt Trời) để tránh tạo ngộ nhận rằng chính phủ Hoa Kỳ dung túng cho các hành vi đàn áp tôn giáo, tra tấn, giết người và cướp đất của chính quyền Đà Nẵng trong suốt bao năm qua.
Từ tháng 5 năm 2010, chính quyền Đà Nẵng dùng các biện pháp bạo lực, tra tấn, bắt bớ, tù đày… để trừng phạt các giáo dân kháng cự lại chính sách giải toả trắng giáo xứ Cồn Dầu, một giáo xứ Công Giáo toàn tòng nay đã gần 150 năm tuổi. Hơn một trăm giáo dân Cồn Dầu đã bị thương tích, trên 60 người bị bắt và tra tấn nhiều ngày, 6 người bị bỏ tù, và 1 người bị đánh đến chết. Vì sợ hãi, nhiều giáo dân đã chấp nhận dời đi khỏi quê cha đất tổ; trên 130 giáo dân đã phải chạy sang Thái Lan lánh nạn và phần lớn đã được Hoa Kỳ nhận định cư tị nạn. Tuy nhiên, 93 gia đình vẫn quyết tâm ở lại Cồn Dầu để bảo vệ giáo xứ của họ.
Tuần trước, ngày 19 tháng 6, chính quyền Đà Nẵng ra tối hậu thư cho các gia đình này: Nếu đến ngày 5 tháng 7, họ không tự ý giao nạp nhà đất thì chính quyền Đà Nẵng sẽ “kiến nghị Thủ Tướng Chính Phủ cho phép thu hồi,” nghĩa là cưỡng chế, đất đai và nhà cửa của họ.
Cuộc đàn áp Giáo Xứ Cồn Dầu ngày 4 tháng 5, 2010
Bức thư ngỏ kêu gọi TT Trump yêu cầu Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, người mà TT Trump vừa đón tiếp tại Toà Bạch Ốc, bảo đảm rằng 93 gia đình còn sót lại không bị trục xuất khỏi xứ đạo của họ. Các giáo dân Cồn Dầu cho biết rằng họ đã 3 lần tiếp xúc trực tiếp với Ông Phúc và vị Thủ Tướng Chính Phủ này biết rất rõ về những gì đang xảy ra ở giáo xứ của họ.
Theo một thông báo gần đây của BPSOS, kế hoạch vận động cho 2 năm 2017-2018 vấn đề cưỡng đoạt nhà đất của dân, mà nạn nhân là các “dân oan” và nhiều cộng đồng tôn giáo và bản địa, là một trọng tâm của cuộc tổng vận động của BPSOS cho 2 năm 2017-2018.
“Giáo Xứ Cồn Dầu là hồ sơ tiêu biểu mà chúng tôi dùng để khởi xướng nỗ lực dài hạn nhằm đẩy lùi tệ nạn chính quyền cướp đất của dân,” Ông nói. “Tệ nạn này, do chính sách đàn áp tôn giáo kết hợp với lòng tham của các quan chức, ngày càng ảnh hưởng đến nhiều cộng đồng nông dân, cộng đồng tôn giáo, và cộng đồng bản địa ở Việt Nam.”
Nhiều giáo dân Cồn Dầu từ các tiểu bang khác nhau sẽ tham gia ngày tổng vận động 29 tháng 6 tới đây do BPSOS phối hợp và tổ chức để kêu gọi sự can thiệp của Quốc Hội, Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Trong số 18 giáo dân Cồn Dầu ký tên trong Thư Ngỏ gửi TT Trump, 1/3 là nhữn g người đã có quốc tịch Hoa Kỳ trước ngày nhà và đất của họ bị chính quyền Đà Nẵng cưỡng chế.
Theo Ts. Thắng, chính sách cưỡng chế đất ở Việt Nam đã ảnh hưởng đến tài sản của rất nhiều công dân Hoa Kỳ; họ có quyền kêu gọi Hành Pháp, Lập Pháp và cả Tư Pháp Hoa Kỳ can thiệp. Ngoài ra, trong các trường hợp cướp đất mang yếu tố đàn áp nhân quyền hay yếu tố tham nhũng, họ có thể vận dụng Luật Magnitsky Toàn Cầu mà Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua cuối năm ngoái để yêu cầu chế tài cụ thể cá nhân các thủ phạm.
Theo Ts. Thắng cho biết, một luật sư đại diện cho BPSOS sẽ nêu vấn đề tài sản của công dân Mỹ bị chiếm đoạt bởi chính quyền Việt Nam tại buổi họp với một cố vấn cao cấp trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của TT Trump hôm nay.